Đảm bảo an toàn trong hoạt động tình nguyện
(Baonghean) - Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè là hoạt động thường niên do Trung ương Đoàn phát động, thu hút hàng ngàn sinh viên trong cả nước tham gia. Tuy nhiên, không ít những tai nạn thương tâm đã xảy ra đối với sinh viên tình nguyện. Ngày 2/7, xảy ra sự việc đau lòng khi 3 sinh viên tình nguyện bị lũ cuốn trôi đặt ra nhiều vấn đề trong công tác tình nguyện…
Sự việc đau lòng
Những ngày này, gia đình em Phan Thị Hải (sinh viên Trường Đại học Ngoại Thương Hà Nội) quê ở xã Hội Sơn, Anh Sơn, Nghệ An - 1 trong 3 sinh viên đã bị lũ cuốn trôi trong khi tham gia hoạt động tình nguyện tại Quảng Ninh vẫn chưa hết tang thương. Hoàn cảnh gia đình em Hải khá khó khăn nhưng Hải rất chăm ngoan và học giỏi.
Trên Facebook cá nhân, trước ngày lên đường đi tình nguyện, Hải viết: "Những ngày này ở Hà Nội như nóng hơn bao giờ hết. Bởi cái nắng chói chang len lỏi qua từng cánh hoa phượng cháy đỏ rực, hay vì mỗi người đang thấy trong lòng rạo rực một ngọn lửa vô hình giục giã bước chân". Lên đường đi tình nguyện, Hải tâm sự với các bạn: "Tớ sẽ cống hiến tuổi trẻ cho cuộc sống này".
Trước đó, ngày 21/6, tại Hà Nội, Đoàn Trường ĐH Ngoại Thương tổ chức Lễ ra quân “Mùa hè xanh” năm 2016 với 20 đội hình tình nguyện về các xã vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn với các hoạt động, phần việc góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị.
Vào hồi 17 giờ chiều 2/7, trong khi nhóm sinh viên đi hoạt động tình nguyện tại khu vực cầu Pác Hoóc (thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh) thì bất ngờ lũ lớn kéo về cuốn trôi 3 sinh viên. Trong đó, một sinh viên được cứu thoát còn 3 sinh viên mất tích. Rạng sáng 3/7, lực lượng tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh đã tìm vớt được thi thể ba sinh viên gồm Nguyễn Thị Ngân (sinh năm 1997, quê quán: Hà Nội); Vũ Thị Xoa (sinh năm 1996, quê quán: Hải Dương) và em Phan Thị Hải (sinh năm 1997, quê quán: Nghệ An). Ngay sau khi sự cố xảy ra, Trường Đại học Ngoại Thương tạm dừng hoạt động tình nguyện của 20 đội tình nguyện của trường tại các tỉnh, thành trong cả nước.
Đây không phải là những trường hợp đầu tiên gặp tai nạn trong lúc tham gia hoạt động tình nguyện, năm 2007, em Bùi Khôi Nguyên, sinh viên Luật K31 Trường Đại học Cần Thơ đã hy sinh khi đang tham gia chiến dịch thanh niên tình nguyện (TNTN) hè 2007 tại xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ.
Sinh viên tình nguyện tham gia giúp đỡ sinh viên tại Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 tại cụm thi Trường Đại học Vinh. Ảnh: Thành Cường |
Tăng cường các giải pháp
Sự việc 3 sinh viên Đại học Ngoại Thương tử nạn trong thời gian tham gia tình nguyện là hồi chuông cảnh báo cho các cấp bộ Đoàn trong quá trình thực hiện hoạt động thanh niên tình nguyện tại cơ sở.
Trường Đại học Vinh - một trong những đơn vị có phong trào tình nguyện mạnh nhất, sớm nhất trong các trường đại học, cao đẳng tại Nghệ An. Năm 2016 là lần thứ 20 trường tổ chức Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè.
Tiến sỹ Nguyễn Anh Chương - Bí thư đoàn Trường Đại học Vinh cho biết: Trong quá trình triển khai phong trào tình nguyện, chúng tôi đặt tính kỷ luật, sự an toàn cho sinh viên lên hàng đầu. Điều này thể hiện ngay ở phương châm tình nguyện của Đại học Vinh năm 2016 đó là: “Thiết thực, sáng tạo, hiệu quả và an toàn”.
Clip phát biểu của Tiến sỹ Nguyễn Anh Chương - Bí thư đoàn Trường ĐH Vinh
SVTN hướng dẫn cho sỹ tử. Ảnh: Thành Cường |
Còn các bậc phụ huynh cho rằng, việc tham gia hoạt động tình nguyện là rất tốt, bởi đây là dịp để các con trải nghiệm.
Ông Thái Bá Linh - cán bộ hưu trí phường Hà Huy Tập - TP.Vinh nêu ý kiến: Trong quá trình tham gia tình nguyện, các cấp bộ đoàn cần trang bị kiến thức an toàn cho sinh viên tránh những tình trạng đáng tiếc xảy ra. Ví như khi các em đến một vùng, miền núi, phải trang bị cho các em những kiến thức sơ đẳng như ở đó có cây gì độc không nên ăn, vào mùa này lũ thường về vào thời điểm nào, địa bàn nào hay xảy ra lũ quét... để các em phòng tránh.
Clip phát biểu của ông Thái Bá Linh:
Ngày 4/7, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng đã ký công văn khẩn gửi các tỉnh, thành đoàn, Đoàn trực thuộc trên toàn quốc yêu cầu tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn cho thanh niên tình nguyện. Cụ thể, Ban Bí thư Trung ương Đoàn yêu cầu rà soát ngay các đội hình thanh niên tình nguyện trong chiến dịch tình nguyện hè đang hoạt động tại địa phương. Trong đó, nắm rõ số lượng, thành phần, thời gian, địa bàn, nội dung và phương thức hoạt động của các đội hình thanh niên tình nguyện và báo cáo đến cấp ủy, chính quyền về các hoạt động tình nguyện. Đoàn thanh niên ở địa phương phối hợp với tổ chức Đoàn nơi cử thanh niên, sinh viên đi tình nguyện, giữ mối liên hệ chặt chẽ với người phụ trách, quán triệt thanh niên tình nguyện nêu cao ý thức chấp hành kỷ luật trong quá trình tình nguyện, để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. |
Ông Phan Trọng Lộc - Trưởng Ban đoàn kết tập hợp thanh niên, Phó Chủ tịch Hội LHTN tỉnh cho biết: Trước khi các đội tình nguyện lên đường, Tỉnh đoàn đã tổ chức các buổi tập huấn, quán triệt toàn bộ kỹ năng có thể xảy ra ở các địa phương... Trong quá trình phối hợp chỉ đạo, ngoài cập nhật đường dây nóng, ban chỉ đạo chiến dịch còn thường xuyên điện thoại trực tiếp về các đội tình nguyện để nắm bắt, kiểm tra tình hình hoạt động của các em tại địa phương nhằm đảm bảo công tác an toàn cho sinh viên tình nguyện.
Clip phát biểu của ông Phan Trọng Lộc
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định về chính sách dành cho thanh niên tình nguyện, bao gồm trong quá trình và sau khi kết thúc hoạt động tình nguyện. Theo đó, thanh niên khi tham gia tình nguyện ngoài được tập huấn, kiến thức, kỹ năng còn được hưởng tiền bồi dưỡng, trang bị phương tiện làm việc, bảo hộ cá nhân (nếu có), đủ điều kiện được xét kết nạp Đoàn, Đảng. Trường hợp chẳng may chết hoặc bị thương, thanh niên đó được UBND xã nơi diễn ra hoạt động tình nguyện làm hồ sơ đề nghị cấp trên xem xét, công nhận là liệt sỹ hoặc hưởng chính sách như thương binh theo quy định về ưu đãi người có công với Cách mạng. Tổ chức tình nguyện có trách nhiệm hỗ trợ mai táng, đưa về quê. |
Thanh Thủy - Trần Hải