Dấu hiệu của ung thư dễ nhầm với mang thai
Tuyến vú có những thay đổi đáng kể trong quá trình mang thai nên phụ nữ dễ nhầm lẫn với ung thư.
Bác sĩ Ang Peng Tiam hiện là Giám đốc Trung tâm Ung thư PCC (Singapore) cho biết phụ nữ phát hiện ung thư ở giai đoạn sau khi mang bầu không phải trường hợp hiếm gặp. Nguyên nhân là tuyến vú có những thay đổi đáng kể trong quá trình mang thai như căng hơn, tăng kích cỡ, do đó chị em dể nhầm lẫn giữa khối u ung thư với những thay đổi khi mang thai hoặc viêm tuyến vú. Một số bác sĩ sản khoa khi khám thai định kỳ còn chẩn đoán nhầm là viêm tuyến vú trong khi bệnh nhân thực sự bị ung thư tuyến vú.
Ảnh minh họa: Womanshealth. |
"Bệnh nhân ung thư dính bầu thì phải làm sao?", đó là thắc mắc của nhiều phụ nữ. Câu trả lời của bác sĩ Ang trong trường hợp này là phải căn cứu vào tuổi thai ở thời điểm phát hiện, độ tuổi của bệnh nhân, mong muốn của gia đình để lựa chọn biện pháp can thiệp phù hợp. Ông từng điều trị cho một nữ bệnh nhân mang thai ở tuần thứ 31 khi đang hóa trị ung thư. Trước đó bệnh nhân 36 tuổi này đã trải qua một cuộc phẫu thuật cắt khối u ở vú nhưng khối u vẫn di căn sang các hạch nách. Do số lượng hạch di căn nhiều, chị được chỉ định hóa trị theo phương pháp dose-dense.
Phác đồ điều trị dose-dense yêu cầu phải truyền hóa chất định kỳ 2 tuần một lần thay vì 3 tuần như các phác đồ bình thường. Do khoảng cách giữa 2 lần truyền ngắn lại nên công dụng mạnh hơn. Các nghiên cứu cho thấy phương pháp dose-dense giúp tăng cơ hội chữa khỏi cho bệnh nhân ung thư vú. Tuy nhiên do quãng thời gian nghỉ giữa 2 đợt điều trị ngắn lại nên tác dụng phụ của nó trở nên khủng khiếp hơn.
Theo bác sĩ Ang, việc điều trị ung thư cho phụ nữ mang thai cần phải được tính toán và cân nhắc kỹ. Đối với tất cả bệnh nhân ung thư vú cần được kiểm tra toàn diện để xem khối ung thư đã di căn sáng các vùng khác chưa, chẳng hạn như phổi, gan hay xương. Ở phụ nữ mang thai, chụp X-quang tim phổi và chụp xạ hình xương không thể thực hiện được do những rủi ro phơi nhiễm phóng xạ cho em bé trung bụng. Do đó việc xác định bệnh đang ở giai đoạn nào chỉ có thể thực hiện bằng siêu âm tuyến vú, ổ bụng và khung chậu.
Để lựa chọn phác đồ điều trị nào, thầy thuốc phải căn cứ vào các yếu tố: Bệnh nhân bao nhiêu tuổi, mang thai ở thời kỳ nào, 2 vợ chồng có muốn giữ lại đứa con hay không. Nếu bệnh nhân mang bầu ở tam cá nguyệt thứ nhất (3 tháng đầu), lời khuyên thường thấy là bỏ thai. Dù vậy trong một số trường hợp do nguyện vọng cá nhân hoặc vì lý do tín ngưỡng nên họ muốn giữ lại em bé. Với bệ nhân phát hiện ung thư mang thai ở tam cá nguyệt thứ hai và thứ 3 trở đi thì không nhất thiết phải bỏ.
Khi biết chắc chắn bị ung thư vú, thai phụ thường có 2 mối quan tâm lớn nhất. Thứ nhất là liệu có phải cắt đi một phần tuyến vú không? Thứ hai ung thư có lây sang đứa con không? Đối với câu hỏi thứ nhất, bác sĩ Ang cho biết bệnh nhân có thể quyết định cắt bỏ hoàn toàn tuyến vú hoặc phẫu thuật bảo tồn. Phẫu thuật bảo tồn sẽ giúp giữ lại bầu vú nhưng đồng nghĩa với việc bệnh nhân cần xạ trị từ 6 đến 7 tuần sau khi sinh em bé. Điều này thường khiến bệnh nhân nản lòng không muốn lựa chọn phương pháp bảo tồn. Trong một số trường hợp, phẫu thuật không phải là giải pháp phù hợp khi ung thư đã lan ra vùng lân cận hoặc di căn sang các bộ phận khác.
Đối với những thai phụ chọn phẫu thuật ung thư vú, sau đó cần phải được hóa trị. Ung thư vú thường có xu hướng ác tính hơn ở phụ nữ mang thai trẻ. Dù vậy, nếu bệnh nhân mang thai ở tam cá nguyệt thứ hai trở đi thì có thể an toàn. Như trường hợp thai phụ 36 tuổi trên đã sinh được em bé khỏe mạnh nặng 2,9 kg. Sau khi sinh con, chị tiếp tục áp dụng phác đồ điều trị bằng hóa chất.
Vấn đề thứ hai các bà mẹ thường lo lắng ung thư có thể truyền qua nhau thai sang đứa con trong bụng không? Theo bác sĩ Ang, các nguyên cứu đã chứng minh điều này rất hiếm xảy ra. Y văn thế giới chỉ ghi nhận một số ca được báo cáo có sự lây truyền bệnh qua nhau thai ở các thai phụ bị ung thư máu, chẳng hạn như ung thư bạch huyết.
Theo VnExpress
TIN LIÊN QUAN |
---|