Đề cương văn hóa Việt Nam (1943) và sự phát triển tư duy lý luận của Đảng ta về văn hóa 80 năm qua

Ngày 1/9/1939, cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ với việc phát-xít Đức tấn công Ba Lan. Tháng 6/1940, nước Pháp bị phát-xít Đức chiếm đóng, Chính phủ phản động Pê-tanh lên cầm quyền. Ở Đông Dương, thực dân Pháp tấn công tàn bạo những người cộng sản, giải tán các tổ chức chính trị, đóng cửa các tờ báo tiến bộ; hàng nghìn đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương bị bắt giam; các quyền dân chủ, tự do tối thiểu bị thủ tiêu; nhân cơ hội đó, các thế lực phản động thuộc địa được dịp ngóc đầu dậy. Ngày 22/9/1940, quân Nhật vượt biên giới Việt – Trung, đánh chiếm Lạng Sơn, ném bom Hải Phòng, đổ bộ lên Đồ Sơn. Chính quyền Pháp ở Việt Nam nhanh chóng đầu hàng. Ngày 28/1/1941, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Giữa tháng 5 năm 1941, Người triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương 8 tại Pác Bó (Cao Bằng). Hội nghị khẳng định chủ trương đúng đắn của Hội nghị Trung ương 6, Hội nghị Trung ương 7 và nhận định: Mâu thuẫn đòi hỏi phải giải quyết cấp bách lúc này là mâu thuẫn giữa dân tộc ta với bọn đế quốc và phát-xít Nhật, Pháp; xác định “Cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện tại là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc”.

Tháng 6/1941, Đức tấn công Liên Xô. Ở châu Á – Thái Bình Dương, phát-xít Nhật mở rộng xâm lược Trung Quốc. Ngày 23/7/1941, Nhật và Pháp ký Hiệp ước phòng thủ chung Đông Dương, buộc Pháp phải cung cấp lương thực, bố trí doanh trại, đảm bảo hậu phương an toàn cho Nhật.  Để thực hiện âm mưu thống trị Đông Dương lâu dài, phát-xít Nhật đã tìm cách xây dựng lực lượng của mình để đi đến thành lập chính quyền tay sai thay thế và loại bỏ bộ máy của thực dân Pháp.

Khẩu hiệu của Việt Minh kêu gọi đồng bào gia nhập Việt Minh và đoàn kết đánh đuổi Nhật - Pháp. Ảnh: Tư liệu
Khẩu hiệu của Việt Minh kêu gọi đồng bào gia nhập Việt Minh và đoàn kết đánh đuổi Nhật - Pháp. Ảnh: Tư liệu

Bước sang năm 1943, tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến đổi. Chiến thắng của Hồng quân Liên Xô đã tạo nên cục diện mới của cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Ở trong nước, tổ chức Đảng và Mặt trận Việt Minh đã bắt rễ vào quần chúng và đang tạo ra những xung lực mới cho phong trào cách mạng. Trước tình hình biến chuyển nhanh chóng, trong điều kiện không thể triệu tập được Hội nghị toàn thể Trung ương, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp từ ngày 25 đến ngày 28/2/1943 bàn về việc mở rộng Mặt trận Dân tộc thống nhất và xúc tiến chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Hội nghị chủ trương mở rộng hơn nữa Mặt trận Dân tộc thống nhất chống phát xít Nhật – Pháp (Mặt trận Việt Minh); chủ trương liên minh với tất cả các đảng phái và các nhóm yêu nước trong và ngoài nước chưa gia nhập Việt Minh; quyết định lập Hội Văn hóa Cứu quốc(1).

Xuất phát từ tình hình thế giới và trong nước, nhận rõ thời cơ để đánh đổ chế độ phát xít-thực dân Pháp, Nhật và bè lũ tay sai, lập nên chế độ dân chủ, cộng hòa đang đến gần, trong rất nhiều công việc quan trọng và cần kíp phải chuẩn bị và tiến hành, Đảng ta, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Tổng Bí thư Trường Chinh đã nhận rõ vai trò, đóng góp to lớn và quan trọng của văn hóa. Vì cách mạng là văn hóa, văn hóa là cách mạng, là đổi mới tận gốc rễ chế độ thực dân – phong kiến sang chế độ dân chủ, cộng hòa, loại bỏ chính sách ngu dân và nô dịch của bè lũ phát xít, thực dân, những khuynh hướng tư tưởng, văn hóa sai lầm, xây dựng một nền văn hóa mới, lớp người mới của chế độ mới. Trong bối cảnh và những vấn đề nóng bỏng của đất nước, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh đã bắt tay khởi thảo Đề cương văn hóa Việt Nam. Đề cương văn hóa, dù chỉ mới ở tầm mức “đề cương” đã chỉ rõ nguy cơ của nền văn hóa Việt Nam dưới ách đô hộ của phát xít Nhật, Pháp; phân tích mối quan hệ giữa cách mạng chính trị và cách mạng văn hóa; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng văn hóa. Đề cương văn hóa đã vạch ra phương hướng đấu tranh đúng đắn chống thực dân, phát xít và bè lũ tay sai, xây dựng đường lối văn hóa mới của Đảng, tập hợp các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ để tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo. Ảnh: Tư liệu
Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo. Ảnh: Tư liệu

Lần đầu tiên Đảng Cộng sản Đông Dương nêu một văn kiện có tính chất như một cương lĩnh văn hóa; xác định nội dung, tính chất, tổ chức, định hướng phát triển của một cuộc cách mạng văn hóa chỉ có thể gắn với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và tương lai của nền văn hóa ấy sau khi cách mạng đã thành công.

Nội dung Đề cương văn hóa Việt Nam có 5 vấn đề chính: (I) Cách đặt vấn đề; (II) Lịch sử và tính chất nền văn hóa Việt Nam; (III) Nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách phát-xít Nhật, Pháp; (IV) Vấn đề cách mạng và văn hóa Việt Nam; (V) Nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa Mác-xít Đông Dương và nhất là những nhà văn hóa Mác-xít Việt Nam. Bản Đề cương văn hóa Việt Nam ngay từ khi ra đời đã khẳng định tư duy, tầm nhìn, trí tuệ, bản lĩnh của Đảng ta về cách mạng và văn hóa; như ngọn đèn pha soi rọi cho những người cộng sản và toàn dân nhìn thấy con đường mình đang đi và sẽ đi tới; động viên, thức tỉnh, dẫn đường giới trí thức, văn nghệ sĩ, những người nặng lòng với đất nước, dấn thân cùng Đảng Cộng sản Đông Dương để cứu nước, cứu dân, hăng hái tham gia mặt trận văn hóa, tư tưởng; không bi quan, dao động, không bị ru ngủ bởi luận điệu và luận thuyết  sai trái, lừa gạt của chế độ phát xít – thực dân – phong kiến, của Tờ-rốt-kít. Về “Thái độ của Đảng Cộng sản Đông Dương đối với vấn đề văn hóa”, Đề cương khẳng định: “Văn hóa dân tộc Việt Nam sẽ do cách mạng dân chủ giải phóng thắng lợi mà được cởi mở xiềng xích và sẽ đuổi kịp văn hóa tân dân chủ thế giới”(3).

Trong dịp kỷ niệm 40 năm Đề cương văn hóa ra đời (1943 – 1983), đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh cho rằng: “Vì trong hoàn cảnh hoạt động bí mật, Trung ương chưa đủ điều kiện nghiên cứu sâu các vấn đề liên quan đến cách mạng văn hóa Việt Nam… Nhưng Đề cương văn hóa đã thu tóm được những vấn đề cơ bản của văn hóa Việt Nam dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, trong điều kiện lúc đó của Việt Nam”(4).

Đề cương Văn hóa Việt Nam 1943 nhấn mạnh nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa Mác-xít là phải chống lại văn hóa phát xít, phong kiến, thoái bộ, nô dịch, ngu dân, phỉnh dân; phát huy văn hóa dân chủ, cải cách chữ quốc ngữ… Ảnh: Tư liệu
Đề cương Văn hóa Việt Nam 1943 nhấn mạnh nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa Mác-xít là phải chống lại văn hóa phát xít, phong kiến, thoái bộ, nô dịch, ngu dân, phỉnh dân; phát huy văn hóa dân chủ, cải cách chữ quốc ngữ… Ảnh: Tư liệu

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Trong phiên họp đầu tiên của Hội Đồng chính phủ (ngày 3/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, trong đó có 2 nhiệm vụ cấp bách thuộc về văn hóa: “Một là, cùng với diệt giặc đói phải diệt giặc dốt.  Hai là, phải giáo dục tinh thần cho nhân dân”(5). Đầu năm 1946, Ban Trung ương vận động đời sống mới được thành lập với sự tham gia của nhiều nhân vật có uy tín trong dưới trí thức, văn nghệ sĩ như Trần Huy Liệu, Dương Đức Hiền, Vũ Đình Hoè, Nguyễn Huy Tưởng.

Đường lối văn hóa kháng chiến dần hình thành trong Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” ra ngày 25/11/1945 của Ban Thường vụ Trung ương Đảng; thể hiện rõ trong bức thư về “Nhiệm vụ văn hóa Việt Nam trong công cuộc cứu nước và xây dựng nước hiện nay” của đồng chí Trường Chinh gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 16/11/1946.

Trong thế nước ngàn cân treo sợi tóc, cả dân tộc phải dồn sức chống lại giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất khai mạc ngày 24/11/1946 tại Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội, với hơn 200 đại biểu trong cả nước tham dự. Trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở”. Từ cách đặt vấn đề “Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt, ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam, trau dồi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ”, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Văn hóa liên lạc mật thiết với chính trị. Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Tâm lý của ta lại còn muốn lấy tự do, độc lập làm gốc. Văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do. Đồng thời, phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng mình”… Người khẳng định một chân lý: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi. Văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”(6).

Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự khai mạc Triển lãm văn hóa ngày 7/10/1945 (ảnh trái) và thăm Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) năm 1961. Ảnh: Tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự khai mạc Triển lãm văn hóa ngày 7/10/1945 (ảnh trái) và thăm Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) năm 1961. Ảnh: Tư liệu

Tháng 3/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tài liệu “Đời sống mới” giải thích rất dễ hiểu những vấn đề thiết thực trong đường lối, chủ trương về văn hóa của Đảng và Nhà nước ta. Từ ngày 16 đến ngày 20/7/1948, tại Việt Bắc, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai. Trong thư gửi các đại biểu tham dự Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc vĩ đại của dân tộc ta, Văn hóa gánh một phần rất quan trọng. Từ ngày chính quyền dân chủ thành lập đến nay, các nhà văn hóa ta đã cố gắng và đã có thành tích. Song từ nay trở đi chúng ta cần phải xây dựng một nền văn hóa kháng chiến kiến quốc của toàn dân”(7).

Ngày 18/7/1948, thay mặt Đảng ta, đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh trình bày Báo cáo quan trọng tại Hội nghị với tên gọi “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam”. Báo cáo hệ thống hóa, cụ thể hóa và phát triển các quan điểm, nguyên tắc, phương châm của Đề cương văn hóa 1943 của Đảng, có giá trị như là Cương lĩnh văn hóa của Đảng thời kỳ kháng chiến, kiến quốc.

Báo cáo nhấn mạnh 6 nhiệm vụ chủ yếu của văn hóa: (1) Xác định mối quan hệ giữa văn hóa và cách mạng giải phóng dân tộc, cổ động văn hóa cứu quốc; (2) Xây dựng nền văn hóa dân chủ mới Việt Nam có tính chất dân tộc, khoa học, đại chúng mà khẩu hiệu thiết thực lúc này là dân tộc, dân chủ; (3) Tích cực bài trừ nạn mù chữ, mở đại học, trung học, cải cách việc học theo tinh thần mới, bài trừ cách dạy học nhồi sọ; (4) Giáo dục lại nhân dân, cổ động thực hành đời sống mới; (5) Phát triển cái hay trong văn hóa dân tộc, đồng thời bài trừ cái xấu xa hủ bại, ngăn ngừa sức thâm nhập của tàn dư văn hóa thực dân, phản động, học cái hay, cái tốt của văn hóa thế giới; (6) Hình thành đội ngũ trí thức mới đóng góp tích cực cho công cuộc kháng chiến kiến quốc và cho cách mạng Việt Nam.

Các đại biểu dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất tháng 11/1946. Ảnh: Tư liệu
Các đại biểu dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất tháng 11/1946. Ảnh: Tư liệu

Ba ngày sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai là Hội nghị Văn nghệ toàn quốc được tổ chức từ ngày 23 đến 25/7/1948 với sự tham dự của hơn 80 văn nghệ sĩ từ các nẻo đường kháng chiến trong cả nước. Tại sự kiện quan trọng này, Hội Văn nghệ Việt Nam được thành lập, là sự tiếp nối tốt đẹp Hội Văn hóa cứu quốc được thành lập năm 1943. Lãnh đạo Hội và Ban Chấp hành của Hội ra mắt, với sự tham gia lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng, Trưởng ban Tuyên truyền của Trung ương; đồng chí Tố Hữu được Trung ương giao trực tiếp tổ chức chỉ đạo công tác văn nghệ. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có những ý kiến chỉ đạo mang tính chiến lược về đường lối văn hóa, văn nghệ: “Thư gửi anh em văn hóa và trí thức Nam Bộ” (ngày 25/5/1947), “Thư gửi Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai (đã nêu). Trong “Thư gửi các họa sĩ” nhân dịp triển lãm hội họa kháng chiến (ngày 10/12/1951), Hồ Chí Minh khẳng định: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”(8). Người nhấn mạnh: “Văn hóa nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị”; “chính trị, kinh tế, văn hóa đều “phải coi là quan trọng ngang nhau” (9). Ở thời kỳ ấy, một số hội nghị về văn hóa, văn nghệ được tổ chức để bàn thảo những vấn đề cấp bách đang đặt ra: Hội nghị Văn nghệ bộ đội (4/1949), Hội nghị Tranh luận văn nghệ Việt Bắc (9/1949), Hội nghị Tranh luận sân khấu ở Việt Bắc (5/1950), Hội nghị Cán bộ văn nghệ Nam Bộ (1/1951).

Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, đồng bào, chiến sĩ miền Nam tiếp tục đấu tranh giải phóng và thống nhất nước nhà, nhiều văn kiện quan trọng của Đảng, nhiều bài viết, bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về văn hóa, văn nghệ được cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh: Thư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng gửi các Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ II (1957), lần thứ III (1962). Văn kiện Đại hội III của Đảng (9/1960) xác định đường lối xây dựng nền văn hóa có nội dung xã hội chủ nghĩa và tính dân tộc. Trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng xác định văn hóa, tư tưởng là một cuộc cách mạng, tiến hành đồng thời và gắn bó chặt chẽ với cách mạng quan hệ sản xuất và cách mạng khoa học kỹ thuật. Đường lối tiến hành cuộc cách mạng văn hóa, tư tưởng, xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa mang đặc trưng dân tộc, khoa học, đại chúng tiếp tục được phát triển, bổ sung trong những năm đầu cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đạo diễn, quay phim, diễn viên... tại Xưởng phim Hà Nội- Hãng phim truyện Việt Nam năm 1963. Ảnh: Tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đạo diễn, quay phim, diễn viên... tại Xưởng phim Hà Nội- Hãng phim truyện Việt Nam năm 1963. Ảnh: Tư liệu

Sau ngày miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (12/1976) xác định xây dựng con người mới, xây dựng nền văn hóa mới… tiến hành đấu tranh chống tư tưởng và sản phẩm văn hóa phản động, độc hại. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (3/1982) chỉ rõ nền văn hóa mới mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa có nội dung xã hội chủ nghĩa và tính dân tộc, có tính Đảng và tính nhân dân sâu sắc, thấm nhuần chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế vô sản. Đại hội V nêu rõ nội hàm khái niệm “Con người mới xã hội chủ nghĩa” và phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm văn hóa”. Trong giai đoạn từ năm 1986 đến năm 1994, lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, tiếp tục được Đảng, Nhà nước quan tâm sâu sắc và toàn diện hơn.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được thông qua tại Đại hội lần thứ VII (6/1991) xác định nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là “nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, là 1 trong 6 đặc trưng cơ bản của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam “(1) Đó là xã hội do nhân dân lao động làm chủ; (2) Có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu; (3) Có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; (4) Con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân; (5) Các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; (6) Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới” (10).

Lễ hội Đền Hùng tại Phú Thọ. Ảnh: Tư liệu
Lễ hội Đền Hùng tại Phú Thọ. Ảnh: Tư liệu

Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) lần đầu đưa ra khái niệm: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, một động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời là một mục tiêu của chủ nghĩa xã hội”… “Nền văn hóa mà Đảng ta lãnh đạo toàn dân xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”(11). Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) ra Nghị quyết về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” . Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng tiếp tục khẳng định: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội”. Đó không chỉ là những văn kiện mang tính đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, mà còn thể hiện tư duy lý luận văn hóa một cách toàn diện và sâu sắc trong giai đoạn cách mạng mới.

Để thúc đẩy sự phát triển của văn học, nghệ thuật, Bộ Chính trị (khóa X) ra Nghị quyết số 23 NQ/TW, ngày 16/6/2008 về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Nghị quyết nhấn mạnh: “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam. Văn học, nghệ thuật Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế phải phát triển toàn diện và mạnh mẽ, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ. Phấn đấu sáng tác nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, có tác dụng to lớn xây dựng con người; vừa có tác dụng định hướng, vừa đáp ứng nhu cầu văn hóa – tinh thần ngày càng cao của nhân dân”.

Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Ảnh: Tư liệu
Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Ảnh: Tư liệu

Đại hội lần thứ X của Đảng (4/2006) khẳng định: “Tiếp tục phát triển sâu rộng và nâng cao chất lượng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, gắn kết chặt chẽ và đồng bộ hơn với phát triển kinh tế – xã hội, làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội”. Tinh thần cơ bản của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) tiếp tục được khẳng định trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X và XI của Đảng, đặc biệt, được khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (sửa đổi, bổ sung năm 2011): “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội”. Trong định hướng phát triển, Đảng ta khẳng định: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”.

Xuất phát từ thực tiễn đất nước sau gần 30 năm đổi mới và phát triển, Hội nghị lần thứ chín, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã thảo luận và ra Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước”. Bằng Nghị quyết Trung ương 9, sự phát triển tư duy lý luận của Đảng, sự sáng tạo của Đảng trong việc nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa, đặc biệt là yếu tố con người; việc xác định phương hướng, đặc trưng, tính chất, động lực và đặc thù của hoạt động xây dựng và phát triển văn hóa, con người. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân, thiện, mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học… Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành một mục tiêu của chiến lược phát triển. Đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.

Triển lãm về người nghệ sĩ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ảnh: TTXVN
Triển lãm về người nghệ sĩ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ảnh: TTXVN

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu yêu cầu: “Tập trung nghiên cứu và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và  chuẩn mực của con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Quan tâm chăm lo công tác giáo dục, bồi dưỡng và bảo vệ trẻ em, thiếu niên, nhi đồng. Tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên”; “Tiếp tục đổi mới toàn diện nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về văn hóa công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.

Sau thành công tốt đẹp của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhân dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2021) và các sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng của đất nước năm 2021, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài viết quan trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Sau khi đánh giá tổng quát về tình hình thế giới và trong nước, đề cập đến vấn đề văn hóa và con người, đồng chí Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Chúng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, dựa trên các giá trị tiến bộ, nhân văn; chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước, tiếp thu những thành tựu, tinh hoa văn hóa nhân loại, phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ trí thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ ngày càng cao”; “Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới; phát triển giáo dục – đào tạo và khoa học – công nghệ là quốc sách hàng đầu; bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn, là tiêu chí để phát triển bền vững; xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ làm tế bào lành mạnh, vững chắc của xã hội, thực hiện bình đẳng giới là tiêu chí của tiến bộ, văn minh” .

Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021 tại Hà Nội. Ảnh: nhandan.vn
Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021 tại Hà Nội. Ảnh: nhandan.vn

Nhìn lại 93 năm qua từ khi Đảng ta ra đời ngày 3/2/1930 cho đến hôm nay và 80 năm ra đời Đề cương Văn hóa 1943 của Đảng, chúng ta đã đi qua một chặng đường dài đầy hy sinh, gian khổ. Những quan điểm cơ bản của Đảng về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta; về xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới được bổ sung, hoàn thiện một cách khoa học, cách mạng, nhân văn, được toàn Đảng, toàn Dân đồng tình, ủng hộ. Quan điểm: Sự nghiệp văn hóa là của toàn dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng; tính chất nền văn hóa mới Việt Nam là dân tộc về hình thức, tân dân chủ về nội dung; ba nguyên tắc của nền văn hóa mới Việt Nam là “Dân tộc hóa”; “Đại chúng hóa”; “Khoa học hóa” và được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” mãi mãi là quan điểm, là mục tiêu, là phương châm và nguyên tắc để cùng với chính trị và kinh tế, giúp dân tộc ta, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác tất cả vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Hà Nội - Thủ đô nghìn năm văn hiến. Ảnh: hanoimoi.com.vn
Hà Nội - Thủ đô nghìn năm văn hiến. Ảnh: hanoimoi.com.vn

1) Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2, tr.808-810, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2008.
2) Theo bản in trong Văn kiện Đảng: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr 316-321. Trước năm 1945, Văn kiện này được lưu hành bí mật, lần đầu tiên được đăng công khai trên báo Tiền Phong, số 1, ra ngày 10/11/1945.
3) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, 2000, t. 7, tr. 470
4) Trường Chinh, Tuyển tập, t. 3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 559.
5) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb.CTQG, H.2000 t.8, tr.1-3.
6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.246, 247/ hoặc Báo Cứu quốc, số 416 ra ngày 25/11/1946.
7) Hồ Chí Minh toàn tập – Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, tập 5, trang 677.
8)  Hồ Chí Minh toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.246.
9) Hồ Chí Minh toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.246.
10) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.51, tr.134.
11) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 52, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr. 516.