Đề cao đạo đức, tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức
(Baonghean.vn) - Để đội ngũ lãnh đạo quản lý cấp phòng và chuyên viên có động lực sáng tạo, đổi mới, cống hiến vì mục tiêu phát triển chung của tỉnh nhà, trước hết tỉnh phải xây dựng chế độ, chính sách thật tốt cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Đồng chí Nguyễn Viết Hưng - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh - Giám đốc Sở Nội vụ, thành viên Ban Chỉ đạo Hội nghị trao đổi với Báo Nghệ An về nội dung này.
P.V: Thưa đồng chí, một trong những nội dung trọng tâm của Hội nghị đối thoại giữa Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An với lãnh đạo quản lý cấp phòng và chuyên viên lần này là công tác cải cách hành chính và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, đồng chí có thể cho biết một số kết quả nổi bật trong công tác này?
Đồng chí Nguyễn Viết Hưng: Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp, ngành tỉnh Nghệ An đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt với nhiều biện pháp mạnh mẽ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực như cải cách thể chế, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, cải cách chế độ công vụ, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số,… nhờ đó, công tác cải cách hành chính của tỉnh Nghệ An đã đạt được những chuyển biến tích cực, chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), chỉ số đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) liên tục tăng qua từng năm.
Các chỉ số PAPI cấp tỉnh Nghệ An năm 2022. Nguồn: papi.org.vn |
Đặc biệt, trong 3 tháng đầu năm 2023, Nghệ An chúng ta tiếp tục vinh dự lọt vào top 10 tỉnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài cao nhất cả nước với tổng số vốn đầu tư là 164,95 triệu USD.
Để đạt được những thành tựu nổi bật trong công tác cải cách hành chính, bên cạnh sự chỉ đạo của lãnh đạo các cấp chính quyền thì việc đề cao đạo đức cán bộ, công chức trong thực thi công vụ tại các cơ quan hành chính nhà nước luôn được ưu tiên hàng đầu. Chúng ta vẫn nói “thái độ quan trọng hơn trình độ”, chính vì vậy, sự niềm nở, sẵn sàng vì công việc, sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ rất quan trọng.
Đồng chí Nguyễn Viết Hưng - Giám đốc Sở Nội vụ trao đổi công việc với cán bộ các phòng, ban. Ảnh: Thành Cường |
Thấu hiểu được điều đó, thời gian qua cùng với việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị đã có những hoạt động, mô hình nhằm nâng cao đạo đức công vụ của người cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ, cụ thể như: “Ngày thứ Bảy vì nhân dân phục vụ”, “Nâng cao chất lượng công vụ”, “Văn hóa ứng xử nơi công sở”, “Tự soi tự sửa”… Những việc làm đó góp phần xây dựng được niềm tin của người dân tới các cơ quan công quyền.
Bên cạnh những mặt đạt được, công tác cải cách hành chính, đạo đức công vụ cán bộ, công chức thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: một số cơ chế, chính sách chưa đồng bộ, thiếu chuyên gia có khả năng đề xuất những chủ trương lớn, thủ tục hành chính của không ít lĩnh vực vẫn còn rối rắm, phức tạp, việc tinh giản bộ máy ở một số cơ quan chưa đạt yêu cầu; cơ chế một cửa liên thông ở một số huyện, một số xã về thực chất chưa đạt yêu cầu, vẫn còn những cán bộ, công chức chưa thạo việc; ứng dụng công nghệ thông tin chưa được nhuần nhuyễn,… điều này ảnh hưởng đến việc xử lý hồ sơ trực tuyến, làm cá nhân, tổ chức thiếu tin tưởng các cơ quan công quyền.
Cán bộ Sở Giao thông Vận tải giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Thanh Lê |
Ở một góc nhìn khác, đâu đó, một số cơ quan, địa phương vẫn còn hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”, một số cán bộ, công chức có biểu hiện nhũng nhiễu, hách dịch cửa quyền, lợi dụng chức vụ quyền hạn để tư lợi cho bản thân. Hậu quả, thời gian qua có một số cán bộ, công chức ở một số cơ quan, đơn vị bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam.
P.V: Theo đồng chí, trong thời gian tới cần có những giải pháp gì để nâng cao đạo đức công vụ, hiệu quả trong công tác cải cách hành chính?
Đồng chí Nguyễn Viết Hưng: Thực tế hiện nay quá trình thực thi công vụ của cán bộ, công chức, bên cạnh những thuận lợi cũng gặp một số khó khăn như: Áp lực giữa giải quyết nhanh, kịp thời, với yêu cầu cao về việc phải đảm bảo không được vi phạm, sai phạm, không được vội, ẩu. Trong khi đó, trong thực tiễn hoạt động tại một số lĩnh vực, nội dung, vấn đề còn tiềm ẩn nhiều yếu tố nhạy cảm, các văn bản pháp luật, các văn bản hướng dẫn có chỗ chưa thống nhất, chưa rõ, còn chồng chéo, còn thiếu hoặc còn chưa có hành lang pháp lý thật sự rõ ràng.
Đồng chí Nguyễn Viết Hưng - Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu Cải cách thủ tục hành chính” tỉnh Nghệ An năm 2023, chủ trì cuộc họp rà soát, triển khai cuộc thi. Ảnh: Thanh Lê |
Do đó, trong thời gian tới, để khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính và đạo đức công vụ cán bộ, công chức nói chung và lãnh đạo quản lý cấp phòng nói riêng, theo tôi, trước hết nội bộ các cơ quan, đơn vị phải chủ động triển khai các văn bản liên quan đến công tác cải cách hành chính cũng như đề cao thái độ, tinh thần trách nhiệm về đạo đức công vụ khi thực hiện nhiệm vụ trong cơ quan, đơn vị mình.
Các đơn vị cần chủ động kiểm tra sâu việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cán bộ, công chức nhất là những người làm việc ở các vị trí “nhạy cảm”, có liên quan đến người dân và doanh nghiệp, nhà đầu tư. Cần nghe ngóng thông tin bên ngoài, dư luận phản ánh để kịp thời có giải pháp chấn chỉnh cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ. Phải có các cuộc kiểm tra đột xuất, kiểm tra định kỳ tại nội bộ cơ quan, đơn vị mình. Cùng với đó, phối hợp với các đoàn kiểm tra cải cách hành chính, kiểm tra kỷ luật, kỷ cương hành chính để nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Cần có hình thức khen thưởng, chế tài xử phạt rõ ràng để nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung hơn nữa để tham mưu đẩy mạnh công tác cải cách hành chính tỉnh, trong đó tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm đó là: Đẩy mạnh thực hiện chương trình cải cách hành chính tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2030; tập trung đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và nhân dân; xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước gắn với việc đổi mới phương thức điều hành, tạo sự công khai minh bạch trong công tác quản lý nhà nước; tiếp tục cải cách chế độ công vụ, bao gồm công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức, chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách khác.
Cán bộ Ban Tổ chức Tỉnh ủy trao đổi nhiệm vụ chuyên môn. Ảnh: Thanh Lê |
Bên cạnh đó, triển khai thực hiện Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị theo theo quy định của Chính phủ, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Bên cạnh đó, để đội ngũ lãnh đạo quản lý cấp phòng và chuyên viên có động lực sáng tạo, đổi mới, cống hiến vì mục tiêu phát triển chung của tỉnh nhà, trước hết tỉnh phải xây dựng chế độ, chính sách thật tốt cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là những cán bộ, công chức, viên chức trẻ tại các cơ quan, đơn vị.
Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh kiểm tra công tác Đảng tại Liên đoàn Lao động tỉnh. Ảnh: Thanh Lê |
Cần xây dựng chế độ, chính sách tạo điều kiện sao cho cán bộ, công chức, viên chức trẻ chủ động có việc, để phát huy được khả năng, sở trường và thấy được lộ trình thăng tiến trong công tác. Ví dụ, mỗi đơn vị mạnh dạn có kế hoạch định hướng, xây dựng lãnh đạo trẻ; có phòng, nhóm, tổ gồm công chức trẻ được giao việc tương xứng, độc lập, tự chủ, có hình thái thi đua trong công tác chuyên môn để công chức thể hiện, rèn luyện khả năng. Đối với những người thật sự giỏi, có tài năng thực sự, chúng ta cần phải biết“ trọng dụng, trọng đãi, trọng thị”, có như vậy, mới giúp cho họ thấy mình được tôn trọng và họ sẽ cố gắng cống hiến vì sự phát triển của tỉnh nhà.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!