Đặc sắc văn hóa Lễ hội Đền Bạch Mã

Thanh Chương là vùng quê có bề dày văn hóa – lịch sử với hệ thống di tích dày đặc, với tổng 457 di tích được tỉnh rà soát liệt kê, bảo vệ; trong đó có 71 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, cấp tỉnh. Di tích đền Bạch Mã từ xưa đã nổi tiếng là một trong bốn ngôi đền có quy mô, kiến trúc đẹp và linh thiêng bậc nhất của xứ Nghệ: “Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”. Nơi đây thờ danh tướng Phan Đà, vị tướng tài ba đã có công lao to lớn giúp nghĩa quân Lam Sơn trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược.

Tướng Phan Đà sinh vào những năm đầu thế kỷ XV, trong một gia đình sống bằng nghề chài lưới ven sông Lam, ở thôn Chí Linh, huyện Thổ Du (nay là thôn Khai Tiến, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương). Tuổi trẻ, Phan Đà là cậu bé thông minh, tuấn tú, giỏi võ nghệ, cung tên nên nhân dân gọi là “kỳ đồng”. Khi có giặc ngoại xâm, ông đã tập hợp nghĩa quân ngày đêm luyện tập. Năm 1418, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn (Thanh Hóa), sau đó về Nghệ An xây dựng căn cứ chống giặc Minh; Tướng Phan Đà đã đưa lực lượng gia nhập nghĩa quân Lam Sơn và cùng dân binh Võ Liệt hăng hái tham gia nhiều trận chiến đấu tiêu diệt địch. Phan Đà là vị tướng mưu lược dũng cảm xông vào trận mạc như xông vào chỗ không người”, làm cho địch nhiều phen khiếp sợ. Khi ra trận, Phan Đà thường mặc áo giáp trắng, cưỡi ngựa trắng nên nhân dân thường gọi ông bằng cái tên “Thần Bạch Mã”.

Đền Bạch Mã nằm ở xã Võ Liệt. Ảnh: Lan Anh (Trung tâm VHTT&TT huyện Thanh Chương)
Đền Bạch Mã nằm ở xã Võ Liệt. Ảnh: Lan Anh (Trung tâm VHTT&TT huyện Thanh Chương)

Trong một lần bị phục kích bất ngờ ở bờ Bắc Lam Giang, tướng Phan Đà bị thương nặng, được ngựa đưa về, gần đến Võ Liệt thì trút hơi thở cuối cùng tại Công Trung, Lai Thành (nay là thôn Trung Thành, xã Thanh Long, huyện Thanh Chương). Thi thể ông được mối vùi lấp, rất linh ứng, nhân dân đã lập miếu thờ ông.

Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi vua, xét công lao của Tướng Phan Đà, ông đã cấp tiền của, giao cho nhân dân sở tại xây dựng ngôi đền bề thế, lộng lẫy và tổ chức các nghi lễ quốc tế hàng năm; đồng thời sắc phong “Đô thiên đại đế Bạch Mã thượng đẳng phúc thần”. Về sau, các triều đại phong kiến gia phong “Thượng – Thượng – Thượng đẳng tối linh tôn thần”.

Đền Bạch Mã cũng là nơi ghi lại nhiều sự kiện lịch sử quan trọng sau này. Đáng chú ý, vào năm Quang Thuận thứ 6 (1465), đích thân Vua Lê Thánh Tông trên đường đi chinh phục phương Nam đã đến thăm đền và làm lễ tế tại đây. Năm Cảnh Hưng thứ 30 (1770), Quận công Bùi Thế Đạt đã vào làm lễ tế trên đường đi đánh giặc và do được linh ứng, nên các cuộc giao chiến của vua và quận công đều thắng lớn. Từ đó uy linh của đền càng được nổi tiếng cho đến ngày nay. Nơi đây, trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 và các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ đã trở thành địa điểm gắn liền với nhiều cuộc đấu tranh, phong trào cách mạng của nhân dân Thanh Chương.

Toàn cảnh Đền Bạch Mã. Ảnh tư liệu: Trung Hà
Toàn cảnh Đền Bạch Mã. Ảnh tư liệu: Trung Hà

Di tích đền Bạch Mã không chỉ nổi tiếng về công trình kiến trúc độc đáo, “tứ linh” vùng Nghệ – Tĩnh; nơi đây, hàng năm còn diễn ra lễ hội mang đậm giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của vùng đất Thanh Chương.

Lễ hội Đền Bạch Mã là một trong những lễ hội cổ nhất xứ Nghệ, gắn liền với sự hình thành của đền, khoảng 500 năm trước, được liệt vào hàng “Điển lễ Quốc tế” – nghĩa là lễ tế theo nghi thức nhà nước do quan triều đình làm chủ tế. Xưa, lễ tế được chủ trì theo kiểu “quốc tế”; phần hội với nhiều hoạt động văn hóa, diễn lại các tích trò về Tướng Phan Đà thông qua trò chơi vật cù, đánh trận giả, các trò chơi dân gian kéo co, chọi gà, đánh đu, cờ người, cờ thẻ, đấu võ, thi hát ca trù, thu hút đông đảo nhân dân và quan viên khắp vùng về tham dự.

Lễ rước thần trong Lễ hội Đền Bạch Mã. Ảnh tư liệu: Trung Hà
Lễ rước thần trong Lễ hội Đền Bạch Mã. Ảnh tư liệu: Trung Hà

Do điều kiện và hoàn cảnh lịch sử từng giai đoạn, nên cách thức và quy mô tổ chức Lễ hội Đền Bạch Mã có những thay đổi, nhưng cơ bản vẫn giữ được những nghi lễ thiêng liêng truyền thống. Từ năm 1994, khi di tích được xếp hạng di tích quốc gia, chính quyền và nhân dân địa phương đã khôi phục lễ hội với đầy đủ các nghi lễ như trước đây, trở thành hoạt động truyền thống hàng năm vào ngày 9 – 10/2 âm lịch. Thông qua lễ hội nhằm kết nối giữa quá khứ với hiện tại; giáo dục truyền thống yêu nước, đấu tranh giải phóng dân tộc cho các tầng lớp nhân dân; lưu giữ các sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc của quê hương; đồng thời tạo không gian cho nhân dân, du khách hưởng thụ các giá trị văn hóa, tinh thần lành mạnh, bổ ích.

Các hoạt động thể thao thu hút người dân và du khách tham gia tại Lễ hội đền Bạch Mã. Ảnh: tư liệu: Huy Thư - Mai Hoa - Trung Hà
Các hoạt động thể thao thu hút người dân và du khách tham gia tại Lễ hội đền Bạch Mã. Ảnh: tư liệu: Huy Thư - Mai Hoa - Trung Hà

Ông Đặng Văn Hóa – Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thanh Chương cho biết: Nét đặc sắc tại Lễ hội Đền Bạch Mã đó là trò chơi vật cù – được coi là trò thiêng, tái hiện lại một phần hình thức tuyển binh chống giặc Minh của vị Tướng Phan Đà. Thông qua thi vật cù để lựa chọn những chàng trai khỏe mạnh, nhanh nhẹn, có tố chất tham gia chiến đấu; đồng thời khẳng định sức mạnh đoàn kết, làm nên những thành công trong cuộc chiến bảo vệ quê hương, đất nước. Trong các nghi lễ diễn ra tại lễ hội từ lễ tế, lễ dâng hương đến lễ rước kiệu, trong cách bài trí, trang phục đội tế, động tác đi lại và các nghi lễ cúng tế đều mô phỏng phong cách, sinh hoạt cung đình… Với các giá trị văn hóa đặc sắc tiêu biểu, năm 2020, Lễ hội Đền Bạch Mã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lãnh đạo Cục Di sản, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và lãnh đạo tỉnh trao quyết định chứng nhận Lễ hội Đền Bạch Mã là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho lãnh đạo địa phương. Ảnh tư liệu: Huy Thư
Lãnh đạo Cục Di sản, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và lãnh đạo tỉnh trao quyết định chứng nhận Lễ hội Đền Bạch Mã là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho lãnh đạo địa phương. Ảnh tư liệu: Huy Thư

Lễ hội Đền Bạch Mã năm 2024 được tổ chức quy mô cấp huyện vào 3 ngày 8 – 10/2 âm lịch (tức từ ngày 17 – 19/3/2024) và không gian lễ hội được tổ chức trên địa bàn 2 xã Võ Liệt và Thanh Long với nhiều nghi thức tế lễ trang nghiêm. Cụ thể, tại đền Bạch Mã (xã Võ Liệt) tổ chức các lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ tế thần và lễ tạ. Ngoài ra, còn có lễ dâng hương tại phần mộ Tướng Phan Đà, lễ dâng hương tại Phủ Ngoại, lễ rước kiệu từ đền Bạch Mã đi qua các thôn của 2 xã Võ Liệt và Thanh Long và khai mạc lễ hội.

Lãnh đạo Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Thanh Chương kiểm tra công tác chuẩn bị Lễ hội Đền Bạch Mã năm 2024. Ảnh: M.H
Lãnh đạo Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Thanh Chương kiểm tra công tác chuẩn bị Lễ hội Đền Bạch Mã năm 2024. Ảnh: M.H

Riêng về phần hội, ngoài duy trì nét văn hóa đặc trưng riêng có của Lễ hội Đền Bạch Mã là hoạt động vật cù, huyện Thanh Chương còn tổ chức một số trò chơi dân gian: Đập niêu, ném còn, kéo co, bình thơ, xướng, họa và thư pháp. Thông qua các hoạt động này, theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Chiến – Phó Chủ tịch UBND huyện, nhằm thể hiện tinh thần thượng võ, rèn luyện sức khỏe và giữ gìn các nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Trong khuôn khổ không gian lễ hội, huyện tổ chức gian hàng giới thiệu, cung cấp các sản phẩm OCOP và đặc sản địa phương (hiện tại huyện Thanh Chương có 34 sản phẩm OCOP 3 và 4 sao), tạo điều kiện cho du khách mua sắm, thưởng thức các sản vật của quê hương Thanh Chương; đồng thời quảng bá, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhân dân địa phương.

Một số sản phẩm OCOP của Thanh Chương. Ảnh: Mai Hoa
Một số sản phẩm OCOP của Thanh Chương. Ảnh: Mai Hoa

Để tạo cho người dân và du khách được hòa vào không gian lễ hội thoải mái, vui tươi, hạnh phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: Công tác tổ chức được huyện quan tâm chỉ đạo chuẩn bị chu đáo, đảm bảo an toàn, thuận lợi cho nhân dân và du khách. Từ việc quy hoạch các khu vực tổ chức phần hội, phần lễ, khu vực bố trí các dịch vụ, bãi đỗ xe…; đến công tác tuyên truyền, hướng dẫn và đảm bảo an ninh trật tự cho du khách, giữ gìn môi trường không gian lễ hội sạch sẽ, văn minh.

Với sự chuẩn bị chu đáo của cấp ủy, chính quyền các cấp ở Thanh Chương, đến với lễ hội đền Bạch Mã năm nay, nhân dân và du khách thập phương sẽ được trải nghiệm không gian văn hóa sôi nổi, vừa mang bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang nét đặc sắc riêng của vùng đất Thanh Chương; được chiêm bái tưởng nhớ công đức Tướng Phan Đà và các tướng sĩ của ông, cầu mong mọi sự tốt lành đến với gia đình, mọi người./.