Dây điện chằng chịt tại vựa rau lớn nhất Nghệ An
(Baonghean.vn) - Huyện Quỳnh Lưu được xem là thủ phủ rau màu của tỉnh Nghệ An. Mặc dù vậy, hiện nay, việc canh tác rau nơi đây vẫn tồn tại nhiều bất cập. Một trong số đó là hệ thống điện phục vụ sản xuất rau mất an toàn, đấu nối chằng chịt, tiềm ẩn nguy hiểm trong mùa nắng nóng, mưa bão.
Mất an toàn lưới điện
Huyện Quỳnh Lưu hiện có khoảng 700ha chuyên canh rau màu, lớn nhất trên địa bàn tỉnh Nghệ An, trong đó tập trung tại các xã chuyên rau như Quỳnh Minh, Quỳnh Lương, Quỳnh Bảng…
Những ngày giữa tháng 4 này, đi trên các cánh đồng rau bạt ngàn nơi đây, ngoài sắc xanh trải dài vẫn tồn tại những hình ảnh chưa đẹp mắt, đó là hàng trăm cây cột điện tự chế của người dân với đủ kích thước, chất liệu, dây điện quấn lộn xộn, phủ kín các cánh đồng.
Cụ thể, tại cánh đồng rau màu xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu, theo ghi nhận của phóng viên có hàng loạt cây cột điện tự chế. Người dân tự ý đấu nối từ các hộ gia đình lân cận hoặc từ các cây cột điện lớn bên đường để kéo lưới điện xuống cánh đồng rau. Những cột kéo điện này rất đa dạng, có thể là các trụ bê tông, các thanh sắt, thân gỗ, tre, nứa… với đủ kích thước.
Điều đáng nói, các cột đấu nối này đa số đều tạm bợ, thân gỗ mùn yếu, phích cắm, ổ điện cũ kỹ, có nhiều cái đã hư hỏng, ổ điện che chắn sơ sài bằng các chai, can nhựa cắt nhỏ… Nguy hiểm nhất là tại nhiều cánh đồng, các cột này đều xiêu vẹo, lộn xộn, dây điện chằng chịt, sà xuống ngang vai người, nguy cơ điện giật rất cao.
Bà N.T.H, người dân xã Quỳnh Lương cho biết: Nhà tôi có 5 sào rau màu. Riêng đối với các loại rau thì nước là quan trọng nhất, đặc biệt là trong mùa nắng nóng như thế này. Nên chúng tôi đã đấu điện để tưới nước trồng rau. Ruộng gần bờ thì đấu điện từ nhà ra, ruộng xa thì đấu từ ruộng nhà này qua nhà khác. Vẫn biết là khó đảm bảo an toàn nhưng mà nếu không đấu điện thì không bơm được nước, không sản xuất được.
Thực tế, sử dụng điện là nhu cầu tất yếu trong quá trình sản xuất rau màu tại các xã ven biển Nghệ An nói chung và huyện Quỳnh Lưu nói riêng. Tuy nhiên, việc người dân tự ý đấu nối công tơ điện, cột điện, ổ điện khi không có chuyên môn là điều nguy hiểm. Theo quan sát, các thiết bị điện mà người dân sử dụng đa phần là thiết bị giá rẻ, cũ kỹ, nên dễ xảy ra chập cháy, rò rỉ điện.
Đề xuất cải tạo hệ thống điện vùng rau màu
Theo tìm hiểu của phóng viên, việc người dân đấu nối điện ra sản xuất rau đã xuất hiện cả chục năm nay. Nguồn điện được sử dụng với 2 mục đích chính là tưới nước và thắp sáng vào ban đêm trong các đợt cao điểm sản xuất rau màu. Mặc dù là nhu cầu chính đáng, tuy nhiên tình trạng mất an toàn điện, nguy hiểm cho người canh tác là hoàn toàn có thể xảy ra.
Ông Nguyễn Văn Tuệ - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lương chia sẻ: Vấn đề an toàn điện tại vùng rau đã tồn tại nhiều năm nay, đây là điều mà địa phương rất băn khoăn nhưng chưa có giải pháp xử lý. Xã là vùng rau trọng điểm của huyện, nhu cầu sử dụng điện cho các cánh đồng rau của bà con lớn, tuy nhiên thực tế, việc bà con kéo điện ra các cánh đồng rau chưa đảm bảo an toàn. Đặc biệt là trong các mùa mưa bão, nắng nóng, nguy cơ cháy chập lớn.
“Việc tháo dỡ các cây cột điện này rất dễ xảy ra mâu thuẫn với bà con trồng rau, khiến vùng rau phải ngừng sản xuất. Do đó, đối với các cột điện cũ kỹ, xuống cấp, xã đã tuyên truyền người dân thay thế, che chắn hoặc tự tháo dỡ đảm bảo an toàn. Về lâu dài, hiện nay huyện và xã đang đề xuất với các cấp xây dựng mô hình cánh đồng rau kiểu mẫu, trong đó có kiến nghị cải tạo hệ thống điện cho các xã chuyên canh rau màu để đảm bảo an toàn…”, ông Tuệ nhấn mạnh.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Đình Tú – Giám đốc Điện lực Quỳnh Lưu cho biết: Vấn đề người dân tự ý kéo điện ra các vùng rau đã diễn ra từ nhiều năm nay, dù mất an toàn nhưng để tháo dỡ mạng lưới điện này không phải dễ dàng. Việc người dân tự kéo điện, lắp đặt hệ thống điện không liên hệ với cơ quan chuyên môn vừa tiềm ẩn nguy hiểm, nguy cơ chập cháy, vừa khiến đơn vị điện khó quản lý, kiểm soát lượng điện năng. Phương án tối ưu nhất là đầu tư lại hạ tầng lưới điện ở vùng này nhưng vấn đề này phải có lộ trình và xin ý kiến của rất nhiều cơ quan, đơn vị.
Hàng năm, đơn vị đều tuyên truyền, vận động qua nhiều hình thức như mạng xã hội, loa phát thanh, phát tờ rơi, cắm các biển cảnh báo, hướng dẫn... người dân nâng cao ý thức sử dụng điện, thay thế các thiết bị cũ kỹ, che chắn điện an toàn… đặc biệt là trong mùa nắng nóng, mưa bão. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cũng cần có sự phối hợp với phía điện lực để có thể tiến hành kiểm tra, nhắc nhở những hộ dân kéo điện không đảm bảo an toàn để có biện pháp khắc phục kịp thời.