Đại tá Lê Thế Mẫu: Tên gọi 'Cuộc chiến Ukraine' phản ánh đúng bản chất cuộc xung đột
(Baonghean.vn) - “Cuộc chiến Ukraine” - tâm điểm cuộc cạnh tranh địa chính trị và địa kinh tế giữa một bên là Nga được một số quốc gia ủng hộ theo đuổi khát vọng xây dựng trật tự thế giới mới đa cực với bên kia là Mỹ đứng đầu tập thể phương Tây đang ra sức cứu vãn sự sụp đổ không thể tránh khỏi của trật tự thế giới đơn cực
Trong hơn 8 tháng Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, chiến dịch quân sự này được gọi bằng nhiều tên gọi khác nhau như “cuộc xung đột Nga-Ukraine”, “cuộc chiến Nga-Ukraine” hay là “cuộc chiến Ukraine”. Đến thời điểm này có thể nhận thấy tên gọi phản ánh đúng bản chất nhất của cuộc xung đột này là “cuộc chiến Ukraine” - tâm điểm cuộc cạnh tranh địa chính trị và địa kinh tế giữa một bên là Nga được một số quốc gia ủng hộ theo đuổi khát vọng xây dựng trật tự thế giới mới đa cực với bên kia là Mỹ đứng đầu tập thể phương Tây đang ra sức cứu vãn sự sụp đổ không thể tránh khỏi của trật tự thế giới đơn cực hình thành sau Chiến tranh Lạnh do Washington nắm quyền chi phối.
Chính vì thế, cuộc chiến Ukraine trở thành chủ đề lớn và nổi bật nhất trong các cuộc tranh luận tại Diễn đàn Đại hội đồng Liên hợp quốc năm nay tại thành phố New York, Mỹ, trong những ngày cuối tháng 9 vừa qua.
Vì sao Nga buộc phải phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine
Tại Diễn đàn Đại hội đồng Liên hợp quốc năm nay, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Nga Sergei Lavrov có hai bài phát biểu quan trọng tại Phiên thảo luận chung của Đại hội đồng và tại Phiên họp về chuyên đề Ukraina tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Hai bài phát biểu này đều đề cập đến cuộc chiến Ukraina và trật tự thế giới hôm nay. Trong bài phát biểu ngày 22 tháng 9 tại phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thảo luận bản báo cáo của Nga đã từng trình lên Liên hợp quốc trước đó với tiêu đề “Sự thật đằng sau các kiện ở Ukraine và Donbass”. Phát biểu tại cuộc họp này, ông Sergei Lavrov cho biết, các minh chứng thực tế được tổng hợp trong bản báo cáo của Nga với tiêu đề: “Sự thật đằng sau các sự kiện ở Ukraine và Donbass” cho thấy rất rõ ràng là các lực lượng dân tộc cực đoan, các lực lượng bài Nga điên cuồng và các lực lượng tân quốc xã đã lên nắm chính quyền ở Kiev sau cuộc đảo chính vũ trang ngày 22 tháng 2 năm 2014 với sự hỗ trợ trực tiếp của các nước Phương Tây.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát biểu tại Kỳ họp thứ 77 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, ngày 24/9 . Ảnh: Reuters |
Ngay sau đó, chính quyền mới được dựng lên ở Kiev bắt đầu hành động bất chấp pháp luật và coi thường các quyền cơ bản và quyền tự do của người dân Ukraine, như quyền tự do tín ngưỡng, quyền tự do ngôn luận và quyền được nói tiếng Nga. Ông Sergei Lavrov cho biết, trong hơn 8 năm qua, quân đội Ukraine và các chiến binh của lực lượng dân tộc chủ nghĩa đã giết hại người dân ở vùng Donbass chỉ vì họ từ chối công nhận kết quả cuộc đảo chính vi hiến ở Kiev trong tháng 2 năm 2014. Ngoài ra, người dân Donbass còn kiên quyết bảo vệ các quyền cơ bản của họ đã được chính Hiến pháp Ukraine ghi nhận như quyền được sống với vị thế là người Ukraine gốc Nga và được sử dụng tiếng Nga.
Bộ trưởng ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho biết, chính sách diệt chủng của chính quyền Kiev sau cuộc đảo chính này đã được chính những người lãnh đạo cao nhất của họ tuyên bố công khai và không cần che đậy. Thí dụ, Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk tuyên bố rằng những cư dân gốc Nga ở Donbass "không phải là người". Ngay cả đương kim Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky cũng có quan điểm tương tự. Trong một cuộc phỏng vấn trong tháng 9 năm 2021, trả lời câu hỏi “ngài nghĩ gì về những người dân sống ở Donbass”, ông ta nói rằng ở đó “có con người” và cũng có cả “các sinh vật”.
Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky từng tuyên bố rằng, ở Donbass "có con người", và cũng có "cả sinh vật". Ảnh: Reuters |
Những tuyên bố này đã nói lên chính sách diệt chủng của chính quyền mới ở Kiev nhằm vào người Nga và người Ukraina gốc Nga kể từ sau cuộc đảo chính năm 2014 tới nay đã trở thành quốc sách. Bộ trưởng ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho biết, tính từ năm 2014 đến nay, Liên bang Nga đã trình lên Tòa án hình sự Quốc tế hơn 3.000 bản báo cáo về tội ác của chính quyền Kiev chống lại người dân Miền Đông Ukraina. Trong đó có bằng chứng không thể chối cãi về tội ác của các lực lượng dân tộc cực đoan Ukraina trong cuộc đảo chính đẫm máu ngày 22 tháng 2 năm 2014 ở Kiev lật đổ chính thể hợp hiến của Tổng thống Yanukovych, khiến 77 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Hay là bằng chứng về vụ thảm sát hàng trăm người ở Nhà Hội nghị của công đoàn Odessa trong ngày 2 tháng 5 năm 2014; bằng chứng về hàng trăm vụ pháo kích và ném bom của Quân đội Ukraina nhằm vào các thành phố yên bình ở Donbass.
Theo báo cáo của Nga gửi Liên hợp quốc, tính tổng cộng, từ năm 2014 tới nay có hơn 10.000 dân thường ở Donbass đã bị quân đội Ukraina sát hại. Ngoài ra, Bộ trưởng ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho biết: Moskva đã từng cung cấp một số lượng lớn các chứng cứ thực tế chứng tỏ Ukraine đang đóng vai trò là bàn đạp của Phương Tây chống Nga. Trong khi đó, trong nhiều năm, Liên bang Nga đã nhiều lần đề xuất sáng kiến cùng với các nước Châu Âu thống nhất xây dựng các quy tắc cùng tồn tại hòa bình và thiết lập môi trường an ninh chung ở Châu Âu dựa trên nguyên tắc an ninh bình đẳng và không thể chia cắt. Nguyên tắc này đã được khẳng định ở cấp độ cao nhất trong các văn kiện của Tổ chức hợp tác và an ninh Châu Âu (OSCE). Theo nguyên tắc này, không một quốc gia nào ở Châu Âu có quyền tăng cường an ninh của mình mà lại gây phương hại đến an ninh của các quốc gia khác. Trong khi đó, Mỹ lại muốn kết nạp Ukraine vào NATO và biến quốc gia này thành người lính xung kích trong chiến lược chống Nga.
Những ngôi nhà bị phá hủy ở Donbass. Ảnh: AFP |
Như chúng ta đã biết, Mỹ công khai tuyên bố Ukraine là “đồng minh ngoài NATO” và từ năm 2014 tới nay Mỹ và NATO đã tiến hành hơn 10 cuộc tập trận chung trên lãnh thổ Ukraine theo kịch bản chống Nga, Gần đây nhất, NATO đứng đầu 40 quốc gia tiến hành cuộc tập trận trên Biển Đen theo kịch bản giúp Ukraina “giải phóng Crimea”. Vì thế, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần tuyên bố việc Mỹ kết nạp Ukraine vào NATO là “lằn ranh đỏ” không được vượt qua. Lần cuối cùng vào ngày 15/12/2021 Nga đề xuất xây dựng sáng kiến thiết lập không gian an ninh chung ở Châu Âu thành đề án có tính buộc pháp lý. Theo đề án này, Ukraine không được gia nhập NATO. Tuy nhiên, đề xuất này của Nga đã bị Mỹ và các nước Châu Âu từ chối một cách ngạo mạn với lý do họ là “người chiến thắng” còn Nga là “kẻ chiến bại” trong Chiến tranh lạnh nên phải chấp nhận sự sắp đặt quy tắc của Phương Tây.
Trong cuộc gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 5/2 năm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, nếu Ukraine gia nhập NATO thì không thể tránh được cuộc chiến tranh lớn giữa Nga và NATO. Đây cũng là một trong những lý do buộc Nga phải phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine nhằm phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine. Ông Sergei Lavrov cho biết, sau khi gửi lên Liên hợp quốc gần 3000 báo cáo trình bày các chứng cứ nói lên tội ác của chính quyền Kiev đối với người dân Donbass từ năm 2014 tới nay, Liên bang Nga không nhận được bất cứ ý kiến phản hồi nào từ phía Tòa án hình sự Quốc tế.
Ông Sergei Lavrov tuyên bố: “Nga không còn niềm tin vào cơ chế Tòa án hình sự Quốc tế. Chúng tôi đã phải chờ đợi trong vô vọng trong 8 năm ròng để tiến hành cuộc điều tra nhằm trừng phạt chính quyền Ukraine. Chúng tôi không còn trông chờ công lý từ tổ chức này và một số tổ chức quốc tế khác. Lúc này, thời gian chờ đợi đã kết thúc. Tất cả những gì tôi đã nói tại Diễn đàn này một lần nữa khẳng định rằng, chúng tôi không thể không quyết định tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine”.
Cơ sở pháp lý của quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine
Tại Diễn đàn của Đại hội đồng Liên hợp quốc lần này, Mỹ và các nước Phương Tây vẫn coi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga là “xâm lược” Ukraine. Còn Bộ trưởng ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho biết, chiến dịch này được thực hiện theo các hiệp ước hữu nghị, hợp tác và tương trợ giữa Nga với Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk trên cơ sở Điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc để bảo vệ người dân Miền Đông Ukraine và loại bỏ nguy cơ an ninh đối với Nga. Ông Sergei Lavrov tin chắc rằng, một khi rơi vào tình thế tương tự như Nga thì bất kỳ quốc gia nào có chủ quyền và tự trọng cũng nhận thức được trách nhiệm đối với người dân của mình và cũng sẽ hành động như vậy.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Tass |
Trước đó, phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Phương Đông năm 2022, trả lời câu hỏi của các nhà báo về cơ sở pháp lý khi Nga quyết định tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, trong cuộc khủng hoảng Kosovo năm 1999, Tòa án Công lý Quốc tế phán quyết rằng, dựa vào Hiến chương Liên hợp quốc, bất kỳ một dân tộc nào định cư trên lãnh thổ trong một quốc gia muốn tuyên bố độc lập thì họ không cần phải xin phép chính quyền trung ương của quốc gia đó. Phán quyết này của Tòa án Công lý Quốc tế đã được áp dụng cho trường hợp Kosovo tuyên bố tách khỏi Liên bang Nam Tư. Phán quyết này của Tòa án Công lý Quốc tế đã được chính quyền Cộng hòa Nhân Dân Donetsk và Lugansk áp dụng khi tuyên bố li khai khỏi Ukraina.
Còn Nga và các quốc gia khác cũng có quyền công nhận Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk. Thực hiện quyền này ngày 21/2/2022, Nga công nhận Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk, đồng thời ký kết hiệp ước quốc tế về hữu nghị, hợp tác và tương trợ nhau. Hiệp ước này đã được Quốc hội Liên bang Nga và Quốc hội của Cộng hòa Donetsk và Lugansk phê chuẩn. Trong đó có quy định một số nghĩa vụ của Nga hỗ trợ họ trong trường hợp họ bị xâm lược. Đáp ứng lời kêu gọi của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk và căn cứ vào Điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc quy định quyền bảo vệ, quyền tự vệ, ngày 24 tháng 2 năm 2022, Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine để giúp người dân hai nước cộng hòa này chống lại cuộc xâm lược của Ukraina.
Tổng thống Putin ký sắc lệnh công nhận nền độc lập của Donetsk và Lugansk. Ảnh: Tass |
Còn một cơ sở pháp lý nữa của Nga liên quan tới Thỏa thuận Minsk được chính quyền Kiev ký với chính quyền của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk. Trong bài phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Bộ trưởng ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho biết, Nga đã nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraina bằng cách cùng với Đức và Pháp đồng bảo trợ cho Thỏa thuận Minsk ký trong năm 2015. Thỏa thuận này gồm 12 điểm, trong đó có 1 điểm then chốt là tới cuối năm 2015, chính quyền Kiev chấp nhận sửa đổi Hiến pháp Ukraine theo hướng quy định quy chế đặc biệt cho Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk. Trên cơ sở đó sẽ xây dựng Ukraina thành nhà nước liên bang không bao gồm Crimea. Thỏa thuận Minsk đã được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc xác nhận là giải pháp chính trị duy nhất để giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng Ukraine.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng ngoại giao Nga Sergei Lavrov, chính quyền Kiev nhận được sự “chống lưng” của Pháp, Đức và Mỹ một mặt từ chối thực hiện Thỏa thuận Minsk, mặt khác cáo buộc Nga vi phạm thỏa thuận này và mượn cớ đó áp đặt các biện pháp cấm vận Nga mặc dù Nga cũng như Đức và Pháp chỉ là các bên bảo lãnh chứ không phải là một trong các bên phải thực hiện thoả thuận này. Ngoài ra, chính quyền Kiev còn phong tỏa tài chính, vận tải và năng lượng dành cho người dân vùng Donbass. Vì thế, các cư dân trong khu vực này bị cắt các khoản phúc lợi xã hội, lương hưu, tiền lương, các dịch vụ ngân hàng, thông tin liên lạc, giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Họ bị tước bỏ các quyền dân sự cơ bản đã được Hiến pháp Ukraine quy định, bao gồm cả các quyền hoạt động kinh tế, xã hội, văn hóa, quyền dân sự và chính trị được quy định theo Công ước quốc tế năm 1966.
Các nhà lãnh đạo tham gia ký kết, đàm phán xung quanh Thỏa thuận Minsk 2 - một văn bản từng được kỳ vọng là hành lang kiềm chế xung đột leo thang. Ảnh: DW |
Vừa qua, chính Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Volodymyr Zelensky cũng như Thư ký Hội đồng Quốc phòng và an ninh quốc gia Ukraine Oleksandr Danilov đều công khai tuyên bố không hề úp mở rằng Thỏa thuận Minsk chỉ là để nhằm duy trì các lệnh trừng phạt Nga, đồng thời tranh thủ thời gian nhận viện trợ quân sự của Mỹ và NATO để hiện đại hóa quân đội, chuẩn bị cho cuộc chiến chống Nga.
Trong khi đó, thay vì thúc ép giới lãnh đạo Kiev tuân thủ các Thỏa thuận Minsk, Berlin và Paris đã nhắm mắt làm ngơ trước những lời đe dọa công khai của chính quyền Kiev sẽ giải quyết "vấn đề Donbass" bằng vũ lực. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Nga Sergei Lavrov tuyên bố, Nga đã ra sức nhân nhượng, nhưng càng nhân nhượng thì Mỹ, các nước Châu Âu và Ukraine càng lấn tới, buộc Nga phải hành động. Nga không còn đường nào khác.
Chính sách bài Nga, chống Nga của chính quyền Kiev và Phương Tây
Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an, Ngoại trưởng Sergei Lavrov cho biết, trong những năm gần đây, chính quyền Kiev đã tiến hành một cuộc tấn công trực diện nhằm bài trừ tiếng Nga nói riêng và văn hóa Nga nói chung. Thí dụ, chính quyền Kiev đã thông qua các đạo luật về “ngôn ngữ” như Luật “Về giáo dục” năm 2017, Luật “Về việc đảm bảo chức năng của ngôn ngữ Ukraine là ngôn ngữ nhà nước” năm 2019, Luật “Hoàn thành giáo dục trung học phổ thông” năm 2020, Luật “Về người bản địa Ukraine ” năm 2021. Tất cả các đạo luật này đều nhằm mục đích loại bỏ tiếng Nga và văn hóa Nga ra khỏi Ukraine.
Bộ Giáo dục Ukraine đã loại trừ tiếng Nga và văn học Nga khỏi chương trình giảng dạy của trường phổ thông. Ảnh: RT |
Ngoài ra, chính quyền Kiev còn thông qua các đạo luật khuyến khích phát triển tư tưởng và hành động của chủ nghĩa quốc xã. Chính quyền Kiev được dựng lên sau cuộc đảo chính năm 2014 đã cùng với Mỹ và Canada bỏ phiếu phản đối Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc cấm phục hồi chủ nghĩa quốc xã. Chính vì thế, chính quyền Kiev hoàn toàn phớt lờ các khuyến nghị của Ủy ban Venice thuộc Hội đồng Châu Âu, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc, Cao ủy của Tổ chức hợp tác và an ninh Châu Âu (OSCE) về người dân tộc thiểu số để điều chỉnh các đạo luật ngôn ngữ mà chính Ukraina đã ban hành. Trong khi đó, các tổ chức đa phương này lại cũng không đủ can đảm, hoặc đơn giản là không được phép, buộc các nhà chức trách Ukraine thực hiện các nghĩa vụ quốc tế của họ trong lĩnh vực nhân quyền.
Theo chính sách bài Nga, Bộ Giáo dục Ukraine đã loại trừ tiếng Nga và văn học Nga khỏi chương trình giảng dạy của trường phổ thông. Tất cả các sách xuất bản bằng tiếng Nga đều tiêu hủy, tượng đài của các nhà văn hóa Nga bị đập phá. Hành động này của chính quyền Kiev lặp lại y nguyên hành động của Đức quốc xã trong Chiến tranh thế giới thứ hai,
Với sự hỗ trợ của nhà nước, tư tưởng không khoan dung dân tộc đối với người Nga đang được ráo riết áp dụng trong thực tế. Ngày nay, các quan chức của nhà nước Ukraina không cảm thấy hổ thẹn về bản chất tân quốc xã của họ khi công khai kêu gọi tàn sát người dân Nga mà không bị trừng phạt. Thí dụ, Đại sứ Ukraine tại Kazakhstan Pavel Vrublevskiy trong một cuộc phỏng vấn ngày 22/ 8 vừa qua năm đã nói như sau: “Chúng tôi đang cố gắng giết càng nhiều người người Nga càng tốt. Bây giờ chúng ta càng giết nhiều người Nga, thì con cái của chúng ta sẽ càng ít phải giết".
Thị trưởng thành phố Dnepro Boris Filatov cũng tuyên bố chủ trương bài Nga không kém quyết liệt. Ông nói: “Chúng ta có đầy đủ quyền đạo đức để bình tĩnh và đầu óc hoàn toàn minh mẫn để giết hết những kẻ “không phải là người”, ám chỉ người Nga trên toàn thế giới, không giới hạn thời gian và với số lượng lớn nhất có thể”.
Ngày 13/9 vừa qua, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và an ninh Quốc gia Ukraina Alechxey Danilov tuyên bố: “Tại những khu định cư mà Lực lượng vũ trang Ukraine giành lại quyền kiểm soát sẽ tiến hành Ukraine hóa không chỉ đối với người Nga mà còn đối với bất cứ cư dân thuộc các dân tộc nào khác”. Theo Bộ trưởng ngoại giao Nga Sergei Lavrov, đó không chỉ là chứng bài Nga mà còn bài trừ các dân tộc khác ở Ukraine. Hiện nay, không còn nghi ngờ chính quyền Kiev đã biến Ukraine thành một quốc gia toàn trị của chủ nghĩa quốc xã-nơi các quy tắc của luật nhân đạo quốc tế bị vi phạm mà không bị trừng phạt. Chính vì thế, Các lực lượng vũ trang Ukraine và các tiểu đoàn theo chủ nghĩa dân tộc chủ nghĩa sử dụng chiến thuật khủng bố, theo đó họ sử dụng dân thường làm "lá chắn sống".
Tổng thống Ukraine Zelensky trong khi trả lời phỏng vấn các nhà báo ngày 5/8/2021. Trong đó ông khuyên tất cả những ai cảm nhận thấy mình là người Nga thì nên bỏ chạy về Nga vì tương lai của con cháu họ. Ảnh: AFP |
Đỉnh điểm của chính sách bài Nga là tuyên bố của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong khi trả lời phỏng vấn các nhà báo ngày 5/8/2021. Trong đó ông khuyên tất cả những ai cảm nhận thấy mình là người Nga thì nên bỏ chạy về Nga vì tương lai của con cháu họ. Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 24/9/2022, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Liên bang Nga Sergei Lavrov nói: “Lúc này, Phương Tây đang nổi cơn thịnh nộ về các cuộc trưng cầu dân ý diễn ra ở các vùng Luhansk, Donetsk, Kherson và Zaporozhye của Ukraine. Nhưng người dân sống ở đó chỉ “làm theo” những gì mà người đứng đầu chính quyền Ukraina Volodymyr Zelensky khuyên họ. Nghĩa là trở về với nước Nga mang theo cả vùng đất của họ-nơi tổ tiên của họ đã định cư trong nhiều thế kỷ”.
Theo Bộ trưởng Bộ ngoại giao Nga Sergei Lavrov, hội chứng bài Nga chính thức đã lan tỏa trên phạm vi chưa từng có ở Phương Tây. Các nước Phương Tây không ngần ngại công khai ý định không chỉ khiến Nga thất bại về quân sự mà còn làm sụp đổ, chia cắt nước Nga. Nói cách khác, họ muốn xóa sổ một quốc gia có sức mạnh địa chính trị to lớn và chính sách độc lập khỏi bản đồ chính trị thế giới.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho biết, chính sách bài Nga của Phương Tây đã hoàn toàn đi ngược lại thiện chí của Nga sau khi Liên Xô tự giải thể. Nga không có tham vọng gì khác ngoài việc được hội nhập thế giới như một quốc gia có chủ quyền. Vì thế, Nga đã tự nguyện chấp nhận thống nhất nước Đức mà không kèm theo điều kiện gì. Nga đã tự nguyện giải tán Hiệp ước Warsaw và chân thành tin vào lời hứa của các nhà lãnh đạo Phương Tây rằng sẽ không mở rộng NATO “thêm một tấc” về phía đông. Nga đã tự nguyện rút các lực lượng vũ trang khỏi Châu Âu, Châu Á, Châu Mỹ Latinh.
Trong khi đó, Phương Tây lại tỏ ra kiêu ngạo và tin vào chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ. Ngay từ năm 1991, Thứ trưởng Bộ quốc phòng Mỹ Paul Wolfowitz tuyên bố không cần úp mở rằng sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, NATO có thể sử dụng quân đội của mình mà không sợ bị trừng phạt. Điều này giải thích vì sao sau Chiến tranh lạnh, không cần được phép của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Mỹ và NATO phát động chiến tranh xâm lược Nam Tư vào năm 1999, Afghanistan năm 2001, Iraq năm 2003 và Libya mà không bị Liên hợp quốc trừng phạt. Hiện nay, Mỹ đang tiến hành cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở Ukraina để chống phá Nga.
Tổng thống Vladimir Putin từng tuyên bố: “Chỉ cần chúng ta nói tiếng Nga và theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập cũng đã là cái cớ để tập thể Phương Tây, đứng đầu là Mỹ, cấm vận Nga”. Trong khi đó, Nga chủ trương xây dựng trật tự thế giới mới, trong đó tất cả các quốc gia, không phân biệt giàu hay nghèo, lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, đều phải được tôn trọng như nhau. Đó chính là trật tự thế giới mới sẽ thay thế trật tự thế giới đơn cực do Mỹ chi phối. Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, đó là xu thế tất yếu của lịch sử mà không ai có thể ngăn cản được. Đây là căn nguyên sâu xa của chính sách bài Nga của tập thể phương Tây do Mỹ đứng đầu.