Đảm bảo tiêm phòng vật nuôi vụ xuân đạt tỷ lệ 80% tổng đàn trở lên
(Baonghean.vn) - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Xuân Học yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo công tác tiêm phòng gia súc, gia cầm vụ xuân năm 2023 đảm bảo đạt tỷ lệ từ 80% tổng đàn trở lên.
Sáng 16/3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị phát triển chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh và triển khai công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm năm 2023. Đồng chí Trần Xuân Học - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ trì hội nghị; tham dự hội nghị có ông Lê Đình Huệ - Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng 3.
Đồng chí Trần Xuân Học - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì hội nghị. Ảnh: Xuân Hoàng |
Ngành chăn nuôi của Nghệ An trong những năm qua tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành, từng bước chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi trang trại tập trung; hình thành các vùng chăn nuôi, sản xuất hàng hóa, liên kết chuỗi giá trị, giúp nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi. Tốc độ tăng trưởng và giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tiếp tục tăng qua các năm, tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp thuần tăng khá, đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính trong cơ cấu ngành Nông nghiệp.
Số liệu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, toàn tỉnh hiện có tổng đàn lợn đạt gần 968.000 con (đứng thứ 5 so với cả nước), tổng đàn gia cầm trên 33 triệu con (đứng thứ 2 so với cả nước), tổng đàn trâu, bò đứng đầu cả nước với trên 787.000 con...
Mục tiêu của Nghệ An năm 2023, tổng đàn trâu, bò đạt 793.000 con, đàn lợn 1.150.000 con, đàn gia cầm 34 triệu con. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng 285.000 tấn
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Xuân Hoàng |
Từ đầu năm 2023 đến ngày 15/3/2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số ổ dịch tả lợn châu Phi nhỏ lẻ tại một số địa phương, hiện đã qua 21 ngày.
Ngành chăn nuôi và thú y tỉnh cũng nhận thấy những tồn tại: Chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ chiếm tỷ lệ cao, gây khó khăn cho việc kiểm soát dịch bệnh, chất thải chăn nuôi. Sản phẩm chăn nuôi theo hướng hàng hóa chưa nhiều, chăn nuôi liên kết thiếu ổn định và bền vững, giá thành sản xuất sản phẩm chăn nuôi còn cao. Tỷ lệ đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh được tiêm phòng còn thấp.
Chính quyền cơ sở chưa kiên quyết xử phạt các hành vi vi phạm trong công tác nuôi, quản lý, tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi theo quy định, do vậy, không đủ sức răn đe và nâng cao ý thức của người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Công tác tuyên truyền chưa được thường xuyên tại cơ sở, chỉ mới chú trọng tuyên truyền trong các đợt tiêm phòng, thời lượng tuyên truyền còn ít. Công tác xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật còn đang rất ít, đặc biệt là chưa xây dựng vùng cấp xã đạt an toàn dịch bệnh dại.
Từ đầu năm 2023 đến ngày 15/3, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số ổ dịch tả lợn châu Phi nhỏ lẻ. Ảnh tư liệu: Xuân Hoàng |
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, các địa phương cho rằng, nguyên nhân tỷ lệ đàn vật nuôi được tiêm phòng đạt thấp là do chủ yếu người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cùng đó, công tác chỉ đạo của chính quyền cấp xã chưa được sát sao, quyết liệt; ý thức phòng, chống dịch bệnh đối với người chăn nuôi còn hạn chế, dẫn đến công tác tiêm phòng gặp khó khăn.
Các địa phương đề xuất Sở Nông nghiệp và PTNT cần tham mưu cho UBND tỉnh sớm có nguồn kinh phí cho các huyện miền núi và các chương trình khác theo quy định để các địa phương triển khai kế hoạch tổ chức tiêm phòng trong vụ xuân này một cách sớm nhất.
Tiền vắc-xin phòng bệnh cho đàn vịt ở huyện Quỳnh Lưu. Ảnh tư liệu: Xuân Hoàng |
Trước thực trạng nhiều địa phương có tỷ lệ đàn gia súc, gia cầm được tiêm phòng vắc-xin thấp, thậm chí có những huyện đạt dưới 20%, đồng chí Trần Xuân Học - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các huyện, thành phố, thị xã, thực hiện một số nội dung: Tập trung chỉ đạo công tác tiêm phòng gia súc, gia cầm vụ xuân năm 2023 đảm bảo đạt tỷ lệ từ 80% tổng đàn trở lên. Bố trí kinh phí và tổ chức thực hiện hiệu quả các kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn trên cơ sở kế hoạch của tỉnh.
Tập trung kiện toàn và nâng cao năng lực cho đội ngũ thú y cấp xã; thành lập đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật.
Triển khai tốt đợt tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng tiêu diệt mầm bệnh trong môi trường chăn nuôi từ ngày 15/3 - 15/4/2023 theo Công điện khẩn số 03/CĐ-UBND ngày 3/3/2023 của UBND tỉnh./.