Dân Mỹ 'bỗng dưng' thích đi bầu cử

Khang Duy 03/11/2020 09:22

(Baonghean.vn) - Ngày hôm nay (3/11), nước Mỹ bước vào thời khắc quyết định khi hàng triệu cử tri trên toàn quốc tiến hành bỏ phiếu nhằm tìm ra một vị Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ. Thế nhưng sẽ rất khác với truyền thống đã có từ nhiều năm qua, kịch bản một nhân vật chiến thắng được xướng tên ngay trong đêm bầu cử khả năng lớn sẽ không thể diễn ra.

Do số phiếu cử tri bỏ phiếu sớm năm nay đã vượt mọi kỷ lục trong vòng 100 năm. Chưa kể, quá nhiều những tranh cãi vẫn chưa giảm nhiệt giữa các ứng cử viên về các quy định, quy trình và thời gian kiểm số phiếu khổng lồ qua đường bưu điện. Liệu những kịch bản nào đang chờ nước Mỹ ngay trong đêm bầu cử?

Dân Mỹ “bỗng dưng” thích đi bầu

Có lẽ chưa một cuộc bầu cử Mỹ nào trong lịch sử, số cử tri bỏ phiếu sớm lại cao kỷ lục như năm nay. Tính đến ngày hôm qua (2/11), đã có hơn 93 triệu cử tri Mỹ bỏ phiếu sớm - tương đương hơn 66% tổng số phiếu của cuộc bầu cử năm 2016. Thậm chí, CNN dự đoán, sẽ có tới hơn 100 triệu cử tri bỏ phiếu sớm trong tổng số khoảng 150 triệu cử tri đủ tiêu chuẩn dự kiến sẽ đi bầu.

Cử tri Mỹ bỏ phiếu sớm ở thành phố Miami thuộc bang Florida. Ảnh: AFP
Cử tri Mỹ bỏ phiếu sớm ở thành phố Miami thuộc bang Florida. Ảnh: AFP

Giới trẻ Mỹ cũng đang tích cực đi bầu, thể hiện quan điểm cho tương lai của đất nước.

Hàng loạt nguyên nhân đã chỉ ra, đó là người dân đặc biệt tò mò và háo hức với một cuộc bầu cử nhiều tranh cãi bậc nhất; người dân cũng đang thực sự muốn tìm kiếm một nhân vật có thể chèo lái đất nước, vừa cân bằng xử lý dịch bệnh và phát triển kinh tế... Đó cũng là lý do mà nhiều thành phần vốn không quá mặn mà với bầu cử, đặc biệt như giới trẻ Mỹ cũng đang tích cực đi bầu, thể hiện quan điểm cho tương lai của đất nước. Tuy nhiên điều này cũng đồng nghĩa, nếu đã có gần 70% cử tri Mỹ đủ tiêu chuẩn bỏ phiếu sớm, cuộc tổng tuyển cử trực tiếp ngày hôm nay sẽ không mang nhiều ý nghĩa như nó vốn có.

Điều này xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân. Nhiều bang vốn đã tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ cử tri như gửi thông báo các trường hợp có sai sót, không hợp lệ để chỉnh sửa hoặc bổ sung thông tin. Tuy nhiên theo giới quan sát, không thể tránh các trường hợp phiếu đến chậm, không hợp lệ hay các bang gặp khó trong việc xác minh căn cước công dân để đảm bảo người đi bầu có đúng là người có quyền bỏ phiếu hay không; người bỏ phiếu có đủ tiêu chuẩn, đến tuổi để bỏ phiếu...Tất cả những yếu tố này ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng.

Đó là chưa kể, việc kiểm phiếu nhanh hay chậm cũng tùy thuộc mỗi bang. Ví dụ như các bang North Carolina hay Maryland dự kiến sẽ kiểm phiếu khá nhanh. Nhưng cho đến nay, các bang chiến trường như Michigan, Wisconsin đặc biệt là Pennsylvania vẫn đang yêu cầu phải đến ngày bầu cử hôm nay mới bắt đầu được kiểm tất cả các lá phiếu nhận qua thư, chứ không cho kiểm phiếu trước như nhiều bang khác. Một số bang cũng quy định thời điểm các lá phiếu hợp lệ là chỉ cần gửi trước ngày bầu cử, dẫn tới việc kiểm phiếu có thể kéo dài đến vài ngày thậm chí vài tuần.

Hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ năm nay - Tổng thống Mỹ Donald Trump và cựu Phó Tổng Thống Joe Biden đang cạnh tranh khốc liệt trước giờ G. Ảnh: CNN

Các kịch bản tranh cãi

Nếu đơn giản chỉ là kéo dài thời gian kiểm phiếu và trì hoãn công bố người chiến thắng cuối cùng, câu chuyện bầu cử Mỹ cũng không có quá nhiều điều đáng nói. Thế nhưng, với đặc trưng khác biệt năm nay là lượng phiếu bầu cử sớm, đặc biệt phiếu bầu qua đường bưu điện lên tới gần 60 triệu phiếu cho đến ngày hôm qua, dư luận đang đặt ra nhiều câu hỏi. Nhất là trong một tuyên bố mới đây, Tổng thống Donald Trump nói rằng, cuộc bầu cử năm nay sẽ kết thúc ở Tòa án Tối cao. Thậm chí, cuộc khủng hoảng Hiến pháp dẫn tới cuộc chiến pháp lý giữa hai ứng cử viên.

Việc bà Barrett trở thành Thẩm phán Tòa án Tối cao là một trong những tâm điểm chú ý của dư luận, bởi thực tế nó có thể tác động đến kết quả bầu cử Mỹ.

Dường như, Tổng thống Donald Trump từ trước bầu cử đã có sự chuẩn bị kỹ càng khi thúc đẩy việc phê chuẩn bà Amy Coney Barrett theo đảng Cộng hòa trở thành 1 trong số 9 Thẩm phán Tòa án Tối cao quyền lực của ngành tòa án Mỹ. Một chiến thắng của ông Trump là ngày 26/10 theo giờ Mỹ, Thượng viện Mỹ đã chính thức phê chuẩn để bà Barrett trở thành Thẩm phán Tòa án Tối cao thứ 115 của xứ cờ hoa. Đây là một trong những tâm điểm chú ý của dư luận, bởi thực tế nó có thể tác động đến kết quả bầu cử Mỹ.

Trong diễn biến mới đây, đảng Cộng hòa đã đệ đơn kiện ở một số bang chiến địa tìm cách công nhận tính hợp lệ đối với các lá phiếu nhận được sau ngày bầu cử, ngay cả khi được đóng dấu bưu điện trước ngày 3/11. Trong trường hợp các bang không giải quyết những vấn đề phát sinh trước ngày 8/12 - thời hạn “cứng” để hoàn tất mọi tranh chấp và kiểm phiếu lại, có thể Tòa án Tối cao sẽ can thiệp để kết thúc quá trình kiểm phiếu. Đồng thời, Tòa án cũng sẽ tuyên bố ứng cử viên đắc cử sẽ là người giành được nhiều phiếu đại cử tri hơn ngay tại thời điểm đó.

Bà Amy Coney Barrett theo đảng Cộng hòa vừa chính thức trở thành 1 trong số 9 Thẩm phán Tòa án Tối cao quyền lực của nhành tòa án Mỹ - Át chủ bài pháp lý của Tổng thống Donald Trump. Ảnh: NBC News
Bà Amy Coney Barrett theo đảng Cộng hòa vừa chính thức trở thành 1 trong số 9 Thẩm phán Tòa án Tối cao quyền lực của nhành tòa án Mỹ - Át chủ bài pháp lý của Tổng thống Donald Trump. Ảnh: NBC News

Người dân Mỹ có lẽ vẫn chưa quên cuộc bầu cử lịch sử năm 2000, khi Tòa án tối cao đã buộc phải can thiệp vào việc kiểm phiếu tại bang Florida do bang chiến địa này đã quá thời hạn chót kiểm phiếu. Với việc bổ nhiệm bà Barrett, phe Cộng hòa năm nay tiếp tục chiếm thế áp đảo tại Tòa án tối cao với tỷ lệ 6-3. Vì thế, các phán quyết được cho là sẽ có lợi hơn cho Tổng thống Trump!

Có một thực tế nữa là ngay việc từng bang thống kê và gửi kết quả cũng có các trường hợp tranh cãi. Đó là khi bang đó gửi về Quốc hội 2 kết quả khác nhau: một của hội đồng lập pháp và một của thống đốc bang đó. Đáng chú ý là một số bang hiện có hội đồng lập pháp nghiêng về phe Cộng hòa trong khi thống đốc lại là người của đảng Dân chủ và ngược lại. Nếu tình huống này xảy ra, Quốc hội sẽ đảm nhận vai trò quyết định và chỉ lựa chọn một kết quả duy nhất mà thôi.

Thế nhưng, cụ thể tình huống này do rất hiếm xảy ra nên chưa có những quy định cụ thể. Chỉ biết rằng, dù có quy định thế nào cũng sẽ là phức tạp khi Hạ viện hiện nay do phe Dân chủ kiểm soát, còn Thượng viện lại do phe Cộng hòa. Cũng không thể không tính tới một khả năng là có thể không có ứng cử viên nào có thể giành đủ tối thiểu 270 phiếu đại cử tri. Trong trường hợp này, theo quy định, Hạ viện sẽ là cơ quan đứng ra bầu Tổng thống theo các quy định riêng và khá phức tạp.

Có nên cải cách bầu cử?

Một tình huống nữa cũng được giới quan sát chỉ ra, đó là Tổng thống Donald Trump có thể bất ngờ đưa ra một tuyên bố hay sắc lệnh hành pháp nào đó nhằm phủ quyết tính hợp pháp của các lá phiếu bầu cử sớm qua đường bưu điện. Điều này vốn đã được ông Trump tuyên bố nhiều lần, thậm chí cảnh báo “chúng ta sẽ cùng chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra!”. Cảnh báo này xuất phát từ thực tế, các cử tri phe Dân chủ năm nay có xu hướng bỏ phiếu sớm qua đường bưu điện. Giới chức đảng Dân chủ do vậy cũng liên tiếp có các đề xuất đề trì hoãn thời gian nhận phiếu bầu, nhằm huy động đủ các lá phiếu có lợi cho ứng cử viên Joe Biden. Ngược lại, Tổng thống Trump lại đang nỗ lực để phủ nhận các lá phiếu qua hình thức này. Bởi thế, mọi bất ngờ đều có thể xảy ra!

Hệ thống bầu cử Mỹ vốn quá phức tạp và rắc rối khiến nhiều ý kiến cho rằng đã đến thời điểm cần phải cải cách. Ảnh: Electoral Integrity Project
Hệ thống bầu cử Mỹ vốn quá phức tạp và rắc rối khiến nhiều ý kiến cho rằng đã đến thời điểm cần phải cải cách. Ảnh: Electoral Integrity Project

Tuy nhiên theo quy định, sau ngày bầu cử 3/11 (theo giờ Mỹ), nếu không có các tranh cãi, các đại cử tri được bầu sẽ tiến hành bỏ phiếu Tổng thống vào ngày 14/12. Đến ngày 6/1, Quốc hội sẽ họp để xác nhận phiếu và đọc tên người chiến thắng. Ngày 20/1, vị Tổng thống mới của nước Mỹ sẽ chính thức nhậm chức. Thế nhưng, trong khi chờ đợi những kịch bản bất ngờ, dư luận đang đặt câu hỏi, với một cuộc bầu cử quá phức tạp, nhiều tầng cấp thậm chí có các lỗ hổng pháp lý như hiện nay, liệu đã đến lúc nước Mỹ cần có những cải tổ hệ thống bầu cử cho phù hợp hơn? Có lẽ, đây sẽ là cả một vấn đề lớn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Tuy nhiên, nước Mỹ trong bối cảnh mới với rất nhiều thách thức và trong nước và quốc tế cần phải bận tâm hiện nay, chính quyền tân Tổng thống sắp tới hoàn toàn có thể đặt ra vấn đề này, nhằm hướng đến một cuộc bầu cử đơn giản hơn, dễ thở hơn và bớt tranh cãi hơn!

Mới nhất
x
Dân Mỹ 'bỗng dưng' thích đi bầu cử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO