Đặc sản vùng biên Kỳ Sơn níu chân du khách
Với nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, cùng điều kiện tự nhiên đặc trưng bạt ngàn núi đồi, huyện vùng biên Kỳ Sơn (Nghệ An) sở hữu nhiều sản vật mang đậm dấu ấn vùng đất, con người nơi đây. Nhiều đặc sản đã được địa phương xây dựng thành các sản phẩm OCOP.
Đến Kỳ Sơn vào những ngày se lạnh đầu Đông, món bò giàng bên bếp lửa hồng luôn là sự lựa chọn hàng đầu của du khách. "Giàng” trong tiếng Thái có nghĩa là thịt để gác bếp. Bò giàng Kỳ Sơn từ lâu đã trở thành đặc sản nổi tiếng mà người ta mặc nhiên nhớ đến ngay mỗi khi nhắc tới mảnh đất vùng cao này.
Bò giàng đã xuất hiện từ lâu trong đời sống văn hóa của người đồng bào nơi đây. Ngày xưa, mỗi khi gia đình có sự kiện trọng đại, bà con thường mổ nhiều bò và lợn để cúng tế và thết đãi người dân bản làng. Số lượng thịt nhiều không thể sử dụng hết trong những ngày đó, lại không có tủ lạnh để bảo quản, nên bà con đã nghĩ ra cách treo từng thớ thịt lên trên ngọn lửa để hong khô, cứ thế đã tạo ra món ăn độc đáo, hấp dẫn cho đến tận ngày nay.
Tất nhiên, so với cách làm hàng chục năm trước thì hiện nay, bò giàng ở Kỳ Sơn đã được chế biến kỳ công hơn rất nhiều với vị dai ngon, mùi thơm đượm của thịt bò tươi săn lại, vị khói củi ám vào từng thớ thịt, dậy lên cái hương vị nguyên sơ của núi rừng. Hiện nay, bò giàng Kỳ Sơn đã được chứng nhận sản phẩm OCOP, đây là lợi thế để đặc sản này ngày càng được biết đến rộng rãi với người tiêu dùng trong cả nước.
Không chỉ bò giàng mà khi nhắc đến ẩm thực Kỳ Sơn, nhiều người nghĩ ngay đến món gà đen nức tiếng. Gà đen bản địa Kỳ Sơn là một trong những giống gà đặc sản của miền Trung. Thịt gà đen thơm, ngon, ngọt. Người dân nơi đây thường nuôi để sử dụng thường ngày và đặc biệt khi tiếp đón khách quý. Gà đen thích ứng với vùng núi cao, khí hậu lạnh, ăn các loại thức ăn tự nhiên như ngô, rau, củ, quả nên thịt gà đen rất bổ dưỡng và chế biến được nhiều món ngon.
Với lợi thế sẵn có, huyện Kỳ Sơn xây dựng Đề án số phát triển chăn nuôi gà đen tại xã Mường Lống. Huyện đã cấp phát 1.000 con gà giống và hướng dẫn kỹ thuật cho 10 hộ nông dân tại xã Mường Lống, cấp 2 máy ấp trứng và 2 máy phát điện để các hộ chăn nuôi nhân giống gà bản địa. Đồng thời, phối hợp với các chuyên gia và các cơ quan chức năng hỗ trợ Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Mường Lống bảo vệ thành công thương hiệu OCOP cho gà đen.
Từ thành công ban đầu, huyện Kỳ Sơn đã đề xuất Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ mở rộng quy mô chăn nuôi gà đen trên địa bàn huyện Kỳ Sơn tại các xã có thế mạnh như Huồi Tụ, Nậm Càn, Na Loi theo hướng an toàn sinh học, tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương. Gà đen là đặc sản luôn có đầu ra ổn định, đặc biệt trong những dịp lễ, Tết thì khách thường phải đặt hàng trước mới có thể thưởng thức.
Bên cạnh các món ẩm thực dân dã như bò giàng, gà đen, lợn rừng…thiên nhiên cũng đã ban tặng cho vùng đất Kỳ Sơn nhiều nông sản quý, có hương vị đặc trưng của núi rừng. Với diện tích khoảng 800ha, Kỳ Sơn được ví là thủ phủ gừng của xứ Nghệ. Từ bao đời nay, gừng đã là cây bản địa được đồng bào các dân tộc huyện Kỳ Sơn trồng trên nương rẫy, với khí hậu và vị trí địa lý đặc trưng, nên gừng sinh trưởng và phát triển tốt, hàm lượng tinh dầu cao, thơm nồng mà hiếm có nơi nào sánh được.
Được biết, sau khi gừng tươi Kỳ Sơn đạt chứng nhận OCOP 3 sao năm 2020, bên cạnh việc bán củ gừng tươi, thì các cơ sở sản xuất cũng đã chế biến thêm các sản phẩm mới từ gừng như: tinh dầu gừng, gừng lát sấy khô, bột gừng...được thị trường đón nhận.
Tại huyện Kỳ Sơn, xã Mường Lống được xem là "tiểu Sa Pa" của xứ Nghệ. Thiên nhiên đã ban tặng nơi đây cảnh sắc nên thơ với cổng trời Mường Lống nức tiếng, đây còn là thiên đường của các loại cây ăn quả như mận, đào. Trong đó, diện tích trồng mận nhiều nhất huyện với gần 30ha.
Vào mùa thu hoạch, các vườn mận tại địa phương chín đỏ, quả mọc chi chít nhìn trông rất bắt mắt và đẹp. Năng suất ước tính khoảng 30 tấn/ha. Mận Mường Lống là loại mận sạch, không phun thuốc trừ sâu, ngày càng được nhiều khách hàng ưa chuộng. Hiện nay, mận không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo mà nhiều hộ đã năng động cải tạo vườn mận thành các điểm check-in nổi tiếng để thu hút du khách.
Ông Thò Bá Rê – Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, cho biết: Là huyện vùng biên còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, thiên nhiên cũng đã ưu ái cho địa phương có nhiều sản vật nổi tiếng, đã được huyện xây dựng thành sản phẩm OCOP, có sức tiêu thụ mạnh, có thể kể đến như bò giàng, gừng tươi, tinh dầu gừng, gà đen, chè shan tuyết…Bên cạnh đó, huyện còn có những sản vật có tiềm năng lớn như khoai sọ, bí xanh, nếp nương, bò Mông…
Từ những thế mạnh đó, huyện sẽ từng bước đầu tư, phát triển mở rộng quy mô, diện tích của các nông sản, vừa tăng thu nhập cho đồng bào, khai thác tiềm năng bản địa, đồng thời tạo đòn bẩy để phát triển du lịch, đưa Kỳ Sơn đến gần hơn với du khách thập phương.