Thời sự

Đại biểu Thái Thị An Chung góp ý 4 nội dung vào dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)

Thành Duy - Phan Tú 22/10/2024 18:53

Chiều 22/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

bna_6c637355701ec840910f.jpg
Quang cảnh phiên làm việc chiều 22/10 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Nam An

Phát biểu thảo luận về dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An bày tỏ cơ bản thống nhất cao với báo cáo tiếp thu giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

“Dự thảo Luật đã tiếp thu nhiều ý kiến của các ĐBQH, các đoàn ĐBQH và các cơ quan, tổ chức khác; đồng thời những nội dung góp ý chưa được tiếp thu thì cũng đã được giải trình một cách thấu đáo, kỹ lưỡng”, vị ĐBQH đoàn Nghệ An nói.

Để hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Thái Thị An Chung góp ý thêm 4 nội dung.

Trước hết, về nghiêm cấm hành vi mua bán bào thai, vị đại biểu đoàn Nghệ An cho rằng, đây là một thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người, tuy nhiên, thời gian qua chúng ta gặp nhiều khó khăn trong vấn đề xử lý. Đối tượng phạm tội thường tìm đến những phụ nữ đang mang thai là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa để dụ dỗ ra nước ngoài sinh con rồi bán lấy tiền hoặc đổi các hiện vật khác.

Việc thỏa thuận này bản chất là tiền đề của việc mua bán trẻ em, tuy nhiên, việc xử lý đối tượng gặp khó khăn do Bộ luật Hình sự chưa có quy định. Do vậy, để tạo cơ sở pháp lý cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ quyền lợi của trẻ em thì việc bổ sung quy định tại khoản 2, Điều 3 nghiêm cấm hành vi “thỏa thuận mua bán người từ khi còn là bào thai” trong dự thảo Luật trình Kỳ họp thứ 8 là hết sức cần thiết, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

“Quy định này sẽ góp phần quan trọng trong việc đấu tranh với tội phạm mua bán trẻ em từ khi còn là bào thai trong bụng mẹ và phù hợp với quy định của Công ước Quốc tế về quyền trẻ em, đó là bảo vệ trẻ em ngay từ khi còn trong bụng mẹ”, đại biểu Thái Thị An Chung nhận định.

Tuy nhiên, theo đại biểu, trên thực tiễn việc mua bán bào thai có thể nhằm mục đích mua bán trẻ em sau khi được sinh ra nhưng cũng có thể nhằm những mục đích khác. Quy định trong dự thảo Luật lần này đã xử lý được hành vi mua bán bào thai nhằm mục đích mua bán trẻ em nhưng chưa xử lý được hành vi mua bán bào thai không nhằm mục đích mua bán trẻ em.

ĐBQH Thái Thị An Chung (Nghệ An)
Đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Nam An

Bộ luật Hình sự có quy định tội phạm đối với hành vi mua bán, chiếm đoạt mô, hoặc bộ phận cơ thể người tại điều 154 nhưng thai nhi không phải là bộ phận cơ thể người. Do đó, đại biểu đề nghị nên bổ sung thêm quy định “nghiêm cấm mua bán bào thai người” tại khoản 2, Điều 3 như dự thảo Luật tại phiên họp chuyên đề của ĐBQH chuyên trách lần thứ 8; đó là “nghiêm cấm mua bán bào thai người; thỏa thuận mua bán người từ khi còn là bào thai”.

Đồng thời, đại biểu Thái Thị An Chung cũng đề nghị nên bổ sung vào Điều 2 dự thảo Luật về giải thích từ ngữ thế nào là “bào thai” để việc triển khai, áp dụng luật trong thực tiễn được thống nhất, thuận lợi.

Về thủ tục tiếp nhận, xác minh người đến trình báo là nạn nhân, Khoản 1, Điều 27 dự thảo Luật quy định : “Người nào có căn cứ cho rằng mình là nạn nhân hoặc người đại diện hợp pháp có căn cứ cho rằng, người được họ đại diện là nạn nhân thì đến Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển hoặc cơ quan, tổ chức nơi gần nhất trình báo về việc bị mua bán. Cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, cơ quan, tổ chức tiếp nhận trình báo có trách nhiệm chuyển ngay người đó đến Ủy ban nhân dân cấp xã mà cơ quan, tổ chức có trụ sở”.

Theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Nghệ An: Việc gộp chung quy định thủ tục tiếp nhận người đến trình báo là nạn nhân và thủ tục tiếp nhận người đến trình báo là người đại diện hợp pháp của nạn nhân là một là chưa phù hợp; qua đó đề nghị sửa đổi quy định này để đảm bảo chính xác, chặt chẽ hơn.

Khoản 1, Điều 54 của dự thảo Luật quy định Bộ ngoại giao có nhiệm vụ: “Chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị chức năng, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài triển khai công tác phòng, chống mua bán người và thực hiện công tác bảo hộ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài là công dân Việt Nam;…”.

Theo đại biểu Thái Thị An Chung: Việc quy định như vậy mới chỉ thể hiện được trách nhiệm của Bộ ngoại giao trong việc bảo vệ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân đối với công dân Việt Nam bị bán ra nước ngoài.

Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều trường hợp nạn nhân bị mua bán ở nước ngoài về bản chất là người Việt Nam nhưng không có quốc tịch Việt Nam vì chưa được đăng ký khai sinh và xác định quốc tịch (nguyên nhân có thể là do bị mất hết giấy tờ hoặc không có giấy tờ xác định được mình là công dân Việt Nam; do bị mua bán từ nhỏ hoặc từ khi còn là bào thai…) thì chưa được bảo vệ. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung quy định này.

Bên cạnh đó, theo đại biểu, thực tế nạn nhân của hành vi mua bán người là công dân Việt Nam (người mang quốc tịch Việt Nam), người nước ngoài (người mang quốc tịch của quốc gia khác hoặc người Việt Nam nhưng có quốc tịch nước ngoài) và cả người không quốc tịch.

Tuy vậy, hiện nay, trong các quy định của dự thảo Luật mới chỉ có quy định về việc xử lý đối với nạn nhân người có quốc tịch Việt Nam và quốc tịch nước ngoài nhưng chưa có cơ chế xử lý, giải quyết đối với nạn nhân là người không có quốc tịch.

Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định giải quyết đối với người không quốc tịch là nạn nhân của nạn mua bán người, bổ sung chế độ hỗ trợ đối với người đang trong quá trình xác định là nạn nhân là người không quốc tịch.

Đại biểu Thái Thị An Chung góp ý 4 nội dung vào dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO