Để đảng viên thực sự gắn bó với nơi cư trú

Anh Đặng 12/09/2022 11:11

(Baonghean.vn) - Việc theo dõi, quản lý đảng viên nơi cư trú thiếu thường xuyên, chặt chẽ sẽ không phát huy được tính tích cực, chủ động, hiệu quả sự đề xuất, hiến kế, chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp của đảng viên nơi cư trú – một nguồn lực trí tuệ quan trọng của địa phương...

Thời hiện tại, số cán bộ, công chức, đảng viên được sống, làm việc, gần cơ quan, công sở, đi về “ăn cơm nhà” khá phổ biến. Hàng tuần, họ được nghỉ thứ Bảy và Chủ nhật, trong năm có nhiều ngày nghỉ lễ. Ngoài giờ làm việc, họ có khá nhiều thời gian gần gũi với gia đình, láng giềng, thôn xóm, khối bản. Vì vậy, việc phát huy tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên không chỉ ở cơ quan, công sở họ công tác mà còn rất cần thiết và có ý nghĩa ở nơi họ cư trú.

Ngày 02/01/2020, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Quy định 213-QĐ/TW, quy định “về trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và Nhân dân nơi cư trú”. Quy định này thay thế cho Quy định số 76-QĐ/TW ngày 15/6/2000 của Bộ Chính trị khóa VIII “về việc đảng viên đang công tác ở các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thường xuyên giữ mối liên hệ với Chi ủy, Đảng ủy cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú”.

Chi bộ cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An tổ chức tọa đàm “Nâng cao trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức Đảng và Nhân dân nơi cư trú”. Ảnh tư liệu: Mai Hoa

Điều 1 Quy định 213 nêu rõ: “Đảng viên đang công tác ở các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang (gọi tắt là đảng viên đang công tác) vừa thực hiện quy định của Điều lệ Đảng về sinh hoạt Đảng tại nơi làm việc, vừa có trách nhiệm thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và Nhân dân nơi cư trú; gần gũi, gắn bó với Nhân dân; khắc phục những biểu hiện sống xa dân, thiếu trách nhiệm trong các công việc của Nhân dân nơi cư trú; củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân; nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đảng viên trong xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở”.

Điều 2 của Quy định này cũng nêu cụ thể 7 nhiệm vụ của đảng viên đang công tác ở nơi cư trú. Trong đó, có những yêu cầu rất quan trọng để thể hiện vai trò tiên phong, gương mẫu của người đảng viên trước Nhân dân.

Việc thực hiện, Quy định 213 có ý nghĩa trong việc tạo điều kiện, theo dõi, quản lý chặt chẽ hơn việc gắn bó của đảng viên với tổ chức đảng và Nhân dân nơi cư trú. Nhiều cơ sở đã tranh thủ được sự đóng góp thiết thực của những đảng viên cư trú trên địa bàn; đồng thời giữ mối quan hệ đúng mức với các cơ quan, xí nghiệp, trường học trong sự theo dõi, giám sát đảng viên cư trú trên địa bàn của mình.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều nơi sự gắn bó của đảng viên với nơi cư trú còn hình thức, chưa thường xuyên, chưa chặt chẽ. Vẫn còn hiện tượng “xuân thu nhị kỳ”, đảng viên chỉ gặp, liên hệ với Chi ủy nơi cư trú khi lấy ý kiến nhận xét về bản thân để nộp cho tổ chức đảng nơi mình công tác. Vẫn còn hiện tượng gần cuối năm, tổ chức cuộc gặp gỡ giữa đảng viên cư trú với Chi ủy hoặc Chi bộ, nghe đánh giá một cách chung chung, rồi liên hoan tổng kết. Vẫn có hiện tượng đảng viên không bao giờ dự họp với Nhân dân, thậm chí không biết ai là chi ủy, ai là tổ trưởng, ai phụ trách các đoàn thể nơi cư trú,... Vẫn có hiện tượng cứ bỏ tiền ra để đóng góp, làm công tác xã hội thì coi như đã có liên hệ với địa phương mà không có sự gắn kết chặt chẽ, thậm chí thường ngày sống tách biệt với mọi người,…

Có nhiều nơi, cấp ủy địa phương nơi cư trú nể nang, xuề xòa với các đảng viên đang công tác. Cứ thấy không thấy có chuyện gì bất thường thì coi như đảng viên đó đã làm tốt vai trò đảng viên nơi cư trú. Cũng có nơi, cấp ủy “vận dụng” các đảng viên đang công tác để đưa ra các đợt kêu gọi, “thư ngỏ”,… vận động sự đóng góp, ủng hộ là chủ yếu mà ít quan tâm đến việc tạo sự gắn kết, trao đổi thông tin, kinh nghiệm. Cá biệt, có nơi cấp ủy nắm không chắc các đảng viên sinh hoạt theo Quy định 213 trên địa bàn mình, có khi họ chuyển cơ quan, họ được đề bạt hoặc bị kỷ luật,... nhưng không hay biết. Do nắm không chắc thông tin, do không có những hoạt động phù hợp nên việc đánh giá về hoạt động của đảng viên nơi cư trú cũng hạn chế. Có khi chỉ Bí thư Chi bộ ghi nhận xét chung chung, cho đủ thủ tục, cho đúng quy trình, thiếu tính thuyết phục.

Việc theo dõi, quản lý đảng viên nơi cư trú thiếu thường xuyên, chặt chẽ sẽ không phát huy được tính tích cực, chủ động, hiệu quả sự đề xuất, hiến kế, chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp của đảng viên nơi cư trú – một nguồn lực trí tuệ quan trọng của địa phương. Đồng thời, chưa đảm bảo nhiệm vụ, vai trò giám sát của cấp ủy nơi cư trú theo Quy định 213.

Từ thực tiễn nói trên, cấp ủy các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải quán triệt nghiêm túc nội dung của Quy định 213. Cần tạo ra sự trao đổi thông tin thường xuyên, định kỳ. Trong đó, có tình hình đảng viên thực hiện nhiệm vụ nơi công tác; mỗi khi thay đổi, thuyên chuyển công tác, khen thưởng, kỷ luật,... cần được thông tin với cấp ủy nơi cư trú.

Đối với cấp ủy nơi cư trú cần tạo mối liên hệ chặt chẽ hơn nữa. Cần nắm chắc tình hình, đặc điểm, sở trường của đảng viên đang công tác; tổ chức các cuộc sinh hoạt định kỳ, vận dụng vốn kiến thức của đảng viên đương nhiệm để phổ biến thông tin, phát huy sự hiến kế, các giải pháp, những kinh nghiệm trong các lĩnh vực. Trong thời đại hiện nay, nên kết nối nhóm mạng nội bộ để giao lưu, thông tin như nhiều nơi đã làm,... Cần có sự nhìn nhận, đánh giá nhận xét khách quan, chính xác, kịp thời đối với đảng viên sinh hoạt nơi cư trú, giữ mối liên hệ thường xuyên, chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong việc theo dõi, quản lý đảng viên.

Để đảng viên thực sự gắn bó với nơi cư trú
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO