Đề nghị dừng chủ trương thi tổ hợp vào lớp 10

12/09/2017 08:55

(Baonghean.vn) - Nếu thực hiện chủ trương trên thì Nghệ An góp phần kéo dài tình trạng tổ chức thi tuyển sinh nặng nề ôm đồm thiếu tính khoa học, tạo áp lực lớn cho học sinh và phụ huynh, đi ngược lại với chủ trương giảm tải thi cử mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kiên trì thực hiện trong nhiều năm qua.

» Thi tổ hợp tuyển sinh vào lớp 10: Đi ngược lại với chủ trương giảm áp lực thi cử?

» Thi tổ hợp vào lớp 10: Không nên đưa thí sinh làm 'chuột bạch'

Trong dịp tổng kết năm học 2016 - 2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017 - 2018 cũng như trong buổi họp báo trước thềm năm học mới, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã khẳng định: từ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2018 - 2019, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An sẽ sử dụng dạng đề thi tổ hợp, cụ thể sẽ dùng bộ đề có 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn) và 1 bài thi tổ hợp theo hình thức trắc nghiệm khách quan; học sinh làm bài trên Phiếu trả lời trắc nghiệm. Kết quả làm bài của học sinh trên phiếu trả lời trắc nghiệm được chấm bằng phần mềm máy tính.

Thí sinh Nghệ An tham dự Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.
Thí sinh Nghệ An tham dự Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

Theo chúng tôi hiểu thì khi đề xuất phương án chọn các bài thi vào lớp 10 THPT, đưa ra chủ trương và xác định định rõ định hướng nội dung thi vào lớp 10 theo cách như đã nêu ở trên Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cũng đã có một cách nhìn tích cực cho việc đổi mới thi và đánh giá kết quả học tập của học sinh, với mong muốn:

1. Cho học sinh quen dần với dạng đề thi gần dạng với đề thi trong tương lai khi các nhà trường thực hiện chương trình dạy học và sách giáo khoa phổ thông mới. Sách giáo khoa soạn theo chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ là chương trình “tích hợp”.

2. Tránh được tình trạng học tủ, học lệch đã diễn ra hàng chục năm nay trong các trường phổ thông: các nhà trường buông nhẹ các môn không thi, tập trung quá nhiều thời gian học tập và ôn tập cho các môn được chọn để đưa vào các bài thi.

3. Chọn nội dung thi vào lớp 10 gồm 3 bài thi trong đó có 1 bài thi tổ hợp (các môn được chọn kiến thức để kiểm tra đưa vào bài thi tổ hợp có thể ba môn, hoặc nhiều môn sẽ công bố vào gần cuối năm học sẽ góp phần tạo động lực để học sinh học tập một cách toàn diện theo tinh thần Nghị quyết 29 về “Đổi mới căn bản toàn diện Giáo dục và Đào tạo…”.

4. Mong muốn Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cũng nằm trong tốp các tỉnh đi đầu trong việc đổi mới đánh giá chất lượng dạy học và đánh giá thi cử như Nam Định, Ninh Bình, Hải Phòng, Hưng Yên.

5. Việc chấm thi bằng máy sẽ tạo sự công bằng khách quan cho việc đánh giá nhiều môn trong bài thi tổ hợp để đo nghiệm được kết quả nhiều môn học cho từng học sinh một cách chính xác dẫn đến việc chọn học sinh vào lớp 10 sẽ bảo đảm chất lượng hơn.

Tuy nhiên theo ý kiến của chúng tôi chủ trương chọn một trong ba bài thi tuyển sinh vào lớp 10 trong năm học này có một bài thi dạng tổ hợp là chưa hợp lý. Chưa hợp lý ở những mặt sau:

Từ trước đến nay và chắc chắn cả trong thời gian sau này việc chọn dạng bài thi để thi công nhận tốt nghiệp phổ thông và chọn bài thi để thi tuyển sinh (tuyển sinh vào các lớp đầu cấp và tuyển sinh vào Đại học, Cao đẳng sẽ có dung lượng khác nhau vì hai kỳ thi có mục tiêu khác nhau: Lấy kết quả của nhiều bài thi để xét tốt nghiệp và chỉ chọn một số nội dung thi (một số bài thi để tuyển sinh vào lớp 10 và tuyển sinh vào đại học, cao đẳng…).

Chúng tôi khẳng định Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An và một số tỉnh khác đã có sự nhầm lẫn khi xác định sự khác nhau về tính chất của hai kỳ thi: Thi tuyển sinh đầu cấp (có cả việc tuyển sinh vào ĐH,CĐ) và thi tốt nghiệp. Thi lấy kết quả công nhận tốt nghiệp với lấy kết quả để tuyển sinh có mục tiêu hoàn toàn khác nhau. Hơn nữa thi tuyển sinh vào lớp 10 và tuyển sinh vào cao đẳng đại học là những kỳ thi diễn ra sau kỳ thi tốt nghiệp. Mà kỳ thi tốt nghiệp (hay xét tốt nghiệp đã chú trọng đến kết quả học tập toàn diện của một cấp học rồi).

Việc bảo đảm cho quan điểm giáo dục toàn diện cho học sinh đã được ngành Giáo dục thực hiện từ hàng chục năm nay nhưng giáo dục toàn diện không có nghĩa là bất cứ kỳ thi cấp tỉnh hoặc cấp Quốc gia nào cũng đều buộc học sinh thi nhiều môn thi. Bởi hiểu cho đúng, nhìn cho kỹ thì nguyên lý “ Giáo dục toàn diện” đã được thể hiện trong việc xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa.

Trong thi cử, đánh giá chất lượng học tập của học sinh cuối các cấp học, cuối năm học thì. Khi đánh giá kết quả một năm học, hoặc cuối cấp học thì phải căn cứ vào kết quả học tập của tất cả các môn học và các mặt tu dưỡng rèn luyện đạo đức, kỹ năng sống của học sinh trong năm học và cuối cấp học.

Thi, xét tuyển vào lớp 10 đầu cấp hay thi, xét tuyển vào ĐH, CĐ đã căn cứ vào kết quả thi tốt nghiệp rồi và mang tính phân luồng, cho nên chỉ cần tổ chức thêm một kỳ thi gọn nhẹ hơn chứ không thể tổ chức thêm một kỳ thi nặng nề gây thêm áp lực về thi cử cho phụ huynh và học sinh nữa. Do đó thi vào lớp 10 hoặc có tổ chức thi một kỳ thi tuyển sinh riêng để tuyển sinh vào cao đẳng, đại học (nếu bỏ kỳ thi THPT Quốc gia đã từng làm trong những năm vừa qua) thì chỉ cần lựa chọn một số môn đại diện cho các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và ngoại ngữ.

Có vậy các kỳ thi mới đánh giá bao quát kết quả học tập của học sinh và mới làm giảm áp lực cho người học. Hơn nữa nếu vận dụng loại bài thi mang tính tổ hợp thì vẫn chưa phải là một chủ trương sát hợp để đón đầu việc kiểm tra đánh giá chất lượng dạy học khi chúng ta triển khai chương trình dạy học mới với các môn học mang tính tích hợp. Vì “tổ hợp môn học” không phải là “tích hợp kiến thức trong một môn học” mà sách giáo khoa mới sẽ hướng đến.

Còn việc đưa bài thi tổ hợp làm một trong 3 bài thi để tuyển sinh vào lớp 10 chưa phải là giải pháp hữu hiệu cho việc xóa bỏ tình trạng học tủ, học lệch ở các lớp cuối cấp. Xóa bỏ tình trạng này thì giải pháp có hiệu quả nhất là giải pháp dành để áp dụng cho các nhà quản lý giáo dục các cấp. Đến thời điểm này nếu Hiệu trưởng nào, cán bộ quản lý nào để diễn ra tình trạng học tủ học lệch, bớt thời gian của các môn học khác dành thời gian dạy học, ôn tập cho các môn thi thì ngành Giáo dục và Đào tạo phải xử lý, kỷ luật nghiêm các hiệu trưởng đó chứ không được đỗ lỗi hoàn toàn cho học sinh trong việc học tủ, học lệch.

Với những gì đã nêu ở trên chúng tôi đề nghị dừng lại chủ trương có đưa thêm một bài thi mang tính tổ hợp vào bộ đề thi tuyển sinh vào lớp 10 trong năm học tới. Bởi nếu thực hiện chủ trương trên thì Nghệ An đã góp phần kéo dài tình trạng tổ chức thi tuyển sinh nặng nề ôm đồm thiếu tính khoa học, tạo áp lực lớn cho học sinh và phụ huynh, đi ngược lại với chủ trương giảm tải thi cử mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kiên trì thực hiện trong nhiều năm qua. Nếu làm không khéo thì thì việc tổ chức thi vào lớp 10 lại nặng nề hơn việc tuyển sinh vào đại học cao đẳng./.

Thạc sỹ Nguyễn Đình Anh

(Nguyên Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp - Sở GD&ĐT Nghệ An)

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Đề nghị dừng chủ trương thi tổ hợp vào lớp 10
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO