Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh Nghệ An quán triệt chuyên đề về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
(Baonghean.vn) - Phát biểu tại Hội nghị quán triệt chuyên đề về phòng, chống tham nhũng, Bí thư Đảng uỷ Khối Các cơ quan tỉnh Nghệ An đề nghị các cấp uỷ đưa nội dung này vào sinh hoạt chuyên đề của chi bộ, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên, người lao động.
Các đại biểu tham gia hội nghị trực tiếp tại Đảng uỷ Khối Các cơ quan tỉnh. Ảnh: MH |
Sáng 4/4, Ban Thường vụ Đảng uỷ Khối Các cơ quan tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt những tư tưởng chủ đạo, nội dung cơ bản, cốt lõi của cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực; quán triệt một số vấn đề về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong giai đoạn hiện nay.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến đến 125 điểm cầu với gần 6.700 cán bộ, đảng viên tham gia. Tham gia tại hội nghị trực tiếp có đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Bí thư Đảng uỷ Khối Các cơ quan tỉnh; lãnh đạo các ban Đảng của Tỉnh uỷ; bí thư, phó bí thư các đảng bộ, chi bộ cơ sở trực thuộc.
Đồng chí Chu Bá Long - Phó Bí thư Đảng uỷ Khối Các cơ quan tỉnh phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: MH |
Kiên quyết, kiên trì, bền bỉ trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Hội nghị được nghe TS Nguyễn Xuân Trường - Vụ trưởng Vụ Địa phương 1, Ban Nội chính Trung ương báo cáo chuyên đề về những tư tưởng chủ đạo, nội dung cơ bản, cốt lõi của cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực.
Cuốn sách là những bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư về hoạt động thực tiễn, đồng thời là những vấn đề lý luận liên quan đến mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, biện pháp và những bài học kinh nghiệm trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam.
TS Nguyễn Xuân Trường - Vụ trưởng Vụ Địa phương 1, Ban Nội chính Trung ương báo cáo chuyên đề về những tư tưởng chủ đạo, nội dung cơ bản, cốt lõi của cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực. Ảnh: MH |
Trong đó, nhấn mạnh phương châm nhất quán trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta là phòng ngừa từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc; mà trọng tâm là xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đặc biệt phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên.
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, không ngừng nghỉ; chủ động, tích cực phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, trong đó phòng là chính, là cơ bản, chiến đấu lâu dài, chống là quan trọng, cấp bách.
Lãnh đạo các ban xây dựng Đảng của Tỉnh uỷ tham gia hội nghị. Ảnh: MH |
Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt. Đây là nhiệm vụ và trách nhiệm của các cơ quan chuyên trách và là mối quan tâm chung của các tầng lớp Nhân dân, cán bộ, đảng viên cùng bạn bè quốc tế.
Trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải quan tâm đảm bảo 4 “không”: "không thể, không dám, không cần và không muốn tham nhũng". Chống phải luôn đi với xây, không nhất thiết phải xử lý được nhiều người mới tốt, mà coi trọng phòng ngừa, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, hạn chế tham nhũng, tiêu cực; không khoan nhượng, không ngừng nghỉ, không có vùng cấm...
Lãnh đạo các sở, ngành tham gia hội nghị. Ảnh: MH |
Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực yêu cầu thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự; bước đi vững chắc, tích cực, chủ động, có trọng tâm, trọng điểm; phải đặc biệt quan tâm, chú trọng công tác cán bộ, phải đánh giá, lựa chọn, bố trí đúng cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý; tăng cường quản lý, giáo dục, phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự chuyển biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.
Cùng đó, chú trọng kiểm soát quyền lực; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Lãnh đạo tổ chức đảng các sở, ban, ngành, đơn vị trực thuộc Đảng ủy Khối tham gia hội nghị. Ảnh: MH |
Gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải phù hợp với bối cảnh, yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và truyền thống văn hoá dân tộc, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm các nước ngoài và kế thừa kinh nghiệm từ các nhiệm kỳ trước.
Quang cảnh hội nghị trực tiếp. Ảnh: MH |
Hội nghị cũng được nghe TS Nguyễn Xuân Trường cung cấp một số vấn đề liên quan đến công tác nội chính của Đảng trong giai đoạn hiện nay.
Bên cạnh phân tích bối cảnh trong nước và thế giới tác động đến tình hình an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, TS Nguyễn Xuân Trường nêu một số giải pháp, trong đó quan tâm nắm chắc tình hình, đánh giá đúng, kịp thời xử lý các vấn đề nảy sinh.
Đồng thời, quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảm bảo các cơ quan nội chính thật sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đưa nội dung cuốn sách vào sinh hoạt chuyên đề của chi bộ
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Bí thư Đảng uỷ Khối Các cơ quan tỉnh cho rằng, việc Ban Thường vụ Đảng uỷ Khối lựa chọn chuyên đề này để quán triệt, phổ biến đến đội ngũ cán bộ chủ chốt và toàn thể cán bộ, đảng viên cho thấy tầm quan trọng, vị trí, yêu cầu cao của công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay; đây cũng là một giải pháp để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Bí thư Đảng uỷ Khối Các cơ quan tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: MH |
Nhấn mạnh, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực là việc làm thường xuyên, liên tục, lâu dài, đòi hỏi quyết tâm cao, sự nỗ lực, đoàn kết, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Bí thư Đảng uỷ Khối Các cơ quan tỉnh đề nghị cấp uỷ các cấp, cán bộ, đảng viên tiếp tục quán triệt, học tập nội dung cuốn sách tại đảng bộ, chi bộ; đưa nội dung tác phẩm vào sinh hoạt chuyên đề trong các kỳ sinh hoạt chi bộ, nhằm tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và quần chúng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát gắn chặt với công tác tư tưởng, công tác tổ chức, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước; đối với những người vi phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, nghiêm minh, công khai.
Các đại biểu trao đổi tại hội nghị. Ảnh: MH |
Bên cạnh việc xử lý nghiêm đối với những trường hợp sai phạm, đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi cũng đặt ra cần có cơ chế để bảo vệ, khuyến khích những cán bộ, đảng viên, người đứng đầu dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, mạnh dạn, đi đầu trong đổi mới vì sự phát triển của tỉnh nói chung và của cơ quan, đơn vị nói riêng.