Đề xuất lấy ý kiến rộng rãi của người lao động về phương án tăng tuổi nghỉ hưu

Tiến Hùng 22/05/2019 12:35

(Baonghean.vn) - Vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu được thảo luận sôi nổi, làm nóng cuộc hội thảo góp ý Bộ luật Lao động được tổ chức tại Nghệ An.

Nhiều bất cập trong Luật Lao động

Sáng 22/5, Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi. Dự hội thảo có đại diện công đoàn các doanh nghiệp, các đơn vị, người lao động trên địa bàn...

Theo ông Nguyễn Tử Phương - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An, Bộ luật Lao động giữ vị trí đặc biệt quan trọng, điều chỉnh một lĩnh vực rộng lớn các quan hệ lao động có tính kinh tế - xã hội sâu rộng, tác động đến tất cả thành phần kinh tế.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Đức Anh
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Đức Anh

Bộ luật này được ban hành từ năm 1994, qua 4 lần sửa đổi bổ sung, trong đó lần sửa đổi năm 2012 là lần sửa đổi cơ bản, toàn diện. Tuy nhiên sau 7 năm áp dụng trên thực tế, đặc biệt là trước yêu cầu của quá trình hội nhập thương mại và phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, trong những năm gần đây đã nảy sinh một số vấn đề.

Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp, người lao động đã phản ánh một số bất cập, vướng mắc không chỉ xuất phát từ nội dung của các điều luật mà còn từ các văn bản hướng dẫn chi tiết. Tập trung ở một số nội dung chủ yếu như hợp đồng lao động, tiền lương, thời giờ làm việc, kỷ luật lao động, lao động nữ, đối thoại tại nơi làm việc...

Ông Nguyễn Tử Phương phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đức Anh
Ông Nguyễn Tử Phương phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đức Anh

Từ những yêu cầu trên, ngày 28/4, dự thảo Bộ luật Lao động và Tờ trình dự án Bộ luật Lao động đã được đăng tải công khai để lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân; dự kiến được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 đang diễn ra và sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 8. Dự thảo Luật Lao động lần này có nhiều vấn đề lớn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích của người lao động và hoạt động của tổ chức Công đoàn việt Nam, đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân.

Mục đích hội thảo là tập hợp được đông đảo các ý kiến góp ý của người lao động và cán bộ công đoàn các cấp, các sở, ban, ngành liên quan về nội dung dự thảo Luật.

Nội dung thảo luận gồm hợp đồng lao động và mở rộng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của người lao động. Mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa. Về tiền lương. Về điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Đối thoại nơi làm việc và thương lượng tập thể. Giải quyết tranh chấp lao động và đình công. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Những quy định riêng với lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới. Về thời gian nghỉ Tết âm lịch và bổ sung 1 ngày nghỉ lễ...

Các đại biểu thảo luận sôi nổi tại hội thảo. Ảnh: Đức Anh
Các đại biểu thảo luận sôi nổi tại hội thảo. Ảnh: Đức Anh

Cần lấy ý kiến rộng rãi

Tại hội thảo, các đại biểu tham gia tranh luận sôi nổi, đặc biệt về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu. Phần lớn ý kiến của các đại biểu không đồng tình với quyết định tăng tuổi nghỉ hưu. “Hiện nay lao động đang thất nghiệp rất nhiều. Năm nay là hơn 200.000 người, vậy tăng tuổi lên thì con em ra trường giải quyết công việc như thế nào. Trong khi tuổi càng nhiều, hiệu quả công việc càng thấp. Vì thế theo tôi là không nên tăng, còn trong trường hợp cần thiết phải tăng thì cần linh hoạt, quy định tăng đối với từng ngành nghề cụ thể, đặc thù”, ông Đặng Văn Hải - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Nghệ An nêu quan điểm.

Đồng quan điểm với ông Hải, Luật sư Lê Thị Kim Soa cũng đề nghị giữ nguyên độ tuổi nghỉ hưu như hiện nay. “Có vẻ như khi soạn thảo đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, họ chỉ nghĩ đến việc để chống vỡ quỹ bảo hiểm xã hội mà chưa nghĩ đến tác động đối với người lao động và người sử dụng lao động”, bà Soa nói.

Trong khi đó, ông Vương An Nguyên - Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế Đông Nam, ghi nhận nội dung dự thảo có những điểm mới từ những vướng mắc trước đó, chỉnh sửa toàn diện, nhiều nội dung. Tuy nhiên, cũng như nhiều đại biểu khác, ông Nguyên nói rằng, ông rất trăn trở về độ tuổi nghỉ hưu. “Tôi rất lo nếu quy định này được thông qua có thể sẽ gặp làn sóng phản đối của người lao động. Vì thế cần phải lấy ý kiến người lao động, người sử dụng lao động xem người ta có đồng ý không”, ông Nguyên nói.

Đại biểu này cho rằng, thể trạng con người lao động Việt Nam khác, không thể so sánh với các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc. “Theo tôi phải điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu nhưng không thể cào bằng tất cả ngành nghề được”, ông Nguyên nêu ý kiến.

Kết luận tại hội thảo, ông Nguyễn Tử Phương cho hay, phần lớn ý kiến của các đại biểu đều không đồng tình với các phương án tăng tuổi nghỉ hưu như dự thảo đưa ra. “Tôi thấy cần thiết phải lấy ý kiến rộng rãi của người lao động về vấn đề này. Sắp tới Liên đoàn Lao động tỉnh cũng sẽ làm việc đó”, ông Phương nói.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu thống nhất cao với quy định đơn phương chấm dứt hợp đồng của người lao động mà không cần lý do, thêm ngày nghỉ lễ 27/7, quy định về thời gian làm thêm...

Mới nhất
x
Đề xuất lấy ý kiến rộng rãi của người lao động về phương án tăng tuổi nghỉ hưu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO