Kinh tế

Dấu ấn đột phá trong xây dựng nông thôn mới tại Tương Dương

Đặng Cường 25/12/2024 16:31

Nhờ sự nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cùng với tinh thần đoàn kết, đồng lòng của người dân, sau 12 năm triển khai, huyện Tương Dương đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong xây dựng nông thôn mới. Đây là một trong số ít các huyện thuộc chương trình 30a trên cả nước có xã đạt chuẩn nông thôn mới, với 4 xã và 11 bản được công nhận đạt chuẩn.

987.png
Thị trấn Thạch Giám nhìn từ trên cao; Rừng săng lẻ tại xã Tam Đình; Không khí đón chào các ngày lễ lớn ở huyện miền núi Tương Dương. Ảnh tư liệu: SN- ĐT- HP

Nhiều đổi thay

Tam Quang, xã biên giới đầu tiên của huyện Tương Dương và tỉnh Nghệ An xuất sắc cán đích nông thôn mới vào cuối năm 2017. Hiện nay, xã đang tiếp tục vươn lên với mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Sự đổi thay rõ nét thể hiện qua những con đường bê tông nối dài vào tận các xóm, bản, những ngôi nhà khang trang, và đặc biệt là sự hình thành nhiều mô hình kinh tế hiệu quả.

65.ảnh pv
Một góc làng Mỏ, xã Tam Quang. Ảnh: Đ.C

Theo bà Kha Thị Hiền - Chủ tịch UBND xã Tam Quang: Một bước tiến quan trọng là người dân đã chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa. Các mô hình như trồng cây ăn quả, nuôi bò và lợn rừng không chỉ cải thiện thu nhập mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương. Nhờ đó, thu nhập bình quân của người dân đã tăng lên 52,1 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8,03%.

Đơn cử như làng Bãi Sở phát triển mạnh các mô hình kinh tế mang lại thu nhập cao từ 100-300 triệu đồng/năm. Tiêu biểu như mô hình trồng trọt và chăn nuôi của gia đình ông Tống Văn Chiến, mô hình cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả của ông Lê Đăng Dần và các hộ chăn nuôi bò như gia đình bà Nguyễn Thị Phương, ông Nguyễn Hữu Duệ, ông Nguyễn Hữu Ngọc…

12.ảnh pv
Mô hình nuôi bò vỗ béo của hộ bà Nguyễn Thị Phương ở làng Bãi Sở, xã Tam Quang. Ảnh: Đ.C

Bà Nguyễn Thị Phương, chủ hộ chăn nuôi với hơn 20 con bò vỗ béo cùng hàng chục con lợn sinh sản, ngoài diện tích đất gia đình, bà còn mượn thêm đất từ các hộ dân trong làng để trồng ngô, sắn và cỏ làm thức ăn chăn nuôi. Nhờ đó, mỗi năm gia đình bà thu nhập gần 300 triệu đồng. Bà Phương chia sẻ: “Trước kia đường sá lầy lội, đi lại khó khăn, thương lái vào còn ép giá. Giờ nhờ có nông thôn mới, đường đã bê tông hóa, đi lại dễ dàng, hàng hóa làm ra cũng tiêu thụ thuận lợi, thu nhập của người dân cải thiện rõ rệt”.

Thời điểm này, xã Lưu Kiền cũng đang phấn đấu hoàn thành tiêu chí NTM. Ông Vang Kiên Cường - Chủ tịch UBND xã cho biết: Sau khi nắm vững các tiêu chí cần đạt, người dân đã nỗ lực thực hiện, đến nay đạt 12 tiêu chí. Về môi trường, các hộ dân đã cải thiện việc nuôi gia súc, gia cầm, không còn nuôi dưới gầm nhà sàn mà tách riêng khu vực. Người dân cũng đã ý thức thu gom và phân loại rác thải đúng quy định. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ giống cây, con và mô hình sản xuất đã giúp bà con nâng cao ý thức phát triển kinh tế. Nhiều mô hình đã mang lại hiệu quả rõ rệt, như chăn nuôi trâu, bò tại bản Lưu Thông, mô hình VAC tại bản Khe Kiền, mô hình trồng chuối lấy lá, mô hình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản (cá mát)...

3.ảnh pv
Mô hình trồng cây ăn quả của các hộ dân bản Cửa Rào 2, xã Xá Lượng cho thu nhập ổn định. Ảnh: Đ.C

Xã Nhôn Mai cũng đã có sự thay đổi rõ rệt, đặc biệt là hệ thống giao thông. Các tuyến đường từ trung tâm xã đến các bản đã được mở rộng và bê tông hóa, với cầu bắc qua khe, suối giúp bà con đi lại thuận tiện và an toàn. Các bản như: Nhôn Mai, Na Hỷ, Na Lợt, Có Hạ, Huồi Cọ, Xói Voi, Thằm Thẩm, Xà Mặt đều có đường bê tông, trường học, trạm y tế đã được xây dựng kiên cố…

Về phát triển kinh tế, xã đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiềm năng của địa phương. Trước đây, chanh leo được trồng thí điểm tại các bản Huồi Cọ và Thằm Thẩm, mang lại thu nhập cao và giúp bà con thoát nghèo. Tuy nhiên, do cây thường xuyên bị bệnh, xã đã chuyển sang trồng gừng và sắn cao sản. Hiện nay, sắn cao sản đã trở thành cây trồng chủ lực, với diện tích 300ha, giúp các hộ dân có thu nhập từ 50 đến 100 triệu đồng mỗi năm. Ngoài sắn, bà con còn phát triển chăn nuôi đại gia súc, đào ao nuôi cá và trồng đào mốc, với diện tích gần 30ha tại các bản Huồi Cọ, Huồi Măn, Phá Mựt.

"Tiêu chí dễ làm trước, khó làm sau"

Tính đến nay, ngoài 4 xã đạt chuẩn NTM gồm Tam Thái, Tam Quang, Tam Đình và Xá Lượng, huyện Tương Dương còn có 11 bản đạt chuẩn NTM, bao gồm: Bản Pủng (xã Yên Thắng), bản Huồi Tố I (xã Mai Sơn), bản Phẩy (xã Xiêng My), bản Ngọn (xã Yên Hòa), bản Xốp Nặm (xã Tam Hợp), bản Bay (xã Nga My), bản Có Phảo (xã Yên Na), bản Cặp Chạng (xã Yên Tĩnh), bản Khe Kiền (xã Lưu Kiền), bản Trung Thắng (xã Yên Thắng), và bản Na Kha (xã Mai Sơn).

Việc huyện Tương Dương nằm trong số ít các huyện 30a trên cả nước có xã đạt chuẩn NTM sớm, phản ánh rõ quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng của người dân. Đặc biệt, huyện đã sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí và hỗ trợ để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện nhà ở cho hộ nghèo.

Cùng với đó, huyện lồng ghép các chương trình, dự án nhằm hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề, cung cấp máy móc, cây giống, con giống, đồng thời tạo điều kiện để người dân tiếp cận thông tin, học hỏi cách thức sản xuất và xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả. Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người hiện nay ước đạt 38,4 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 29,3% xuống còn 25,3%.

09.ảnh pv
Ông Nguyễn Hữu Hiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương tham quan mô hình trồng cà chua múi tại bản Phòng, thị trấn Thạch Giám. Ảnh tư liệu: Đ.C

Ông Nguyễn Hữu Hiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: Huyện đặt mục tiêu đến năm 2025, xã Tam Quang đạt chuẩn NTM nâng cao, 7 bản đạt chuẩn NTM, gồm: Bản Minh Thành (xã Lượng Minh), bản Vẽ (xã Yên Na), bản Cành Toong (xã Yên Tĩnh), bản Cành Khỉn (xã Yên Hòa), bản Văng Môn (xã Nga My) và bản Phá Kháo (xã Mai Sơn). Về lâu dài, huyện Tương Dương phấn đấu trở thành đơn vị dẫn đầu trong xây dựng NTM ở khu vực miền núi cao.

Để đạt được mục tiêu này, huyện tiếp tục tuyên truyền chuyển đổi nhận thức, quyết tâm thoát nghèo của cán bộ, nhân dân, với quan điểm “thoát nghèo từ trong nhận thức”. Huyện tiếp tục khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có, đồng thời tận dụng hiệu quả các cơ chế, chính sách dành cho miền núi và dân tộc để tập trung phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Trên cơ sở xây dựng cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tiêu thụ và chế biến sản phẩm nông nghiệp… huyện đẩy mạnh triển khai Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), nhằm khẳng định và nâng cao giá trị các sản phẩm đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Huyện Tương Dương cũng xác định công tác lập kế hoạch xây dựng NTM cho các xã là một bước quan trọng, giúp xác định lộ trình phát triển và nguồn lực đầu tư phù hợp.

Quan trọng nhất là phải phân định rõ, tiêu chí, công trình nào huyện chịu trách nhiệm; tiêu chí, công trình nào xã đảm nhiệm; tiêu chí, công việc nào người dân thực hiện; và đâu là nhiệm vụ chung giữa Nhà nước và người dân.

Đặc biệt, với phương châm "Tiêu chí dễ làm trước, khó làm sau", huyện chỉ đạo quá trình xây dựng NTM không chạy theo thành tích, mà phải đảm bảo rằng, mỗi tiêu chí hoàn thành đều mang lại lợi ích thiết thực cho người dân giúp họ cảm nhận được thành quả từ chính sự nỗ lực của mình.

Mới nhất

x
Dấu ấn đột phá trong xây dựng nông thôn mới tại Tương Dương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO