Đầu Xuân, ngẫm về VFF

An Thanh 22/02/2018 20:44

(Baonghean.vn) - Đến nay, VFF đang ráo riết chuẩn bị Đại hội nhiệm kỳ VIII (2018-2022) vào tháng 3/2018. Người hâm mộ trong cả nước kỳ vọng từ hiệu ứng Giang Tô (Trung Quốc) của U23 Việt Nam, các nhà quản lý bóng đá sẽ có sự đổi mới toàn diện cách quản lý, điều hành.

Trước hết, phải khẳng định các đại hội của VFF có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình phát triển của bóng đá Việt Nam. Ngoài việc kiểm điểm công tác trong nhiệm kỳ, họ còn cùng nhau xây dựng chiến lược phát triển bóng đá nước nhà. Một khâu quan trọng là tìm kiếm được người “hiền tài” để đứng ra đảm nhận chèo lái con thuyền vốn có quá nhiều điều đáng nói.

Đừng chỉ định thầu

Lâu nay, người ta mải tranh cãi, người đứng đầu VFF nên là “người của tổ chức” hay là các doanh nhân có uy tín, biết kiếm tiền cho bóng đá. Thực tế, liên đoàn bóng đá là tổ chức xã hội nghề nghiệp, không yêu cầu tất cả nhân sự là người nắm chuyên môn thuần túy. Nhưng nhân sự cấp quản lý, nếu tìm được người giỏi cả chuyên môn lẫn quản lý cũng vô cùng cần thiết.

Đáng tiếc là trong tất cả các kỳ chuẩn bị cho Đại hội của VFF trước đây, Liên đoàn rất hiếm khi công khai danh tính các ứng cử viên cho vị trí Chủ tịch Liên đoàn trong công tác chuẩn bị và mọi người chỉ được biết khi Đại hội tổ chức bầu chọn.

Đến giờ vẫn chưa xuất hiện ứng cử viên thay thế Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng. Ảnh: Internet
Đến giờ vẫn chưa xuất hiện ứng cử viên thay thế Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng. Ảnh: Internet

Nhà báo thể thao Nguyễn Lưu cho rằng: “Tôi nghĩ việc bầu Chủ tịch VFF suốt bảy nhiệm kỳ qua chúng ta thực hiện kiểu chỉ định thầu chứ không phải đấu thầu công khai. Ứng viên phải là người đề ra chương trình hành động cho bóng đá Việt Nam và bảo vệ nó trước Đại hội, nếu trúng sẽ làm chủ tịch xứng đáng”.

Những người gắn bó lâu năm với bóng đá Việt Nam đều cho rằng không nên đặt nặng tiêu chí doanh nhân hay “người của ngành thể thao” mà chú trọng vào chương trình hành động của các ứng cử viên. Càng không nên thu hẹp diện lựa chọn, theo kiểu “1 bầu 1” như đang làm, khiến cho các đại biểu không có sự lựa chọn nào khác.

Sức khỏe và thời gian dành cho bóng đá của người đứng đầu VFF cũng là tiêu chí cần phải được đặt ra một cách nghiêm túc. Tưởng như khi bầu ông Lê Hùng Dũng ngồi vào ghế Chủ tịch VFF, bóng đá Việt Nam đã tìm được khuôn mặt sáng giá, nhưng rốt cuộc vì lý do sức khỏe mọi việc lại diễn ra theo chiều hướng ngược lại.

Tại cuộc đối thoại phát triển bóng đá Việt Nam cuối năm vừa qua dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, nguyên Chủ tịch VFF Mai Liêm Trực đã có phát hiện khá thú vị: “Tôi chăm chú nghe và quan sát như xem một trận đấu không cân sức giữa anh Tuấn (Phó Chủ tịch Thường trực VFF), anh Hoài Anh (Tổng Thư ký VFF) và phần đông các đại biểu còn lại ở cuộc đối thoại này”.

Nhìn về một hướng

Đối với các tổ chức quản lý, không có tranh cãi cũng không phải là tín hiệu đáng mừng nhưng rõ ràng với VFFcó hiện tượng một số lãnh đạo VFF phát biểu mâu thuẫn với nhau, dư luận cho là mất đoàn kết.

Trong nhiệm kỳ này đã nảy sinh không ít bất cập và nhiều vấn đề nổi cộm khiến người hâm mộ chưa thật tin tưởng, trong đó có những vấn đề nảy sinh từ chính những nhà quản lý VFF với những phát ngôn gây tranh cãi và nhiều mục tiêu không đạt. Lãnh đạo các cấp đều thừa nhận các giải bóng đá nước ta chưa “sạch”, vẫn còn nhiều hiện tượng tiêu cực, nhường điểm… khiến khán đài vắng khách.

Đẩy mạnh đào tạo, sử dụng cầu thủ trẻ và xây dựng nền bóng đá “sạch” vẫn là hướng đi duy nhất đem đến sự thành công của bóng đá Việt Nam. Ảnh: Internet
Đẩy mạnh đào tạo, sử dụng cầu thủ trẻ và xây dựng nền bóng đá “sạch” vẫn là hướng đi duy nhất đem đến sự thành công của bóng đá Việt Nam. Ảnh: Internet

Một số nhân vật nắm vai trò quản lý tại VFF ở nhiệm kỳ cũ như các ông: Trần Duy Ly, Ngô Tử Hà, Lê Thế Thọ cũng cho rằng: “Vì sao chúng ta khẳng định đào tạo trẻ tốt, VFF tốt, đội tuyển tốt mà chúng ta không thể làm được điều mọi người mong mỏi là vô địch môn bóng đá nam tại SEA Games. Đã đến lúc, chúng ta phải nên xem lại cách làm và chỉ ra khúc mắc vì sao”.

Muốn cải tổ bóng đá Việt Nam, việc cần thiết chính là đổi mới về tư duy, cách điều hành, quản lý của chính từ lãnh đạo VFF cùng những quy định, chế tài đủ mạnh để ngăn chặn các vấn đề tiêu cực và lộn xộn trong quản lý thời gian qua.

Bất luận ai đứng đầu VFF thì việc đẩy mạnh đào tạo, sử dụng cầu thủ trẻ và xây dựng nền bóng đá “sạch” vẫn là hướng đi duy nhất đem đến sự thành công.

Mới nhất
x
Đầu Xuân, ngẫm về VFF
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO