Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế thúc đẩy tăng trưởng 6 tháng cuối năm
Chiều tối ngày 18/7, tại điểm cầu Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2024 và những năm tiếp theo.
Tham dự có đồng chí Trần Lưu Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện các bộ, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp liên quan.
Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chủ trì có các đồng chí: Bùi Đình Long - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Khánh Thục - Giám đốc Sở Ngoại vụ, đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Điểm sáng ngoại giao kinh tế
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã thông tin về công tác ngoại giao kinh tế 6 tháng đầu năm 2024, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm và thời gian tiếp theo. Bộ trưởng nhấn mạnh, các hoạt động ngoại giao, đối thoại trên lĩnh vực ngoại giao kinh tế đã kịp thời giải quyết các vướng mắc, thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế của nước ta, đặc biệt là kinh tế nông nghiệp, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ…
Hàng tháng, Thủ tướng Chính phủ tổ chức họp luân phiên với các cơ quan ngoại giao ở nước ngoài để thúc đẩy ngoại giao kinh tế, thu hút đầu tư. Công tác ngoại giao kinh tế được thực hiện bài bản, giúp Việt Nam đón nhiều đoàn doanh nghiệp từ khắp các khu vực, châu lục đến tìm hiểu, thúc đẩy đầu tư. Chính phủ cũng tăng cường đàm phán thu hút các dự án FDI mới, trong đó tập trung lĩnh vực công nghệ bán dẫn, kinh tế số, kinh tế xanh, năng lượng tái tạo… Đồng thời Việt Nam cũng thực hiện đối ngoại đa phương, được nhiều nước đánh giá cao công tác ngoại giao kinh tế của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam kết hợp ngoại giao kinh tế với ngoại giao văn hoá; liên kết chặt chẽ với kiều bào ở nước ngoài trong đầu tư phát triển kinh tế, giao lưu văn hoá. Chính phủ cũng thành lập các tổ công tác phụ trách các mảng ngoại giao kinh tế, hoạt động đều tay và có nhiều kết quả tích cực.
Bên cạnh các kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ ngoại giao cũng nêu 3 hạn chế, khó khăn cần khắc phục. Về định hướng công tác ngoại giao kinh tế, trước xu hướng chính trị thế giới diễn biến đa phương đa dạng hoá, trong đó có cả các cuộc xung đột, cạnh tranh thương mại khốc liệt, Việt Nam cần tranh thủ cơ hội để liên kết, các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển với 5 nhiệm vụ trọng tâm đẩy mạnh hiệu quả ngoại giao kinh tế thời gian tới.
Trong đó chú trọng các nội dung như: Triển khai đồng bộ, hiệu quả cơ chế chính sách để thu hút nhiều dự án đầu tư về Việt Nam. Tiếp tục phát huy cơ chế đôn đốc, rà soát, tích cực giải quyết các vướng mắc khó khăn, cụ thể hoá các cơ chế chính sách thu hút đầu tư. Tiếp tục thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống cũng như tăng trưởng các ngành mới; Đẩy nhanh đàm phán FDI; Chú trọng công tác nắm bắt thông tin về thương mại thế giới, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp điều chỉnh kịp thời, phù hợp.
Ban hành một số cơ chế chính sách, rà soát xử lý sớm các khó khăn, bất cập. Đẩy mạnh ngoại giao khoa học công nghệ. Đẩy mạnh hội nhập liên kết quốc tế, chuẩn bị tốt cho các hội nghị ngoại giao cấp cao với các tổ chức trên thế giới. Hỗ trợ nâng cao năng lực, nhạy bén trong dự báo, phát hiện các vấn đề mới, xu thế lớn về kinh tế thế giới và khu vực.
Nhiều kiến nghị đẩy mạnh ngoại giao kinh tế
Tại hội nghị, có nhiều ý kiến phát biểu đánh giá tình hình kinh tế, chính trị thế giới, những thuận lợi, khó khăn tác động đến kinh tế Việt Nam. Từ đó các đại biểu có nhiều kiến nghị, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả ngoại giao kinh tế, đẩy mạnh hợp tác thu hút đầu tư vào Việt Nam.
Cụ thể, đại diện nhiều cơ quan đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài đã có nhiều đề xuất sát thực nhằm đẩy mạnh hợp tác kinh tế, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước trên thế giới. Đơn cử như ý kiến của ông Phạm Sao Mai - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc; ông Phạm Quang Hiệu - Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản; ông Trần Văn Tuấn - Đại sứ Việt Nam tại Thuỵ Điển; ông Hoàng Anh Tuấn - Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco. Hội nghị cũng được nghe ý kiến của đại diện các Bộ: Công Thương, Thông tin và Truyền thông; Liên đoàn Thương mại công nghiệp Việt Nam, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia; ý kiến lãnh đạo các tỉnh Đà Nẵng, Đồng Nai,…
Các ý kiến tập trung phân tích các xu hướng kinh tế, thương mại thế giới, đề xuất các giải pháp trọng tâm nhằm đẩy mạnh hiệu quả ngoại giao kinh tế như: Đối với thị trường Trung Quốc cần tăng số lượng các mặt hàng xuất khẩu; thúc đẩy các nghị định thư về nhập khẩu vào Trung Quốc đối với các loại nông sản, hoạt động kiểm dịch, kiểm nghiệm… Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về các ngành khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng…
Nhiều ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, ý kiến các doanh nghiệp như Tập đoàn VinGroup, Hiệp hội Dệt may, Hiệp hội Các doanh nghiệp logistics cũng mong muốn Chính phủ quan tâm đẩy mạnh hơn nữa các quyết sách đẩy mạnh thu hút đầu tư lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; ban hành những chính sách xanh để thu hút đầu tư xanh…
Phân công rõ người, rõ việc, rõ lộ trình
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương những kết quả đạt được về ngoại giao kinh tế 6 tháng đầu năm 2024. Nhiều chỉ tiêu kinh tế thực hiện tốt như thu chi ngân sách, đảm bảo cung ứng điện, tăng trưởng kinh tế… Có được kết quả đó là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, người dân và bạn bè quốc tế đã đồng hành, chia sẻ.
Thủ tướng lưu ý một số nội dung công tác thời gian tới: nắm bắt các khó khăn như xu hướng cạnh tranh, đại dịch Covid-19 vẫn chưa chấm dứt hậu quả, đứt gãy các chuỗi cung ứng sản xuất trên toàn cầu; hoạt động logistics cũng bị ảnh hưởng do biến động về chính trị, xung đột... “Hiện nay khó khăn thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Vì vậy không được lơ là, mà phải luôn chuẩn bị tốt các điều kiện, nỗ lực hơn, quyết tâm cao hơn; làm việc có trọng tâm trọng điểm, phân công rõ người, rõ việc, rõ lộ trình, rõ sản phẩm; có đánh giá kiểm tra và nghiệm thu, đánh giá” - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Mục tiêu 6 tháng cuối năm cần phấn đấu tăng trưởng kinh tế ở mức 6,5 - 7%, bởi 6 tháng đầu năm đã đạt 6,42%. Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian tới các nhiệm vụ cần thực hiện như: sẽ nỗ lực tập trung phát triển về hạ tầng giao thông, cải tạo xây dựng các tuyến đường sắt, các cảng lớn, các cảng hàng không,… Đẩy mạnh hạ tầng số, hạ tầng xanh, hạ tầng chống biến đổi khí hậu;… Quyết tâm tháo gỡ những vướng mắc về thể chế; nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao, kỹ năng nghề phục vụ các ngành mới nổi.
Về lâu dài, vẫn tiếp tục đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, ưu tiên tăng trưởng. Trong đó, ưu tiên tăng trưởng cần làm mới công tác thúc đẩy xuất khẩu, cải thiện thể chế; thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại đầu tư, giao lưu nhân dân, đẩy mạnh du lịch… Thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, lấy đổi mới khoa học công nghệ làm nền tảng. Tập trung kêu gọi đầu tư thị trường cho các động lực tăng trưởng mới, hoàn thành các mục tiêu phát triển mà nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc đã đề ra.