Cận ngày lễ 30/4 năm 2023, bạn ở Thủ đô Hà Nội điện thoại hỏi thăm: Ở Vườn Quốc gia Pù Mát có gì hấp dẫn? Kể cho bạn nghe về sông Giăng với nguồn nước xanh trong như dải lụa mềm xuyên sâu bất tận giữa những khu rừng ngút ngàn xanh; về thác Kèm kỳ vỹ với độ cao 150m ngày đêm đổ xuống dòng nước lấp lánh bạc; về một bộ phận tộc người Đan Lai nổi tiếng với thói quen ngủ ngồi đang sống trong lõi rừng…
Chăm chú lắng nghe, bạn hỏi lại: Thế dịch vụ nghỉ dưỡng có tốt không? Có được như ở Pù Luông của Thanh Hóa hay không?… Chưa đến Pù Luông, nhưng đã đọc, nghe, xem nhiều, biết dịch vụ nghỉ dưỡng tại các điểm đến thuộc huyện Con Cuông, gắn với Vườn Quốc gia Pù Mát đang là điểm hạn chế. Nên khi bạn hỏi thì chạnh lòng, không biết trả lời sao cho phải. Và để thỏa cái tính tò mò, giữa tháng 7 năm nay từ Nghệ An chúng tôi đến với Pù Luông.
Từ thành phố Vinh đi ô tô đến Pù Luông hết khoảng 5 tiếng đồng hồ. Cảm nhận đầu, nơi này là một không gian xanh, trong lành. Núi nối núi nhấp nhô xanh; các bản làng của đồng bào Thái ẩn mình sau những rừng tre, vầu, mét xanh; trên bạt ngàn các vùng ruộng bậc thang, lúa bắt đầu chuyển sang thì con gái cũng mơn man một màu xanh ngát…, khiến khách đến thoát hẳn những nóng nực, oi bức ngày đầu hè nhất là ở chốn thị thành. Điểm dừng chân đầu của chúng tôi là tại Nhà hàng đặc sản Pù Luông. Được xây dựng theo cấu trúc nhà sàn với các vật liệu tự nhiên tre, gỗ, cọ…, nhà hàng này có cái đẹp nhẹ nhàng thân thiện, gần gũi với không gian núi rừng. Điều bất ngờ khi bước vào, trong đông đảo thực khách, có khá nhiều người ngoại quốc.
Bữa ăn đầu tiên tại Pù Luông, ngoài món lợn Mường và vịt Cổ Lũng quay, thì có thêm nhiều những món ăn tương đồng với đồng bào Thái Nghệ An bày biện dịp lễ, Tết. Nhưng sự khôn ngoan trong kinh doanh của nhà hàng được thấy rõ, khi không chỉ ông chủ, mà các nhân viên trong trang phục đồng bào Thái ai nấy đều rất thành thạo trong giới thiệu món, hướng dẫn cách dùng và quảng bá sản phẩm “độc nhất, riêng có” là một loạt đồ chấm vị mặc khẻn, dổi, ớt tiêu xanh… để thực khách dù muốn, dù không cũng phải nếm thử để cho bản thân đồ chấm có hương vị phù hợp.
Lân la hỏi chuyện anh chủ nhà hàng quãng tuổi 40, anh cởi mở cho biết mình từ tỉnh Thái Bình lên Pù Luông kinh doanh đã tròn 10 năm. “Chỉ em và vài vị trí quản lý, đầu bếp là người nơi khác, còn đa số nhân viên là các bạn thanh niên địa phương được tuyển chọn, đào tạo. Hôm nay, lần đầu tiên nhà hàng của em có món lợn Mường quay mà các anh đã thưởng thức. Để có được công thức chế biến độc đáo, khác biệt, em phải tìm mời bằng được đầu bếp “có số” từ Quảng Ninh lên đạo diễn với tiền công tròn 1 triệu đồng/ngày…” – chủ nhà hàng hồ hởi.
Điểm nghỉ mà chúng tôi lựa chọn là Casa Resort. Đây là một điểm nghỉ khá tiện nghi gồm một loạt khối nhà có chiều cao vừa phải, liên kết với nhau bằng các hệ thống sân vườn, bể bơi vô cực, đường dạo bộ được tạo tác khá tinh tế, bắt mắt gắn với nhiều hoa, cây cảnh và cây bóng mát. Nhưng điểm nổi trội dễ thấy, là dù ở bất kỳ vị trí nào trong khuôn viên Resort cũng có thể ngắm nhìn được không gian của núi rừng Pù Luông gắn với thung lũng ruộng bậc thang… Nhờ vậy, những thời điểm biển mây trong thung lũng buổi ban mai hoặc áng vàng hoàng hôn buông phủ, ở nơi này có rất nhiều điểm sống ảo, chek-in đẹp để khách đến tùy ý lựa chọn.
Các nhân viên phục vụ nơi đây đều mang trang phục đen có viên đỏ đặc trưng của đồng bào Mường. Họ cho hay chủ Resort là một nhóm nhà đầu tư Hà Nội; còn họ, đều là người địa phương, thuộc bản Đôn, hoặc trong huyện Bá Thước.
Chúng tôi lưu lại Pù Luông gần 2 ngày, nhưng khoảng thời gian này là ngắn bởi ngoài thăm thú các vùng ruộng bậc thang, thì chỉ đến thêm được thác Hươu, Kho Mường chứ chưa đi hết những điểm mà nhân viên Resort giới thiệu như hang Dơi, rừng trúc, guồng nước… Dẫu vậy, có thể nhận biết, để trở thành khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, ngoài tài nguyên thiên nhiên thì Pù Luông đã thu hút được một lượng nhà đầu tư từ các nơi Hà Nội, Nam Định, Thái Bình… về xây dựng hệ thống khách sạn, resort, homestay và nhà hàng.
Các nhà đầu tư đó, đều có tiềm lực kinh tế và có tính chuyên nghiệp nên các sản phẩm phục vụ khách du lịch của họ tạo dựng đều có chất lượng. Điều cần phải nói là sản phẩm họ tạo dựng không chỉ gói trong phạm vi khuôn viên khách sạn, resort, homestay, nhà hàng mà gồm cả không gian liền kề như đường dạo, ruộng bậc thang… với chất lượng tương xứng. Đồng thời, nhờ có sự dẫn dắt của họ mà người dân nơi này tham gia hoạt động du lịch khá chuyên nghiệp, đặc biệt là với những người trẻ.
Về phía cấp ủy, chính quyền địa phương, thì tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư hoạt động du lịch có hiệu quả. Như dịp cuối năm 2023, để Pù Luông xây dựng được thương hiệu du lịch sinh thái, tỉnh Thanh Hóa đã chính thức phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông…
Với Vườn Quốc gia Pù Mát, những gì tôi đã nói ở trước chỉ là một nét phác thảo nhỏ về không gian rộng lớn của Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An – vành đai xanh lớn nhất Đông Nam Á như UNESCO công nhận từ năm 2007, của “địa đàng xanh” như nhiều tờ báo lớn trong và ngoài nước từng đã ngợi ca.
Thật vậy, Vườn Quốc gia Pù Mát không chỉ có dòng sông Giăng xanh trong như dải lụa mềm dài bất tận xuyên qua những bãi bờ và những khu rừng tự nhiên nguyên sinh ngút ngàn xanh. Không chỉ có thác Kèm kỳ vỹ đêm ngày tung bọt trắng lấp lánh với tuyến đường vào quanh co hai bên có những đồi chè, bản Thái. Không chỉ có một bộ phận tộc người Đan Lai nổi tiếng với thói quen ngủ ngồi đang sống trong lõi rừng…; mà còn vô khối những điều kỳ thú dọc biên giới có đỉnh Pù Mát cao 1.800m so mực nước biển và trong các vùng rừng nguyên sinh bên những khe Thơi, khe Bu, khe Nà, khe Choăng… rất đáng để bỏ công khám phá.
Vườn Quốc gia Pù Mát trong phạm vi quản lý có diện tích lên tới hơn 94 nghìn héc ta trải rộng trên 3 huyện Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, có trên 2.494 loài thực vật, trong đó có 68 loài nằm trong Sách Đỏ Việt Nam. Đặc biệt, nổi trội là vùng rừng cây sa mu ngàn năm tuổi, trong đó có cây cao 70m, đường kính lên tới 5,5m, được xếp hạng cây di sản số 1 Việt Nam. Có hơn 132 loài thú, thuộc 11 bộ, 30 họ, trong đó có 42 loài thú lớn, 39 loài dơi và 51 loài thú nhỏ; tiêu biểu là các loài voi, hổ, sao la, vượn đen má trắng, chà vá chân nâu, khỉ đuôi lợn, mang trường sơn… Chưa hết, Vườn Quốc gia Pù Mát còn có 324 loài chim, trong đó có 10 loài đặc biệt quý hiếm như trĩ sao, công, gà lôi trắng, gà tiền; có khoảng 86 loài lưỡng cư và bò sát, 83 loài cá, 459 loài bướm và 78 loài kiến…
Tài nguyên thiên nhiên Pù Mát lớn, quý giá là vậy, nhưng nói đến các dịch vụ vui chơi nghỉ dưỡng tại những điểm đến nơi đây, và kể cả các khu vực lân cận trong phạm vi huyện Con Cuông thì quả thực còn quá khiêm tốn. Vì một thực tế là huyện Con Cuông từ năm 2015 đã được tỉnh phê duyệt Đề án xây dựng thành thị xã theo hướng đô thị sinh thái, trong đó xác định tập trung khai thác du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Pù Mát; đầu tư xây dựng những khu du lịch sinh thái thác Kèm; đập Phà Lài, Văn phòng Vườn Quốc gia Pù Mát; khe Nước Mọc…; đầu tư xây dựng tương xứng các bản làng du lịch cộng đồng, khách sạn, trung tâm thương mại…
Tuy nhiên, đã bước sang năm thứ 9 thực hiện Đề án, những gì hiện hữu hoàn toàn chưa đáp ứng được nhu cầu của khách đến. Ngay cả cụm khách sạn – siêu thị thuộc Tập đoàn Mường Thanh được đầu tư xây dựng rất tiện nghi, nhưng vị trí đặt tại trung tâm huyện, thuộc xã Bồng Khê cũng chỉ đảm bảo nhu cầu ăn – nghỉ như các khách sạn trong cùng hệ thống, chứ chưa thể đáp ứng điều du khách mong muốn, đó là được thụ hưởng không gian nghỉ dưỡng sinh thái và những nhu cầu khác khi khách du lịch đặt chân đến xứ sở được công nhận là Vườn Quốc gia, là Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An.
Đã một vài lần chúng tôi khơi gợi lãnh đạo huyện Con Cuông, rằng Tập đoàn Mường Thanh đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng xây dựng hệ thống khách sạn – siêu thị, tại sao họ không mở rộng quy mô, đầu tư các loại hình dịch vụ phục vụ du lịch dọc đường vào khe Kèm, các bờ bãi ven sông Giăng để có thể đạt được hiệu quả kinh doanh? Câu trả lời nhận được là thời điểm năm 2016, sau khi hoàn thành chuỗi khách sạn – trung tâm thương mại Grand Con Cuông thì Tập đoàn Mường Thanh đã đặt vấn đề đầu tư trên tuyến đường vào thác Kèm. Nhưng sau đó đã có những khó khăn, nên Tập đoàn Mường Thanh không còn mặn mà theo đuổi đầu tư ở Con Cuông…
Ngày cuối năm 2023, chúng tôi đã kể những trải nghiệm có được ở Pù Luông, và nhắc đến Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông mà UBND tỉnh Thanh Hóa mới phê duyệt hồi tháng 11/2023, với một số lãnh đạo huyện Con Cuông cũng như Vườn Quốc gia Pù Mát. Rằng đề án đó được dự kiến thực hiện trên hơn 16.000 ha rừng thuộc phạm vi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, kết nối với các xã vùng đệm thuộc hai huyện Bá Thước, Quan Hóa với nguồn kinh phí hơn 188 tỷ đồng.
Tại Đề án, tỉnh Thanh Hóa xác định sẽ thu hút 2 nhà đầu tư lớn để hợp tác, liên kết và thuê môi trường rừng để phát triển du lịch trong rừng đặc dụng Pù Luông; hình thành 9 tuyến du lịch nội vùng, 7 tuyến du lịch liên vùng, 5 tuyến chạy marathon băng rừng, từng bước kêu gọi đầu tư xây dựng tuyến cáp treo từ khu trung tâm lên đỉnh Pù Luông với độ cao 2.000m, thuộc vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông…
Học bạn để thay đổi mình là điều chúng tôi được nghe từ những lãnh đạo huyện Con Cuông cũng như Vườn Quốc gia Pù Mát. Bởi hơn ai hết, những cán bộ này hiểu sâu sắc việc bảo vệ, phát triển tài nguyên thiên nhiên là nhiệm vụ hết sức quan trọng; nhưng phát huy các lợi thế về đa dạng sinh học, danh lam thắng cảnh của Vườn Quốc gia Pù Mát để đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch giúp Con Cuông phát triển kinh tế – xã hội, trở thành đô thị du lịch sinh thái, như Đề án đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt năm 2015 tại Quyết định số 4798/QĐ-UBND cũng là một nhiệm vụ tối quan trọng. Bởi vậy, họ cũng đã hình thành những ý tưởng mới với quyết tâm cao…
Thiết nghĩ, cần phải như vậy, vì một Đề án lớn, rất thiết thực cho vùng đất đầy tiềm năng như Pù Mát – Con Cuông qua gần 9 năm mà kết quả còn quá khiêm tốn thì cần đánh giá lại để có giải pháp mới thực sự có tính khả thi. Điều tin tưởng là Nghị quyết số 39-NQ/BCT ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị đã mở ra vận hội mới cho Nghệ An. Hà cớ gì vùng miền Tây của xứ Nghệ, trong đó có huyện Con Cuông với Vườn Quốc gia Pù Mát giàu có tiềm năng lại không thể tạo ra được cơ hội phát triển!?