Đề xuất mới liên quan đến cán bộ, công chức cấp xã khi bỏ cấp huyện
Tại dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Bộ Nội vụ đề xuất thống nhất quản lý cán bộ, công chức từ trung ương đến địa phương, không phân biệt cán bộ, công chức cấp xã với cán bộ, công chức cấp trung ương, cấp tỉnh.
.jpg)
Thực hiện quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/02/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Bộ Nội vụ trình Chính phủ về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Hiện dự thảo luật đang được lấy ý kiến rộng rãi.
Đặc biệt, dự thảo luật đã đề xuất các điều khoản sửa đổi các quy định liên quan đến cán bộ, công chức khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp cơ sở)
Cụ thể là sửa đổi khái niệm cán bộ, công chức theo hướng không tiếp tục quy định về khái niệm cán bộ, công chức cấp xã; đồng thời quy định cán bộ, công chức thống nhất từ Trung ương, cấp tỉnh và cấp cơ sở.
Theo đó, dự thảo Luật quy định: Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm hoặc chỉ định giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), ở xã, phường, đặc khu thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp cơ sở), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng theo vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp cơ sở, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Dự thảo Luật cũng bỏ Chương về cán bộ, công chức cấp xã trong Luật cán bộ công chức hiện hành. Theo đó, dự thảo Luật thống nhất quản lý đội ngũ cán bộ, công chức từ trung ương đến địa phương, không phân biệt cán bộ, công chức cấp xã với cán bộ, công chức cấp trung ương, cấp tỉnh, bảo đảm thực hiện đúng chủ trương của Đảng về liên thông trong công tác cán bộ.
Dự thảo luật cũng quy định, điều khoản chuyển tiếp như sau: Cán bộ, công chức cấp xã theo quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019) kể từ ngày Luật này có hiệu lực thuộc biên chế của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; được xếp lương theo ngạch, bậc tương ứng với vị trí việc làm được giao đảm nhiệm nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo yêu cầu của vị trí việc làm; thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý theo quy định của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức.
Trường hợp không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo yêu cầu của vị trí việc làm thì cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định tinh giản theo quy định của pháp luật tại thời điểm thực hiện tinh giản.
Chính phủ xây dựng lộ trình, ban hành quy định từng bước chuyển đổi quản lý đội ngũ công chức theo vị trí việc làm trong thời hạn 5 năm tính từ ngày Luật này có hiệu lực. Trong thời gian 5 năm, việc quản lý đội ngũ, các nội dung về tuyển dụng, quản lý, sử dụng công chức tiếp tục thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Luật Cán bộ, công chức ban hành năm 2008 và có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2010; được sửa đổi, bổ sung năm 2019. Trong quá trình thực hiện, Luật đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, vững mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả.
Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện Luật đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển của đất nước, cụ thể:
Về liên thông trong công tác cán bộ, Luật Cán bộ công chức hiện hành đang quy định cơ chế quản lý riêng đối với cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên và cán bộ, công chức cấp xã phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng.
Theo Bộ Nội vụ, mặc dù tại Luật Cán bộ công chức và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đã có quy định về việc liên thông giữa cán bộ, công chức cấp xã và cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên, tuy nhiên còn phát sinh nhiều thủ tục hành chính khi thực hiện.
Đồng thời, thực hiện chủ trương của Đảng về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức cấp cơ sở thì việc bỏ quy định về cán bộ, công chức cấp xã, thực hiện thống nhất cơ chế quản lý đội ngũ cán bộ, công chức từ trung ương đến cơ sở là yêu cầu cấp bách trong thời điểm hiện nay.
Nội dung tờ trình và dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) tại đây.