Đám cưới hy hữu ở một huyện vùng cao Nghệ An

Hữu Vi 13/08/2023 19:57

(Baonghean.vn) - Dù chú rể và cô dâu không có mặt nhưng đám cưới vẫn diễn ra một cách vui nhộn theo tập tục của người Thái bản địa.

Đám cưới vừa diễn ra tại nhà ông Lộc Văn Học, bản Nam Sơn, xã Chi Khê (Con Cuông). Con gái ông Học là chị Lộc Thị Diễm Quỳnh và chú rể Lữ Văn Quý đều không có mặt tại cuộc vui này. Dẫu vậy, các tập tục bản địa vẫn được cử hành bình thường mà không hề gây ngạc nhiên cho người dự cưới.

bna_damcuoi3.JPG
Ngôi nhà sàn của ông Lộc Văn Học, bản Nam Sơn, xã Chi Khê (Con Cuông) - nơi diễn ra đám cưới vắng mặt cả cô dâu, chú rể. Ảnh: Hữu Vi

Từ 4 giờ sáng, một con lợn 60kg đã được các trai làng mổ để biện cỗ. Em trai của chị Quỳnh đang làm ăn xa cũng trở về để dự cuộc vui. Họ hàng của cô dâu từ huyện Kỳ Sơn cũng đến dự cưới. Gia đình, họ hàng của cô dâu, chú rể trở thành những nhân vật chính của cuộc vui kéo dài hết một ngày trong ngôi nhà sàn ấm cúng.

bna_damcuoi1.jpg
Gia đình, họ hàng của cô dâu, chú rể dự đám cưới đặc biệt. Ảnh: Hữu Vi

Trao đổi qua Messenger, anh Lữ Văn Quý cho biết, cả anh và chị Lộc Thị Diễm Quỳnh đều bận làm ăn xa, không xin công ty nghỉ nên không dự được đám cưới của… chính mình. Nhưng đây chỉ là “đám cưới nhỏ” - một phần trong tục lệ hôn nhân của người Thái bản địa. Theo tục lệ, đám cưới nhỏ trong một số trường hợp không nhất thiết phải có mặt của dâu rể vì họ sẽ còn đám cưới chính đã được ấn định vào đầu năm sau (2024).

bna_damcuoi2.JPG
Mâm cỗ tại đám cưới của anh Lữ Văn Quý - chị Lộc Thị Diễm Quỳnh. Ảnh: Hữu Vi

“Đám cưới nhỏ” (đoong lạy) khá phổ biến trong tập tục hôn nhân của người Thái ở huyện Con Cuông, Tương Dương (Nghệ An). Sau đám hỏi, hai họ trai và gái sẽ ấn định ngày là "đám cưới nhỏ”. Cuộc vui được tổ chức tại gia đình nhà gái, nhưng nhà trai phải mang theo một con lợn và rượu đến. Nhà gái có thể bổ sung thêm thực phẩm tùy theo lượng khách mà gia đình mời.

bna_damcuoi4.JPG
Nghi lễ cúng gia tiên tại đám cưới của anh Quý - chị Quỳnh. Ảnh: Hữu Vi

Cha mẹ chú rể và ông bà mối là những người đại diện cho gia đình nhà trai. Nhà trai cũng có thể mời thêm một số gia đình trong họ đi theo đoàn như là một cuộc ra mắt. Có lẽ vì thế mà sự vắng mặt của chú rể và cô dâu có thể chấp nhận được.

Ông Lê Hoàng - một nhạc sĩ người Thái quê xã Yên Khê (Con Cuông), đồng thời là một người nghiên cứu văn hóa bản địa cho biết tục “đám cưới nhỏ” của người Thái tương đương với đám hỏi trong hôn lễ người Kinh. Đây là dịp ra mắt chính thức của ông bà mối và chú rể và cặp vợ chồng sắp cưới được hai họ công nhận là dâu và rể.

bna_Quy - Quynh.jpg
Cặp đôi cô dâu, chú rể người Thái Lữ Văn Quý - Lộc Thị Diễm Quỳnh. Cả hai đều đi làm xa nhà, không xin công ty nghỉ nên không dự được đám cưới của… chính mình. Ảnh: NVCC

Tại cuộc cưới nhỏ, chú rể sẽ lạy các trưởng bối của họ gái để nhận họ là cha mẹ, coi mình như con cái. Ở một số nơi, nhà trai cũng đón dâu và họ gái về để thăm nhà. Cô dâu sẽ làm lễ “lên nhà” ở nhà trai.

Cũng theo ông Lê Hoàng, trường hợp vắng mặt cả cô dâu và chú rể trong đám cưới nhỏ như ở bản Nam Sơn là hy hữu. Sự vắng mặt của hai nhân vật chính của cuộc vui khiến người ta cũng phải bỏ qua một số nghi lễ như chú rể lạy nhận các trưởng bối bên họ gái làm cha mẹ. Nghi lễ này sẽ được thực hiện khi tổ chức đám cưới chính.

Mới nhất

x
Đám cưới hy hữu ở một huyện vùng cao Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO