Thời sự

ĐBQH đoàn Nghệ An thảo luận sửa đổi Luật Công chứng

Thu Nguyễn 17/06/2024 22:59

Chiều 17/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An thảo luận tại Tổ 3 cùng với Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn và Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi về Dự án Luật Công chứng (sửa đổi), Dự án Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi) và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng.

Các đại biểu Đoàn Nghệ An tập trung thảo luận về Dự án Luật Công chứng (sửa đổi), trong đó, các ý kiến đại biểu đều đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.

Băn khoăn về quy định công chứng bản dịch

Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm đó là vấn đề công chứng bản dịch. Đồng tình với dự thảo Luật quy định công chứng viên được chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật về chứng thực, đại biểu Quốc hội Trần Nhật Minh cho rằng quy định đó sẽ khắc phục được các bất cập, vướng mắc của Luật Công chứng hiện hành cho phép công chứng viên công chứng bản dịch.

“Bởi vì công chứng viên không thể thông thạo một lúc nhiều ngoại ngữ, thậm chí là tiếng dân tộc thiểu số để hành nghề”, đại biểu Trần Nhật Minh lý giải.

bna_z5548457417135_95dd44625a519bf173b0e119b93a3ff8.jpg
Đại biểu Quốc hội Trần Nhật Minh phát biểu tại thảo luận Tổ chiều 17/6. Ảnh: Quang Vinh

Dẫn chứng thêm cho ý kiến của mình, đại biểu Minh cho rằng, nếu cho phép công chứng viên công chứng bản dịch và sử dụng đội ngũ cộng tác viên phiên dịch thì phải chia sẻ trách nhiệm giữa người dịch và người công chứng. Điều này sẽ không phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật Công chứng cũng như trách nhiệm cá nhân trong hoạt động công chứng.

Hơn thế nữa, theo quy định của pháp luật, người phiên dịch phải chịu trách nhiệm với bên yêu cầu theo hợp đồng dịch thuật nên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Công chứng. Do đó, việc quy định như dự thảo luật về việc công chứng viên chỉ thực hiện chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật về chứng thực là phù hợp.

Về vấn đề này, đại biểu Hoàng Minh Hiếu chia sẻ với những lo lắng của đại biểu Trần Nhật Minh về năng lực ngoại ngữ và tiếng dân tộc thiểu số của công chứng viên khi công chứng bản dịch. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng nếu không giao cho công chứng viên công chứng nội dung từ bản gốc ra bản dịch mà chỉ chứng thực chữ ký bản dịch thì sẽ tạo ra những khoảng trống pháp lý nhất định và gây thiệt thòi cho những người tham gia các hợp đồng, giao dịch bằng tiếng dân tộc thiểu số và tiếng nước ngoài.

Đặc biệt, trong quá trình hội nhập hiện nay, nhu cầu thực hiện các giao dịch, hợp đồng bằng ngôn ngữ khác tiếng Việt ngày càng nhiều nên cần thiết phải tính toán để khắc phục những khoảng trống pháp lý này.

Theo vị đại biểu đoàn Nghệ An, việc công chứng bản dịch có thể được các văn phòng công chứng thực hiện tốt nếu giữa văn phòng công chứng và người dịch có sự phối hợp chặt chẽ để việc công chứng bản dịch đảm bảo sự tin tưởng giữa các bên giao dịch với nhau. Vì vậy, cần cân nhắc kỹ việc quy định chứng thực chữ ký bản dịch để tránh khoảng trống pháp lý và tạo điều kiện để các giao dịch dân sự vận hành tốt hơn.

Đề xuất mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật thành Luật Công chứng, Chứng thực

Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Thái Thị An Chung cho rằng, cần nghiên cứu mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật thành Luật Công chứng, Chứng thực.

Theo đại biểu, trước đây đã có văn bản quy định chung về công chứng và chứng thực, nhưng sau đó tách ra quy định tại hai văn bản khác nhau là Luật Công chứng và Nghị định của Chính phủ quy định về hoạt động chứng thực.

Thực tế hiện nay dễ có sự nhầm lẫn giữa công chứng và chứng thực. Đại biểu Thái Thị An Chung dẫn chứng thêm việc hiện nay có một số tổ chức hành nghề công chứng vẫn thực hiện việc chứng thực; trong khi đó, ở những địa phương chưa có tổ chức hành nghề công chứng thì UBND cấp huyện, cấp xã chứng thực đối với văn bản pháp lý và giao dịch dân sự. Từ thực tế này, đại biểu đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật này gồm hoạt động công chứng và chứng thực.

bna_z5548457417132_6192f6d3d87545f5337ccdcd1f9b5eff.jpg
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Thái Thị An Chung phát biểu tại thảo luận Tổ chiều 17/6. Ảnh: Nghĩa Đức

Liên quan đến tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nhất trí với dự thảo Luật quy định độ tuổi bổ nhiệm. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng dự thảo mới chỉ đặt ra độ tuổi bổ nhiệm không quá 70 tuổi, nhưng chưa có quy định nào liên quan đến độ tuổi hành nghề của công chứng viên. Điều khoản chuyển tiếp quy định công chứng viên từ 68 đến 70 tuổi tại thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành thì được hành nghề công chứng đến khi tròn 72 tuổi, tức là độ tuổi hành nghề trong trường hợp này là đến khi tròn 72 tuổi. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định rõ độ tuổi hành nghề của công chứng viên.

Về hồ sơ bổ nhiệm công chứng viên, đại biểu Thái Thị An Chung cho rằng dự thảo Luật quy định bỏ 4 loại giấy tờ, trong đó có 3 loại do Sở Tư pháp cấp là hợp lý, góp phần cải cách thủ tục hành chính.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề xuất nghiên cứu giải pháp tăng số lượng công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng trong thời gian tới. Lý giải cho ý kiến này, đại biểu dẫn chứng số liệu tại Báo cáo tổng kết thi hành Luật Công chứng khi trong 7 năm chỉ tăng 308 công chứng viên và 147 tổ chức hành nghề công chứng, không đáp ứng yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.

Cùng với đó, việc thiếu hụt tổ chức hành nghề công chứng sẽ gây ra tình trạng quá tải cho UBND các cấp khi UBND các cấp sẽ phải thực hiện chứng thực giấy tờ, hợp đồng, giao dịch.

Đề nghị bổ sung quy định về kiểm soát chất lượng công chứng

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu cho biết, theo số liệu của một Báo cáo khảo sát do Học viện Tư pháp phối hợp với Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện cho thấy, nếu một công chứng viên làm việc nghiêm túc, khoa học thì trong một ngày chỉ công chứng được từ 8 đến 10 hợp đồng, giao dịch. Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố Hà Nội, có công chứng viên công chứng đến 700 giao dịch trong một ngày.

bna_z5548457417133_ee10b2512fbdf6cc388c86f3617348cd.jpg
Đại biểu Quốc hội Hoàng Minh Hiếu phát biểu tại thảo luận Tổ chiều 17/6. Ảnh: Nghĩa Đức

Từ số liệu đó, đại biểu Hoàng Minh Hiếu đặt ra băn khoăn về chất lượng của hoạt động công chứng hiện nay. Cùng với đó, đại biểu phản ánh vi phạm trong hoạt động công chứng hiện nay khá nhiều, nhất là công chứng “khống” giao dịch mua bán xe ô tô hoặc công chứng mà không có sự có mặt của công chứng viên.

Do đó, dự thảo Luật cần bổ sung giải pháp kiểm soát chất lượng công chứng như quy định phải có ảnh chụp hoạt động ký kết giao dịch để lưu hồ sơ như thừa phát lại hoặc khống chế tối đa số lượng hợp đồng, giao dịch mà công chứng viên công chứng theo đơn vị thời gian như kinh nghiệm của một số nước.

Cần cân nhắc việc quy định mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng

Liên quan đến quy định về mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng, đại biểu Hoàng Minh Hiếu và đại biểu Trần Nhật Minh đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về phương án quy định loại hình doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh được áp dụng đối với Văn phòng công chứng thành lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; đối với các địa bàn khác chỉ áp dụng loại hình công ty hợp danh thay vì quy định chung chỉ áp dụng loại hình công ty hợp danh như Dự thảo.

Lý giải thêm cho phương án này, các đại biểu cho rằng việc không cho phép thành lập Văn phòng công chứng theo loại hình doanh nghiệp tư nhân là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó thành lập Văn phòng công chứng tại các vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn như hiện nay, làm hạn chế quyền tiếp cận dịch vụ công chứng của người dân ở địa bàn này. Trong khi đó, thực tế hiện nay, số lượng Văn phòng công chứng chỉ tập trung ở những nơi trung tâm, kinh tế phát triển.

Về tên gọi của Văn phòng công chứng, đại biểu Đoàn Nghệ An cho rằng dự thảo Luật quy định tên gọi không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề công chứng đang hoạt động trong phạm vi toàn quốc là quá rộng. Đại biểu đề nghị nghiên cứu quy định theo hướng trong phạm vi đơn vị hành chính cấp tỉnh để dễ quản lý và thực hiện.

ĐBQH đoàn Nghệ An thảo luận sửa đổi Luật Công chứng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO