Thời sự

Đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An đề nghị sớm tiến hành sửa đổi toàn diện Luật Doanh nghiệp

Thành Duy 10/05/2025 18:32

Chiều 10/5, tại phiên thảo luận tổ về một số dự án luật sửa đổi, các đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An nhấn mạnh yêu cầu sửa đổi toàn diện Luật Doanh nghiệp để thể chế hóa các chủ trương lớn về phát triển kinh tế tư nhân.

Đoàn đại biểu tỉnh Nghệ An thảo luận tại Tổ 4, cùng đoàn thành phố Hải Phòng và tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu và TP. Hải Phòng. Ảnh: Nghĩa Đức
Đoàn đại biểu tỉnh Nghệ An thảo luận tại Tổ 4, cùng đoàn thành phố Hải Phòng và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Nghĩa Đức

Nhiều chủ trương lớn chưa được thể chế hóa

Thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, đại biểu Hoàng Minh Hiếu nhận định, dự án Luật lần này chủ yếu tập trung vào hai nội dung gồm các quy định về phòng, chống rửa tiền và phát hành trái phiếu riêng lẻ. Ông bày tỏ sự đồng thuận với hướng sửa đổi này, đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường phòng, chống rửa tiền trong bối cảnh Việt Nam đang bị Tổ chức đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) đưa vào danh sách giám sát tăng cường (vùng xám).

Đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh tại phiên thảo luận Tổ 4. Ảnh: Nghĩa Đức
Đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh tại phiên thảo luận Tổ 4. Ảnh: Nghĩa Đức

Vị đại biểu đoàn Nghệ An phân tích: Việc bị đưa vào vùng xám ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư và thu hút vốn FDI, nên rất cần thiết phải sửa đổi các quy định pháp luật liên quan, trong đó có Luật Doanh nghiệp; đồng thời cho biết nhiều đạo luật khác, như Bộ luật Hình sự, cũng đang được sửa đổi nhằm siết chặt quy định phòng, chống rửa tiền.

Dù đồng tình với các nội dung sửa đổi cấp bách, đại biểu Hoàng Minh Hiếu cho rằng, cần sớm tiến hành sửa đổi toàn diện Luật Doanh nghiệp. Lý do là đạo luật này giữ vai trò then chốt trong việc tạo lập môi trường pháp lý cho kinh tế tư nhân phát triển. Ông viện dẫn bài học từ Luật Doanh nghiệp năm 2000, khi đạo luật này ra đời, đã tạo động lực rất lớn cho sự phát triển của hệ thống doanh nghiệp.

Ông chỉ rõ, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đề ra nhiều mục tiêu cải cách mạnh mẽ, như giảm 30% thủ tục hành chính, chuyển mạnh từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, nhưng những nội dung này chưa được thể hiện trong dự thảo luật lần này. Vì vậy, ông đề nghị Chính phủ sớm trình phương án sửa đổi tổng thể Luật Doanh nghiệp để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn.

bna_c69631347698c4c69d89(1).jpg
Đại biểu đoàn Nghệ An Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phát biểu thảo luận. Ảnh: Nghĩa Đức

Góp ý cụ thể vào dự thảo, đại biểu Hoàng Minh Hiếu kiến nghị làm rõ khái niệm “chủ sở hữu hưởng lợi” của doanh nghiệp, một nội dung quan trọng trong phòng, chống rửa tiền. Theo ông, quy định hiện tại còn khái quát, chưa nêu rõ tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ để được coi là “chủ sở hữu hưởng lợi”. Trong khi đó, thông lệ quốc tế thường xác định tỷ lệ này là 25%.

Ông cũng lưu ý việc yêu cầu tất cả doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhỏ và vừa, phải kê khai thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi có thể gây áp lực không cần thiết. Do đó, cần phân định đối tượng áp dụng để tránh tạo gánh nặng cho doanh nghiệp có quy mô nhỏ, ít rủi ro về rửa tiền.

Về hành vi “khai khống vốn điều lệ”, đại biểu Hoàng Minh Hiếu cho rằng, dự thảo cần quy định rõ mốc thời gian góp vốn để tránh việc doanh nghiệp mới thành lập, chưa kịp góp đủ vốn đã bị coi là khai khống, gây rủi ro pháp lý.

Liên quan đến điều kiện chào bán trái phiếu riêng lẻ, đại biểu Hoàng Minh Hiếu nhất trí với quy định hạn chế doanh nghiệp không phải công ty đại chúng phát hành trái phiếu nếu nợ phải trả vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, ông đề nghị cân nhắc lại tỷ lệ này để không làm ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh thị trường trái phiếu đang khó khăn.

Đại biểu cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát lại đối tượng viên chức được phép góp vốn, thành lập doanh nghiệp. Dự thảo hiện mới chỉ cho phép viên chức đang làm việc tại các cơ sở giáo dục đại học công lập. Trong khi đó, Nghị quyết 193 của Quốc hội quy định mở rộng đối tượng này ra cả viên chức quản lý tại các tổ chức khoa học và công nghệ công lập. Vì vậy, cần rà soát, bổ sung đối tượng để thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

bna_c02cf3b3b41f06415f0e(1).jpg
Các vị ĐBQH đoàn Nghệ An tại thảo luận Tổ 4 chiều 10/5 Ảnh: Nghĩa Đức

Góp ý về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, đại biểu Hoàng Minh Hiếu bày tỏ sự đồng tình với các ý kiến đã nêu và đề xuất cần xem xét lại sự thống nhất giữa Luật Quy hoạch và các luật chuyên ngành khác như Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Quy hoạch đô thị, nông thôn.

Vị đại biểu đoàn Nghệ An phân tích: khi xây dựng quy hoạch có quy định dẫn chiếu việc phân loại đô thị và đều căn cứ vào đó để có cơ sở để làm căn cứ thực hiện các quy định liên quan đến quản lý đất đai và bất động sản. Ví dụ, Luật Kinh doanh bất động sản chỉ cho phép phân lô bán nền tại các đô thị loại III trở xuống, nhưng thực tế việc sắp xếp các đơn vị đơn vị hành chính đã khiến việc xác định phân loại đô thị trở nên phức tạp. Do đó, cần có quy định chuyển tiếp phù hợp khi từ 1/7/2025 chính thức áp dụng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (tỉnh, cơ sở), không tổ chức cấp huyện.

Ông cũng nhấn mạnh việc sửa Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn là cần thiết, bởi hiện nay luật này không quy định quy hoạch cấp xã, mà chủ yếu quy hoạch cấp huyện, trong khi mô hình tổ chức hành chính mới từ ngày 1/7/2025 không còn cấp huyện, mà chỉ có cấp xã.

Băn khoăn đề xuất thành lập Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Ông Phạm Phú Bình - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội, đại biểu đoàn Nghệ An bày tỏ đồng tình với ý kiến đại biểu phát biểu trước đó về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp để thể chế hóa tinh thần Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

Tuy nhiên, theo đại biểu dự thảo Luật đang sửa đổi tập trung vào một số nội dung mang tính cấp bách, chủ yếu nhằm đối phó với việc Việt Nam bị đưa vào danh sách xám, nguy cơ chuyển sang danh sách đen về phòng, chống rửa tiền. Trong khi đó, nếu muốn thực sự thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững, cần xem xét sửa đổi toàn diện và có tầm nhìn dài hạn hơn.

bna_b9089697d13b63653a2a(1).jpg
Ông Phạm Phú Bình - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội, đại biểu đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Nghĩa Đức

Góp ý cụ thể về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, liên quan đến giải thích từ ngữ về “tình trạng pháp lý của doanh nghiệp”, đại biểu cho rằng cách liệt kê hiện nay là chưa hợp lý. “Tình trạng đầu tiên được liệt kê lại là “tạm ngừng kinh doanh”, trong khi “đang hoạt động” lại được xếp sau cùng. Cách trình bày này không hợp logic. Theo ông, cần sắp xếp lại theo logic thể hiện hoạt động của doanh nghiệp từ hình thành, hoạt động, gặp khó khăn, xử lý.

Một điểm đáng chú ý khác là dự thảo chưa làm rõ tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đang mất khả năng thanh toán tạm thời. Hiện nay, doanh nghiệp rơi vào tình trạng này đang được điều chỉnh của Luật Phá sản. Tuy nhiên, theo đại biểu, điều đó chưa phù hợp vì không phải mọi trường hợp mất khả năng thanh toán đều dẫn đến phá sản.

Ông dẫn chứng, ở nhiều quốc gia, luật pháp có quy định riêng cho doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính tạm thời, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi thay vì đẩy nhanh thủ tục phá sản. Trước khi đến bước cuối cùng là phá sản nên có cách tiếp cận mang tính phục hồi, giúp doanh nghiệp giải quyết khó khăn dòng tiền, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người lao động, chủ nợ và các bên liên quan.

Từ đó, ông kiến nghị cần bổ sung tình trạng "mất khả năng thanh toán tạm thời" vào hệ thống các tình trạng pháp lý doanh nghiệp, và tiến tới sửa đổi cả Luật Phá sản, kể cả tên gọi, để thể hiện rõ định hướng ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển, hoạt động lành mạnh.

Ở nội dung thứ hai liên quan đến Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đại biểu Phạm Phú Bình bày tỏ băn khoăn về đề xuất thành lập Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Ông cho rằng, hiện nay, theo luật hiện hành đã có nhiều nguồn vốn ưu đãi và chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực này, như: Quỹ bảo vệ môi trường, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các chương trình quốc gia liên quan.

Đại biểu cho rằng, khi chưa có đánh giá đầy đủ về hiệu quả thực sự của các chương trình và quỹ hiện hành, thì việc thành lập thêm một quỹ mới cần được cân nhắc kỹ.

Ông cũng lưu ý rằng, việc thành lập Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả dự kiến sử dụng ngân sách làm vốn mồi, rồi mới huy động xã hội hóa và ODA. Tuy nhiên, hiện Việt Nam đã “tốt nghiệp ODA”, nên khả năng tiếp cận nguồn vốn này không còn thuận lợi như trước. “ODA hiện tại chủ yếu là vốn vay với lãi suất tiệm cận thương mại, do đó khó coi là nguồn hỗ trợ hiệu quả”, ông nêu quan điểm.

Từ đó, đại biểu Phạm Phú Bình đề nghị cân nhắc thành lập quỹ mới, thay vào đó nên tập trung rà soát và nâng cao hiệu quả các cơ chế hỗ trợ hiện có, đồng thời nghiên cứu bổ sung chính sách ưu đãi thuế hoặc hỗ trợ tài chính cụ thể, để khuyến khích doanh nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

Đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An đề nghị sớm tiến hành sửa đổi toàn diện Luật Doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO