Đại đội lính dù Anh và 56 ngày trong vòng vây Taliban
Mới đây, kênh Channel 4 của Anh đã làm bộ phim tài liệu công phu về một đại đội lính dù Anh đã chiến đấu đến cùng trong vòng vây của khoảng 500 phiến quân Taliban ở Afghanistan cách đây 10 năm.
Trận chiến bắt đầu từ ngày 23/8/2006, khi đại đội lính dù E gồm 88 thành viên của quân đội Hoàng gia Anh được trực thăng Chinook thả xuống căn cứ Musa Qala ở tỉnh Helmand của Afghanistan để thay thế cho đơn vị đồn trú Đan Mạch thuộc liên quân NATO giữ gìn an ninh ở khu vực xa xôi này.
Lính Đan Mạch chiến đấu chống Taliban ở căn cứ Musa Qala
Có vẻ như phiến quân Taliban trong vùng đã rất vui khi thấy quân Đan Mạch rút đi cùng hơn 40 xe thiết giáp, 8 khẩu súng máy hạng nặng và 12 đội quân y được trang bị xe cứu thương bọc thép. Đại đội E đến thay thế chỉ có hai khẩu súng máy hạng nặng, một bác sĩ, hai y sĩ và một chiếc xe địa hình 4 bánh.
Tồi tệ hơn, những tay súng mang tên lửa vác vai luôn rình rập quanh các ngôi làng xung quanh căn cứ, khiến việc yểm trợ hỏa lực bằng trực thăng vô cùng nguy hiểm, trong khi quân tiếp viện không bao giờ được cử đến, mà không rõ lý do vì sao. Khi các gián điệp Taliban thông báo về sự giảm sút lực lượng thiết giáp và hỏa lực hạng nặng bên trong căn cứ Musa Qala, các thủ lĩnh phiến quân dường như đã cảm nhận được một chiến thắng dễ dàng.
Ngay sau đó, trung sĩ tham mưu Ian Wornham khi dò sóng liên lạc bộ đàm của Taliban đã bắt được những thông điệp đầy lo ngại. "Chúng nói với nhau về việc uống trà trong sở chỉ huy của chúng tôi lúc mặt trời mọc, nghĩa là chúng sẽ giết bất cứ ai trên đường tiến công", Wornham kể lại.
Một kết cục tồi tệ hơn nữa cho các binh sĩ Anh đồn trú là việc bị phiến quân bắt sống, và có nguy cơ cao bị chặt đầu, quay video và tung lên YouTube. "Đã có lúc tôi gần như suy sụp. Tôi thà bị trúng đạn cối còn hơn. Tôi nhớ lúc đó mình đứng trong căn cứ, chân rung bần bật", lính bắn tỉa Jared Cleary nói.
Taliban huy động hàng trăm tay súng để tấn công vào căn cứ. Ban đầu, phiến quân áp dụng chiến thuật đánh vỗ mặt, xung phong ào ạt, hết đợt này đến đợt khác, nhằm chiếm căn cứ nhanh nhất có thể.
Musa Qala nằm ở khu vực xa xôi thuộc tỉnh Helmand, miền nam Afghanistan. Đồ họa: AFP |
Đã có lúc, phiến quân áp sát căn cứ đến mức chúng có thể ném lựu đạn qua những bức tường vào bên trong. "Tôi chưa từng đối mặt với trận chiến nào như thế. Nó cực kỳ căng thẳng, và không phải từ một hướng. Chúng tấn công từ mọi phía, vào mọi lúc", Wornham, người đã từng chinh chiến 20 năm, cho biết.
"Bạn phải nổ súng bắn trả, nhưng cứ một tên bị bắn gục, tên khác lại xuất hiện, khiến bạn phải tự hỏi sẽ còn đối mặt với bao nhiêu kẻ địch nữa đây", trung sĩ Freddie Kruyer, nói tiếp. "Chúng không phải là kẻ địch bình thường. Thế nên tôi nghĩ, sẽ dành cho mình một viên đạn cuối cùng, nếu như chúng tràn vào căn cứ".
Cơ hội sống sót của các binh sĩ Anh bên trong căn cứ sơ sài này là vô cùng mong manh. "Chúng tôi hoàn toàn đơn độc. Căn cứ này rất dễ bị mất hoàn toàn", thiếu tá lính dù Adam Jowett, đại đội trưởng đại đội E, hồi tưởng.
Chiến đấu đến cùng
Hứng chịu thương vong nặng nề từ hỏa lực súng cối chính xác của Groves, phiến quân Taliban thay đổi chiến thuật, bắt đầu chuyển sang tấn công tầm xa bằng đạn cối, rocket và súng bắn tỉa, khiến đại đội E phải hứng chịu thương vong đầu tiên.
Khẩu đội súng cối do hạ sĩ Groves chỉ huy trong căn cứ Musa Qala. Ảnh: C4 |
Viên đạn bắn tỉa của phiến quân đã trúng vào khe hở trên áo giáp của hạ sĩ thông tin Jon Hetherington, khiến anh này hy sinh tại chỗ vào ngày 27/8. "Cậu ấy đứng ngay cạnh tôi trên nóc sở chỉ huy", Jowett kể lại giây phút cấp dưới của mình trúng đạn.
Tuy nhiên, họ không có thời gian để than khóc. "Thật lạ, chúng tôi biết cậu ấy đã chết, nhưng cũng biết rằng cậu ấy sẽ ổn và chúng tôi sẽ đưa cậu ấy ra khỏi Musa Qala. Chúng tôi lại tiếp tục vào vị trí và chiến đấu", viên thiếu tá nói.
"Ban đầu chúng tôi đều nghĩ tại sao Jon phải chết. Nhưng chúng tôi phải vượt qua điều đó, và không thể ngừng lại hay rúc vào một xó. Chúng tôi phải chiến đấu chống lại chúng, điều đó đã ngấm vào máu những người lính dù chúng tôi", Wornham khẳng định.
Chưa đầy một tuần sau, một quả đạn cối của phiến quân rơi trúng vào vị trí quan sát của hai người lính khác trong đại đội, khiến một người chết tại chỗ, một người bị thương nặng và qua đời sau đó không lâu.
Thực phẩm dự trữ dần cạn kiệt, và đại đội E đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, nhưng vẫn quyết chiến đấu đến cùng. Taliban đáp trả bằng những cơn bão lửa từ hỏa lực rocket và súng cối. Mỗi khi leo lên nóc nhà để cảnh giới và bắn tỉa, các lính dù Anh đều gật đầu chào nhau như thể đó là lần cuối cùng họ nhìn thấy nhau.
Đến 11/9, Taliban được tăng viện lực lượng và đạn dược, nâng tổng số tay súng tham gia cuộc tấn công lên 500, và số phận căn cứ Musa Qala dường như đã bị định đoạt. Cả hai bên đều đã chuẩn bị sẵn sàng cho đợt tấn công tổng lực cuối cùng.
Hai lính bắn tỉa của đại đội E bảo vệ căn cứ Musa Qala. Ảnh: C4 |
Đúng lúc đó, một diễn biến bất ngờ xảy ra. Các bô lão trong vùng sau khi chứng kiến làng mạc của mình bị phá hủy trong suốt gần hai tháng giao tranh ác liệt, đã thuyết phục phiến quân ngừng bắn. Họ thu xếp để thiếu tá Jowett rời căn cứ, gặp mặt thủ lĩnh phiến quân để bàn biện pháp chấm dứt đổ máu.
Sau cuộc đàm phán, Taliban đồng ý rút quân, và đại đội E đóng quân ở căn cứ Musa Qala thêm một tháng, trước khi được các bô lão bố trí cho họ rút quân an toàn trên một đoàn xe tải chở gia súc tới điểm hẹn với hai trực thăng Chinook vào ngày 14/10.
Trận chiến Musa Qala kết thúc. Đại đội E đã chiến đấu kiên cường trong suốt 56 ngày liên tục, bắn hết 1/4 số đạn dược mà toàn bộ lực lượng quân sự Anh ở Afghanistan sử dụng trong một năm. 10 năm sau, vào tháng 2/2016, Taliban đã chiếm lại được thị trấn nhỏ này từ tay quân đội Afghanistan.
Theo VNE
TIN LIÊN QUAN |
---|