Để Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư đi vào cuộc sống

23/01/2016 07:21

(Baonghean) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, từ ngày luật DN và luật Đầu tư có hiệu lực thi hành (1/7/2015), hoạt động đăng ký DN đã có chuyển biến tích cực với số lượng DN thành lập mới tăng đáng kể, số vốn đăng ký tăng cao so với cùng kỳ năm 2014. Tính từ 01/7/2015 đến ngày 15/12/2015, đã có 46.740 DN đăng ký thành lập với tổng số vốn đăng ký 302.674 tỷ đồng, tăng 24,5% về số DN và tăng 50,3% về số vốn đăng ký mới.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Như vậy, so với 12 tháng cùng kỳ năm 2014, số lượng DN đăng ký thành lập mới cả năm 2015 tăng cao đáng kể, với mức tăng 25,4% về số DN và tăng 37,9% về số vốn. Số DN thành lập mới năm 2015 (tính đến 15/12/2015) đạt 93.868 DN, là số lượng DN đăng ký thành lập mới lớn nhất từ trước tới nay. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh đã có sự khởi sắc và trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư sau khi luật DN và luật Đầu tư có hiệu lực thi hành.

Cũng theo Bộ KH&ĐT cho biết, tính từ ngày 01/7/2015 đến 15/12/2015, cả nước có 842 dự án đầu tư nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký là 7,532 tỷ USD, 788 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 5,374 tỷ USD. Tính chung trong thời gian này, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 12,9 tỷ USD, chiếm 42,3% số dự án và 57% tổng vốn đầu tư của cả nước từ đầu năm đến nay. Cùng thời gian nêu trên, đã có 690 dự án đầu tư trong nước được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 200 nghìn tỷ đồng (tương đương 9,4 tỷ USD) và 368 dự án điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư.

Tuy nhiên, điều đáng mừng nhất là đến nay, toàn bộ các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật Đầu tư, luật DN đã được Bộ KH&ĐT ban hành, gồm 4 nghị định hướng dẫn thi hành Luật DN, 2 nghị định hương dẫn thi hành luật Đầu tư và 3 Thông tư. Ngoài ra, để hướng dẫn thi hành luật Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 19/2015/QĐ-TTg ngày 15/6/2015 về tiêu chí xác định DN công nghệ cao; Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã hoàn tất toàn bộ thủ tục theo quy định để trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết việc thực hiện hình thức đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.

Bên cạnh đó, nhằm bảo đảm thực thi đầy đủ, nhất quán các quy định của Luật Đầu tư về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành đã phối họp rà soát các điều kiện đầu tư kinh doanh áp dụng đối với 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định; hoàn thiện danh mục điều kiện đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; thường xuyên rà soát các điều kiện đầu tư kinh doanh. Các Bộ, ngành đã triển khai rà soát văn bản pháp luật quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của mình.

Doanh nghiệp ngành bất động sản vẫn gặp khó khăn. Ảnh minh họa
Doanh nghiệp ngành bất động sản vẫn gặp khó khăn. Ảnh minh họa

Kết quả rà soát cũng cho thấy, có nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, tạo chi phí tuân thủ lớn, hạn chế gia nhập thị trường của các DN. Trong số 5826 điều kiện đầu tư kinh doanh áp dụng đối với 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư, thì có đến 2833 điều kiện hiện đang được quy định tại các văn bản được ban hành không đúng thẩm quyền, bao gồm cả các văn bản được ban hành trước và sau khi Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành. Điều đặc biệt đáng lưu ý là sau khi Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành, một số Bộ vẫn tiếp tục ban hành, soạn thảo các Thông tư quy định về điều kiện kinh doanh - Bộ trưởng Nguyễn Quang Vinh nói.

Hiện nay, các bộ, ngành, địa phương vẫn tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan để bảo đảm tính thống nhất với luật DN và luật Đầu tư. Theo đó, việc rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/NQ-CP ngày 06/6/2014 của Chính phủ về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách thủ tục hành chính trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất để cải thiện môi trường kinh doanh cần phải được tiếp tục đẩy mạnh. Kết quả rà soát của Bộ KH&ĐT và một số địa phương cho thấy, bên cạnh các giải pháp cải cách thủ tục hành chính về thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất đã được luật hóa trong một số Luật (như Luật đất đai, Luật bảo vệ môi trường, Luật xây dựng), nhiều giải pháp khác quy định tại Nghị quyết 43/NQ-CP đã không còn phù hợp do quy định tương ứng tại các Luật nêu trên đã có sự thay đổi.

Ngoài ra, việc thi hành các Luật này cũng bắt đầu phát sinh các vướng mắc mới, đòi hỏi phải xem xét giải quyết để bảo đảm tính khả thi và thống nhất của hệ thống pháp luật.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Quang Vinh, trong những giải pháp thực hiện thời gian tới đây, ngoài việc cần tiếp tục bảo đảm thực hiện các quy định về kiểm soát các điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư; hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan để bảo đảm tính thống nhất với quy định của luật DN và luật Đầu tư, việc cần làm là phải tiếp tục nỗ lực tuyên truyền, phổ biến luật DN, Luật Đầu tư; kiệm toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan đăng ký đầu tư, cơ quan đăng ký kinh doanh để giải quyết liên thông một số thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký DN theo quy định mới của Luật Đầu tư, Nghị định 118/2015 của Chính phủ.

Sông Hồng

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Để Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư đi vào cuộc sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO