Đề xuất 4 chính sách hỗ trợ cho bảo tồn và phát huy di sản văn hóa

Mỹ Nga 23/11/2022 17:46

(Baonghean.vn) - Chiều 23/11, Ban Văn hoá - Xã hội tổ chức họp thẩm tra các dự thảo nghị quyết và báo cáo trước kỳ họp thứ 11, Hội đồng nhân dân tỉnh.

Đồng chí Chu Đức Thái – Trưởng ban Văn hoá – Xã hội, HĐND tỉnh chủ trì. Dự phiên làm việc có các đồng chí: Thái Thị An Chung – Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo các ban, ngành liên quan.

Toàn cảnh phiên làm việc. Ảnh: Mỹ Nga

Đề xuất 4 chính sách hỗ trợ cho bảo tồn và phát huy di sản văn hoá

Nghệ An có 2.602 di tích – danh thắng đã được kiểm kê, trong đó có 476 di tích, danh thắng được xếp hạng, gồm có 5 di tích quốc gia đặc biệt, 144 di tích quốc gia và 326 di tích cấp tỉnh; 546 di sản văn hoá phi vật thể được kiểm kê, với 7 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Bảo tồn di sản văn hoá là một nhiệm vụ cần thiết, cấp bách và đòi hỏi đầu tư nguồn lực. Tuy nhiên, quá trình bảo tồn, phát huy di sản văn hoá vẫn còn gặp không ít những hạn chế và tồn tại.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định một số chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023-2027.

Nội dung của dự thảo nghị quyết tập trung vào 4 nhóm chính sách: Hỗ trợ cho công tác bảo vệ trông coi tại các di tích đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh; Hỗ trợ kinh phí tuyên truyền và tổ chức lễ đón nhận bằng cho các di tích sau khi có quyết định xếp hạng; Hỗ trợ kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích đã được xếp hạng; Hỗ trợ đối với công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hoá phi vật thể đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ghi danh vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Thái Thị An Chung - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết. Ảnh: Mỹ Nga

Tại phiên thẩm tra, ý kiến các đại biểu đều thống nhất sự cần thiết trình HĐND tỉnh xem xét ban hành Nghị quyết này; đồng thời góp ý nhiều liên quan đến nội dung, nhất là các quy định trong dự thảo.

Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội, HĐND tỉnh Chu Đức Thái cho biết, đây là vấn đề cử tri quan tâm nhiều nhất. Các di tích xuống cấp rất nhiều, mai một nhiều theo thời gian. Trong chương trình giáo dục mới, có nội dung giáo dục về lịch sử địa phương. Theo đó, di tích chính là một địa chỉ đỏ trong giáo dục.

Ý kiến các đại biểu đề nghị làm rõ một số nội dung như: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng chưa có tính thống nhất; bên cạnh tính minh bạch, việc hỗ trợ cần đúng mục đích, hiệu quả.

Một di tích lịch sử tại thị trấn Nam Đàn. Ảnh tư liệu: Huy Thư

Tại cuộc làm việc, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về nguồn kinh phí thực hiện còn nhiều khó khăn. Theo dự thảo Nghị quyết: dự kiến tổng kinh phí thực hiện cả giai đoạn 2023-2027 khoảng 80-85 tỷ đồng; tổng nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh trong giai đoạn 2023-2027 tối đa 50 tỷ đồng. Các đại biểu đề nghị làm rõ việc cung ứng nguồn kinh phí cụ thể, số lượng di tích được tu bổ, tôn tạo hàng năm, thứ tự ưu tiên, nhằm cân đối nguồn cung, tránh trường hợp, chưa hết giai đoạn, nhưng nguồn lực đã cạn.

Liên quan đến nội dung này, đại diện Sở Tài chính cho rằng, việc quy định nguồn lực hỗ trợ trong giai đoạn tối đa 50 tỷ đồng sẽ giúp các sở, ngành liên quan chủ động trong việc bố trí kinh phí, không gây áp lực lớn lên nguồn ngân sách của tỉnh. Sở Tài chính sẽ chủ động đánh giá và lên phương án bố trí trong khả năng hỗ trợ của ngân sách tỉnh theo hàng năm.

Quan tâm đến sức khoẻ tinh thần của trẻ em

Cũng tại cuộc làm việc, Ban Văn hoá - Xã hội, HĐND tỉnh cùng các đại biểu thẩm tra nội dung các báo cáo của của UBND tỉnh: Về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững năm 2022, nhiệm vụ năm 2023; Về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh năm 2022, nhiệm vụ năm 2023; Về việc thực hiện quyền trẻ em, giải quyết các vấn đề về trẻ em trên địa bàn tỉnh năm 2022, nhiệm vụ năm 2023.

Ông Đoàn Hồng Vũ – Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, trong báo cáo đã nêu rõ những áp lực tinh thần của trẻ em trong cuộc sống hiện đại, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp tích cực. Ảnh: Mỹ Nga

Liên quan đến các vấn đề trẻ em, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị cần quan tâm đến việc chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho đối tượng này, cũng như việc hỗ trợ tư vấn học đường. Nếu không có cách đi đúng, xử lý đúng, sẽ là nguồn cơn đẩy đến tình trạng khác của trẻ em như: vấn nạn tự tử, trầm cảm, bạo lực học đường...

Đồng chí Chu Đức Thái - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh kết luận nội dung cuộc làm việc. Ảnh: Mỹ Nga

Kết luận cuộc làm việc, đồng chí Chu Đức Thái - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến phát biểu, rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, các báo cáo để trình HĐND tỉnh trong Kỳ họp thứ 11.

Đề xuất 4 chính sách hỗ trợ cho bảo tồn và phát huy di sản văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO