Đầu tư cho KHCN đạt 2% tổng chi Ngân sách nhà nước
(Baonghean) - Theo Bộ Tài chính cho biết, trong giai đoạn 2011 - 2015, mặc dù điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng đầu tư của NSNN cho KH&CN đã đảm bảo 2% tổng chi NSNN, đạt tốc độ tăng trung bình 17%/năm và là một trong các lĩnh vực có tốc độ tăng chi cao nhất trong chi NSNN.
Kiểm kê lượng tiền giao dịch tại Ngân hàng Viettin Bến Thủy (thành phố Vinh). Ảnh: Thu Huyền |
Xét trong cả giai đoạn, tổng chi NSNN cho KH&CN cao gấp 5,6 lần so với giai đoạn 2001 - 2005 và gấp 2,2 lần so với giai đoạn 2006 - 2010.
Tuy nhiên, xét về giá trị tuyệt đối, đầu tư cho KH&CN còn chưa cao. Năm 2015, đầu tư từ NSNN cho KH&CN đạt hơn 23 nghìn tỷ đồng (tương đương trên 1 tỷ USD). Tổng đầu tư của toàn xã hội cho KHCN của Việt Nam hiện nay ước đạt dưới 1% GDP, trong khi Hàn Quốc là 3,1% và mức trung bình thế giới là 2,1%.
NSNN vẫn là nguồn đầu tư chính (70%), đầu tư từ doanh nghiệp (DN) cho KH&CN còn thấp. Đồ họa: Nghiêm Viễn |
Chuyển đổi còn chậm
Cùng với sự chuyển biến nhận thức về vai trò then chốt của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm qua môi trường pháp lý cho lĩnh vực này cũng được điều chỉnh theo hướng tạo nhiều thuận lợi và ưu đãi hơn cho hoạt động KH&CN. Năm 2005, với mục tiêu đổi mới cơ chế quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KH&CN công lập, Chính phủ đã ban hành quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp KH&CN công lập.
Bên cạnh đó, các tổ chức KH&CN còn được quyền SX-KD như DN, được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, sử dụng và hưởng mọi ưu đãi như DN. Việc ban hành cơ chế tự chủ quy định đã giải phóng được tiềm năng về nhân lực, tiềm lực của các tổ chức KH&CN, được ví như “cơ chế khoán 10” trong KH&CN và luôn được bổ sung, hoàn thiện nhằm giải phóng tối đa sức sáng tạo thúc đẩy, tạo điều kiện gắn kết quả KH&CN với thực tiễn; góp phần thay đổi cơ bản phương thức hoạt động của các tổ chức KH&CN công lập, khuyến khích các tổ chức KH&CN tập trung vào các kết quả mang tính ứng dụng, gắn với tổ chức sử dụng kết quả KH&CN, gắn với thị trường...
Theo thống kê của Bộ KHCN, đến năm 2015, trong tổng số 642 tổ chức KH&CN công lập, có 193 tổ chức KH&CN hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, chiến lược, chính sách thực hiện chuyển đổi (chiếm tỷ lệ 30%); 295 tổ chức chuyển sang loại hình tự trang trải kinh phí (chiếm tỷ lệ 46%); 154 tổ chức đang xây dựng hoặc đang trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án thực hiện cơ chế tự chủ (chiếm tỷ lệ 24%).
Số liệu trên cho thấy, việc thực hiện các quy định này đã có kết quả tích cực là 76% tổ chức KH&CN hoàn thành chuyển đổi và hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Tuy vậy, so với mục tiêu Chính phủ đặt ra là kể từ sau ngày 31/12/2009 sẽ hoàn thành việc chuyển đổi tất cả các tổ chức KH&CN công lập sang phương thức tự chủ thì vẫn chưa đạt được, đến nay vẫn còn 154 tổ chức KH&CN (chiếm tỷ lệ 24%) chưa hoàn thành việc chuyển đổi.
Khẩn trương đồng bộ hóa
Để triển khai thực hiện kịp thời, thống nhất, đồng bộ và toàn diện các quy định của Nghị định này, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các bộ, địa phương. Theo đó, giao 7 bộ xây dựng, trình Chính phủ ban hành các nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực chuyên ngành: Y tế; giáo dục đào tạo; dạy nghề; văn hoá thể thao và du lịch; thông tin truyền thông và báo chí; khoa học và công nghệ, lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác.
Cùng với đó, Chính phủ cũng giao các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương khẩn trương xây dựng danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN thuộc lĩnh vực quản lý; quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng dịch vụ sự nghiệp công; xây dựng hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành các dịch vụ sự nghiệp công do Nhà nước quản lý; xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn dịch vụ sự nghiệp công; xây dựng cơ chế đặt hàng, đấu thầu dịch vụ sự nghiệp công...
Sông Hồng