Những ngày tháng 3, cùng với niềm vui đón nhận Quyết định công nhận trường chuẩn Quốc gia, thầy trò Trường Tiểu học Quỳnh Lập A, xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai) càng phấn khởi hơn khi ngôi nhà nằm trong khuôn viên, đối diện với dãy nhà chính của trường đã được giải tỏa. Trao đổi với chúng tôi, thầy giáo Hồ Văn Thảo – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Có được kết quả đó là nhờ cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong hệ thống chính trị địa phương đã phối hợp với nhà trường kiên trì vận động, thuyết phục chủ nhà là bà Đặng Thị Nông đồng thuận tháo dỡ, di dời, trả lại mặt bằng sạch cho nhà trường.
Đây là một trường hợp khá hy hữu, bởi từ năm học 2019-2020, khi Trường Tiểu học Quỳnh Lập A chuyển ra vị trí này, thì nhà của bà Đặng Thị Nông đã ở đó từ lâu (chiếm diện tích khoảng 500m2/tổng diện tích 12.000m2 của nhà trường). Thửa đất này vốn trước là đất nông nghiệp được chuyển đổi từ người khác cho gia đình bà Nông, do hoàn cảnh khó khăn nên bà Nông đã ra dựng nhà để ở mà không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. “Việc tồn tại một ngôi nhà ngay trong khuôn viên gây ra nhiều bất tiện trong hoạt động của nhà trường. Đó là chưa kể gia đình có chăn nuôi gà, vịt, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Bất cứ ai vào trường cũng đặt câu hỏi về sự tồn tại của ngôi nhà trong khuôn viên trường. Và khâu cuối để Trường Tiểu học Quỳnh Lập A được công nhận trường chuẩn là phải di dời được ngôi nhà của bà Nông khỏi khuôn viên trường”.
Trước thực tế đó, bên cạnh việc chỉ đạo hệ thống chính trị kiên trì tuyên truyền, vận động (gồm cả vận động cá biệt và tác động hành lang thông qua người thân xung quanh), cấp ủy, chính quyền địa phương đã phối hợp với các phòng chức năng của UBND thị xã giải quyết những khúc mắc, giải thích làm rõ những quyền lợi và nghĩa vụ của gia đình… để tìm tiếng nói chung giữa cấp ủy, chính quyền và người dân. Theo đó, đề nghị cấp đất cho bà Nông theo hình thức có thu tiền sử dụng đất theo định giá (không thông qua đấu giá) tại lô số 94, khu phân lô đấu giá giai đoạn 2 tại thôn Tâm Tiến. Gia đình bà Nông thuộc diện hộ nghèo nên được giảm 50% tiền sử dụng đất theo quy định của Nhà nước.
Mưa dầm thấm lâu, qua được tuyên truyền, vận động, bà Nông đã nhận thức được bản chất sự việc, đồng ý ký vào bản thỏa thuận và thực hiện di dời tài sản, trả lại khuôn viên cho Trường Tiểu học Quỳnh Lập A. Được sự đồng thuận của gia đình, sáng 11/3/2024, các tổ chức trong hệ thống chính trị xã Quỳnh Lập và cán bộ thôn Tâm Tiến đã hỗ trợ gia đình bà Đặng Thị Nông giải tỏa, di dời ngôi nhà ở khuôn viên Trường Tiểu học Quỳnh Lập A, hoàn trả mặt bằng cho nhà trường.
Ông Vương Đại Tương – Phó Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Lập cho hay: Ngoài số tiền gia đình bà Nông được hỗ trợ di dời nhà ở, địa phương còn đưa gia đình bà Nông vào danh sách những gia đình được hỗ trợ theo Chỉ thị số 21-CT/TU, ngày 10/02/2023 của Tỉnh ủy Nghệ An về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo tại tỉnh Nghệ An, mức hỗ trợ xây mới là 50 triệu đồng.
Địa phương cũng giúp gia đình dựng lán tạm, kéo điện, nước dùng tạm trong thời gian xây dựng ngôi nhà mới; đồng thời, hỗ trợ thủ tục hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép xây dựng cho bà Nông. Hiện gia đình bà Nông đang chuẩn bị triển khai xây dựng nhà mới tại vị trí lô đất 94, khu đấu giá đất ở thôn Tâm Tiến đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Một trong những dấu ấn khác trong công tác dân vận khéo của xã biển Quỳnh Lập trong năm 2023 được ghi nhận là việc hoàn thành ghép 2 cụm dân cư Đồng Mý và Đồng Thanh. Đây cũng là vấn đề được người dân kiến nghị nhiều lần qua các đợt tiếp xúc cử tri Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Cụm dân cư Đồng Mý gồm 176 hộ, với 411 nhân khẩu, trong đó, có 99 hộ bệnh nhân phong, với 133 nhân khẩu, 77 hộ là con em bệnh nhân phong, với 278 nhân khẩu. Trước đây, cụm dân cư Đồng Mý do Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quỳnh Lập quản lý. Cụm dân cư khu vực Đồng Mý chưa được công nhận là đơn vị xóm nên không có hệ thống chính trị cơ sở (trong cụm chỉ có 3 đảng viên, 1 chi hội phụ nữ).
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến công tác quản lý nhân, hộ khẩu, quản lý đất đai tại địa phương mà còn thiệt thòi về chế độ, chính sách cho nhân dân, mặc dù họ đã sinh sống ổn định suốt hàng chục năm qua. Người dân ở cụm Đồng Mý đã nhiều lần đề nghị xin lập xóm nhưng do quy mô, điều kiện không đủ để lập xóm nên sau khi khảo sát, lấy ý kiến nhân dân và xin ý kiến của cấp trên, UBND xã Quỳnh Lập đã xây dựng đề án ghép cụm dân cư Đồng Mý vào thôn Đồng Thanh là thôn liền kề (gồm 272 hộ, 930 khẩu) cách đó khoảng 4 km và trình Hội đồng nhân dân xã thông qua. Thôn mới sau khi ghép dự kiến lấy tên là Đồng Thanh; quy mô dân số là 446 hộ, với 1370 khẩu; diện tích tự nhiên là 828,2298 ha.
Qua trao đổi, ông Hồ Cảnh Thuận – Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Lập cho biết: Mới đầu cũng có một số ý kiến còn băn khoăn. Ví như ở thôn Đồng Thanh lo lắng sau sáp nhập địa bàn rộng, dân số đông khó quản lý. Còn người dân cụm dân cư Đồng Mý, nhất là một số bệnh nhân phong băn khoăn sau khi sáp nhập các chế độ, quyền lợi có được đảm bảo không… Qua hơn 1 năm tuyên truyền với nhiều cuộc họp, phát phiếu lấy ý kiến dân cư cả 2 cụm, đến tháng 11 năm 2023, cấp ủy, chính quyền xã Quỳnh Lập đã công bố Quyết định của Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai về việc ghép cụm dân cư Đồng Mý vào thôn Đồng Thanh vào đúng ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Việc ghép thành công 2 cụm dân cư đã góp phần giải quyết dứt điểm kiến nghị kéo dài nhiều năm qua của cử tri và nhân dân, nhất là người dân sinh sống tại cụm Đồng Mý, đảm bảo quyền lợi và tạo được sự đồng thuận cao.
Ông Nguyễn Ngọc Hà – Bí thư Chi bộ thôn Đồng Thanh cho hay: Mới đầu cũng có người băn khoăn về khoảng cách địa lý, phong tục, tập quán… nhưng sau đó được tuyên truyền, giải thích, mọi người đều vui vẻ đồng thuận với chủ trương ghép cụm. Khi lòng dân thuận thì mọi việc đều thuận lợi. Hiện nay, Chi hội Phụ nữ ở Đồng Mý đã giải thể để nhập vào sinh hoạt ở Chi hội Phụ nữ thôn Đồng Thanh, 3 đảng viên ở cụm dân cư Đồng Mý đã chuyển về sinh hoạt ở Chi bộ thôn Đồng Thanh được 2 kỳ. Dù sau sáp nhập địa bàn rộng, dân số tăng, nhưng tin rằng, với sự đoàn kết, thống nhất, mọi khó khăn đều được khắc phục, giải quyết.
Ông Nguyễn Thế Định – nguyên Xóm trưởng được Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quỳnh Lập phân công phụ trách tại cụm dân cư Đồng Mý trước đây, cho hay: Sau khi sáp nhập vào thôn Đồng Thanh, người dân trong cụm phấn khởi vì thuận tiện hơn trong việc giải quyết các thủ tục hành chính và các quyền lợi khác. Hiện giờ, người dân mong muốn được quan tâm, giải quyết về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để ổn định cuộc sống, vì vốn dĩ những hộ sinh sống ở làng phong đã chịu nhiều thiệt thòi.
Là xã ven biển nằm ở phía Đông Bắc thị xã Hoàng Mai (Nghệ An), có địa bàn tương đối rộng, với tổng diện tích 2.208 ha, dân số hơn 13.000 người, với 3.015 hộ dân, có 8 thôn chia thành 2 vùng tách biệt nhau. Ngoài ra, xã Quỳnh Lập còn tiếp giáp với thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Người dân xã Quỳnh Lập sống chủ yếu dựa vào nghề đi biển, những năm gần đây có chuyển hướng mạnh sang xuất khẩu lao động.
Thực hiện Chỉ thị số 05 – CT/TU ngày 23/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Đảng ủy, chính quyền xã Quỳnh Lập đã yêu cầu các đoàn thể trong hệ thống chính trị, các đơn vị thôn, xóm xây dựng các mô hình dân vận khéo với những công trình, phần việc cụ thể gắn với quá trình thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Ví như, ở thôn Sơn Long sau sáp nhập còn nhiều tuyến đường chưa được đổ bê tông. Trước thực tế đó, Chi bộ thôn Sơn Long đã ban hành Nghị quyết chuyên đề lãnh đạo, vận động nhân dân đóng góp kinh phí làm nhiều tuyến đường bê tông. Năm 2023, khi xã chủ trương cấp kinh phí để xây dựng tuyến đường số 1 có tổng chiều dài là 664,17m, trong đó, đoạn đường từ Trường THCS Quỳnh Lập đến ngã tư (đi qua địa bàn thôn Sơn Long) dài 182,39m, được chọn làm giai đoạn 1. Đoạn đường này nhiều ổ voi, ổ gà, nắng bụi, mưa lầy gây khó khăn cho việc đi lại của bà con nhân dân, nhưng muốn làm được thì phải vận động 23 hộ dân hai bên hiến đất để mở rộng đường đủ 5m.
Trước thực tế đó, năm 2023, Chi bộ thôn Sơn Long đã đăng ký mô hình Dân vận khéo với thị xã, tuyên truyền vận động nhân dân hiến đất làm đường bê tông tuyến đường số 1 (từ Trường THCS Quỳnh Lập đến đường công vụ). Sau khi có nghị quyết của chi bộ, chi ủy thành lập 2 tổ công tác đến từng gia đình để vận động hiến đất với phương châm: dễ vận động trước, khó vận động sau, ban ngày không gặp thì tranh thủ đến vận động vào buổi tối.
Qua công tác vận động, nắm bắt được nguyện vọng của người dân là hiến đất nhưng phải hỗ trợ gia đình xây lại các bờ bao, tuyến đường phải có mương thoát nước. Chi ủy Chi bộ thôn Sơn Long đã báo cáo với Đảng ủy, UBND xã Quỳnh Lập để xin ý kiến chỉ đạo và được chấp thuận bổ sung vào dự toán mương thoát nước. Chi bộ, Ban Cán sự thôn Sơn Long cũng kêu gọi các hộ gia đình trong thôn đóng góp 42 triệu đồng để hỗ trợ các hộ gia đình hiến đất xây lại bờ rào. Sau hơn 2 tháng vận động, đã có 12 hộ gia đình tự nguyện hiến 80m2 đất, 270m bờ tường bao, tổng giá trị hơn 493 triệu đồng. Đối với một số hộ gia đình chưa đồng thuận, Chi ủy chủ động rà soát, gặp người thân có uy tín của gia đình đó nhờ tác động. Nhờ vậy, vào ngày 3/12/2023, UBND xã Quỳnh Lập đã phối hợp với đơn vị thi công khởi công xây dựng đoạn đường giai đoạn 1, hoàn thành và đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn.
Ông Trương Quang Truật – hộ hiến 30m2 đất và bờ rào để làm đường vui vẻ cho biết: Có tuyến đường sạch, đẹp như thế này, gia đình tôi cũng thấy phấn khởi, tôi là thợ xây nên sau khi hiến đất mở đường đã tự bỏ ngày công lao động xây lại bờ rào để tổng thể đẹp hơn, khang trang hơn.
Trao đổi về kinh nghiệm làm “dân vận”, ông Hồ Sỹ Dũng (70 tuổi) – Bí thư Chi bộ thôn Sơn Long chia sẻ: Bác Hồ đã dạy rồi “Khó vạn lần dân liệu cũng xong”, quan trọng nhất là lòng dân, khi lòng dân thông tỏ thì việc gì cũng được giải quyết. Nhưng muốn có được “lòng dân” thì trước hết, cán bộ, đảng viên phải “nói đi đôi với làm”, chi bộ, ban cán sự thôn phải đoàn kết, thống nhất, lắng nghe ý kiến và nguyện vọng chính đáng của nhân dân để lãnh đạo, chỉ đạo cho sát đúng. Nhờ vậy, không chỉ vận động người dân hiến đất để mở đường, bê tông hóa các ngõ, mà thôn Sơn Long còn huy động sức dân đóng góp lắp 15 đèn điện ở các tuyến chính, góp phần xây dựng các tuyến đường sáng – xanh – sạch – đẹp.
Không chỉ ở thôn Sơn Long mà nhiều thôn, xóm và các hội, đoàn thể trên địa bàn xã Quỳnh Lập cũng đã chọn những nội dung còn vướng, hay những vấn đề còn tồn tại, hạn chế để xây dựng các mô hình dân vận khéo. Điển hình như mô hình “Giải phóng mặt bằng, làm nhà văn hóa thôn” của Chi bộ Tân Hải bước đầu tạo đồng thuận trong vận động đóng góp tiền đối ứng giải phóng mặt bằng, làm nhà văn hóa thôn. Mô hình “Vận động nhân dân không thuê thợ kèn phục vụ đám tang” của Chi bộ Tân Minh, qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của người dân, dần dần xóa bỏ hủ tục lạc hậu. Trong năm 2023, không có gia đình nào trong thôn thuê thợ kèn về tổ chức đám tang. Mô hình “Hàng rào xanh” trồng 700m cây mắt ngọc xung quanh khuôn viên sân vận động xã của Hội LHPN xã. Mô hình tổ tự quản kiểu mẫu của MTTQ và các đoàn thể, qua đó, vận động nhân dân trồng hoa, gắn đế làm cán cờ; lắp camera ở các tuyến đường chung và ở các hộ gia đình…
Các mô hình “Dân vận khéo” ở xã biển Quỳnh Lập đã và đang góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh tại địa phương và quan trọng nhất là tạo được sự đồng thuận giữa “ý Đảng – lòng Dân” trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.