Nghệ An là mảnh đất địa linh, nhân kiệt, thuộc một vùng văn hóa đặc biệt – Xứ Nghệ – với truyền thống văn hóa lâu đời, kết tinh nhiều giá trị đặc sắc của dân tộc. Người Nghệ An luôn có tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất, sẵn sàng đứng lên đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, có tinh thần cần cù, chịu khó, sáng tạo, có tính cách tự do, hào sảng, sôi nổi, nhiệt tình, tự hào là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh và rất nhiều danh nhân tiêu biểu của đất nước.
Di sản văn hóa Nghệ An phong phú, với hệ thống hơn 2.600 di tích đình, đền, chùa, di tích lưu niệm danh nhân như Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên, Khu lưu niệm Phan Bội Châu, khu di tích lịch sử Truông Bồn, đền Cuông, đền Cờn, đền Quả Sơn, đền Vua Mai, đền Bạch Mã, đền Hồng Sơn, đền Chín Gian, đền Vạn – Cửa Rào, đình Hoành Sơn, đình Trung Cần, chùa Cần Linh, chùa Đại Tuệ,… mang giá trị lịch sử – văn hóa.
Nghệ An cũng còn lưu giữ hơn 500 di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc như nghệ thuật trình diễn dân gian dân ca ví, giặm, ca trù…; nhiều phong tục tập quán, lễ hội truyền thống độc đáo với 9 di sản văn hóa được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Lễ hội đền Cờn, lễ hội đền Thanh Liệt, lễ Xăng Khan, Lễ hội đền Quả Sơn, Lễ hội đền Bạch Mã, lễ hội đền Ông Hoàng Mười, Lễ hội đền Chín Gian, Lễ hội đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan, Lễ hội đền Yên Lương); rất nhiều món ẩm thực hấp dẫn (nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn, cháo lươn, bánh mướt, thịt me,…) và một không gian văn hóa miền Tây độc đáo của các dân tộc Thái, Thổ, Mông, Khơ Mú, Ơ Đu cùng với một kho tàng gần 50.000 hiện vật, gồm 3 bảo vật quốc gia.
Với những kho báu quý giá có giá trị, văn hóa và con người Nghệ An đã góp phần quan trọng trở thành sức mạnh nội sinh, nguồn lực cho sự phát triển của tỉnh và đất nước.
Đối với Nghệ An, duy trì và phát huy bản chất thông minh, hiếu học, chịu thương, chịu khó, cần cù, tiết kiệm, chân chất, mộc mạc, bộc trực, thẳng thắn, đùm bọc, tương thân, tương ái của người Nghệ là một nội dung, mục tiêu quan trọng trong sự nghiệp phát triển của tỉnh. Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản thể hiện quyết tâm hướng tới khơi dậy và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn có chọn lọc, cải tiến và phát huy những thuần phong mỹ tục của nhân dân; Loại bỏ những phong tục tập quán lỗi thời, lạc hậu, chống mê tín dị đoan, xây dựng và hình thành nếp sống văn hóa, văn minh. Từ những nỗ lực đó, đến ngày hôm nay, sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Nghệ An đã đạt được nhiều thành tựu.
Bối cảnh mới có nhiều thời cơ, nhưng không ít thách thức để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng xây dựng tỉnh Nghệ An phồn vinh, hạnh phúc, đồng thời là nhân tố thúc đẩy phát triển con người Nghệ An trở thành trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển, như kỳ vọng đã đặt ra trong Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 14/12/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng con người văn hóa, gia đình văn hóa Nghệ An đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.
Trong số những vấn đề đặt ra đối với việc phát huy sức mạnh nội sinh, động lực của văn hóa ở tỉnh Nghệ An, điều đầu tiên, quan trọng nhất là phải xử lý mối quan hệ giữa xây dựng và phát triển văn hóa, con người Nghệ An với sự phát triển đồng bộ của nền kinh tế, với sự đầu tư có hạn của Nhà nước và nguồn lực, tiềm lực kinh tế chưa cao của người dân. Chúng ta biết, nền kinh tế thị trường được điều tiết bởi quy luật cung – cầu, quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh có cả tác động tích cực và tiêu cực đối với văn hóa. Nhưng văn hóa là lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm, một số lĩnh vực gắn với phúc lợi xã hội, quyền tiếp cận, hưởng thụ của người dân nên luôn cần có sự điều tiết từ phía Nhà nước để tránh tác động tiêu cực của kinh tế thị trường. Tuy nhiên, nước ta nói chung, tỉnh Nghệ An nói riêng đang trong quá trình phát triển. Nguồn lực của đất nước, người dân còn hạn chế nên xu hướng huy động nguồn lực xã hội cho phát triển đất nước nói chung, văn hóa nói riêng, là tất yếu. Bên cạnh tác động tích cực, thực tiễn hiện nay đang cho thấy nhiều hiện tượng văn hóa, nghệ thuật bị thương mại thái quá, ảnh hưởng tiêu cực đến việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc cũng như làm sai lệch quá trình tiếp thu chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới.
Thứ hai là phải giải quyết hài hòa mối tương quan giữa mục tiêu nhân văn của văn hóa với những quy luật khắc nghiệt của kinh tế thị trường. Trong bối cảnh nghị quyết của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đi đôi với việc hoàn thiện thị trường văn hóa thì mục tiêu nhân văn của văn hóa vẫn phải được coi trọng. Sản phẩm văn hóa, nghệ thuật là những sản phẩm hàng hóa nhưng có logic đặc biệt vì nó liên quan đến đạo đức, lối sống, tình cảm, tinh thần của con người. Nhiều sản phẩm văn hóa mang tính công ích, chưa hẳn phù hợp với thị trường cạnh tranh khắc nghiệt nhưng cần phải bảo vệ vì là hồn cốt dân tộc, giúp định hướng phát triển nhân cách con người, gìn giữ đạo đức cho xã hội. Chính vì vậy, giải quyết hài hòa mối quan hệ này sẽ giúp xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển toàn diện con người – mục đích cuối cùng của sự phát triển kinh tế – xã hội.
Thứ ba là xử lý được mâu thuẫn giữa nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao, càng khe khắt của nhân dân với khả năng đáp ứng có hạn của đội ngũ sáng tác, biểu diễn và quản lý văn hóa. Cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, quá trình hội nhập quốc tế và ảnh hưởng mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông, thu nhập ngày càng tăng của người dân, dẫn đến sự đa dạng, phong phú, khắt khe trong nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Mặc dù vậy, do khả năng đáp ứng của đội ngũ sáng tác, biểu diễn và quản lý văn hóa còn hạn chế đã dẫn đến việc người dân tìm đến các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật nước ngoài, xa lạ với thị hiếu, lối sống, phong tục tập quán dân tộc, từ đó ảnh hưởng không tốt đến nhận thức, thị hiếu, lối sống của người dân, đặc biệt là giới trẻ. Vấn đề đặt ra là làm sao đáp ứng được nhu cầu này của người dân thông qua các sản phẩm của Nghệ An, từ đó giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc nói chung, Nghệ An nói riêng.
Thứ tư là xử lý tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy, giữ gìn và phát triển, truyền thống và hiện đại. Đây là những mối quan hệ rất phức tạp, đòi hỏi cần có những quan điểm vừa mang tính toàn diện, xuyên suốt vừa linh hoạt theo loại hình, đối tượng, hoàn cảnh cụ thể. Hài hòa lợi ích các bên liên quan, kiên định mục tiêu bảo vệ giá trị văn hóa, tránh sa vào các mục tiêu ngắn hạn, gìn giữ, tiếp thu có chọn lọc,… là những vấn đề đang đặt ra trong phát triển văn hóa giai đoạn hiện nay.
Thứ năm là phát triển hài hòa, đúng mức giữa văn hóa tinh hoa và văn hóa đại chúng. Văn hóa đại chúng phù hợp với thị trường nhưng văn hóa tinh hoa giúp định hướng cho sự phát triển văn hóa đất nước, tuy nhiên, chúng ta không quá chú trọng chỉ phát triển một trong hai lĩnh vực. Văn hóa tinh hoa chính là những đỉnh cao nhưng kén khán giả, ít ưu thế thị trường, cần sự hỗ trợ của Nhà nước, trong khi đó, văn hóa đại chúng là bộ mặt đương đại của văn hóa, gần gũi, như những câu lạc bộ dân ca ví, giặm hay các câu lạc bộ văn nghệ cần được tạo điều kiện hỗ trợ để phát huy tính chủ động, tích cực, lành mạnh của sinh hoạt quần chúng. Vì vậy, chính sách phát triển văn hóa tinh hoa và văn hóa đại chúng cần có sự khác biệt, phù hợp với hai loại hình, vừa tạo điều kiện định hướng thẩm mỹ, vừa thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân Nghệ An.
Thứ sáu là xử lý mối quan hệ giữa bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và mở cửa, hội nhập về văn hóa với thế giới. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc giữ gìn văn hóa dân tộc cũng là một hình thức bảo vệ chủ quyền quốc gia, đồng thời tạo ra lợi thế cho đất nước trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội. Những ví dụ gần đây cho thấy, các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật càng có nhiều dấu ấn bản sắc văn hóa dân tộc càng tạo được lợi thế trong quá trình chinh phục thị trường quốc tế. Chính sự khác biệt được tạo ra bởi văn hóa đã tạo nên tính hấp dẫn cho không chỉ sản phẩm văn hóa, nghệ thuật mà còn cả các sản phẩm hàng hóa nói chung. Khi mở cửa, hội nhập quốc tế, chúng ta cần có bản lĩnh về văn hóa, thông qua xác định bản sắc dân tộc để quá trình hội nhập mà không hòa tan.
Để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, là động lực để phát triển tỉnh Nghệ An, để “Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất miền Bắc” theo lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi về thăm tỉnh nhà ngày 21/7/1969, trước hết chúng ta cần triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII và các Nghị quyết về văn hóa cũng như tinh thần của Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021. Nhằm hiện thực hóa những mục tiêu về phát triển văn hóa, con người, chúng ta cần thực hiện một số giải pháp cụ thể như:
Thứ nhất là chú trọng đầu tư cho nguồn lực văn hóa của tỉnh Nghệ An. Xây dựng và thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Ban hành chính sách thu hút đầu tư theo hướng thông thoáng, minh bạch để thu hút nguồn lực đầu tư từ mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là từ khu vực kinh tế tư nhân, trong đó chú trọng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đầu tiên là xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút tài năng văn hóa nghệ thuật, chăm sóc đãi ngộ đối với nghệ nhân, văn nghệ sĩ và cán bộ làm việc trong lĩnh vực văn hóa; đào tạo, thu hút đội ngũ nhân lực chất lượng cao, chuyên sâu về văn hóa, du lịch, nghệ thuật, bảo tồn di sản, thể thao.
Trong đó, phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp bảo tồn và phát triển văn hóa, xây dựng và hoàn thiện chính sách phát triển nguồn nhân lực văn hóa; triển khai hiệu quả, đảm bảo các quy định về chế độ, chính sách liên quan đến ưu tiên, chế độ đãi ngộ, bồi dưỡng cho văn nghệ sĩ; nghiên cứu, đề xuất chính sách thu hút đội ngũ chuyên gia về văn hóa, các chính sách, cơ chế thu hút tài năng văn hóa; tăng cường đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ trí thức, nhân lực về văn hóa; bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ, tin học, từng bước chuẩn hóa và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực văn hóa. Tiếp đến là phân bổ ngân sách đầy đủ, hợp lý cho phát triển văn hóa bằng cách từng bước nâng mức đầu tư cho văn hóa đạt tối thiểu 2% tổng chi ngân sách nhà nước; và đầu tư cho cơ sở vật chất trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch tương xứng với sự phát triển của tỉnh, đặc biệt là Thư viện tỉnh, Bảo tàng tỉnh, Trung tâm văn hóa tỉnh, Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, Khu Liên hợp Thể thao tỉnh. Ưu tiên hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, trong đó khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các loại hình vui chơi giải trí, công trình văn hóa phục vụ công cộng và bảo tồn di sản văn hóa. Lấy đầu tư Nhà nước định hướng, dẫn dắt đầu tư tư nhân.
Thứ hai, cần tập trung xây dựng đạo đức, nhân cách, lối sống con người Nghệ An, trước hết tạo chuyển biến rõ nét từ đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhà nước, đặc biệt là cán bộ chủ chốt các cấp làm nòng cốt, gương mẫu, đi đầu tạo sự lan tỏa trong cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh. Coi việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Nghệ An đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững là nhiệm vụ quan trọng, khó, cần phải được thực hiện thường xuyên, kiên trì, lâu dài, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Chú trọng nhiệm vụ xây dựng hệ giá trị đặc trưng, giàu bản sắc của văn hóa Nghệ An, con người Nghệ An trên cơ sở gìn giữ, bảo tồn, tôn vinh, phát huy những giá trị truyền thống mang tính độc đáo, đặc trưng, tiêu biểu về văn hóa, lịch sử, con người Nghệ An. Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu quê hương, đất nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Thứ ba là tập trung bảo vệ và khai thác giá trị di sản văn hóa Nghệ An để khẳng định bản sắc văn hóa xứ Nghệ trong phát triển chung của đất nước. Trong đó, tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa trong mối quan hệ hài hòa với quy hoạch và phát triển đô thị; đầu tư tu bổ, tôn tạo, rà soát các công trình, di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu có chất lượng cao về khoa học bảo tồn và môi trường văn hóa. Nâng cao hiệu quả kinh tế và tính chuyên nghiệp trong các hoạt động văn hóa, các lễ hội văn hóa truyền thống; xây dựng các sản phẩm đưa vào khai thác thường xuyên, phục vụ du lịch.
Cùng với đó là phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tỉnh Nghệ An đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng Nghệ An phát triển theo hướng sáng tạo, xứng tầm là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa du lịch đặc sắc của cả nước và khu vực; thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, từng bước hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của tỉnh và khu vực kinh tế trọng điểm Bắc miền Trung. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm, tập trung ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có lợi thế và là thế mạnh của tỉnh như du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn; có lộ trình theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phát huy được lợi thế của tỉnh, phù hợp với các quy luật cơ bản của kinh tế thị trường. Phát triển công nghiệp văn hóa gắn liền với việc quảng bá hình ảnh văn hóa, con người Nghệ An, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng chất lượng cao.