Danh sách 'tử thần' ở những ngôi làng ung thư

03/04/2017 11:09

(Baonghean.vn)- 'Cơn bão' ung thư tràn qua khiến nhiều xóm làng ở huyện Nghĩa Đàn chìm trong héo hắt.

Danh sách "tử thần"

Ông Đặng Xuân Pháp, xóm trưởng xóm Phú Tiến, xã Nghĩa Phú, huyện Nghĩa Đàn tiếp chúng tôi bằng một tiếng thở dài “Ở làng này, chỉ cần bước ra khỏi ngõ là gặp ung thư. Nghĩ mà đau quá! Cái bệnh quái ác ấy không chừa một ai. Người già chết đã đành, tụi trẻ “nó” cũng không tha. Mọi người sống ở đây, không ai dám chắc rằng mình không phải là người tiếp theo”.

Chẳng cần giở sổ, ông ngồi kể liền một mạch tên tuổi của những người bị mắc bệnh trong xóm. Từ hoàn cảnh gia đình cho đến loại ung thư, thời gian họ mất.

“Chỉ khoảng dăm, bảy năm nay, cả xóm này có tới 40 ca ung thư. Chủ yếu là ung thư vòm họng, phổi, gan,... Mà đau lắm cơ! Phần lớn đều chết trẻ”, Ông Pháp ngậm ngùi.

Con số này vẫn chưa thật sự chính xác bởi từ ngày có nhiều ca ung thư, bà con không ai dám đi khám vì sợ rằng mình cũng bị ung thư như những người kia. “Đường nào cũng chết cả! Thà không biết để sống vui vẻ thêm mấy ngày còn hơn suốt ngày nơm nớp lo sợ”, một người dân thở dài.

Theo chỉ dẫn của ông Pháp, chúng tôi tìm đến nhà cháu Lê Đình Vũ đã mất cách đây không lâu vì ung thư não khi chỉ mới 17 tuổi. Trong ngôi nhà nhỏ, người mẹ trẻ ngồi lặng bên bàn thờ đứa con trai. Sự ra đi của Vũ đã gây ra cú sốc quá lớn cho cả gia đình.

1
Chị Nguyễn Thị Sinh, 47 tuổi, mẹ của Lê Đình Vũ đã mất vì ung thư não. Ảnh: Thủy Lợi

“Khổ thân thằng nhỏ! Mới hôm trước còn phụ mẹ đi chăn bò, hôm sau về kêu đau đầu. Tôi cứ nghĩ nó đi nắng nên bị cảm nắng chứ ai ngờ từ hôm đó trở đi, ngày nào nó cũng ôm đầu khóc. Hơn 1 tháng sau tôi đưa đi khám mới tá hỏa ra rằng nó bị ung thư não. Cả nhà chạy chữa khắp nơi nhưng không được”, người mẹ sụt sùi.

Cách nhà ông Pháp không xa, anh Nguyễn Văn An, một nạn nhân xấu số vừa qua đời khi mới bước qua tuổi 40 vì bị ung thư phổi. “Cái chú ấy chịu khó làm ăn, lại sống biết trước biết sau thế mà ông trời nỡ bắt phải chết. Thật là phí!”, một người hàng xóm xót xa.

Không riêng gì xóm Phú Tiến, 3 xóm liền kề nông trường 1/5 là Hoa Vinh Sơn, Bình Minh, Vinh Quang (xã Nghĩa Hội) cũng chung cảnh tượng.

Theo ông Cao Xuân Tăng, xóm trưởng xóm Hoa Vinh Sơn: “Mấy xóm ở quanh nông trường 1/5 này đều có người mắc ung thư cả. Trong 3-4 năm gần đây, riêng xóm tôi hơn hai chục ca ung thư, còn u, sẩy thai hoặc đẻ non thì nhiều lắm.

Ái ngại nhất là trường hợp cả 2, 3 người trong một nhà cùng mắc bệnh như trường hợp hai bố con chú Cao Văn Phượng bên xóm Vinh Quang, con trai “dính” ung thư máu lúc mới 20 tuổi. Mọi người chưa hết sốc thì ông bố (42 tuổi) phát hiện bị ung thư gan giai đoạn cuối.

Hai “đại họa” đổ dồn lên gia đình chưa được thoát khỏi cái “án” hộ nghèo của xóm. Phát hiện bệnh được hơn 1 tháng thì 2 cha con cùng qua đời, để lại “cục” nợ cùng 3 đứa trẻ cho người vợ một mình xoay xở. Bà con ai nấy đều lo lắng không biết từ đâu mà sinh ra cái bệnh quái ác đến như vậy".

1
Danh sách những người bị ung thư ở xóm Phú Tiến mà ông Pháp theo dõi. Ảnh: Thủy Lợi

Đi tìm nguyên nhân

Mặc dù chưa xét nghiệm về nguồn nước mà người dân nơi đây sử dụng. Song, mọi người đều cho rằng ngọn nguồn của bệnh ung thư vùng này chính là do nguồn nước lấy từ đập Phú Thọ, xã Nghĩa Phú. Trong đó, xóm Phú Tiến ở đầu nguồn nên có tỷ lệ mắc ung thư cao nhất.

“Trước đây, người ta sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để chống sâu bệnh cho cây cà phê. Sau mỗi đợt mưa, nước đổ dồn xuống đập, nên sau nhiều năm, nguồn nước đã bị nhiễm độc. Trong khi thực tế, đây là nguồn nước sinh hoạt của các hộ dân trong vùng nên rất có khả năng đây chính là nguyên nhân gây ra căn bệnh ung thư” - ông Nguyễn Văn Long, công nhân của nông trường suy đoán.

1
Đập Phú Thọ là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho người dân nơi đây. Ảnh: Thủy Lợi

Cũng theo ông Long, địa bàn xóm Phú Tiến trước đây từng là nơi chứa phân bón và thuốc trừ sâu của nông trường 1/5. Có nhiều kho chứa thuốc trừ sâu (loại 666, DDT,...) nằm rải rác trong xóm và dọc theo con đập Phú Thọ. Những loại thuốc này đều là loại rất độc với con người, hiện đã bị cấm sử dụng. Để phân huỷ những thuốc này cần mất vài chục năm.

Điều đáng nói là 2 trường mầm non và trường Tiểu học Nghĩa Phú đóng trên địa bàn xóm Phú Tiến được xây trên mảnh đất vốn là kho chứa thuốc trừ sâu. Hàng ngày các cô trò vẫn sử dụng nguồn nước giếng khoan thô để sử dụng.

“Biết bao lần bà con phản ánh lên chính quyền, bên báo chí cũng về lấy thông tin. Song, vẫn bặt vô âm tín, bà con chúng tôi chỉ biết chờ đợi trong vô vọng”, ông Long tâm sự.

Trong ánh nắng chiều yếu ớt phảng phất mùi lá xông bay ra từ những nhà có người bệnh, tôi ra về, trong lòng không khỏi xót xa cho những người nông dân lam lũ. Cái tên nào sẽ viết tiếp trong cuốn sổ của ông trưởng thôn?

Tôi tự hỏi rồi nghẹn lại khi nghĩ về đôi mắt thơ ngây của bé Quyên - con gái anh Điệp - đôi mắt trong veo ấy đang sắp sửa không còn được nhìn thấy bố mình nữa. Người bố tội nghiệp của em giờ đây đang phải vật lộn trong đau đớn để đếm những ngày cuối cùng.

Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phú - ông Trương Quang Thắng cho biết, sau khi người dân phản ánh, đã có 3 đoàn công tác của Sở Tài Nguyên và Môi trường về kiểm tra, khảo sát. “ Các đoàn cho rằng có nguyên nhân từ nguồn nước ô nhiễm bởi thuốc sâu và khuyến cáo người dân không nên sử dụng nguồn nước giếng như hiện nay”, ông Thắng nói.

Ông Thắng cũng cho biết, UBND xã đã đề nghị xây dựng nhà máy nước sạch nhưng chưa làm được vì vướng ngân sách


Thuỷ Lợi

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Danh sách 'tử thần' ở những ngôi làng ung thư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO