Đề án Ngoại ngữ của Bộ Giáo dục có cả tiếng Anh, Pháp, Nhật

23/09/2016 06:34

"Xây dựng chương trình dạy và học tiếng Nga, tiếng Trung hệ 10 năm nhằm đảm bảo tính hài hòa giữa các ngoại ngữ thứ nhất và nếu thí điểm sẽ khoảng 2 đến 5 lớp tùy nhu cầu của địa phương và người học", lãnh đạo Ban quản lý Đề án cho biết.

Đề án Ngoại ngữ quốc gia giai đoạn 2016-2020 đặt mục tiêu thí điểm tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Nhật như ngoại ngữ thứ nhất. Việc dự định xây dựng chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Nga, tiếng Trung hệ 10 năm, từ lớp 3 đến lớp 12 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam vào năm 2017, đã làm dấy lên dư luận trái chiều.

- Trong Đề án có nhiều khái niệm như 'ngoại ngữ thứ nhất', 'ngoại ngữ thứ hai' gây nhiều thắc mắc, đề nghị Ban quản lý giải thích rõ hơn các khái niệm này?

- Ngoại ngữ thứ nhất buộc người học phải lựa chọn để học theo quy định từ năm 2006 của chương trình giáo dục phổ thông. Học sinh được chọn một trong bốn thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc làm ngoại ngữ thứ nhất, từ lớp 6 đến lớp 12 (hệ 7 năm). Năm 2011, Bộ ban hành thêm chương trình tiếng Nhật cấp THCS và THPT, đưa vào dạy học trong trường phổ thông cấp trung học như ngoại ngữ thứ nhất và thứ hai, tùy theo nhu cầu và lựa chọn của địa phương, trường học và người học.

Ngoại ngữ thứ hai là tự chọn, tùy theo nhu cầu của người học và điều kiện dạy của trường. Học sinh có thể chọn một trong năm thứ tiếng nói trên làm ngoại ngữ thứ hai. Ví dụ, học sinh học tiếng Anh là ngoại ngữ thứ nhất thì có thể chọn tiếng Nga, hoặc Pháp, hoặc Nhật, hoặc tiếng Trung Quốc là ngoại ngữ thứ hai. Gần đây, tiếng Đức và tiếng Hàn được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép dạy thí điểm là ngoại ngữ thứ hai ở các địa phương, trường học có nhu cầu và có đủ điều kiện.

bo-giao-duc-ly-giai-vi-sao-thi-diem-tieng-nga-trung-quoc

Ban quản lý Đề án lý giải việc học tiếng Trung, tiếng Nga đang thực hiện trong nhiều trường theo chương trình 7 năm, giờ tiến tới xây dựng chương trình 10 năm. Ảnh: Giang Huy.

- Vì sao Đề án lại chọn tiếng Nga, tiếng Trung Quốc trở thành ngoại ngữ thứ nhất?

- Việc lựa chọn ngoại ngữ thứ nhất được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định từ năm 2006, bổ sung năm 2011 gồm tiếng Anh, tiếng Nga, Trung, Pháp và Nhật. Đến nay, Đề án không lựa chọn hay xem xét các ngoại ngữ khác ngoài 5 thứ tiếng trên.

Hiện, tiếng Nga và Trung được dạy học như ngoại ngữ thứ nhất từ lớp 6 đến lớp 12 theo chương trình hiện hành 7 năm. Để đảm bảo tính hài hòa giữa các ngoại ngữ thứ nhất, Ban quản lý Đề án trình Bộ trưởng kế hoạch triển khai giai đoạn 2016-2020, trong đó có việc xây dựng chương trình môn học tiếng Nga, tiếng Trung hệ 10 năm, từ lớp 3 tiểu học đến lớp 12 THPT cho phù hợp với khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc hiện nay.

- Từng có thời gian, tiếng Nga cực thịnh trong các trường phổ thông lẫn đại học, nhưng sau đó bị "chối bỏ". Nhiều giáo viên tiếng Nga phải đi học bồi dưỡng để chuyển sang dạy tiếng Anh. Bộ nhìn nhận thế nào về phản ứng của dư luận lẫn khó khăn khi đưa tiếng Nga trở lại?

- Việc chọn ngoại ngữ nào và dạy học theo hình thức bắt buộc (ngoại ngữ thứ nhất) hay tự chọn (ngoại ngữ thứ hai) tùy nhu cầu, điều kiện của địa phương, trường học, người học nên sẽ không xảy ra tình huống bị "chối bỏ" hay gặp phản ứng của dư luận. Trong các trường THPT chuyên, tiếng Trung, tiếng Nga vẫn được giảng dạy bình thường. Riêng tiếng Trung Quốc hiện được dạy ở các tỉnh thành Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Hà Giang, Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM.

- Nếu thí điểm tiếng Nga, tiếng Trung hệ 10 năm từ 2017 thì quy mô sẽ thế nào?

- Nếu được phê duyệt, Ban quản lý Đề án Ngoại ngữ 2020 sẽ phối hợp với các trường đại học, chuyên gia xây dựng chương trình tiếng Nga và tiếng Trung hệ 10 năm, từ năm học 2017-2018. Việc thí điểm sẽ ở quy mô nhỏ, từ 2 đến 5 lớp mỗi ngoại ngữ. Điều này còn phụ thuộc vào phê duyệt của Bộ, điều kiện của địa phương và nguyện vọng của người học.

- Việc dạy và học tiếng Anh được đánh giá chưa hiệu quả, việc đưa thêm nhiều ngoại ngữ khác vào dạy phổ thông có thể gia tăng áp lực, ý kiến của Bộ thế nào?

- Các ngoại ngữ được dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân là theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông. Chất lượng và hiệu quả của dạy học tiếng Anh nói riêng, ngoại ngữ nói chung phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Việc dạy một ngoại ngữ này ít ảnh hưởng tới chất lượng và hiệu quả của dạy ngoại ngữ khác.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Đề án Ngoại ngữ của Bộ Giáo dục có cả tiếng Anh, Pháp, Nhật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO