Nghệ An: Tạo điều kiện 'tốt nhất, nhanh nhất, thuận lợi nhất' cho người dân, doanh nghiệp
Năm 2025, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh Nghệ An lấy phương châm, quan điểm chỉ đạo đó là: “Trách nhiệm, kỷ cương, gương mẫu vì người dân, doanh nghiệp” nhằm mục đích lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện 6 nhiệm vụ về công tác cải cách hành chính.

Ban Chỉ đạo cải cách hành chính cấp tỉnh vừa ban hành Thông báo kết luận của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh về kết quả hoạt động năm 2024; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2025.
Theo đó, tại phiên họp ngày 13/02/2025, sau khi nghe Sở Nội vụ - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh (viết tắt là Ban Chỉ đạo tỉnh) trình bày dự thảo Báo cáo kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo tỉnh năm 2024, nhiệm vụ, giải pháp năm 2025; dự thảo Chương trình công tác năm 2025 của Ban Chỉ đạo tỉnh và ý kiến phát biểu của các thành viên dự họp, đồng chí Nguyễn Đức Trung, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo tỉnh kết luận:
Về kết quả:
Năm 2024, Ban Chỉ đạo tỉnh lấy phương châm “Chọn việc trọng tâm - Hành động quyết liệt” để lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm công tác cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn tỉnh. Sớm ban hành Kế hoạch công tác năm 2024 và chủ động triển khai thực hiện, đã hoàn thành 40/40 nhiệm vụ, đạt tỷ lệ 100%; đồng thời, lựa chọn 7 đơn vị (4 đơn vị cấp huyện và 3 sở, ngành) để tập trung chỉ đạo điểm về công tác CCHC; ban hành hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh liên quan đến công tác CCHC.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả 6 nhiệm vụ về công tác CCHC. Trong đó, một số nhiệm vụ đạt kết quả tốt được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Công an... biểu dương, như: Nghệ An là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước trong việc thực hiện có hiệu quả Đề án số 06/CP với nhiều mô hình, cách làm sáng tạo; là 1 trong 10 tỉnh của cả nước hoàn thành sớm nhất việc phê duyệt Đề án vị trí việc làm có chất lượng, bảo đảm yêu cầu; chủ động, quyết liệt trong việc thực hiện Đề án điều chỉnh địa giới hành chính, mở rộng không gian đô thị thành phố Vinh và Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025.
Lãnh đạo, chỉ đạo Ban Chỉ đạo CCHC các cấp, các ngành chủ động, quyết liệt, có trách nhiệm cao trong triển khai thực hiện nhiệm vụ CCHC tại cơ quan, đơn vị, địa phương, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương. Đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, làm thay đổi căn bản nhận thức và hành động, xem công tác CCHC là việc làm quan trọng, thường xuyên, liên tục có tính đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhìn chung, ý thức, trách nhiệm, thái độ, tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức được nâng lên rõ rệt.
Với sự chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, quyết liệt của Ban Chỉ đạo tỉnh, công tác CCHC của tỉnh đã thực sự có nền nếp, tạo được nhiều điểm nhấn. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành quyết liệt hơn, nhanh hơn, hiệu lực, hiệu quả hơn; việc phân cấp, phân quyền, phân việc gắn với trách nhiệm người đứng đầu ngày càng rõ ràng, đầy đủ hơn; sự hài lòng, ghi nhận, đánh giá của người dân, cộng đồng doanh nghiệp đối với cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng lên.
Các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh đã dành nhiều thời gian để kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương được phân công theo dõi, chỉ đạo hoàn thành các nội dung công việc liên quan đến công tác CCHC.
Về các tồn tại, hạn chế:
Một số cán bộ, công chức, viên chức ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Việc công khai thủ tục hành chính ở một số đơn vị chưa đầy đủ, kịp thời (toàn bộ cấp huyện và UBND cấp xã, qua kiểm tra niêm yết không kịp thời); tỷ lệ hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt thấp (tính từ 1/1/2024 đến 30/12/2024 toàn tỉnh chỉ đạt 28,3%); tỷ lệ thanh toán trực tuyến còn thấp (tính từ 1/1/2024-30/12/2024 tỷ lệ TTHC có giao dịch thanh toán trực tuyến đạt 64,16%);
Công tác chuyển đổi số trong hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh có những nhiệm vụ chưa đạt yêu cầu.
Một số cơ quan, đơn vị, địa phương được lựa chọn chỉ đạo điểm về CCHC chuyển biến còn chậm, thiếu rõ nét; chất lượng, hiệu quả một số nhiệm vụ chưa được như mong muốn; vẫn còn tình trạng hồ sơ TTHC giải quyết bị chậm so với thời gian quy định; chất lượng tham mưu của một số cán bộ, công chức còn hạn chế.
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2025:
Năm 2025, Ban Chỉ đạo tỉnh lấy phương châm, quan điểm chỉ đạo đó là: “Trách nhiệm, kỷ cương, gương mẫu vì người dân, doanh nghiệp” nhằm mục đích lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện 6 nhiệm vụ về công tác CCHC. Trong đó, ưu tiên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt cải cách TTHC với tiêu chí “3 tăng, 2 giảm, 2 không” (“3 tăng” đó là: Tăng tính công khai minh bạch, trách nhiệm trong thực thi công vụ, tăng cường giải quyết TTHC qua môi trường mạng, tăng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp; “2 giảm” đó là: Giảm thời gian thực hiện TTHC; giảm chi phí tuân thủ TTHC; “2 không” đó là: Không gây phiền hà, sách nhiễu; không trễ hẹn) nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng và tạo điều kiện “Tốt nhất, nhanh nhất, thuận lợi nhất” cho người dân, doanh nghiệp.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện hoàn thành nội dung chương trình, kế hoạch công tác CCHC năm 2025 đảm bảo thời gian, chất lượng; xác định rõ, đúng, trúng, trách nhiệm của từng thành viên, từng cơ quan, đơn vị; xây dựng cơ chế phối hợp xử lý công việc rõ ràng, đồng bộ, không chồng chéo nhiệm vụ.
Tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh, như: Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 36/2021/QH15, ngày 13/11/2021 và Nghị quyết số 137/2024/QH15, ngày 26/6/2024 của Quốc hội; Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 24/12/2021 và Nghị quyết số 09 -NQ/TU, ngày 05/8/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Gắn nội dung thực hiện các nghị quyết nêu trên với việc triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung theo Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau sắp xếp đơn vị hành chính và sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy (cả khối Đảng và khối chính quyền) bảo đảm hoạt động liên tục, không gián đoạn, chậm trễ; rà soát, sửa đổi quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy tránh chồng chéo hoặc bỏ sót; quan tâm chế độ, chính sách đối với các cán bộ, công chức, viên chức bị tác động, ảnh hưởng trực tiếp do thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; sửa đổi các văn bản liên quan đến quy chế hoạt động, các quy trình, quy định giải quyết thủ tục hành chính gắn với sự thay đổi của quy phạm pháp luật.
Tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ CCHC, đặc biệt là việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ tại các cơ quan, đơn vị, địa phương; rà soát, khắc phục những tồn tại, hạn chế sau thanh tra, kiểm tra; xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức vi phạm đạo đức công vụ, có dư luận gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp hoặc để xảy ra tình trạng trì trệ, yếu kém. Giao Sở Nội vụ - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh làm đầu mối trong việc kiểm tra thực hiện các nhiệm vụ CCHC, trong đó có nội dung kiểm tra quy trình xử lý công việc điện tử trên môi trường mạng.
Ưu tiên bổ sung, bố trí nguồn lực hỗ trợ cho các đơn vị, địa phương còn nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ CCHC, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ; bổ sung, trang thiết bị cho Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo tỉnh để phục vụ tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo tỉnh.
Thống nhất lựa chọn 6 đơn vị, địa phương, gồm: Sở Y tế, Sở Công Thương và các huyện: Kỳ Sơn, Thanh Chương, Quỳnh Lưu, Quế Phong để tập trung chỉ đạo điểm về thực hiện công tác CCHC trong năm 2025.
Thống nhất chủ trương kiện toàn Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh theo hướng chỉ thành lập 1 Ban Chỉ đạo bổ sung các nhiệm vụ về Chuyển đổi số và triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW; giao Sở Nội vụ - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu việc kiện toàn, điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ, quy chế làm việc... trình Ban Chỉ đạo tỉnh cho ý kiến để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định.