Dịch sởi ở Nghệ An dự báo diễn biến phức tạp, nguy cơ bùng phát trên diện rộng
Ở thời điểm này, các ca mắc sởi ở Nghệ An chưa dừng lại. Phòng, chống dịch sởi đang là nhiệm vụ cấp bách.
Dịch sởi quay trở lại
Tính từ đầu năm đến hết ngày 22/6/2024, tỉnh Nghệ An ghi nhận 45 trường hợp mắc sởi rải rác tại 11 địa phương, bao gồm: thành phố Vinh (18 trường hợp), Nghi Lộc (5 trường hợp), Nam Đàn (4 trường hợp), Đô Lương (2 trường hợp), Hưng Nguyên (7 trường hợp), Quỳnh Lưu (1 trường hợp), Quỳ Hợp (2 trường hợp), Yên Thành (2 trường hợp), Tân Kỳ (1 trường hợp), Thanh Chương (1 trường hợp) và Diễn Châu (2 trường hợp).
Sau khi phát hiện các ca bệnh, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Nghệ An và các trung tâm y tế đã thực hiện điều tra dịch tễ. Kết quả cho thấy: Do nhiều nguyên nhân, đa số các ca mắc sởi là chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ mũi vắc xin phòng sởi. Trong đó, 16 trường hợp chưa đủ tuổi tiêm, 15 trường hợp đủ tuổi tiêm mũi 1 chỉ có 04 trường hợp đã tiêm (26,7%); 12 trường hợp đủ tuổi tiêm mũi 2 chỉ có 1 trường hợp đã tiêm mũi 2 (0,83%); 2 trường hợp là người lớn.
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp. Bệnh sởi thường gặp ở trẻ nhỏ, người có miễn dịch kém, dễ dẫn đến biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, tiêu chảy… có thể gây tử vong.
Năm 2014, Nghệ An bùng phát dịch sởi với 4 tháng đầu năm Nghệ An đã có gần 300 ca mắc. Phòng, chống dịch, Nghệ An đã tăng cường đẩy mạnh việc tiêm vắc xin. Nhờ đó, dịch sởi được đẩy lùi, giảm dần ca mắc theo từng năm.
Thực tế, việc dịch sởi quay trở lại là không hoàn toàn bất ngờ mà đã được các cấp, ngành dự báo từ trước. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến dịch quay lại là do những tác động mà đại dịch Covid-19 gây ra đã ảnh hưởng đến hoạt động tiêm chủng mở rộng, người dân có tâm lý trì hoãn tiêm vắc xin nói chung. Cùng với đó, trong năm 2023 đến đầu năm 2024, toàn quốc nói chung có tình trạng gián đoạn trong việc cung ứng vắc xin của Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Hai nguyên nhân này đã làm giảm tỷ lệ bao phủ vắc xin trong cộng đồng.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Nghệ An: Dự báo, dịch sởi đang có diễn biến phức tạp với nhiều nguy cơ bùng phát trên diện rộng. Ngoài tình trạng các ca bệnh xuất hiện rải rác tại nhiều địa phương làm tăng nguồn lây bệnh trong cộng đồng, thì đang có nguy cơ lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám chữa bệnh, tiềm ẩn việc hình thành các ổ dịch tại đây và có thể lây nhiễm ra cộng đồng.
Tích cực phòng, chống
Tiến sĩ Chu Trọng Trang - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Nghệ An cho biết: Phòng chống dịch sởi, từ đầu năm đến nay, Sở Y tế Nghệ An đã ban hành 9 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác phòng, chống bệnh sởi. Thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh đã phối hợp cùng các trung tâm y tế, bệnh viện thực hiện điều tra ca nghi, lấy mẫu xét nghiệm, xác minh thông tin, điều tra dịch tễ; khoanh vùng, bao vây, xử lý; triển khai đồng bộ các hoạt động phòng chống dịch.
Trung tâm cũng đã tổ chức đánh giá nguy cơ bệnh sởi trên địa bàn toàn tỉnh cho từng huyện, thị xã, thành phố Vinh và xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh sởi; đánh giá, rà soát tỷ lệ tiêm phòng các mũi vắc xin sởi của địa phương để có căn cứ xây dựng kế hoạch tiêm bù, tiêm vét; tổ chức tập huấn và giao chỉ tiêu giám sát sốt phát ban nghi sởi/Rubella cho các địa phương; tăng cường công tác truyền thông phòng, chống bệnh sởi, bệnh truyền nhiễm và lợi ích của việc tiêm phòng vắc xin.
Được biết, ở thời điểm này, ngành Y tế Nghệ An đang tăng cường giám sát chủ động nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; đẩy mạnh rà soát đối tượng trẻ trên địa bàn toàn tỉnh, lịch sử tiêm chủng và triển khai tiêm bù, tiêm vét mũi vắc xin sởi và vắc xin sởi - Rubella; chỉ đạo các trung tâm y tế tiến hành điều tra, xác minh thông tin, tổ chức khoanh vùng, bao vây, xử lý dịch tại các địa phương ghi nhận ca bệnh và tăng cường hoạt động tiêm chủng đầy đủ các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập thực hiện nghiêm túc phân luồng, cách ly điều trị các bệnh truyền nhiễm theo quy định, triển khai các biện pháp phòng, chống lây nhiễm chéo hiệu quả; thực hiện nghiêm công tác thống kê, báo cáo bệnh truyền nhiễm.
Phòng, chống dịch là nhiệm vụ cấp bách
Phòng, chống dịch sởi tại Nghệ An, chiều 24/6, Đoàn công tác Bộ Y tế do Tiến sĩ Nguyễn Lương Tâm - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng làm Trưởng đoàn đã về làm việc với Sở Y tế Nghệ An kiểm tra công tác điều trị, phòng chống dịch sởi tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An và Bệnh viện Quốc tế Vinh.
Trong cuộc làm việc cùng Đoàn công tác của Bộ Y tế, ngành Y tế Nghệ An đã kiến nghị Cục Y tế Dự phòng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) quan tâm, phân bổ đủ vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho tỉnh. Hiện nay, Nghệ An đang thiếu các vắc xin DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván) và uốn ván cho phụ nữ có thai; cho phép tiếp tục tiêm bù vắc xin cho trẻ theo hướng dẫn của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trong năm nay.
Trong buổi làm việc với Sở Y tế tỉnh Nghệ An và các đơn vị liên quan, Tiến sĩ Nguyễn Lương Tâm - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế nêu rõ: Số ca bệnh chưa dừng lại. Phòng, chống dịch sởi ở Nghệ An đang là nhiệm vụ cấp bách của ngành Y tế.
Hệ thống y tế dự phòng tuyến tỉnh, các xã, phường và các cơ sở khám điều trị cần kịp thời giám sát phát hiện các ca bệnh và điều trị sớm. Sở Y tế và các Trung tâm y tế tiến hành điều tra, xác minh thông tin, tổ chức khoanh vùng, bao vây, xử lý dịch tại các địa phương ghi nhận ca bệnh và tăng cường hoạt động tiêm chủng đầy đủ các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Các bệnh viện cần thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch sởi, với sự tham gia của ban giám đốc và các bác sĩ, chuyên gia truyền nhiễm; có kế hoạch phòng, chống cụ thể.
Được biết, ngày 26/6 này, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tổ chức đoàn công tác do Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương làm trưởng đoàn về làm việc với Sở Y tế Nghệ An và chỉ đạo công tác phòng chống dịch sởi.
Các bác sĩ khuyến cáo:
- Cần chủ động đưa toàn bộ trẻ trong độ tuổi tiêm chủng từ 9-24 tháng tuổi chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin sởi đến các cơ sở tiêm chủng để được tiêm phòng vắc xin sởi.
- Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế sớm để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi.
- Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên áp dụng các biện pháp dự phòng như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ, đảm bảo các biện pháp về dinh dưỡng và các biện pháp dự phòng khác theo khuyến cáo của các cơ quan y tế.
- Tuyệt đối tuân thủ các chỉ dẫn điều trị của bác sĩ, không nên vội vàng đưa bệnh nhân lên điều trị ở các bệnh viện tuyến trên để tránh lây nhiễm chéo và nhiễm trùng cơ hội.