P.V: Ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh đang đến gần, anh có thể chia sẻ về đặc điểm tình hình cũng như vai trò và các hoạt động ý nghĩa của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh tỉnh Nghệ An đối với quê hương trong thời gian vừa qua?
Anh Trần Linh: Đội TNTP Hồ Chí Minh được thành lập vào ngày 15/5/1941, tại thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Đội TNTP Hồ Chí Minh là tổ chức của thiếu nhi Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam sáng lập, được Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phụ trách. Đội TNTP Hồ Chí Minh ra đời nhằm tập hợp thiếu nhi vào một tổ chức thống nhất từ Trung ương đến địa phương dưới sự hướng dẫn, phụ trách của Đoàn Thanh niên, giáo dục các em theo tinh thần cách mạng và coi các em là một lực lượng cách mạng. Đội luôn là tổ chức nòng cốt trong các phong trào thiếu nhi, là lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường, là lực lượng dự bị của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Nghệ An hiện có gần 430.000 đội viên, thiếu niên, nhi đồng, sinh hoạt tại 905 Liên đội trên toàn tỉnh. Những năm qua, công tác chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng luôn được các cấp bộ Đoàn, Đội trong toàn tỉnh quan tâm, tổ chức theo hướng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chính đáng của các em, góp phần tạo điều kiện cho thiếu niên, nhi đồng được rèn luyện, phát triển toàn diện.
Tiếp bước 82 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, Đội TNTP Hồ Chí Minh tỉnh Nghệ An luôn tích cực rèn luyện, phấn đấu không ngừng trong công tác chăm lo bồi dưỡng, giáo dục thiếu niên, nhi đồng. Trong thời gian qua, Hội đồng Đội tỉnh đã phát động nhiều cuộc vận động và phong trào như “Vì đàn em thân yêu”; “Thiếu nhi Việt Nam thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy”; “Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam”… thông qua tổ chức các chương trình như “Tết ấm cho em”, “Đêm hội trăng Rằm”, “Ngày hội thiếu nhi vui khỏe – Tiến bước lên Đoàn”, “Tuyên dương thanh thiếu nhi dân tộc thiểu số”,… tổ chức các sân chơi, cuộc thi nhằm nâng cao kỹ năng thực hành xã hội cho thiếu nhi; quan tâm, xây dựng nhiều công trình, khu vui chơi dành cho thiếu nhi.
Đặc biệt, phong trào “Nghìn việc tốt” đã động viên, cổ vũ thiếu niên, nhi đồng phấn đấu học tập, rèn luyện và tham gia các hoạt động xã hội để trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ. Đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động, xây dựng tổ chức Đội TNTP Hồ Chí Minh ngày càng vững mạnh. Năm qua, trong tổng số 23 triệu việc làm tốt của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Nghệ An đã đóng góp hơn 2 triệu việc làm tốt được tích lũy trên ứng dụng “Làm việc tốt” – một ứng dụng dành riêng cho các em thiếu nhi có tích hợp rất nhiều tính năng giúp các em thi đua học tốt, khỏe mạnh, đọc sách mỗi ngày, bảo vệ môi trường, chia sẻ yêu thương và rèn luyện kỹ năng. Đặc biệt, trong năm học 2021-2022, các cơ sở Đội toàn tỉnh thực hiện 950 công trình măng non cấp liên đội, 5.271 công trình măng non cấp chi đội.
P.V: Trong bối cảnh hiện nay, việc giáo dục và rèn luyện cho trẻ em những phẩm chất đạo đức, văn hóa, lối sống lành mạnh đã trở nên cực kỳ cần thiết. Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh có vai trò gì trong công tác này và việc thực hiện vai trò đó tại Nghệ An đã được triển khai ra sao?
Anh Trần Linh: Không chỉ trong bối cảnh hiện nay, mà trong bất cứ thời đại nào, tôi cho rằng, giáo dục và rèn luyện cho trẻ em những phẩm chất đạo đức, văn hóa và lối sống lành mạnh là việc làm hết sức cần thiết. Đội TNTP Hồ Chí Minh có vai trò giáo dục đạo đức, chính trị, tư tưởng và lối sống cho thiếu nhi.
Tại tỉnh Nghệ An, trong những năm qua, Hội đồng Đội các cấp đã phát huy vai trò giáo dục, rèn luyện cho trẻ thông qua tổ chức các hoạt động theo hướng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chính đáng của các em, giúp các em rèn luyện đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xã hội, góp phần giúp các em phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ.
Nổi bật trong hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ em của tổ chức Đội là việc đổi mới nội dung, hình thức hoạt động của Đội theo hướng phù hợp với tâm lý lứa tuổi, góp phần đáp ứng nhu cầu học tập, vui chơi, giải trí và chăm sóc trẻ em. Nhiều phong trào, hoạt động thiết thực như: “Kế hoạch nhỏ”, “Học kỳ quân đội”, “Đàn gà khăn quàng đỏ”… đã tác động sâu sắc đến từng đội viên, thiếu nhi, giáo dục tinh thần hướng về cội nguồn, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, quê hương và gia đình, giúp các em hình thành phẩm chất, nhân cách, lối sống tốt đẹp. Bên cạnh đó, các Liên đội tổ chức lồng ghép các hoạt động giáo dục truyền thống trong các giờ sinh hoạt sao nhi đồng, sinh hoạt Đội với nhiều cách thức mới, tổ chức đưa các nội dung giáo dục truyền thống vào các ấn phẩm của Đội dưới dạng sách, báo, clip để phát rộng rãi đến các Liên đội…
Thực hiện phương châm “Học mà chơi, chơi mà học”, Hội đồng Đội tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động mang tính giáo dục cao, tạo ra các sân chơi bổ ích, lành mạnh, khích lệ sự phát triển năng khiếu, thể chất, trí tuệ, sự năng động, sáng tạo của các em, như thi “Hội thi Tin học trẻ”, “Sáng tạo cùng Codekitten”, cuộc thi “Viết thư quốc tế UPU”, cuộc thi vẽ tranh,… đồng thời, chỉ đạo Hội đồng Đội các cấp đẩy mạnh phong trào thể dục, thể thao, tổ chức hội trại cho thiếu nhi tại đơn vị.
P.V: Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh cần thay đổi, cải tiến và phát triển những hoạt động gì để có thể đáp ứng tốt hơn các nhu cầu giáo dục và rèn luyện cho trẻ em trong sự thay đổi của xã hội hiện nay?
Anh Trần Linh: Giáo dục thời đại mới luôn mong muốn kiến tạo nên đội ngũ thiếu nhi hội tụ đầy đủ các yếu tố về phẩm chất, năng lực, cân bằng giữa học tập và kỹ năng xã hội. Tuy nhiên, phải nói rõ về thực trạng giáo dục hiện nay tại tỉnh Nghệ An, khi chương trình học quá nặng, gò bó các em và hạn chế việc thúc đẩy tham gia các hoạt động ngoại khóa.
Chính vì vậy, Đội TNTP Hồ Chí Minh cần tăng cường sự phối hợp linh hoạt giữa các đơn vị giáo dục, để vận hành bộ máy chăm sóc thiếu nhi vừa học tốt, vừa rèn luyện chăm. Bên cạnh đó, quan tâm tổ chức các hoạt động, cuộc thi liên quan đến các lĩnh vực về khoa học – công nghệ, công nghệ thông tin, ngoại ngữ, chuyển đổi số cho thiếu nhi; đặc biệt, bên cạnh quan tâm về sức khỏe thể chất cần phải chú trọng đến sức khỏe tinh thần của thiếu nhi để trẻ em có thể phát triển toàn diện nhất.
P.V: Nghệ An là tỉnh có diện tích miền núi khá lớn, vậy thời gian qua, Hội đồng Đội đã dành sự quan tâm đặc biệt tới các em thiếu nhi vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như thế nào?
Anh Trần Linh: Nghệ An có tổng 421 Liên đội thuộc 11 huyện, thị miền núi của tỉnh. Thời gian qua, cùng với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị, xã hội, Hội đồng Đội các cấp trong tỉnh đã có nhiều chương trình, hoạt động nhằm đồng hành, chia sẻ với các em thiếu nhi nơi đây.
Nhiều đơn vị đã thành lập các đội thanh niên tình nguyện giúp đỡ bà con nhân dân, tổ chức các hoạt động ý nghĩa như: Trao tặng quà cho học sinh nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng sân chơi cho người dân và đoàn viên, thanh niên; khám, tư vấn bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho các em. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng sân chơi cho các em nhỏ, hỗ trợ cơ sở vật chất học tập và thư viện cũng như thiết bị giảng dạy tại các trường học khó khăn.
Đơn cử như Hội đồng Đội tỉnh đã tổ chức Chương trình “Kết nối tri thức” – hỗ trợ máy vi tính trang bị phòng Tin học cho thiếu nhi vùng cao, trong đó, trao tặng 50 máy vi tính hỗ trợ trang bị phòng Tin học cho Trường Tiểu học và THCS Nậm Nhoóng, huyện Quế Phong và Trường Tiểu học Môn Sơn, huyện Con Cuông; Hỗ trợ 20 thiết bị học trực tuyến cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, với tổng trị giá gần 150 triệu đồng để các em có điều kiện học tập tốt hơn.
Đồng thời, năm vừa qua, Hội đồng Đội đã phối hợp với các đơn vị Trung ương và địa phương tổ chức Chương trình “Xuân biên giới ‑ Tết thắm tình quân dân”; trao tặng 300 suất quà cho đồng bào và thanh thiếu nhi dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, khởi công xây dựng 2 “Ngôi nhà hạnh phúc”, tặng 1.000 áo ấm cho học sinh, trao tặng 10 mô hình nuôi gà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, khởi công công trình “Sân tập thể dục, thể thao cho thanh thiếu nhi”. Tổng giá trị các công trình, phần quà trong chương trình gần 1,5 tỷ đồng.
P.V: Trước yêu cầu ngày càng đổi mới của xã hội, Hội đồng Đội các cấp có những hoạt động ý nghĩa nào nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực ngoại ngữ và hội nhập quốc tế cho thiếu nhi trên địa bàn tỉnh?
Anh Trần Linh: Ngoại ngữ và hội nhập quốc tế là 2 yếu tố song hành mà các cấp bộ Đoàn – Hội – Đội trên địa bàn tỉnh chú trọng thực hiện. Mỗi đối tượng sẽ có những không gian, môi trường, cơ hội được thể hiện khác nhau. Đối với đối tượng thiếu nhi, Hội đồng Đội tỉnh luôn bám sát sự chỉ đạo, định hướng của Hội đồng Đội Trung ương trong việc triển khai thực hiện các cuộc thi nâng cao năng lực ngoại ngữ, cuộc thi tranh biện như Olympic tiếng Anh, Chương trình “Thiếu nhi Việt Nam vươn ra thế giới”. Bên cạnh đó, Hội đồng Đội tỉnh tham gia đóng góp ý kiến với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An trong việc tăng cường tiếng Anh, đưa chương trình tiếng Anh vào đào tạo từ mầm non. Hội đồng Đội tỉnh cũng đã kết nối đến các nguồn lực chính là các trung tâm tiếng Anh với mong muốn tạo môi trường rèn luyện ngoại ngữ từ nhỏ, cho các em được nói chuyện, trao đổi thoải mái bằng ngoại ngữ. Với tầm nhìn xa, chúng tôi mong muốn thiếu nhi tỉnh Nghệ An nói riêng và thiếu nhi cả nước nói chung sẽ tự tin, toàn diện, vươn ra sánh ngang với bạn bè quốc tế.
Gần đây nhất, vào ngày 5/5/2023, Hội đồng Đội Trung ương tổ chức vòng Bán kết sân chơi “Thiếu nhi Việt Nam – Vươn ra thế giới” tại tỉnh Nghệ An, với sự tham gia của 12 đội thi của các tỉnh Bắc Trung Bộ, trong đó, Nghệ An có 8 đội thi tham gia. Hoạt động này góp phần khẳng định vai trò của tổ chức Đội trong việc nâng cao năng lực ngoại ngữ và hội nhập quốc tế cho thiếu nhi trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói riêng, cả nước nói chung.
P.V: Nhân kỷ niệm ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, các cơ sở trên địa bàn tỉnh có các hoạt động hưởng ứng ý nghĩa nào?
Anh Trần Linh: Hướng tới kỷ niệm 82 năm ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội tỉnh đã ban hành Công văn số 57-CV/HĐĐ ngày 28/4/2023 chỉ đạo Hội đồng Đội các huyện, thành, thị tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 82 năm ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh. Trong đó, chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các hoạt động về nguồn, thăm các địa chỉ đỏ, sinh hoạt Đội với chủ đề “Tự hào truyền thống Đội ta”, triển khai, xây dựng các công trình, phần việc “Vì đàn em thân yêu”, chỉnh trang công trình “Lớp em treo ảnh Bác Hồ”, triển khai các hoạt động tuyên dương đội viên xuất sắc, cháu ngoan Bác Hồ… So với những năm trước, năm nay có 1 nội dung mới, đó là: Chỉ đạo 100% Hội đồng Đội cấp huyện xây dựng 1 mô hình hoặc giải pháp nâng cao năng lực số cho thiếu nhi gắn với chủ đề công tác năm 2023 “Chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn”.
P.V: Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!