Đại biểu tranh luận: Chung thân không giảm án ‘chưa chắc đã nhân văn hơn tử hình’
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) cho rằng, áp dụng hình phạt chung thân không giảm án “chưa hẳn đã nhân văn hơn mức án tử hình”.
Quốc hội sáng 27/5 thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.
Trong đó, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) kiến nghị cần cân nhắc việc áp dụng hình phạt chung thân không giảm án thay cho khung hình phạt tử hình của 8/18 tội danh theo dự thảo luật đề xuất. Bởi vì, theo bà Dung, hình phạt này "chưa hẳn nhân văn hơn mức án tử hình".
Nữ đại biểu phân tích: Người tử hình còn được quyền xin đặc xá, ân xá của Chủ tịch nước và có thể được giảm xuống chung thân. Trong quá trình thi hành án chung thân, họ còn được cơ hội giảm án tiếp nếu chấp hành tốt. Tuy nhiên, với án chung thân không xét giảm đồng nghĩa với việc người chịu án không được đặc xá, ân xá và xác định phải ở tù suốt đời.

“Việc này có tác động lớn đối với điều kiện cơ sở vật chất nơi giam giữ, khi xác định số lượng phạm nhân chỉ có tăng lên chứ không giảm. Đồng thời, việc này cũng tạo áp lực lớn đối với lực lượng thi hành án” - bà Dung nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, theo đại biểu đoàn Long An, việc áp dụng hình phạt chung thân không giảm án sẽ mất đi ý nghĩa giáo dục, cải tạo, cải biến và cải huấn phạm nhân trong trại giam.
“Những phạm nhân án chung thân không xét giảm hiểu rằng cả đời ở trong tù, xác định không có cơ hội trở lại đời sống cộng đồng nên có thể phát sinh việc chống đối, quậy phá, không tham gia lao động, giả ốm đau, phát sinh hành vi, ý nghĩ tiêu cực..." - đại biểu lý giải.

Đồng tình với nhận định của đại biểu Dung, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cũng cho rằng hình phạt này không cần thiết, bởi hình phạt chung thân hiện tại đã có ý nghĩa là "suốt đời" nếu phạm nhân không cải tạo tốt.
Theo ông Nghĩa, mức chung thân hiện nay cũng đã bao hàm ý nghĩa giáo dục, bao gồm khả năng được giảm án, hoàn lương, gặp lại người thân, làm lại cuộc đời nếu như phạm nhân cải tạo tốt hoặc lập nhiều công lớn.
"Chung thân không giảm án xóa đi hy vọng được giảm án. Trong văn hóa Việt Nam, tạo ra hy vọng hoàn lương là một chính sách, yêu cầu, quan niệm nhân văn, điển hình như thành ngữ 'đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại'” - đại biểu TPHCM nhấn mạnh.
Do đó, theo ông Nghĩa, chung thân không giảm án vừa giao cho Nhà nước trách nhiệm nuôi sống và bảo vệ phạm nhân suốt đời, vừa xóa hy vọng hoàn lương của họ và gia đình họ. Do đó, án này không có tác dụng tích cực cho sự cải tạo của phạm nhân.