Đàn ông để điện thoại túi quần có thể khó sinh con
Nam giới nói chuyện điện thoại hơn một giờ mỗi ngày hay để điện thoại trong túi quần sẽ làm giảm số lượng và chất lượng tinh trùng dẫn đến khó sinh con.
Theo bác sĩ Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội, mới đây các nhà khoa học Israel theo dõi 106 người đàn ông khám ở bệnh viện trong vòng một năm. Họ phát hiệnnhững người nói chuyện điện thoại hơn một giờ mỗi ngày có chất lượng tinh trùng thấp hơn 2 lần so với người nói chuyện điện thoại ít hơn một giờ.
Số liệu cho thấy 11% nam giới gặp vấn đề về tinh trùng, trong đó 47% để điện thoại trong bán kính 50 cm quanh khu vực vùng kín bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tỷ lệ này cho thấy mối liên quan giữa việc giảm tỷ lệ sinh sản nam giới và điện thoại di động. Đây được coi là thủ phạm khiến 40% trường hợp gặp khó khăn trong việc sinh con.
Giáo sư Martha Dirnfeld, người thực hiện nghiên cứu kết luận: “Tinh trùng giảm dẫn đến việc thụ thai trở nên khó khăn. Một trong những nguyên nhân gây hiếm muộn là điện thoại di động”.
Tại Việt Nam, Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Đại học Y Hà Nội nghiên cứu 14.300 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi) ở 8 tỉnh đại diện cho 8 vùng sinh thái. Kết quả xác định tỷ lệ vô sinh của các cặp vợ chồng là 7,7%, trong đó vô sinh nguyên phát 3,9% và vô sinh thứ phát 3,8%. Đáng báo động, có khoảng 50% cặp vợ chồng vô sinh tuổi dưới 30.
Bác sĩ Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, bệnh viện tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân đến khám, đa số là các cặp vợ chồng trẻ lấy nhau được vài năm nhưng không có con. Hiếm muộn ở nam giới chủ yếu là do chất lượng và số lượng tinh trùng không đảm bảo. Có trường hợp không có tinh trùng, có ít không thể thụ thai hoặc có nhiều nhưng tinh trùng dị dạng, di chuyển chậm...
Theo bác sĩ, có rất nhiều nguyên nhân gây vô sinh ở nam giới song chủ yếu là do cuộc sống hiện đại, con người chịu quá nhiều stress, thực phẩm bẩn, hóa chất độc hại, ảnh hưởng của các thiết bị điện tử, đặc biệt điện thoại di động chính là tác nhân gây bệnh thầm lặng. Bác sĩ Lợi nói, đa số cặp vợ chồng hiếm muộn đều sử dụng điện thoại nhiều lần trong ngày. Có người còn có thói quen để điện thoại trong túi quần hàng chục năm.
Bác sĩ kể, chị Hạnh ở Hà Nội lấy chồng đã được hơn 2 năm nhưng chưa có con. Kết quả xét nghiệm chồng chị bị tinh trùng yếu, chỉ có 5% tinh trùng bình thường. Khai thác tiền sử, bác sĩ nhận thấy người chồng có công việc thường xuyên tiếp xúc với bức xạ điện và thói quen để điện thoại trong túi quần hơn chục năm nay là nguyên nhân cốt lõi dẫn đến hiếm muộn. Theo lời khuyên của bác sĩ, chồng chị Hạnh thay đổi thói quen dùng điện thoại, hai tháng sau chất lượng và số lượng tinh trùng bình thường đã thay đổi từ 5% lên 25%, cơ hội thụ thai thành công cao hơn.
Các chuyên gia nhấn mạnh, những thiết bị cầm tay như điện thoại di động có thể kết hợp với bức xạ từ Internet wifi và các công nghệ khác, tạo ảnh hưởng “tích tụ” bất lợi lên tinh trùng. Khả năng vận động của tinh trùng suy giảm theo sự tiếp xúc gần với điện thoại di động, tương tự là tỷ lệ tinh trùng còn sống, với mức giảm khoảng 8%.
Do vậy, người đàn ông nếu muốn có con nên hạn chế dùng điện thoại, tắt các thiết bị di động khi sạc, luôn giữ chúng cách xa vùng kín ít nhất nửa mét./.
Theo VOV
TIN LIÊN QUAN |
---|