Đề xuất 2 phương án tăng lương năm 2020
Đối với người nghỉ hưu, hưởng trợ cấp xã hội, ưu đãi người có công với cách mạng vẫn cần tăng lương theo lộ trình từ 1/7.
Chiều 15/6, tại phiên thảo luận về kinh tế -xã hội của Quốc hội, đại biểu Quốc hội Đinh Văn Nhã (đoàn Phú Yên) cho rằng, đề xuất của Chính phủ về việc chưa tăng lương cơ sở theo Nghị quyết của Quốc hội trong năm nay chưa thực sự phù hợp.
Đại biểu Quốc hội Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài Chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng đối với tất cả chúng ta dù người có mức thu nhập cao hay người có mức thu nhập thấp, mỗi khi nghe nói đến tăng lương, nhất là thời điểm tăng lương sắp đến thì ai cũng vui. Có thể nói nhiều người sẽ buồn khi Nhà nước chưa tăng lương cơ sở.
Đại biểu Quốc hội đề xuất 2 phương án tăng lương năm 2020. (Ảnh: KT) |
“Chúng ta hiểu rằng người hưởng lương hưu, chưa nói đến người hưởng trợ cấp xã hội là những người có thu nhập thấp trong xã hội. Do đó, nên phân làm 2 nhóm đối tượng: đối tượng thứ nhất, đối với người nghỉ hưu, hưởng trợ cấp xã hội, ưu đãi người có công với cách mạng vẫn cần tăng lương theo lộ trình từ 1/7, theo Nghị quyết Quốc hội. Trường hợp đối với người nghỉ hưu, nếu Chính phủ tính toán không cân đối đủ nguồn vốn, thì tôi đề nghị áp dụng tăng lương hưu đối với người nghỉ hưu từ 1995 trở về trước, bởi đây là nhóm người có thu nhập rất thấp” - Đại biểu Nhã nói
Đối với cán bộ công chức, viên chức đang làm việc, đại biểu đoàn Phú Yên thống nhất với Chính phủ là tạm thời chưa tăng lương. Nhưng đến tháng 10/2020 nếu tăng trưởng kinh tế đạt kịch bản số 1, nghĩa là tăng trưởng 4,9% trở lên thì Chính phủ nên cân đối tăng lương từ 1/1/2021.
Trước đó, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc trước mắt chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7/2020 để cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách. Bộ Chính trị cũng đã có kết luận về vấn đề này, theo đó chưa tăng lương từ 1/7/2020./.