Dấu ấn Barack Obama trong giai đoạn nước rút

16/09/2016 10:41

(Baonghean) - Tuần qua, dư luận chứng kiến hàng loạt sự kiện đáng chú ý như lệnh ngừng bắn tại Syria bắt đầu có hiệu lực; chuyến thăm Mỹ của Cố vấn Nhà nước Myanmar, thỏa thuận viện trợ quân sự kỷ lục của Mỹ cho Israel hay cuộc chạy đua vào Nhà trắng tiếp tục nóng bỏng. Đáng chú ý, tất cả những sự kiện này đều mang dấu ấn của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Trong bối cảnh thời gian nhiệm kỳ cuối không còn nhiều, hình ảnh ông Obama đậm nét trong hàng loạt sự kiện đối nội - đối ngoại quan trọng đang khắc họa vị Tổng thống da màu có một không hai trong lịch sử nước Mỹ.

Tổng thống Barack Obama diễn thuyết ủng hộ ứng viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton tại Philadelphia hôm 13/9. Nguồn: AFP
Tổng thống Barack Obama diễn thuyết ủng hộ ứng viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton tại Philadelphia hôm 13/9. Nguồn: AFP

Quyết liệt đối nội

Tuần qua, nếu như dư luận nước Mỹ còn đang xôn xao chuyện sức khỏe của ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton thì Tổng thống Obama đã khiến công chúng phải bất ngờ. Mặc dù công khai ủng hộ bà Clinton trong nhiều tháng qua, nhưng đây là lần đầu tiên ông Obama đích thân đứng ra tranh cử thay cho ứng cử viên Đảng Dân chủ.

Theo đó, ngày 13/9, ông Obama đã có bài diễn thuyết tái khẳng định sự ủng hộ với bà Clinton, đồng thời đưa ra hàng loạt lý lẽ thuyết phục cử tri. Ông cho rằng, bà Clinton đã bị đối xử khắt khe, trong khi bà đã thể hiện sự minh bạch trong việc cung cấp các tài liệu về sức khỏe và tài chính cũng như công khai hồ sơ thuế cá nhân. Đây là những điều mà ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump từ chối thực hiện.

Bên cạnh những chỉ trích mạnh mẽ như cho rằng ứng viên Donald Trump luôn có phát ngôn gây tranh cãi, không đủ tiêu chuẩn để làm Tổng thống, ông Obama trong bài diễn văn vừa qua còn tập trung đánh vào điểm yếu lớn khác của ứng viên Đảng Cộng hòa đó là sự lạnh nhạt với tầng lớp lao động. Không chỉ vậy, ông Obama còn khéo léo dẫn các số liệu cho thấy thu nhập của người dân Mỹ đang tăng lên, để chứng tỏ quan điểm sai lầm của ứng viên Donald Trump cho rằng kinh tế Mỹ đang xuống dốc.

Theo giới quan sát, vào thời điểm hiện nay, ông Obama có thể là nhân tố quyết định tới 50% sự thắng bại của Đảng Dân chủ. Bà Clinton với những diễn biến không tốt về sức khỏe đang khiến cho chính cử tri và cả giới lãnh đạo Đảng Dân chủ đứng ngồi không yên.

Đây cũng là lý do khiến tỷ lệ ủng hộ của tỷ phú Trump luôn nhỉnh hơn trong mấy tuần gần đây. Bản thân bà Clinton lúc này đã mất mát ít nhiều sức cạnh tranh với đối thủ của mình. Bởi vậy, việc ông Obama quyết định ra mặt tranh cử không chỉ là nhằm ủng hộ cá nhân bà Clinton mà còn là giữ điểm cho Đảng Dân chủ của ông.

Uyển chuyển đối ngoại

Quyết đoán và nhạy bén trong cuộc vận động tranh cử Tổng thống trong nước, ông Obama tuần qua cũng không quên tạo những bước tiến mới trong mối quan hệ với các đối tác quan trọng.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin bên lề Hội nghị G20 diễn ra tại Hàng Châu, Trung Quốc hôm 5/9.  Nguồn:  Ria Novosti
Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin bên lề Hội nghị G20 diễn ra tại Hàng Châu, Trung Quốc hôm 5/9. Nguồn: Ria Novosti

Trong bối cảnh mối quan hệ đồng minh Mỹ - Israel đang gặp nhiều rạn nứt, thỏa thuận về gói viện trợ quân sự kỷ lục trị giá 38 tỷ USD vừa được ký kết hôm 14/9 đã khiến dư luận không khỏi bất ngờ. Bất ngờ là bởi, các cuộc đàm phán về gói viện trợ này đã kéo dài gần 10 tháng qua với sự dùng dằng của phía Israel. Lãnh đạo hai bên tồn tại quá nhiều bất đồng về thỏa thuận hạt nhân Iran cũng như tiến trình hòa bình Trung Đông.

Bên cạnh đó, Tel Aviv vốn muốn trì hoãn và hy vọng rằng, thỏa thuận sẽ có những điều khoản có lợi hơn cho Israel khi Mỹ có chính quyền mới vào cuối năm nay. Bởi thế, thuyết phục được phía Israel “gật đầu” với thỏa thuận kéo dài 10 năm này có thể nói là thành công ấn tượng của ông Obama. Với thỏa thuận này, Mỹ sẽ hoàn toàn yên tâm với sự hiện diện tại khu vực địa chính trị Trung Đông trong một thời gian dài tới đây.

Không chỉ làm quan hệ Mỹ - Israel “xuôi chèo mát mái”, ông Obama vừa qua cũng có công không nhỏ trong lệnh ngừng bắn tại Syria mới đạt được giữa Nga và Mỹ. Cuộc gặp chớp nhoáng giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ bên lề Hội nghị G20 diễn ra tại Hàng Châu, Trung Quốc hôm 5/9 vừa qua bàn về Syria đã cho thấy nỗ lực của cả hai bên.

Đặc biệt từ phía Mỹ, có thông tin cho rằng, chính quyền Tổng thống Obama đã chủ động đề xuất cuộc gặp này. Sau đó, trong cuộc đàm phán giữa Ngoại trưởng hai bên, thái độ của cả phía Nga và Mỹ đều có sự điều chỉnh đáng kể và cuối cùng là đi đến thỏa thuận có ý nghĩa lịch sử là lệnh ngừng bắn tại Syria có hiệu lực từ ngày 12/9.

Xử lý mềm dẻo trong các hồ sơ nóng Trung Đông, Tổng thống Barack Obama tuần qua còn có một bước đi đối ngoại quan trọng nữa ngay tại Mỹ. Đó là việc chào đón Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu kyi trong chuyến thăm lịch sử đến Mỹ. Hàng loạt vấn đề mấu chốt được đặt ra trong chuyến công du này, như sự ủng hộ của Mỹ với tiến trình dân chủ của Myanmar hay nỗ lực hợp tác, thúc đẩy thương mại giữa hai bên.

Giới quan sát cho rằng, việc Mỹ nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế, đưa nhiều nhân vật và công ty của Myanmar ra khỏi danh sách đen hay hỗ trợ Myanmar giải quyết những căng thẳng sắc tộc sẽ đều được đánh giá kỹ lưỡng. Bởi đây là những biểu hiện rõ ràng để chứng minh chính sách xoay trục sang châu Á của chính quyền Tổng thống Obama.

Tổng thống Obama tiếp Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu kyi trong chuyến thăm lịch sử đến Mỹ. Ảnh: Internet
Tổng thống Obama tiếp Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu kyi trong chuyến thăm lịch sử đến Mỹ. Ảnh: Internet

Song song việc trải thảm đỏ với Myanmar, Tổng thống Obama cũng chứng tỏ là một nhà ngoại giao đẳng cấp trong mối quan hệ với một quốc gia châu Á khác là Phillipines. Dư luận chắc hẳn đã chứng kiến hàng loạt những lời chỉ trích khiếm nhã của Tổng thống Phillipines Rodrigo Duterte thời gian qua nhằm vào ông Obama.

Thế nhưng đáp lại, người ta thấy một nhà lãnh đạo Mỹ nhã nhặn với tuyên bố rằng, quan hệ Mỹ - Phillipines sẽ không vì những chuyện nhỏ như vậy mà bị ảnh hưởng. Dư luận đánh giá, đây chính là sự kiên trì chiến thuật của ông Obama trước tính khí và phản ứng thất thường của Tổng thống Philippines. Mục đích cuối cùng là nhằm đảm bảo sự ổn định và duy trì quan hệ với đồng minh quan trọng hàng đầu châu Á của Mỹ.

Với hàng loạt biểu hiện như vừa qua, có lẽ không ngoa khi nhiều ý kiến cho rằng, Tổng thống Obama đang vụt sáng vào chặng cuối nhiệm kỳ. Không chỉ khẳng định một chân dung Tổng thống da màu nổi bật trong lịch sử xứ cờ hoa, mà còn tạo đà cho các ứng viên Đảng Dân chủ tiến tới thắng lợi trong cuộc bầu cử quan trọng vào tháng 11 cuối năm nay.

Phương Hoa

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Dấu ấn Barack Obama trong giai đoạn nước rút
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO