Đêm nhạc Trịnh tưởng nhớ cố nhạc sỹ "Diễm xưa"
(Baonghean.vn) – 15 năm về trước (1/4/2001), nhạc sỹ tài hoa Trịnh Công Sơn trở về với cát bụi. Vào ngày này hàng năm, những người yêu mến nhạc ngồi lại bên nhau để cùng cùng thấm đẫm những giai điệu, ca từ đẹp của ông.
“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai vươn hình hài lớn dậy, ôi cát bụi tuyệt vời, mặt trời soi một khiếp rong chơi…”- không gian của phòng trà Sonata nhuốm màu trầm tịch, hoài cổ của giai điệu “Cát bụi”. Những người chưa từng quen biết, cùng ngồi lại bên nhau, cùng lắng lòng mình trong ngập tràn cảm xúc, tưởng nhớ về người nhạc sỹ tài hoa đã tạo nên một dòng nhạc riêng trong âm nhạc Việt Nam - nhạc Trịnh.
Minh Vương là một trong số ít ca sỹ ở Nghệ An hát thành công dòng nhạc Trịnh và được cộng đồng yêu nhạc Trịnh yêu mến. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Nghệ Thuật Nghệ An, anh vào Nam lập nghiệp. Mặc dù sau này không mấy thành công trên con đường sự nghiệp, trở về quê làm nông dân nhưng tình yêu nhạc Trịnh vẫn vẹn nguyên trong anh và đã 10 năm nay anh vẫn hát nhạc Trịnh tại một số phòng trà ở thành phố Vinh khi có lời mời. Cộng đồng" yêu nhạc Trịnh ở Vinh quen gọi anh là chàng ca sỹ “nông dân”.
“Tôi bắt gặp nhạc Trịnh vào lúc cuộc sống tưởng chừng bế tắc nhưng những triết lý nhân văn từ trong lời ca đã bồi đắp trong tôi tình yêu cuộc đời, yêu người. Vin vào những ca khúc từ rất đời, thánh thiện, từ bi của nhạc Trịnh, để tự nhủ “tôi ơi đừng tuyệt vọng” và tôi đã tự đứng lên và bước tiếp mạnh mẽ hơn” – chàng ca sĩ “nông dân” hát nhạc Trịnh trải lòng.
Đêm nhạc Trịnh dạt dào cảm xúc được tổ chức vào tối ngày 31/3 tại phòng trà Sonata (Ảnh: Sách Nguyễn) |
Vừa nhâm nhi ly cafe đắng vừa lắng lòng với những giai điệu: Diễm Xưa, Hạ trắng, Như cánh vạc bay, Tuổi nào cho em… Nhạc Trịnh dường như rút ngắn mọi khoảng cách, xóa nhòa tuổi tác và hòa điệu những tâm hồn. Ông Nguyễn Quang Hòa (phường Quán Bàu, TP Vinh) đã hơn 60 tuổi, yêu nhạc Trịnh, ông không bỏ sót một đêm nhạc nào tại phòng trà này tâm sự:
“Không còn nhớ mình đến và yêu nhạc Trịnh từ bao giờ, chỉ biết trong lòng mình cứ ngân lên những câu hát giàu triết lý sống mỗi khi trải qua những cảm xúc buồn, vui, yêu, giận trong cuộc sống này. Nghe nhạc Trịnh để suy ngẫm về cuộc đời, phận người, để cảm nhận giá trị sống thanh cao và để thấy lòng thanh tịnh và cảm nhận sống là để cho và nhận yêu thương “sống trong đời sống cần có một tấm lòng”.
Những người yêu nhạc Trịnh ở Thành Vinh thường ngồi lại với nhau trong những đêm nhạc tưởng nhớ Ngày mất của Nhạc sỹ tài hoa Trịnh Công Sơn (Ảnh: Sách Nguyễn) |
Hơn 10 nay, năm nào vào dịp ngày mất của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, những thành viên trong nhóm yêu và hát nhạc Trịnh của thầy Hồ Xuân Kiên, giảng viên Trường Đại học Vinh lại hội ngộ. Bởi với họ, nhạc Trịnh như là máu thịt, lẽ sống là cầu nối gắn kết người với người:
“Ngày còn sinh viên, chúng tôi đã từng mở quán cà phê nhạc Trịnh có tên “Vọng quán”, để được thỏa niềm đam mê. Hát nhạc Trịnh với tôi là sự trải nghiệm, chiêm nghiệm về cuộc sống và tự đúc kết cho mình những ý niệm về cuộc đời này. Hát nhạc Trịnh tôi như được hát về chính cuộc đời mình và những người xung quanh mình. Bởi lẽ đó mà sau này khi nhóm nhạc sinh viên của chúng tôi tan rã nhưng nhạc Trịnh vẫn là niềm yêu chung, nối những người bạn lại với nhau.
Cuộc sống vốn vội vã, ít có thời gian dành cho nhau nhưng khi cùng ngồi cất lên những ca khúc nhạc Trịnh là khi chúng tôi được giãi bày, được sẻ chia, đồng cảm và được yêu thương. Và để tưởng nhớ ông, năm nào nhóm cũng đoàn tụ, có khi là ở quán nhỏ vỉa hè, quán cà phê quen…”
Tưởng niệm ngày mất Trịnh Công Sơn, tại thành phố Vinh, vào tối hôm nay (1/4), nhiều địa điểm sẽ tổ chức "đêm nhạc Trịnh" như: Quán cà phê Sonata (Nhà văn hóa Lao động) Quán cà phê Lăn Trầm, Cà phê Him (An Dương Vương); cà phê Trường Sơn (Hồ Tùng Mậu), Cà phê Bụi, cà phê Like (Đinh Công Tráng)…
Chia sẻ về ý tưởng về đêm nhạc Trịnh năm nay, anh Hoàng Hải Đăng, chủ quán cà phê Lăn trầm trên đường An Dương Vương tâm sự: “Như một lẽ tự nhiên, những anh em cùng chung niềm đam mê nhạc Trịnh, một số người biết hát, biết chơi nhạc thường ngồi với nhau để hát cho nhau nghe. Dần dà, nhiều người khách đến với quán cũng cùng chung sở thích nên năm nào mọi người cũng về đây để hát, tưởng nhớ. Năm nay sẽ là không gian ấm áp với ánh đèn nhỏ, không sân khấu, mọi người cùng quây quần bên những bàn cà phê, cất những lời mộc mạc, yêu thương….”.
15 năm kể từ ngày Trịnh Công Sơn ra đi, những ca khúc nhạc Trịnh vẫn sống mãi với thời gian, sống trong biết bao thế hệ với sự rung động và đồng cảm từ sâu thẳm. Bởi những ca khúc nhạc Trịnh viết về tình yêu, về phận người đã chạm đến sâu thẳm trái tim của mỗi người. Điều neo giữ một hình ảnh Trịnh Công Sơn vô cùng đẹp đẽ trong lòng những người yêu mến ông và âm nhạc của ông chính bởi tâm hồn bao dung với triết lý sống đầy nhân ái: “Hãy yêu nhau đi… Dù mai nơi này người có xa người… ”.
Nhạc sỹ: Trịnh Công Sơn: Sinh ngày: 28/2/1939 Mất ngày: 1/4/2001 Nguyên quán: Thừa Thiên Huế Sự nghiệp của ông: Có hơn 600 nhạc phẩm (thuộc các dòng nhạc : trữ tình, phản chiến, thiếu nhi, quê hương, nhạc phim) Giải thưởng: Năm 1972: đoạt giải thưởng Đĩa vàng Năm 1997: đoạt giải thưởng lớn của Hội Nhạc sĩ cho chuỗi bài hát “Xin trả nợ người” “Sóng về đâu” “Em đi bỏ lại con đường’ Năm 2004: Giải thưởng âm nhạc hòa bình thế giới, Những câu nói bất hủ của Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn: "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng "Sống làm thế nào cho tròn đầy sự có mặt và chết cho ngập tràn cõi hư không ...” "Chỉ có tình yêu mới cứu được cái thứ tuổi đời nặng nề một nỗi buồn không cứu chuộc nổi." "Chỉ có tình yêu mới cứu được cái thứ tuổi đời nặng nề một nỗi buồn không cứu chuộc nổi." "Im lặng và lãng quên những lời dị nghị. Xưa nay tôi vẫn làm thế. Người ta không thể đánh mãi vào khoảng không được." “Không có tiếng nói nào trẻ trung hơn tình yêu. Không có điều bí ẩn nào sâu xa hơn số phận...” “Hãy tin chắc rằng không thể nơi nào có lòng chung thủy tương tự như vậy nữa; bởi vì đối với Mẹ, bạn luôn là mục đích đầu tiên và sau cùng!" “Chúng ta làm cách nào nuôi dưỡng tình yêu, để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá Đời” “Con người sinh ra vốn bất toàn và để làm những điều lầm lỗi. Nó đẹp vì bất toàn. Nó đáng yêu vì nó luôn luôn lầm lỗi. Vậy thì cứ yêu mà đừng tuyệt vọng” |
Nguyệt Minh