Đằng sau quyết định đưa quân tới Libya của Thổ Nhĩ Kỳ

Lâm Vy 06/01/2020 07:01

(Baonghean.vn) - Trong khi căng thẳng Mỹ - Iran đang đe dọa “thiêu cháy” Trung Đông bằng những đòn trả đũa lẫn nhau thì tại Libya, chiến sự cũng có nguy cơ bùng phát với một cuộc chiến ủy nhiệm phức tạp. Việc Thổ Nhĩ Kỳ quyết định đưa quân tới Libya được cho là sẽ khiến các bế tắc dai dẳng ở quốc gia này càng thêm khó gỡ và có thể biến Libya thành một “Syria thứ hai”.

Quyết định gây tranh cãi

Đúng như dự đoán của giới quan sát, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã chấp thuận việc triển khai binh sĩ đến Libya. Bước đi này được thực hiện sau khi Thổ Nhĩ Kỳ và Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) được Liên hợp quốc công nhận ở Tripoli hồi cuối tháng 11 vừa qua, đã ký một thỏa thuận hợp tác an ninh và quân sự, cho phép Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ về trang thiết bị và huấn luyện quân sự cho GNA. Ngay sau đó, Tổng thống Erdogan tuyên bố nước này sẽ tăng cường hỗ trợ quân sự cho Libya nếu cần thiết, trong đó các phương án sử dụng bộ binh, không quân và hải quân đều được xem xét lựa chọn.

Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận đưa quân tới Libya. Ảnh tư liệu
Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận đưa quân tới Libya. Ảnh tư liệu

Như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia thứ hai ở khu vực cùng với Qatar đứng về “phe” Chính phủ GNA của Libya. Cần nhắc lại rằng, kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo M.Gaddafi, đến nay Libya vẫn chưa thể thoát khỏi cuộc nội chiến phức tạp. Quốc gia này rơi vào tình trạng chia rẽ chính trị sâu sắc với 2 chính quyền song song tồn tại. GNA được quốc tế công nhận hoạt động ở Thủ đô Tripoli, trong khi lực lượng Quân đội quốc gia Libya (LNA) do tướng Khalifa Haftar lãnh đạo đóng căn cứ ở miền Đông và đang tiến hành các chiến dịch nhằm kiểm soát Thủ đô Tripoli. Giao tranh đã khiến hàng nghìn người chết và buộc 120.000 dân thường phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Điều đáng nói là cuộc khủng hoảng Libya khó tìm ra lối thoát bởi có sự can thiệp từ nhiều thế lực bên ngoài. GNA được Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và Italy ủng hộ, trong khi tướng Haftar được Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Arabia Saudi hỗ trợ và nhận được sự ủng hộ chính trị từ Mỹ, Nga, Pháp.

Mục tiêu mà Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayif Erdogan công khai đưa ra là hỗ trợ các bên tiến tới ngừng bắn và khôi phục ổn định. Khi hỗ trợ chính phủ hợp pháp của Libya, Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng khôi phục cân bằng quyền lực giữa GNA và LNA - bước đầu tiên tiến tới giải pháp chính trị. Tuy nhiên, kỳ vọng là một chuyện, thực hiện lại là chuyện khác. Trước mắt, quyết định can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ vào Libya sẽ gây ra những làn sóng tranh cãi gay gắt.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã gặp Thủ tướng Libya Fayez al-Sarraj tại Istanbul, vào tháng 11 năm 2019. Ảnh: Reuters
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (phải) đã gặp Thủ tướng Libya Fayez al-Sarraj tại Istanbul, vào tháng 11 năm 2019. Ảnh: Reuters

Ngay sau quyết định của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, tướng Khalifa Haftar đã ra lệnh huy động lực lượng và tổ chức “thánh chiến” chống lại những gì ông mô tả là “sự chiếm đóng” của Thổ Nhĩ Kỳ. Haftar cũng kêu gọi các quốc gia Arab hỗ trợ lực lượng LNA của mình để chống lại Ankara. Trong một diễn biến mới nhất, ít nhất 28 người đã thiệt mạng và hàng chục người bị thương trong một vụ không kích nhằm vào một trường quân sự tại Thủ đô Tripoli của Libya, hiện do Chính phủ Đoàn kết dân tộc kiểm soát. Bộ Nội vụ Libya đã lên án vụ không kích và đổ lỗi cho lực lượng LNA tiến hành nhằm trả đũa việc GNA “bắt tay” với Ankara.

Đó là chưa kể sự bất mãn từ các quốc gia khác đang “chống lưng” LNA như Ai Cập, UAE hay Arabia Saudi. Về lâu dài, rất có thể sự hiện diện của quân đội Ankara tại Libya sẽ hình thành một mặt trận đối đầu giữa các thế lực khu vực ở quốc gia Bắc Phi này. Như vậy, việc đưa quân đến Libya của Thổ Nhĩ Kỳ có thể mang lại hòa bình hay gây thêm bất ổn đang nhanh chóng có câu trả lời.

Nhóm phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ở Tripoli. Ảnh: New York Times
Nhóm phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ở Tripoli. Ảnh: New York Times

Mục đích của Thổ Nhĩ Kỳ

Có thể thấy, quy mô và tính chất của việc Thổ Nhĩ triển khai quân sự ở Libya vẫn chưa rõ ràng, nhưng có nhiều lý do cho quyết định can thiệp của Ankara. Trước tiên là khát vọng địa chính trị mà Tổng thống Erdogan đang theo đuổi. Động thái của Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya chỉ là ví dụ mới nhất về việc nước này vươn sức mạnh quân sự ra khu vực xung quanh. Từ năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ đã mở căn cứ quân sự ở Qatar và Somalia, can thiệp 3 lần vào Syria để chống lực lượng người Kurd, điều tàu hải quân tới để làm gián đoạn hoạt động khoan khí đốt ở đảo Síp, Đông Địa Trung Hải. Vài tuần trước, Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ còn đuổi tàu Israel ra khỏi vùng biển Síp.

Các hành động này được giới quan sát khu vực cho là thông điệp phô diễn sức mạnh của Ankara trên con đường trở thành cường quốc khu vực và toàn cầu. Sau khi thắng cử năm 2018, ông Erdogan từng tuyên bố sẽ tập trung biến Thổ Nhĩ Kỳ thành cường quốc quốc tế. Các cường quốc toàn cầu thường có chính sách đối ngoại độc lập và tìm kiếm sự ảnh hưởng đối với các quốc gia và khu vực lân cận. Trong trường hợp của Lybia, Thổ Nhĩ Kỳ muốn có tiếng nói về tương lai của đất nước này trong và sau cuộc nội chiến, vì đây là quốc gia cung cấp “đòn bẩy” để Ankara vươn ra Địa Trung Hải.

Bản đồ khu vực Địa Trung Hải.
Bản đồ khu vực Địa Trung Hải.

Rất có thể, ngoài những hoạt động hỗ trợ quân sự cho GNA, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhanh chóng triển khai việc xây dựng một căn cứ quân sự ở Libya.

Mục tiêu của Ankara là giảm thiểu ảnh hưởng của các cường quốc khác trong khu vực và đặc biệt là ngoài khu vực, và tự mình trở thành “người cầm trịch” trong cuộc xung đột Libya. Điều này sẽ khẳng định vị thế trung tâm quyền lực mới ở Trung Đông và Bắc Phi mà Ankara đang theo đuổi. Và như vậy, Libya rất có thể sẽ trở thành một “Syria thứ hai” khi tương lai quốc gia này sẽ phụ thuộc vào các thế lực bên ngoài.

Ngoài ra, việc vươn rộng sức mạnh Thổ Nhĩ Kỳ ra bên ngoài còn nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế và chiến lược lớn. Giới quan sát cho rằng, Ankara không bao giờ ký thỏa thuận hợp tác quân sự với chính phủ hiện nay tại Tripoli, nếu chính phủ này không đồng ý ký cùng lúc một thỏa thuận về hàng hải. Thỏa thuận đó cho phép Thổ Nhĩ Kỳ có quyền lợi trong một vùng rộng lớn ở phía đông Địa Trung Hải, nơi có nguồn dầu khí dồi dào nhưng đang có tranh chấp với các nước Hy Lạp, Ai Cập, Cộng hòa Síp và Israel.

Một tàu khoan dầu của Thổ Nhĩ Kỳ tiến ra Địa Trung Hải, ngoài khơi đảo Síp, vào tháng 8/2019. Ảnh: Reuters
Một tàu khoan dầu của Thổ Nhĩ Kỳ tiến ra Địa Trung Hải, ngoài khơi đảo Síp vào tháng 8/2019. Ảnh: Reuters

Nói cách khác, “bắt tay” với Chính phủ GNA của Libya, Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn vẽ lại đường biên giới trên biển. Nếu chính phủ GNA cuối cùng giải phóng đất nước khỏi cuộc nội chiến thì những bản hợp đồng về thương mại mà Ankara ký kết với Tripoli sẽ được hiện thực hóa. Với những mục tiêu như vậy, chắc chắn thời gian tới, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục đẩy mạnh chính sách đối ngoại tự chủ và quyết liệt hơn. Nhưng điều này cũng sẽ khiến tình hình địa chính trị khu vực chứa đựng những nguy cơ bất ổn khó lường.

Mới nhất
x
Đằng sau quyết định đưa quân tới Libya của Thổ Nhĩ Kỳ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO