Thời sự

Đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An: Phân định rõ nhiệm vụ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm

Thành Duy - Phan Hậu 28/05/2024 12:27

Đại biểu Trần Nhật Minh, đoàn Nghệ An ủng hộ quy định tổ chức Toà án nhân dân phúc thẩm thay cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân sơ thẩm thay cho Tòa án nhân dân cấp huyện, vì phù hợp với cơ sở chính trị và cơ sở thực tiễn.

Sáng 28/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Đồng chí Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chủ trì. Đồng chí Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên họp.

bna_z5483016970467_3c469ef18843ac0c7dec09aa9a512d31.jpg
Quang cảnh phiên làm việc sáng 28/5 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Nam An

KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG QUAN HỆ GIỮA CÁC CẤP TÒA ÁN LÀ QUAN HỆ HÀNH CHÍNH

Sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), các ĐBQH đã phát biểu thảo luận.

Đại biểu Trần Nhật Minh – ĐBQH chuyên trách Đoàn Nghệ An bày tỏ sự đồng tình cao với các nội dung sửa đổi, bổ sung của Dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) trình Kỳ họp thứ 7 lần này.

bna-z5483016994488_ec9b4b4da05b4627d1e1e37029bcee8a.jpg
Các đồng chí lãnh đạo Quốc hội chủ trì, điều hành phiên làm việc. Ảnh: Nam An

Để góp phần tiếp tục hoàn thiện dự án Luật, vị đại biểu đoàn Nghệ An nêu ý kiến về hai nội dung. Trước hết, về đổi mới Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện theo thẩm quyền xét xử (quy định tại khoản 1 Điều 4). Hiện nay, dự thảo Luật đang đưa ra 2 phương án để Quốc hội xem xét, thảo luận.

Tòa án nhân dân cấp tỉnh: Phương án 1: Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (giữ nguyên như hiện hành). Phương án 2: Tòa án nhân dân phúc thẩm.

Tòa án nhân dân cấp huyện: Phương án 1: Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (giữ nguyên như hiện hành). Phương án 2: Tòa án nhân dân sơ thẩm.

Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An tại phiên làm việc sáng 28/5 ở Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quang Vinh
Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An tại phiên làm việc sáng 28/5 ở Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quang Vinh

Phát biểu tại Hội trường Diên Hồng sáng 28/5, đại biểu Trần Nhật Minh cho biết, cá nhân ông ủng hộ phương án 2 theo đề nghị của Tòa án nhân dân tối cao (quy định tổ chức Toà án nhân dân phúc thẩm thay cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân sơ thẩm thay cho Tòa án nhân dân cấp huyện), vì phù hợp với cơ sở chính trị và cơ sở thực tiễn.

Về cơ sở chính trị, vị đại biểu chuyên trách đoàn Nghệ An dẫn chủ trương tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Đại biểu Trần Nhật Minh - ĐBQH chuyên trách đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Quang Vinh
Đại biểu Trần Nhật Minh - ĐBQH chuyên trách đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Quang Vinh

Trong đó, Nghị quyết số 27 -NQ/TW đề ra nhiệm vụ trọng tâm mang tính chiến lược cần tập trung thực hiện là "đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập các Toà án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật".

“Cụ thể hoá trọng tâm này, Nghị quyết 27 chỉ rõ các nhiệm vụ, giải pháp "Hoàn thiện cơ chế để khắc phục tình trạng quan hệ giữa các cấp Toà án là quan hệ hành chính, bảo đảm độc lập giữa các cấp xét xử và độc lập của Thẩm phán, hội thẩm khi xét xử. Phân định rõ nhiệm vụ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm...", ông Trần Nhật Minh nói.

Đại biểu này nói thêm rằng, tinh thần này được xuyên suốt quá trình chỉ đạo của Đảng đối với công tác cải cách tư pháp, thể hiện trong các văn bản của Đảng. Do đó, việc lựa chọn phương án 2 chính là để cụ thể hoá các Nghị quyết, văn bản của Đảng về vấn đề này.

Tuy nhiên, qua thảo luận, vẫn còn vấn đề mà một số ĐBQH băn khoăn. Đó là việc đổi mới Tòa án nhân dân cấp tỉnh thành Toà án nhân dân phúc thẩm, Tòa án nhân dân cấp huyện thành Tòa án nhân dân sơ thẩm theo thẩm quyền xét xử nhưng nhiệm vụ, quyền hạn của các Tòa án này không thay đổi. Toà án nhân dân phúc thẩm vẫn xét xử sơ thẩm một số vụ án.

Để góp phần giải tỏa băn khoăn, vị đại biểu đoàn Nghệ An dẫn lại số liệu làm cơ sở thực tiễn củng cố căn cứ cho phương án lựa chọn của mình.

Đó là từ báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao cho thấy: "Hiện nay, Tòa án cấp huyện là nơi giải quyết, xét xử theo thủ tục sơ thẩm trên 90% vụ việc phải giải quyết của Tòa án", tức là Tòa án nhân dân cấp tỉnh chỉ xét xử theo thủ tục sơ thẩm khoảng 10%, còn lại chủ yếu là xét xử theo thủ tục phúc thẩm.

Chưa kể, nếu việc thành lập các Toà án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, thì một số lượng lớn án hành chính sơ thẩm thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp tỉnh sẽ được chuyển cho Toà án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt Hành chính xét xử.

Hơn nữa, tại Tờ trình về dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) số 191/TTr-TANDTC ngày 2/10/2023, Tòa án nhân dân tối cao đã nêu rõ: "Quy định này phù hợp với định hướng phát triển lâu dài của Toà án. Thời gian tới sẽ tiếp tục đề xuất tăng thẩm quyền cho Tòa án nhân dân sơ thẩm khi các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp sơ thẩm có đủ năng lực điều tra, truy tố, xét xử tất cả các loại vụ việc. Tòa án nhân dân phúc thẩm sẽ có nhiệm vụ chính yếu là xét xử theo thủ tục phúc thẩm”.

Theo Kế hoạch số 81/KH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai thực hiện Kết luận số 19/KL-BCT của Bộ Chính trị và Đề án định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV, Bộ luật Tố tụng Hình sự và Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân nằm trong chương trình nghiên cứu, rà soát.

Cho nên, việc Tòa án nhân dân phúc thẩm (nếu phương án này được Quốc hội thông qua) vẫn xét xử sơ thẩm một số vụ án chỉ là bước quá độ trong quá trình thực hiện các mục tiêu đến năm 2030 của Nghị quyết 27.

“Do đó, theo tôi việc đổi mới Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện theo thẩm quyền xét xử như đề xuất của Tòa án nhân dân tối cao trong giai đoạn hiện nay là phù hợp” - đại biểu Minh phát biểu.

ĐẢM BẢO QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN CÔNG DÂN CỦA BỊ CÁO, ĐƯƠNG SỰ

Về quy định tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa (Điều 141), dự thảo Luật hiện đưa ra 2 phương án.

Người tham dự phiên tòa, phiên họp phải tuân thủ các quy định của pháp luật và nội quy phiên tòa, phiên họp.

* Phương án 1 (khoản 3 và khoản 4):

3. Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử tại phiên tòa, phiên họp phải được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa; việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên tòa, phiên họp thì phải được sự đồng ý của họ và sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa, phiên họp. Việc ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định.

4. Tòa án tiến hành ghi âm lời nói, ghi hình ảnh toàn bộ diễn biến phiên tòa, phiên họp trong trường hợp cần thiết để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn. Việc sử dụng, cung cấp kết quả ghi âm lời nói, ghi hình ảnh diễn biến phiên tòa được thực hiện theo quy định của pháp luật. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết khoản này.

* Phương án 2: Không quy định khoản 3 và khoản 4 (thực hiện theo quy định của các luật tố tụng và pháp luật có liên quan).

Đại biểu Trần Nhật Minh bày tỏ cơ bản tán thành phương án 1 vì một mặt, khắc phục được bất cập của các luật tố tụng hiện hành; mặt khác đáp ứng 2 yêu cầu đặt ra đối với hoạt động thông tin tại phiên tòa.

Một là, không được làm ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân của bị cáo, đương sự và những người tham gia tố tụng khác. Theo quy định tại Điều 31 Hiến pháp “Một người chỉ bị coi là có tội cho đến khi có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.

Theo đó, kể cả khi đã bị đưa ra xét xử thì bị cáo vẫn chưa bị coi là người có tội, do đó phải đối xử với họ như người chưa có tội. Đối với vụ án dân sự, ly hôn hoặc kinh doanh thương mại, liên quan trực tiếp đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh.

Quá trình chứng minh tại phiên tòa, các thông tin được các bên đưa ra đều chưa được kiểm chứng. Các thông tin này phải được Hội đồng xét xử đánh giá và kết luận trong bản án. Do đó việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa phải tuân theo quy định chặt chẽ của pháp luật và phải bảo đảm quyền con người, quyền công dân của bị cáo, đương sự.

Hai là, không được làm ảnh hưởng đến hoạt động xét xử, phải bảo đảm để Hội đồng xét xử toàn tâm, toàn ý cho công việc xét xử.

Để quán triệt đầy đủ 2 yêu cầu nêu trên, đại biểu cho rằng không chỉ đối với hoạt động ghi hình như thể hiện trong dự thảo, mà đề nghị bổ sung cụm từ “ghi âm” vào đoạn cuối khoản 3. Cụ thể như sau: “… Việc ghi âm, ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định”./.

Đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An: Phân định rõ nhiệm vụ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO