Dẹp vỉa hè: Cái tình lấn át cái lý thì khó

25/03/2017 07:39

Văn hoá thượng tôn ngay trong người thực thi pháp luật mà chưa có, để cái tình lấn át cái lý, có người chống lưng thì rất khó, TS Đặng Hoàng Giang và TS Khuất Việt Hùng chia sẻ .

Đòi lại vỉa hè, làm sao để không thành đầu voi đuôi chuột?

TS Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia lo ngại: "Chúng ta chưa có một văn hóa thượng tôn pháp luật, ngay cả trong những người thực thi pháp luật chứ chưa nói đến người dân".

Theo ông, có những người lại vì cái "tình" trước và điều đó đã triệt tiêu văn hoá thượng tôn pháp luật. Đến khi xử lý cương quyết, dọn dẹp vỉa hè, có xung đột thì người thực thi pháp luật bỗng trở thành "ông ác".

TS Đặng Hoàng Giang, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ cộng đồng và nghiên cứu phát triển (CECODES) dẫn lại con số "150/180 quán bia có công an chống lưng" của Chủ tịch Tp Hà Nội Nguyễn Đức Chung và thốt lên: "Đó là một con số rất kinh khủng!".

"Chừng nào, chính quyền địa phương không xử lý được những vụ như vậy... thì lúc đấy, người dân và doanh nghiệp muốn chiếm hữu tài sản công cho việc riêng thì họ vẫn cứ làm thôi", ông Giang nói.

Một gợi ý cuối cùng gửi gắm tới chính quyền các địa phương của các diễn giả là: cần có đường dây nóng phản ánh vi phạm lấn chiếm vỉa hè.

bàn tròn vỉa hè 2

PV: Rõ ràng chúng ta có một khung pháp luật cũng rất đầy đủ và chặt chẽ. Tuy nhiên, câu chuyện giành lại vỉa hè đã được thực hiện rất nhiều lần nhưng sau đó các hoạt động vi phạm lấn chiếm vỉa hè vẫn tái diễn. Vậy lỗi là do đâu? Chúng ta sẽ phải rút ra bài học từ quá khứ cho các câu chuyện vỉa hè ở thời điểm này ra sao?

TS Khuất Việt Hùng: Thực ra, ở câu chuyện này, chúng ta dùng từ “văn hóa” thì hơi rộng. Nhưng có thể nói rằng, chúng ta chưa có một văn hóa thượng tôn pháp luật, ngay cả trong những người thực thi pháp luật chứ chưa nói đến người dân.

Ví dụ như việc người ta lấn chiếm vỉa hè, ta giải tỏa nhưng sau đó lại quay lại tái phạm. Hình ảnh cương quyết của lực lượng thực thi pháp luật đôi khi dẫn đến những xung đột, như xung đột cụ thể giữa con người với con người, do tính cách, thái độ kiểu "tao ghét cái mặt mày", ví dụ thế... Những người thực thi pháp luật trở thành những ông ác.

Đấy chính là bởi văn hóa thượng tôn pháp luật chưa đến với tất cả những góc cạnh của đời sống. Từ đấy, dẫn đến bản thân những người thực thi pháp luật cũng có những người xử lý có tình có lý nhưng lại đặt tình trước.

Tình trước là, thấy chỗ này là người quen mình, là chị bán xôi, anh bán bún... thì lại nghĩ, người ta nghèo quá cứ để đấy không chết ai cả.

Nhưng cái chết ở đây là chúng ta đang triệt tiêu văn hóa thượng tôn pháp luật, bằng cách “ông bạn tôi nghèo nên thông cảm”. Đó là lý do mà tại sao những câu chuyện này lại thành như là “ném đá ao bèo”, bèo tản ra sau rồi kín lại. Bây giờ chúng ta phải xây dựng văn hóa này.

TS Đặng Hoàng Giang: Tôi nghĩ rằng, chuyện chúng ta không quản lý được rốt ráo trật tự vỉa hè thì cũng giống như không quản lý được độ cao công trình. Đó là một điểm yếu của hệ thống, tức là có luật rồi đấy nhưng mà không triển khai được. Và chính quyền có thể dung túng vì tình cảm, dung túng vì có sự chia sẻ về mặt lợi ích tài chính chẳng hạn.

TS Đặng Hoàng Giang chia sẻ về dẹp vỉa hè tại Góc nhìn thẳng (ảnh: Lê Anh Dũng)
TS Đặng Hoàng Giang chia sẻ về công tác giải tỏa vỉa hè tại Góc nhìn thẳng . Ảnh: Internet.

Làm thế nào để tránh được những tình trạng đó? Tôi nghĩ là cần phải có những kênh hết sức là rõ ràng để người dân phản ánh. Ví dụ, người dân thấy quán karaoke này chiếm thêm vỉa hè, đang đỗ khoảng chục xe máy thì tôi phản ánh và khi phản ánh thì chính quyền phải xử lý. Nếu người dân thấy anh công an này là bạn của chủ quán karaoke đó, mãi không xử lý thì phải phản ánh đến kênh một kênh cao hơn.

Khi qua kênh đó, được người dân phản ánh những hiện tượng như vậy, sau đó, chính quyền phản ứng một cách rất là nhanh nhẹn và công minh thì sẽ ổn thôi.

PV: Tuy nhiên, với những người thuộc cơ quan chức năng chịu trách nhiệm quản lý vỉa hè nhưng lại để vỉa hè xảy ra tình trạng vi phạm như vậy, theo các ông, họ đã được xử lý nghiêm hay chưa?

Gần đây, lãnh đạo Thành phố Hà Nội cũng đã thẳng thắn cho biết là có tới gần 80% quán bia là có lực lượng công an đứng sau lưng.

TS Đặng Hoàng Giang: Ông Chung (ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Tp Hà Nội- PV) cho biết có 150/180 quán bia có sự chống lưng của công an. Đó là một con số kinh khủng.

Tôi nghĩ tại sao chúng ta không điều tra việc đó? Tôi thấy hoàn toàn đủ cơ sở điều tra xem, mức độ của vấn đề này như thế nào, xử phạt ra sao? Công an chống lưng đó sẽ bị kỷ luật như thế nào và các quán bia đấy bị xử phạt như thế nào?

TS Khuất Việt Hùng: Tôi rất chia sẻ về việc này! Chúng ta phải xác định đây là văn hóa chung có ở hầu như tất cả các nơi trên thế giới. Chúng ta rất ít thấy quốc gia nào mà việc xử lý những người thực thi pháp luật lại nhan nhãn. Đấy là một câu chuyện rất rõ.

Tôi muốn nói là chúng ta chưa có văn hóa pháp quyền ở chỗ này. Tất nhiên nó có nhiều yếu tố. Như tôi vừa nói là văn hóa thượng tôn pháp luật cần phải thấm đến mọi tầng lớp thì chúng ta mới có thể thực thi được.

TS Khuất Việt Hùng chia sẻ về dẹp vỉa hè. Ảnh: Internet.
TS Khuất Việt Hùng chia sẻ về dẹp vỉa hè. Ảnh: Internet.

Ví dụ, nếu như muốn xử lý chính quyền thì phải có ai đó kiện. Nhưng thông thường, người dân rất ngại kiện chính quyền vì kiện cũng chẳng đi đến đâu cả. Ngay cả trong hệ thống thực thi pháp luật vẫn còn văn hóa chưa thượng tôn pháp luật. Chúng ta phải nói với nhau một cách thẳng thắn như thế.

Như vậy, ở câu chuyện vỉa hè này, đã có hiện tượng như thế, đã có vấn đề như thế! Và như anh Giang nói, tôi cũng nghĩ nó đã thành một cái nếp rồi.

Chúng ta phải thay đổi như thế nào? Ví dụ như ông Chung (ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Tp Hà Nội- PV) nói con số 150/180 chẳng hạn, đấy là một con số đáng để chúng ta suy ngẫm.

Rõ ràng, bây giờ chúng ta xử lý cái đấy như thế nào? Đây là vấn đề mà chúng tôi luôn luôn mong chờ vai trò của cơ quan truyền thông trong việc giám sát.

TS Đặng Hoàng Giang: Hai ý tôi muốn chốt lại, nếu như chúng ta muốn trở thành một Singapore thì trước hết chúng ta phải giải quyết những vụ việc như là quán bia được công an chống lưng. Chúng ta không giải quyết cái đấy thì tất cả những chuyện về hàng rong hay đỗ xe máy... chỉ như là làm "trang sức" và sẽ không giải quyết được tận cùng vấn đề.

Thứ hai, anh Hùng có nói người dân không lên tiếng, không gửi thư hay không khiếu nại… Bản thân tôi cũng đã khiếu nại khá nhiều về những việc xung quanh khu phố tôi ở rằng, có một xưởng gỗ họ sơn sịt rất là mùi…Rất khó khăn, không bao giờ có phản hồi của chính quyền cả.

Chừng nào, chính quyền địa phương không xử lý được những vụ như vậy thì lúc đấy tất cả những người dân và doanh nghiệp muốn chiếm hữu tài sản công cho việc riêng thì họ vẫn cứ làm thôi.

TS Khuất Việt Hùng: Tôi hoàn toàn nhất trí với anh Giang! Chúng ta phải để con số 150/180 chỉ còn 15 và 0. Đó là trách nhiệm của chính quyền cũng như người đứng đầu của các chính quyền, chắc chắn chúng ta phải làm.

Có thể, đôi khi chúng ta sẽ cũng chẳng biết họ giải quyết như thế nào nhưng chúng ta có thể nhìn thấy, ví dụ trên vỉa hè không có chuyện đấy nữa. Tôi không biết ông chống ở đâu, chống để làm gì nhưng không còn việc như thế xảy ra, không còn việc lấn chiếm một cách vô tội vạ mà không có ai xử lý... Vấn đề là không còn hiện tượng đấy nữa.

TS Đặng Hoàng Giang: Xin hỏi anh Hùng, giả sử bây giờ quán bia gần nhà tôi, tôi thấy họ bày hết bàn ghế ra vỉa hè thì có một số điện thoại nào mà tôi có thể gọi đến để báo tin cho chính quyền địa phương không? Hiện nay có đường dây nóng nào không?

TS Khuất Việt Hùng: Hiện nay ở Hà Nội, thực sự tôi chưa thấy số điện thoại đấy. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, có thể nhắn tin trực tiếp cho Chủ tịch. Trong trường hợp anh thấy, anh có thể nhắn tin cho tôi, tôi cũng sẽ là người truyền lại thông điệp đấy cho địa phương.

TS Đặng Hoàng Giang: Như vậy, chúng ta cần một cơ chế. Không thể hàng trăm người nhắn tin cho anh được, anh có rất nhiều việc khác cũng như ông chủ tịch cũng như thế...

TS Khuất Việt Hùng: Cho nên, Ủy ban An toàn quốc gia hiện đang có 11 số điện thoại đường dây nóng về các lĩnh vực khác nhau. Riêng về trật trự an toàn giao thông, có 4 số của Văn phòng Ủy ban, trong đó có một số là tôi cầm!

Vỉa hè cần giành lại cho người đi bộ, nhưng không nghĩa tạo dựng nên những vỉa hè trống trơn mà giành lại là để sắp xếp một cách hợp lý, đúng luật. Có chỗ cho người đi bộ, có đoạn cho đỗ xe, có đoạn người dân được phép kinh doanh.

Theo Vietnamnet

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Dẹp vỉa hè: Cái tình lấn át cái lý thì khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO