Xây dựng Đảng

Đảng bộ tỉnh Nghệ An triển khai bài viết 'Học tập suốt đời' của Tổng Bí thư Tô Lâm với quyết tâm cao

Thành Duy - Phạm Bằng 08/05/2025 10:14

Bài viết “Học tập suốt đời” của Tổng Bí thư Tô Lâm thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược, sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn đối với sự nghiệp giáo dục - đào tạo và yêu cầu học tập suốt đời trong bối cảnh hội nhập, chuyển đổi số và phát triển đất nước.

bna_4fbaba609be629b870f7.jpg
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Sáng 8/5, theo phân công của Thường trực Tỉnh ủy, đồng chí Ngọc Kim Nam - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy trực tiếp truyền đạt nội dung bài viết “Học tập suốt đời” của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Đây là một trong những hoạt động quan trọng nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Trung ương và kịp thời triển khai tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư đến toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tỉnh Nghệ An.

Bài viết “Học tập suốt đời” của Tổng Bí thư Tô Lâm được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng từ ngày 2/3/2025, gồm 5 phần chính.

Các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Bí thư Tỉnh ủy; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng
Các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Bí thư Tỉnh ủy; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Học tập suốt đời là yêu cầu tất yếu

Trong phần mở đầu, bài viết phân tích sâu sắc bối cảnh và những đòi hỏi thực tiễn của việc học tập suốt đời. Theo đó, 3 yếu tố chính được nêu ra gồm:

Bối cảnh cuộc cách mạng khoa học công nghệ trên quy mô toàn cầu và những tác động của nó đến đời sống xã hội và mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt, đối với cán bộ, đảng viên của hệ thống chính trị trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Việc xây dựng và phát triển đất nước “vững bước vào kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh, sánh vai với thế giới” đòi hỏi phải tận dụng tối đa thời cơ, vận hội, vượt trước, đón đầu.

Đồng chí Ngọc Kim Nam - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy quán triệt các nội dung tại hội nghị. Ảnh: Thành Duy
Đồng chí Ngọc Kim Nam - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy quán triệt các nội dung tại hội nghị. Ảnh: Thành Duy

Từ yêu cầu phát triển đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi công dân phải học tập suốt đời để trở thành những người hữu dụng (để dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích chung).

Bài viết khẳng định tư tưởng học tập suốt đời là nhất quán và xuyên suốt trong đường lối của Đảng. Tổng Bí thư trích dẫn nhiều câu nói của Bác như: "Muốn biết thì phải thi đua học. Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm"; "Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình mà không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu là bị đào thải, tự mình đào thải mình”.

Bài viết nhấn mạnh Bác Hồ là tấm gương sáng về tinh thần tự học: Suốt 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Bác luôn học hỏi không ngừng qua sách, báo, lao động thực tiễn, từ nhân dân và bạn bè quốc tế. Việc Bác tự học ngoại ngữ bằng cách ghi từ lên giấy vụn, nghe đài, đọc báo là minh chứng sống động cho tinh thần học tập suốt đời.

Đảng ta qua các thời kỳ đã ban hành nhiều văn kiện quan trọng về giáo dục như: Nghị quyết Trung ương 4 khóa VII, Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII, Nghị quyết số 29-NQ/TW khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, và gần nhất là Nghị quyết Đại hội XIII xác định rõ chủ trương “thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời”.

Bài viết cũng tổng kết thực trạng học tập ở Việt Nam với nhiều thành tựu quan trọng như: Hệ thống giáo dục quốc dân được xây dựng đầy đủ từ mầm non đến sau đại học. Phương thức cung ứng và kết nối giữa các trình độ đào tạo được cải thiện, từ đó mở rộng quy mô và mạng lưới giáo dục khắp các vùng, miền. Phong trào thi đua học tập đã phát triển mạnh trong các dòng họ, làng xã, thôn, bản, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống cộng đồng.

Ý thức học tập suốt đời đã thấm sâu vào từng gia đình, khu dân cư, cơ sở đào tạo và các vùng, miền khác nhau. Xuất hiện nhiều tấm gương học tập tiêu biểu trong nhân dân, người lao động, cán bộ, giáo viên, đặc biệt là những người lớn tuổi học để thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu cấp tỉnh. Ảnh: Phạm Bằng
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu cấp tỉnh. Ảnh: Phạm Bằng

Tuy nhiên, qua bài viết: Tổng Bí thư cũng chỉ rõ các tồn tại: Đào tạo, bồi dưỡng còn chạy theo số lượng mà chưa thực sự chú trọng tới chất lượng; Vấn đề tự học và học tập suốt đời của cán bộ, đảng viên chưa hiệu quả; Chạy theo bằng cấp, thiếu sự gắn kết với thực tiễn; Ngại học, thiếu tinh thần vươn lên và sáng tạo; Hạn chế trong năng lực và tư duy của một bộ phận cán bộ, đảng viên; Thỏa mãn với kiến thức cũ, thiếu tinh thần học hỏi suốt đời; Thiếu khả năng thích nghi và đổi mới trong môi trường 4.0.

Trên cơ sở đó, bài viết nhấn mạnh 3 vấn đề: Học tập suốt đời là yêu cầu tất yếu đối với sự phát triển đất nước; yêu cầu bức thiết của việc thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; yêu cầu của việc hoàn thiện tri thức, nhân cách đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên trong tình hình mới.

Để thực hiện thành công việc xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, trong bài viết, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa ra các yêu cầu đối với từng đối tượng: Công dân; cán bộ, đảng viên; cấp ủy, tổ chức đảng và Đảng, Nhà nước.

Đối với công dân: Mỗi công dân ý thức được trách nhiệm của bản thân mình đối với việc tự học tập suốt đời; không ngừng học tập về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp, kinh nghiệm làm việc và khả năng phối hợp trong tập thể để nâng cao tính kỷ luật của tổ chức, năng suất lao động và phát huy sức mạnh tổng hợp.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu cấp tỉnh. Ảnh: Phạm Bằng
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu cấp tỉnh. Ảnh: Phạm Bằng

Đối với cán bộ, đảng viên, Tổng Bí thư yêu cầu cao hơn rất nhiều: Mỗi cán bộ, đảng viên luôn ý thức rõ học tập suốt đời là nhiệm vụ cách mạng với thái độ nghiêm túc và ý thức tự giác cao. Cần học về tư cách người cán bộ cách mạng, học ở sách vở, học lẫn nhau và học Nhân dân; không ngừng tự học tập, tự cập nhật kiến thức mới, tham gia tích cực phong trào "Học tập số", phổ cập, nâng cao kiến thức khoa học công nghệ, kiến thức số; tích cực tuyên truyền, vận động người thân, gia đình, dòng họ tự học tập suốt đời. Qua học tập suốt đời để hoàn thành được mọi nhiệm vụ mà Đảng, cách mạng và Nhân dân giao phó.

Đối với mỗi cấp ủy, tổ chức chính trị - xã hội, hội nghề nghiệp: Cần nhận thức rõ mục tiêu chính của học tập suốt đời là phát triển con người xã hội chủ nghĩa, từ đó, xác định các nội dung học tập suốt đời cho cán bộ, đảng viên, thành viên gắn với phát động thi đua, đánh giá, biểu dương, khen thưởng. Theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện thí điểm các đề xuất đổi mới, sáng tạo.

bna_img_9720.jpg
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu chính. Ảnh: Thành Duy

Đối với Đảng, Nhà nước: Sớm tổng kết, đánh giá, nghiên cứu ban hành quy định, quy trình, đổi mới quan điểm đánh giá, sàng lọc, quy hoạch đội ngũ cán bộ, nhằm xây dựng hoàn chỉnh bộ máy công quyền trong sạch, vững mạnh, hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân; bảo vệ cán bộ sẵn sàng đi tiên phong, sẵn sàng "vượt rào" đột phá vì lợi ích chung. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục theo định hướng mở, linh hoạt, liên thông, tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi công dân và thực hiện đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động.

Đồng thời, có các giải pháp cụ thể nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò, ý nghĩa của học tập suốt đời và sự đóng góp của học tập suốt đời đối với nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của nguồn nhân lực quốc gia. Theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện thí điểm các đề xuất đổi mới, sáng tạo; chủ động phát hiện những vấn đề nảy sinh, kịp thời động viên, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc xem xét, điều chỉnh, có quyết định phù hợp với tình hình thực tế; có chính sách miễn trừ trách nhiệm đối với cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại do nguyên nhân khách quan.

Nghệ An triển khai nghiêm túc, đồng bộ

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, ngày 3/4/2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Công văn số 3502-CV/TU về nghiên cứu, quán triệt bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu: Tổ chức nghiên cứu, quán triệt sâu rộng bài viết đến toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp, thiết thực như tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề, hội nghị chuyên môn… Qua đó, nâng cao nhận thức toàn xã hội về vai trò của học tập suốt đời và sự đóng góp vào nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của nguồn nhân lực quốc gia.

bna_img_9846.jpg
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu chính. Ảnh: Thành Duy

Cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch hành động của các cơ quan, đơn vị; xác định rõ nội dung học tập suốt đời gắn với phong trào thi đua, công tác khen thưởng, đánh giá, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai.

Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, Hội Khuyến học, cơ quan báo chí… được giao đẩy mạnh tuyên truyền nội dung bài viết, lan tỏa tinh thần học tập suốt đời, cổ vũ gương sáng học tập trong cán bộ và nhân dân.

39c207ef28699a37c378.jpg
Các đại biểu dự hội nghị tại các điểm cầu theo hình thức trực tuyến. Nguồn: Đảng ủy UBND tỉnh Nghệ An

Trong đó, đồng chí Ngọc Kim Nam - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy nhấn mạnh: Nội dung quan trọng nhất là nâng cao ý thức tự học của từng cán bộ, đảng viên và mỗi công dân, để làm chủ tri thức, nâng cao năng lực, thích ứng với thời đại số và phục vụ sự phát triển chung của tỉnh và đất nước.

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

Đảng bộ tỉnh Nghệ An triển khai bài viết 'Học tập suốt đời' của Tổng Bí thư Tô Lâm với quyết tâm cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO