Đau nửa đầu: Bệnh nguy hiểm ít người biết

news.zing.vn 03/08/2018 11:06

Đau đầu vận mạch (đau nửa đầu) là bệnh lý nhiều người gặp phải nhưng chủ quan và thường không điều trị cho đến khi trở nặng.

Đau đầu vận mạch (đau nửa đầu Migraine) là chứng bệnh đau đầu do căn nguyên mạch máu, gây ra bởi sự co giãn bất thường mạch máu não ở những bệnh nhân bị rối loạn nồng độ chất dẫn truyền thần kinh Serotonin. Serotonin bị phóng thích rồi phân hủy đột ngột khiến mạch máu não co giãn mạnh và gây đau dữ dội.

Biểu hiện chủ yếu của bệnh đau đầu vận mạch là những cơn đau dữ dội, kéo dài vùng thái dương và vùng trước trán, có thể gây nôn hoặc buồn nôn, chóng mặt.

Cơn đau đầu vận mạch cho cảm giác giật nhói, giật thon thót theo nhịp mạch đập (có người diễn tả như kim châm hay búa bổ từng phát). Cơn đau từ trung bình đến dữ dội thường bắt đầu từ 1 bên đầu và kéo dài từ 4-72 giờ, thường kèm theo một trong các triệu chứng như sợ ánh sáng, sợ tiếng động hoặc đau tăng lên khi vận động.

Ở một số bệnh nhân, cơn đau có thể bắt đầu bằng một số dấu hiệu báo trước như hoa mắt (nhìn thấy mờ đi hay các vệt sáng ngoằn ngoèo), rối loạn ngôn ngữ, rối loạn thính giác, buồn tiểu nhiều.

Đau đầu vận mạch là căn bệnh phổ biến ở giới văn phòng. Ảnh: Pharmeru
Vì sao dân văn phòng là nhóm đối tượng phổ biến của đau đầu vận mạch?

Rất nhiều bệnh nhân đau đầu vận mạch được chẩn đoán và điều trị ổn định nhưng việc tìm ra nguyên nhân cụ thể của bệnh lý này đôi khi rất khó khăn ngay cả với giới chuyên môn.

Tuy nhiên, các chuyên gia thần kinh học nêu ra các yếu tố nguy cơ góp phần khởi phát đau đầu vận mạch như tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, trầm cảm, dùng nhiều chất tạo ngọt và bột ngọt, thay đổi nội tiết (đặc biệt trong kỳ kinh nguyệt của phụ nữ, mãn kinh và tiền mãn kinh), thay đổi thời tiết, yếu tố di truyền từ cha mẹ, dùng nhiều rượu bia và chất có cồn.

Như vậy, loại bỏ các yếu tố về di truyền và nội tiết, phần nhiều yếu tố gây khởi phát đau đầu vận mạch xuất phát từ chính công việc và lối sống của người bệnh.

Nhân viên văn phòng với cường độ làm việc cao và chịu nhiều áp lực, thường xuyên mệt mỏi dẫn đến rối loạn chuyển hóa, nội tiết trong đó đau đầu vận mạch là bệnh lý khá phổ biến.

Ngoài ra, chứng bệnh này có nguy cơ cao ở giới nữ hơn giới nam, phụ nữ trong xã hội hiện đại chịu nhiều áp lực hơn trong công việc và cả chăm sóc cho gia đình, cộng thêm sinh lý phức tạp làm cho các nữ nhân viên văn phòng là đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi chứng bệnh này nhiều nhất.

Điều trị và phòng ngừa đau đầu vận mạch như thế nào?

Bệnh đau đầu vận mạch nếu không được điều trị kịp thời sẽ tiến triển ngày càng nặng, tình trạng máu lên não thiếu oxy kéo dài sẽ gây ra tình trạng tai biến mạch máu não, có thể gây liệt nửa người hoặc liệt các chi.

Đau đầu vận mạch là chứng bệnh mạn tính, cho đến ngày nay vẫn chưa có một loại thuốc nào đặc trị cho bệnh khỏi hoàn toàn. Đa số bệnh nhân được chỉ định sử dụng các loại thuốc giãn mạch, làm giảm cơn đau. Tuy nhiên, bệnh nhân không nên tự chữa bệnh tại nhà mà cần có sự chỉ dẫn của bác sĩ sau khi thăm khám và đánh giá tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân.

Do hạn chế trong điều trị, việc phòng ngừa bệnh cũng như tránh tái phát được xem là ưu tiên trong việc đối phó với đau đầu vận mạch.

Những người đang mắc bệnh, cần đặc biệt chú ý đến tinh thần, tránh những căng thẳng quá mức, giảm tải áp lực công việc để tránh ảnh hưởng đến hệ thần kinh.

Áp dụng liệu pháp vật lý trị liệu để hỗ trợ điều trị đau đầu vận mạch rất hiệu quả và tránh được các tác dụng phụ khi phải sử dụng thuốc.

Đi bộ, tập dưỡng sinh, bơi lội, đạp xe và các hoạt động thể dục thể thao nhẹ nhàng ngoài trời là những phương pháp tốt phòng tránh đau đầu vận mạch và nâng cao thể trạng cơ thể.

Mới nhất

x
Đau nửa đầu: Bệnh nguy hiểm ít người biết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO