Đất biên viễn ghi chiến công bắn rơi máy bay tiêm kích Mỹ

25/03/2017 22:50

(Baonghean.vn) - Những máy bay trinh sát, máy bay tiêm kích của đế quốc Mỹ từ các sân bay Thái Lan vào đánh phá miền Bắc trong những năm kháng chiến chống Mỹ đã bị quân dân xã địa đầu biên giới xứ Nghệ, Thông Thụ (Quế Phong) đón đánh chặn. Những dân quân đồng bào dân tộc Thái ở vùng đất viễn biên này đã hạ được tiêm kích hiện đại của Mỹ bằng những vũ khí còn thô sơ.

Trong những năm tháng trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống Mỹ của dân tộc vùng đất viễn biên Thông Thụ (huyện Quế Phong) trên bộ gần như yên tĩnh. Bởi đây không nằm trong tuyến lửa của những cung đường vận chuyển huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam.

Đây cũng không có căn cứ quân sự nào tối quan trọng và lúc đó lợi thế rừng cây rậm rạp các làng bản khuất sâu trong tán lá rừng nên tránh được sự nhòm ngó của giặc Mỹ.

Thông Thụ hôm nay. Ảnh: Hồ Phương.
Mảnh đất miền biên giới Thông Thụ - nơi cửa ngõ nối với huyện Sầm Tớ nước bạn Lào đã ghi dấu nhiều chiến công trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ảnh: Hồ Phương.

Tuy nhiên, bầu trời của vùng đất này lại không yên tĩnh như mặt đất bởi hàng ngày những tốp máy bay Mỹ từ các sân bay Thái Lan khi bay vào đánh phá miền Bắc đều bay qua đây.

Cùng với đó, đây là cửa ngõ nối sang huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn, Lào nên dù không bị đánh phá nhưng các tiểu, trung đội dân quân bản được thành lập để chống biệt kích Mỹ theo đường biên xâm nhập vào nước ta và đón đánh chặn máy bay Mỹ.

Năm nay đã 85 tuổi nhưng cụ ông Lương Văn An (nguyên là Trung đội phó Trung đội dân quân bản Lốc, xã Thông Thụ) vẫn nhớ như in những ngày tháng đó: Thời điểm đó các trung, tiểu đội dân quân bản chỉ được trang bị súng quân dụng k44. Chỉ tiểu đội phòng không được trang bị một khẩu 12 ly 7 là hiện đại nhất.

Cụ Lương Văn An tuy tuổi đã cao nhưng vẫn không bao giờ quên ngày trung đội của mình bắn rơi chiếc tiêm kích của Mỹ bay vào vùng đất biên giới Thông Thụ để bắn phá. Ảnh: Xuân Hòa.
Cụ Lương Văn An tuy tuổi đã cao nhưng vẫn không bao giờ quên ngày trung đội của mình bắn rơi chiếc tiêm kích của Mỹ bay vào vùng đất biên giới Thông Thụ để bắn phá. Ảnh: Xuân Hòa.

Hàng ngày các trung đội dân quân bản thay nhau huấn luyện còn các trung đội khác phối hợp cùng bộ đội biên phòng tuần tiễn biên giới. Thời điểm đó đây là vùng rừng núi rậm rạp, địa hình tương đối phức tạp nên dễ trở thành một con đường cho biệt kích Mỹ thâm nhập vào hậu phương miền Bắc của nước ta.

Không bao giờ cụ An quên được mốc son ngày 9/11/1965. Sau nhiều ngày tình nghi, nhiều lần máy bay Mỹ đã bay qua bầu trời Thông Thụ để trinh sát. Đến 14 giờ chiều 9/11, khi trung đội đang huấn luyện tại khe bản Lốc thì phát hiện 3 chiếc tiêm kích Mỹ bay từ hướng sông Chu bay vào. Ngay lập tức cả trung đội của cụ cùng với tiểu đội phòng không bước vào sẵn sàng chiến đấu.

3 chiếc tiêm kích bay rà sát dọc theo sông Chu thì đồng loạt được lệnh nổ súng hạ máy bay. Ngay sau loạt súng K44 đầu tiên vừa ngớt, 1 trong 3 chiếc tiêm kích đã bốc khói ngùn ngụt.

Đạn được tra vào loạt đạn thứ 2 kèm với súng phòng không tiếp tục được bắn lên nhằm hạ chiếc tiêm kích. Sau loạt súng thứ 2 này chiếc tiêm kích bị cháy trước đó lảo đảo rồi lao xuống cánh rừng phía sau bản Cà Na. “Khi đó, súng K44 đạn lên từng viên 1 nhưng khi thấy 3 chiếc tiêm kích bay vào lại bay rất thấp nên trung đội quyết tâm hạ lũ giặc trời này.

Người dân Thông Thụ giúp nhau dựng nhà sàn. Ảnh: Hồ Phương.
Người Thái ở Thông Thụ giúp nhau dựng nhà sàn. Ảnh: Hồ Phương.

Loạt đạn đầu tiên,1 trong 3 chiếc tiêm kích đã bốc cháy, sau đó cùng với súng phòng không, chiếc tiêm kích đó đã bị bắn rơi xuống cánh rừng phía sau bản Cà Na của xã Thông Thụ. Chiến công đó khiến các cán bộ, chiến sỹ trong xã rất phấn khởi và quyết tâm chiến đấu với lũ giặc trời hàng ngày bay qua đây”, cụ An hồ hởi nhớ lại.

Tuy nhiên, cũng từ đó vùng đất viễn biên Thông Thụ bị tiêm kích Mỹ nhòm ngó nhiều hơn vì nghi ngờ có lực lượng bộ đội chủ lực đóng quân ở đây. Điển hình như năm ngày 7/1/1966, một tốp tiêm kích đã ném bom vào trường Tiểu học Thông Thụ tại bản Mường Piệt vì nghi ngờ đó là kho vũ khí. Rất may khi ném bom học sinh chưa đến trường nên trận ném bom chỉ làm một em bé nhà gần đó bị thương.

Bộ mặt biên viễn hôm nay có nhiều thay đổi. Ảnh: Hồ Phương.
Bộ mặt miền biên viễn hôm nay có nhiều thay đổi với nhiều công trình mới mọc lên. Ảnh: Hồ Phương.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, xã Thông Thụ cũng đã đóng góp nhiều sức người, sức của cho chiến trường. Hiện Chi hội Cựu chiến binh xã có 178 hội viên, trong đó có nhiều là thương, bệnh binh thời kỳ kháng chiến. Giờ đây mỗi năm Thông Thụ có từ 6 đến 7 thanh niên lên đường nhập ngũ làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Nói đến tinh thần yêu nước và chống giặc ngoại xâm của quân dân xã nhà ông Quang Văn Tương, Chủ tịch Hội CCB xã Thông Thụ tự hào nói: “Xã là nơi sinh sống có đến 87% đồng bào dân tộc Thái và số còn lại là đồng bào dân tộc Khơ Mú. Nhưng trong thời kỳ chiến tranh hay như bây giờ là thời bình quân và dân trong toàn xã luôn nêu cao tinh thần dân tộc, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ đất nước giao phó. Quân và dân luôn tuyên truyền học tập, làm việc theo đúng đường lối, pháp luật nhà nước để vùng đất biên giới này luôn bình yên”.

Xuân Hòa

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Đất biên viễn ghi chiến công bắn rơi máy bay tiêm kích Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO