Diêm dân gặp khó vì muối
(Baonghean) - Hiện nay, do ít áp dụng khoa học công nghệ nên năng suất lao động nghề muối thấp, cần nhiều lao động... Về lâu dài, cần một giải pháp hữu hiệu để phát triển nghề muối bền vững.
Về “vựa muối” xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu những ngày này thấy cánh đồng muối hoang vắng. Ông Trần Minh, một diêm dân ở xóm Hồng Phong cho hay: Như mọi năm, mùng 4 Tết là bà con đã ra đồng muối để sửa sang chăm sóc ruộng muối, nhưng nay vẫn chưa đả động gì. Nếu như trước đây, một ngày bình thường ngoài đồng muối ở An Hòa có nhiều lao động trẻ tham gia, thì bây giờ chỉ còn phụ nữ, trẻ con và người già. Bà con không mặn mà nghề muối là do giá quá rẻ, trong năm 2013 - 2014 giá muối đạt từ 1.500 - 2.000 đồng/kg nay xuống còn 1.000 đồng/kg. Nghề muối đang không nuôi nổi diêm dân.
Thu hoạch muối tại Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Lưu. |
Tại cánh đồng muối xóm Bắc Lợi, xã An Hòa hiện có nhiều ruộng muối bỏ hoang cỏ mọc um tùm, các kho chứa muối không sử dụng lâu ngày xập xệ, dột nát. Anh Bùi Văn Triều ở xóm Bắc Lợi chia sẻ: Gia đình làm 250m2 ruộng muối, những năm qua cũng được Nhà nước quan tâm hỗ trợ 3 triệu đồng xây dựng chạt, lọc… tuy nhiên do giá muối rẻ nên chúng tôi chỉ làm 120m2, phải chuyển đổi sang các ngành nghề khác để sinh sống. Chứ trên diện tích ấy, nếu “cày” giỏi cũng chỉ được hơn 10 tấn muối/năm, thu được 10 triệu đồng; trừ chi phí đầu vào 3 triệu đồng, số tiền còn lại không đủ mua gạo.
Ông Nguyễn Xuân Quyết - Chủ tịch UBND xã An Hòa cho biết thêm: An Hòa có 145 ha muối, từ năm 2013 đến nay xã đã được Nhà nước hỗ trợ trên 1 tỷ đồng cho diêm dân duy tu ruộng muối, xây dựng chạt lọc. Nhờ vậy đã góp phần giảm thiểu sức lao động trên ruộng muối. Tuy nhiên, cách làm muối ở đây vẫn là cách làm truyền thống, các công đoạn làm muối đều phải dùng sức người, năng suất thấp, bình quân các hộ dân tham gia nghề muối chỉ đạt 7 - 10 triệu đồng/năm/2 lao động. Đến thời điểm này, toàn xã có khoảng trên 15 ha muối bị bỏ hoang.
Ông Nguyễn Xuân Dinh - Trưởng phòng Nông nghiệp Quỳnh Lưu chia sẻ: Quỳnh Lưu có 560 ha muối, tập trung ở các xã Quỳnh Thuận, An Hòa, Quỳnh Thọ… sản lượng muối hàng năm đạt khoảng 65.000 ha. Khó khăn đối với nghề muối hiện nay là các nguồn vốn tín dụng đưa về nông thôn diêm dân cũng ít được tiếp cận nhất. Các ngân hàng rất ngại cho diêm dân vay vì họ không có tài sản để thế chấp. Doanh nghiệp cũng hạn chế đầu tư vào nghề muối vì ít có lãi, địa bàn huyện chỉ có duy nhất Xí nghiệp muối Vĩnh Ngọc, xã Quỳnh Yên sản xuất và tự tiêu thụ được hơn 10.000 tấn muối/năm.
Người dân chăn thả dê trên cánh đồng muối bỏ hoang. |
Áp dụng công nghệ làm muối sạch, hiện nay toàn huyện Quỳnh Lưu chỉ mới có trên 10 ha làm muối phủ bạt ni lông, tuy nhiên làm theo cách này chi phí đắt, trong khi giá muối rẻ nên người dân không mở rộng diện tích. Từ nay đến năm 2020, huyện Quỳnh Lưu đang tiếp tục rà soát đối với các diện tích muối không hiệu quả chuyển sang nuôi trồng thủy sản và các mục đích khác khoảng trên 100 ha.
Tại xã Diễn Bích (Diễn Châu) nghề muối cũng không kém phần khó khăn. Ông Nguyễn Văn Liên - Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Bích cho hay: Toàn xã có 45 ha muối, có 2 HTX làm nghề muối gồm HTX Hải Trung và HTX Hải Bắc. Sản lượng muối trong năm 2015 đạt 2.100 tấn, do khó tiêu thụ nên trong các kho muối của bà con đang tồn đọng gần 1.000 tấn muối. Những năm qua, mặc dù Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho bà con đầu tư cải tiến chạt lọc, phủ bạt kết tinh muối, nhưng diện tích phủ bạt sản xuất muối sạch còn rất ít, chi phí cao nên bà con chưa dám đầu tư. Vấn đề đặt ra hiện nay là xã đang rất cần được Nhà nước tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng nghề muối như ô, chạt, đặc biệt là hệ thống kênh mương dẫn nước, hệ thống giao thông…
Theo kế hoạch của xã, sang năm 2017, xã kiện toàn xây dựng 2 HTX nghề muối theo HTX kiểu mới. HTX có nhiệm vụ cung ứng vật tư, vật liệu cho bà con sản xuất muối, HTX đứng ra phối hợp, liên kết tìm nơi bao tiêu sản phẩm. Được biết, huyện Diễn Châu có 190 ha muối, từ năm 2013 đến nay, huyện đã chuyển đổi trên 40 ha muối tại xã Diễn Ngọc sang lĩnh vực đất cho thuê phát triển dịch vụ thương mại. Thời điểm này huyện còn 150 ha muối tại các xã Diễn Kỷ, Diễn Bích, Diễn Vạn, Diễn Kim… Do giá muối thấp nên diêm dân không sản suất theo hướng thâm canh, sản lượng giảm, như năm 2015 toàn huyện chỉ đạt 8.000 tấn muối, giảm hơn 1.000 tấn so với năm 2014.
Ông Giãn Tư Lâm - Trưởng phòng Chế biến nông, lâm sản và ngành nghề nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn) cho biết: Diện tích sản xuất muối của Nghệ An hiện có 800 ha, trong đó muối của diêm dân là 690 ha, muối của doanh nghiệp 110 ha. Năng suất bình quân đạt 90 - 95 tấn/ha, sản lượng sản xuất của toàn tỉnh trung bình hàng năm đạt 80.000 - 90.000 tấn. Hàng năm, Nhà nước đều hỗ trợ cho bà con diêm dân từ 1,5 - 2 tỷ đồng để cải tiến chạt lọc. Tuy nhiên, khó khăn đặt ra hiện nay là hạ tầng nghề muối xuống cấp, sản xuất công nghệ thủ công, chỉ có một số ít sản xuất được muối sạch như Xí nghiệp muối Vĩnh Ngọc (xã Quỳnh Yên, Quỳnh Lưu) sản xuất muối công nghệ phơi nước, thay vì phơi cát như cách làm truyền thống để sản xuất muối i-ốt, mỗi năm sản xuất được trên 10.000 tấn. Một số diện tích ở Quỳnh Lưu, Diễn Châu sử dụng công nghệ phủ bạt kết tinh muối nhưng chưa nhiều. Trong năm 2016, có hàng trăm hộ dân đăng ký sản xuất muối theo công nghệ phủ bạt kết tinh muối với trị giá đầu tư hơn 7 tỷ đồng, nhưng năm nay Nhà nước chỉ hỗ trợ cho nghề muối 2,5 tỷ đồng. |
Văn Trường
TIN LIÊN QUAN