Đàn cá mát trở về...

Tiến Đông 14/01/2023 11:42

(Baonghean.vn) - Có thời điểm, cả Yên Tĩnh như một đại công trường khai thác vàng. Có phép cũng nhiều mà không phép - thổ phỉ cũng đầy. Tiếng máy nổ, máy nghiền đá vang động tận rừng sâu. Người Yên Tĩnh chỉ biết lặng nhìn xuống dòng Chà Hạ đục ngầu một màu đỏ quạch mà lòng đầy tiếc nuối…

Ám ảnh vì vàng

Mong muốn cảm nhận được sự thay đổi trên đỉnh Pu Phen, chúng tôi đã quyết định làm chuyến ngược rừng vào với xã Yên Tĩnh, một xã vùng sâu của huyện biên giới Tương Dương. Vào để biết, để xem Yên Tĩnh đã thực sự… yên tĩnh hay chưa.

Đường vào Yên Tĩnh từng được biết đến là cung đường hiểm trở bậc nhất khu vực miền Tây Nghệ An cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng với rất nhiều dốc cao dựng ngược, nhiều đoạn đường nằm cheo leo trên sườn núi cao, bên dưới là vực sâu thăm thẳm và nhiều con nghiện bất ngờ... hỏi thăm.

Trước đây, từ thị trấn Hòa Bình (nay là thị trấn Thạch Giám), men theo độc đạo bên dòng Nậm Nơn, qua “thủ phủ” ma túy Lượng Minh, đến chớm bến thượng lưu thì ngoặt về xuôi, gặp ngã ba Xiêng Nứa tiếp tục rẽ ngược lên phía Bắc mới vào Yên Tĩnh. Nay thì đã thuận lợi hơn khi tuyến đường 534C tránh Lượng Minh đã ra đời, chưa kể từ Xiêng Nứa vào Yên Tĩnh cũng đã có đường nhựa chạy thẳng lên vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ tại xã Hữu Khuông.

Lán của "vàng tặc" bị đốt bỏ trong thời gian gần đây. Ảnh: TĐ

Biết chúng tôi vào, ông Quang Văn Đặng – Bí thư Đảng ủy xã Yên Tĩnh đã đợi sẵn từ sáng sớm. Dù mới nhận công tác tại đây chưa lâu, ông Đặng hiểu khá tường tận về những mạch suối, nguồn sông và cả về những ngày tháng đầy biến động ở mảnh đất này. Từ trung tâm xã nhìn ra xa, đỉnh Pu Phen ẩn hiện trong sương mờ. Như đọc được suy nghĩ của chúng tôi, ông Đặng buông câu cảm thán “Giờ chỉ mong sao bình yên mãi đến với vùng đất Yên Tĩnh thôi!”

Không phải ngẫu nhiên mà có một thời gian dài, từ khoảng đầu những năm 2010 đến 2017 Yên Tĩnh đã trở thành “lãnh địa” của vàng tặc. Đếm sơ sơ, có lúc trên đỉnh Pu Phen có đến 28 hầm vàng, riêng khu vực thuộc địa phận Yên Tĩnh có 11 hầm, có hầm cóc chỉ sâu dăm bảy mét, nhưng cũng có hầm xuyên sâu xuống lòng núi đến 800m. Dù đào sâu xuống lòng núi nhưng vàng tặc không hề dựng cột chống sập hay biện pháp bảo vệ nào. Nhưng để có thể khai thác, các chủ hang, chủ bưởng lại bố trí vài chiếc máy phát điện vừa để thắp sáng, lắp quạt gió và chạy máy nghiền, máy sàng.

Nạn "vàng tặc" là điều người dân Yên Tĩnh lo ngại nhất trong những năm gần đây. Ảnh: TĐ

Có thời điểm, hàng trăm chiếc máy đông phong cắm những chiếc vòi sắt đen ngòm xuống dòng Chà Hạ, thọc sâu vào đỉnh Pu Phen. Cả Yên Tĩnh như một đại công trường khai thác vàng. Có phép cũng nhiều mà không phép - thổ phỉ cũng đầy. Tiếng máy nổ, máy nghiền đá vang lên inh ỏi mỗi ngày, vang động tận rừng sâu. Người Yên Tĩnh chỉ biết lặng người nhìn xuống dòng Chà Hạ đục ngầu một màu đỏ quạch mà lòng đầy tiếc nuối…

Để hiểu rõ nguồn cơn gây xáo động Yên Tĩnh khoảng 10 năm về trước, cần phải biết rằng vào thời điểm đầu những năm 2000 một số đoàn địa chất đã về khảo sát, thăm dò vàng gốc khu vực Yên Na - Yên Tĩnh. Các nhà địa chất sau đó đã xác định được các đới khoáng hóa vàng, đồng thời khoanh nối theo các chỉ tiêu công nghiệp đã được Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản phê duyệt. Theo kết quả thăm dò địa chất, khu vực Na Khốm (Yên Na), đã phát hiện được hai đới khoáng hóa vàng, có chiều dài 160m và 300m; khu vực xã Yên Hòa đã phát hiện và ghi nhận một thân quặng vàng gốc có chiều dài khoảng 280m, dày trung bình 0,7m. Hay như khu vực Xiềng Líp (Yên Hòa), đã ghi nhận 4 đới mạch thạch anh chứa vàng, tạo thành đới khoáng hóa với chiều dài 80 - 2.000m, rộng 100 - 500m. Kết quả dự báo cho thấy, tổng tài nguyên vàng vùng Tương Dương đạt khoảng 2,21 tấn.

Sau khi "vàng tặc" bị đẩy đuổi, người dân Yên Tĩnh đã lên núi Pu Phen làm rẫy. Ảnh: TĐ

Khi những kết quả khảo sát, thăm dò này được công bố, cộng thêm việc thông tin một vài hộ dân tại các xã Yên Na, Yên Tĩnh, Yên Hòa nhặt được vàng khi đi làm rẫy đã khiến cho “cơn khát” vàng tại khu vực này được đẩy lên đỉnh điểm. Thêm vào đó một số doanh nghiệp được cấp phép vào thăm dò, khai thác vàng, nhưng số danh chính ngôn thuận vào thì ít và đám thổ phỉ kéo nhau vào đào trộm thì nhiều, đã biến Yên Tĩnh thành một bãi chiến trường không tiếng súng.

Ông Lô Ba Dung – Bí thư bản Pa Tý kể lại, có những thời điểm, người kéo nhau vào Pu Phen tìm vàng tấp nập như trẩy hội. Ngoài những toán người từ các tỉnh phía Bắc như: Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái vào khai thác trái phép, còn có cả một số người dân địa phương cũng đi theo mong có thể đổi đời. Nhưng rồi vàng thì chưa thấy đâu nhưng đã có biết bao vụ sập hầm đầy thương tiếc. Nói đâu xa, cách đây chưa đầy 10 năm, có cháu Pay đang học lớp 5 Trường Tiểu học Yên Tĩnh, ngày nghỉ theo mẹ vào khe đãi vàng, sau khi chui vào hầm cũ của một đám vàng tặc để lại thì không may bị sập, cháu Pay đã bị vùi lấp không cứu được.

Ông Quang Văn Đặng - Bí thư Đảng uỷ xã Yên Tĩnh trong một hầm vàng còn sót lại trên đỉnh Pu Phen. Ảnh: TĐ

Dẫn chúng tôi lên lưng chừng đỉnh Pu Phen, ông Đặng khoát một vòng tay bảo rằng, nạn vàng tặc rộ lên từ khoảng đầu năm 2010 sau đó cứ âm ỉ kéo dài đến vài năm lại đây. Thời điểm đó, huyện và xã đã nhiều lần tổ chức các đợt truy quét và tốn rất nhiều công sức. Nhưng có những lúc kéo quân lên được đến nơi thì chỉ còn cái lán không. Máy móc, lương thực và cả các toán làm vàng đều đã kéo nhau vào rừng trốn, chúng đào các hố cất giấu máy móc rồi lấy cây rừng phủ lên nhằm che mắt cơ quan chức năng. Chỉ ít ngày sau khi lực lượng chức năng rút đi, vàng tặc liền quay trở lại hoạt động.

“Cách đây mấy tháng, chúng tôi đã quyết định đốt hết lán và lấp một số hầm vàng còn sót lại, tuy nhiên có những hầm sâu thì chưa thể lấp được. Chỉ sợ dăm bữa nửa tháng lại có nhóm vàng tặc nào đó vào đào trộm” – ông Đặng lo lắng. Chỉ mới năm ngoái thôi, người dân Yên Tĩnh cũng đã phải khẩn thiết làm đơn gửi các cấp chính quyền rút hẳn giấy phép của các doanh nghiệp khai thác vàng trên địa bàn nói riêng và cả khu vực đỉnh Pu Phen nói riêng. Cũng đúng thôi, bởi nếu như doanh nghiệp nào đó được phép khai thác vàng thì Yên Tĩnh sẽ lại bị tàn phá như xưa.

Đàn cá mát trở lại

Yên Tĩnh có thể được xem là cửa ngõ nơi các con khe chảy từ đỉnh Pù Hoạt đổ xuôi về phía Nam, trong đó có 3 con khe lớn là Na Ngân, khe Sói chảy từ Pù Huống và khe Lạp chảy từ mạn Cắm Muộn đều thuộc địa phận huyện Quế Phong sang. Sau khi chảy đến Nga My thì nhập thành khe Chà Hạ chảy qua Yên Tĩnh, Yên Na rồi xuống Yên Hòa.

Hương ước của các bản tại xã Yên Tĩnh đã quy định rõ từng thời điểm trong năm mới được đánh bắt cá mát. Ảnh: TĐ

Thời điểm nạn vàng tặc ở Yên Tĩnh chưa được dẹp bỏ, môi trường trên các con khe, con suối ở đây bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nhất là trong quá trình đào, nghiền, đãi vàng, rất nhiều loại hóa chất độc hại đã được các nhóm khai thác sử dụng, trong đó có cả thủy ngân được đổ thẳng xuống khe, suối. Khe Chà Hạ bị tàn phá nghiêm trọng với chi chít những hố, những bưởng đã đành, nước Chà Hạ lúc nào cũng đục ngầu, ai cũng khiếp sợ và chẳng có con gì sống được.

Rồi khi vàng tặc bị đẩy đuổi, nước khe trong xanh thì đàn cá mát cũng đã được hồi sinh. Khỏi phải nói người dân Yên Tĩnh vui mừng đến nhường nào khi lại nhìn thấy những đàn cá mát.

Già làng Kha Văn Viên của bản Pa Tý, không khỏi xúc động mà thốt lên rằng, “không có gì vui hơn khi từ lâu lắm rồi mới thấy lại con cá mát tung tăng bơi lội trên dòng suối quê hương. Nó như là điềm báo cho sự bình yên”.

Cá mát theo tiếng Thái là “pá khỉnh”, loại cá này chỉ sống ở vùng nước chảy, sạch, ăn rong rêu. Do không có răng nên sau khi ngậm được cọng rêu nào nó lại phải lật nghiêng mình để rêu đứt ra. Dưới ánh nắng hanh vàng của mùa Đông biên viễn, dưới dòng khe Chà Hạ nước trong vắt nhìn thấy tận đáy, từng đàn cá mát “lườm” - lật ngửa, khoe những chiếc bụng trắng lấp lánh trông thật vui mắt.

