Đảm bảo cho người dân ở gần rừng sống được với rừng
(Baonghean.vn) - Tạo điều kiện cho người dân ở gần rừng sống được với rừng là đề nghị của bà Cao Thị Xuân - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội tại cuộc làm việc với UBND tỉnh Nghệ An sáng 8/9.
Sáng 8/9, Hội đồng Dân tộc Quốc hội do bà Bà Cao Thị Xuân - Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì làm việc với UBND tỉnh về tình hình, kết quả thực hiện chính sách pháp luật về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2006 - 2016. Về phía tỉnh Nghệ An có ông Lê Minh Thông - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các vị đại diện các cơ quan, đơn vị, ngành liên quan |
Theo kết quả kiểm kê, toàn tỉnh Nghệ An hiện có 25.843,03 ha rừng và đất lâm nghiệp do cộng đồng dân cư thôn, bản quản lý và 8.223,20 ha đất chưa có rừng. Trong đó, cộng đồng dân cư dân tộc thiểu số quản lý 25.199,52 ha, đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 10.695,63 ha (chiếm 42,44 ha).
Tuy nhiên, do tính chất pháp lý chưa được xác định rõ ràng nên các cộng đồng dân cư được giao rừng còn hạn chế, mặc dù diện tích đất rừng rất lớn, hiện tại đang được giao cho UBND xã quản lý.
Toàn cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Công Kiên |
Tính đến năm 2016, toàn tỉnh có 183.425,07 ha rừng và đất lâm nghiệp (gồm 181.060,76 ha đất có rừng và 59.016,10 ha đất chưa có rừng) đã giao cho các hộ gia đình. Trong đó, diện tích rừng giao cho hộ gia đình dân tộc thiểu số là 183.425,07 ha (chiếm 76,4%). Số hộ dân tộc thiểu số đã được giao đất là 112.401, trong đó 96. 023 hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình dân tộc thiểu số quản lý đã góp phần tạo chuyển biến căn bản trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Giai đoạn 2006 - 2016 diện tích rừng trồng tăng 65.284,1 ha (từ 88,282,1 ha năm 2006 lên 153.566,2 ha năm 2016). Độ che phủ rừng tăng từ 47,15% lên 57% năm 2016.
Chăm sóc rừng quế nguyên liệu ở xã Hạnh Dịch (Quế Phong). Ảnh: Công Kiên |
Chủ trương giao đất, giao rừng cho cộng đồng và hộ gia đình là giải pháp đúng đắn trong việc khai thác tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Cụ thể, huy động được nguồn vốn, lao động để nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo nguồn nguyên liệu cho phát triển công nghiệp, góp phần ổn định chính trị, trật tự và an toàn xã hội.
Tuy vậy, việc giao đất, giao rừng vẫn còn những tồn tại, yếu kém, một số nơi ranh giới chưa được phân định rõ ràng, còn chồng chéo nên diễn ra tình trạng mâu thuẫn, tranh chấp. Một số chủ rừng thuộc tổ chức nhà nước được giao diện tích rừng quá lớn, không quản lý hết nên bị xâm hại, trong khi một bộ phận gia đình sống trên đất rừng vẫn thiếu đất sản xuất...
Ông Nguyễn Tiến Lâm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng lâu nay đang có sự đánh đồng giữa việc giao đất lâm nghiệp có rừng tự nhiên và giao đất để trồng rừng, nghĩa là tách rừng với đất nên khó quản lý. Ảnh: Công Kiên |
Các thành viên trong đoàn giám sát đã chất vấn, trao đổi một số ý kiến xung quanh vấn đề một số lượng lớn đất rừng giao cho các tổ chức, doanh nghiệp khai thác không hiệu quả, trong khi người dân thiếu đất sản xuất. Đất rừng bị thu hồi phục vụ các dự án quá lớn, việc quy hoạch phát triển rừng gắn với chế biến; hiệu quả, kinh phí và những khó khăn, vướng mắc. Giải pháp cho tình trạng thiếu đất sản xuất, tình trạng chuyển nhượng trái phép; kinh phí triển khai giao đất, giao rừng và quy hoạch đầu ra cho sản phẩm. Việc ban hành các văn bản liên quan; nội dung tuyên truyền; việc sử dụng lao động của các doanh nghiệp thuê đất rừng; chính sách hỗ trợ phát triển rừng; nguồn nhân lực quản lý lâm nghiệp vào bảo vệ rừng.
Trao đổi những vấn đề trên, ông Nguyễn Tiến Lâm – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng lâu nay đang có sự đánh đồng việc giao đất lâm nghiệp có rừng tự nhiên và giao đất để trồng rừng, nghĩa là tách rừng với đất nên khó quản lý. Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số còn chồng chéo, gây nên những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Về cơ sở chế biến, ở Nghệ An hiện có 3 nhà máy chế biến gỗ lớn, có thể đảm bảo đầu ra cho sản phẩm gỗ nguyên liệu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Thông tiếp thu những ý kiến trao đổi của Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội. Ảnh: Công Kiên |
Đại diện các sở, ngành cấp tỉnh cũng có những trao đổi về công tác ban hành văn bản, tuyên truyền chủ trương, chính sách; quá trình thực hiện giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; phương án sắp xếp lại các nông – lâm trường và công ty nông - lâm nghiệp, thu hồi đất giao cho các hộ dân sản xuất, trong đó ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số. Vấn đề này, Chính phủ cần có văn bản chỉ đạo cụ thể, hỗ trợ kinh phí đo đạc và bảo vệ rừng, đảm bảo người dân ở gần rừng sống được với rừng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Thông tiếp thu những ý kiến trao đổi của Đoàn giám sát và hứa sẽ chỉ đạo thực hiện kiểm tra, rà soát cá để việc triển khai chủ trương giao đất, giao rừng được thực hiện tốt hơn.
Thay mặt Đoàn giám sát, bà Cao Thị Xuân đề nghị tạo điều kiện cho người dân ở gần rừng sống được với rừng. Ảnh: Công Kiên |
Thay mặt Đoàn giám sát, bà Cao Thị Xuân ghi nhận những kết quả Nghệ An đã đạt được trong việc thực hiện giao đất, giao rừng. Đồng thời, lưu ý tỉnh quan tâm việc về số diện tích rừng UBND xã và các nông - lâm trường rất lớn nhưng sản xuất không hiệu quả, trong khi số hộ thiếu đất sản xuất còn rất nhiều dẫn đến sự xung đột về lợi ích.
Vì vậy, tỉnh cần chỉ đạo các ban, ngành chức năng rà soát, tìm giải pháp thu hồi đất lâm nghiệp không hiệu quả để giao cho người dân, bố trí kinh phí đo đạc, sớm giải quyết tình trạng tranh chấp đất rừng, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật và tình trạng chuyển nhượng đất rừng trái phép. Tóm lại, phải đảm bảo tạo điều kiện cho người dân ở gần rừng sống được với rừng.
Công Kiên