Già làng Kha Văn Viên, bản Pa Tý trầm tư ngắm nhìn đàn cá mát tung tăng bên khe Chà Hạ. Ảnh: TĐ

Từ tháng 1/2021, sau khi đàn cá mát quay trở lại, ban quản lý các bản nơi có các khe, suối chảy qua đều đã đồng lòng đề xuất chủ trương với UBND xã tổ chức cắm biển cấm đánh bắt. Các bản cũng đưa quy định về thời điểm nào được phép đánh bắt, thời điểm nào cần phải bảo tồn. Quy định này được phổ biến cho người dân các bản và bổ sung vào hương ước của bản để thực hiện.

“Một bản hương ước của bản dài khoảng 10 trang giấy thì trong đó có phân nửa là nói về việc làm sao để bảo tồn được đàn cá mát rồi”, Bí thư Chi bộ bản Huồi Pai - ông Quang Văn Thuyết nói. Sau khi có chủ trương, Đoàn Thanh niên xã Yên Tĩnh đã tiến hành in các biển cảnh báo cấm đánh bắt cá mát để phát cho các bản, để các bản tiến hành cắm ở từng khu vực khe, suối cần bảo tồn. Nếu người dân nào vi phạm, dùng các loại chài, lưới hay kích điện để bắt cá thì sẽ bị ban quản lý bản xử phạt rất nặng. Tất nhiên, khi đàn cá di chuyển ra ngoài phạm vi vùng cấm thì người dân vẫn có quyền đánh bắt.

Ông Quang Văn Thuyết - Bí thư Chi bộ bản Huồi Pai bên biển cấm đánh bắt thuỷ sản dưới mọi hình thức nhằm bảo vệ đàn cá mát. Ảnh: TĐ

“Nói là vậy, nhưng khi cán bộ xã, cán bộ các thôn bản xuống phổ biến với người dân rằng cắm biển cấm không phải để cấm hẳn mà muốn để cho đàn cá mát có thời gian sinh trưởng, phát triển. Khi chúng lớn lên thì bản sẽ chọn một ngày nào đó làm ngày hội xuống suối, đánh bắt cá mát. Hiểu được ý nghĩa của việc làm này nên bà con dân bản hết sức đồng lòng” - Bí thư Đảng ủy xã Yên Tĩnh Quang Văn Đặng chia sẻ.

Bên cạnh việc cắm biển, UBND xã Yên Tĩnh cũng đã thông báo cho các bản tuyên truyền đến các hộ dân, những hộ nào có nhà sát bờ sông, bờ suối không được xây dựng các công trình vệ sinh, để đường ống nước thải chảy ra suối. Mục đích là không ngoài việc để cho con suối Chà Hạ ngày càng sạch hơn.

Rời Yên Tĩnh, tôi cứ ngân nga mãi lời ca của khúc hát “Chuyện tình Chiêng Toong”, bài hát này được phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của người Bí thư Đảng ủy xã đa tài Quang Văn Đặng: “Ai đã từng nghe, vùng đất huyền thoại/ Nàng Chiêng Toong với Tạo Khún Lù/ Câu chuyện tình nay đã hóa thành sông, núi/ Yên Tĩnh đổi mới, nay đã vắng “phu” vàng/ Dòng suối Chà Hạ nghiêng mình thay áo mới/ Trong xanh/ Hiền hòa/ Đàn “Pá Khỉnh Lườm” như gọi mùa Xuân đến".

Gần đây, có thông tin Công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng tổng hợp Thủ đô - là doanh nghiệp đã thăm dò mỏ vàng gốc trên núi Pu Phen, thuộc địa bàn hai xã Yên Tĩnh, Yên Na, huyện Tương Dương những năm 2007 – 2008, đã quay trở lại với ý định hoàn thiện hồ sơ khai thác vàng trên đỉnh Pu Phen. Người dân Yên Tĩnh lo ngại rằng điều này sẽ làm phát sinh nạn “vàng tặc”, như chính vấn nạn làm tan hoang khe Chà Hạ, đỉnh Pu Phen những năm trước đây.

Mới nhất

x
Đàn cá mát trở về...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO