Điểm lại 5 vụ bê bối xung quanh siêu dự án Formosa Hà Tĩnh
(Baonghean.vn)- Vào Việt Nam 10 năm, nhưng chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây, Formosa Hà Tĩnh đã liên tiếp gây ra những vụ lùm xùm, tai tiếng, gây bất bình dư luận.
Bên trong dự án là các khu nhà như một thành phố. |
Được thành lập năm 1954, Formosa Plastics Group (FPG) là một trong những nhà sản xuất nhựa lớn nhất châu Á, hoạt động đa ngành có trụ sở tại Đài Loan.
Tại Việt Nam, dự án đình đám nhất của Formosa là khu liên hợp gang - thép và cảng Sơn Dương (Formosa Hà Tĩnh). Formosa Hà Tĩnh do 9 cổ đông góp vốn, trong đó có 7 cổ đông là các đơn vị thành viên của Formosa Group, nắm gần 95% cổ phần.
Tuy nhiên, từ khi khởi công đến nay thì Formosa đã để xảy ra khá nhiều điều tiếng như xây dựng trái phép, sập giàn giáo... và mới đây nhất là nghi án xả thải ra biển.
Cùng điểm lại những vụ "bê bối" mà Formosa đã gặp phải ở Việt Nam.
1. Hơn 3.000 lao động Trung Quốc làm việc "chui" ở Vũng Áng, Hà Tĩnh
Tại thời điểm tháng 11/2014, có hơn 3000 lao động chui ở Vũng Áng. |
Tính đến 11/10/2014, có 37.511 người lao động làm việc tại KKT Vũng Áng. Trong đó, lao động trong nước là 31.594 người, lao động nước ngoài là 5.917 người.
Số lượng lao động đang làm việc thi công tại dự án Formosa là 30.505 người với 5.615 người nước ngoài. Riêng lao động Trung Quốc làm việc tại công trường dự án Formosa có 4.154 người, làm việc ở ngoài Formosa là 114 người.
Tại dự án Formosa hiện có 92 nhà thầu thi công trong đó có 36 nhà thầu chính, 56 nhà thầu phụ (15 Trung Quốc, 12 Đài Loan, 21 Hàn Quốc, 43 Việt Nam, 1 Bỉ).
Tổng nhu cầu lao động nước ngoài tại Vũng Áng là 11.006 lao động, trong đó của 13 doanh nghiệp là 357 lao động và 30 nhà thầu là 10.463 lao động.
UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đồng ý cho tuyển dụng 10.820 lao động nước ngoài, chỉ riêng 29 gói thầu cần tới 10.649 người. Trong đó nhiều nhất là lao động kỹ thuật với 8.124 người, chuyên gia 554 người, quản lý, giám đốc điều hành 1.869 người.
Formosa và các nhà thầu phụ chậm hoàn thành các thủ tục pháp lý liên quan để trình cơ quan chức năng Hà Tĩnh cấp phép, nên đến thời điểm đó, khu kinh tế Vũng Áng có 6.121 lao động nước ngoài nhưng chỉ cấp được 3.261 giấy phép. Trong số đó, chỉ có 1.400/4.154 lao động người Trung Quốc (TQ) được cấp phép, chỉ đạt 36%.
2. Sập giàn giáo ở Hà Tĩnh
Sập giàn giáo làm 13 người chết, 29 người bị thương. |
20h ngày 25/3/2015, giàn giáo đúc bê tông giếng chìm tại công trường dự án lắp đặt thùng chìm trọng lực cảng Sơn Dương thuộc khu công nghiệp Formosa (Khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bị sập khiến 13 người chết, 29 người bị thương. Nhà thầu là Tập đoàn Samsung, Hàn Quốc.
Đây là vụ tai nạn lao động nghiêm trọng nhất xảy ra tại Hà Tĩnh trong nhiều năm trở lại đây.
Đại diện của Formosa khi đó nói, tổ chức đấu thầu hạng mục xây dựng đê chắn sóng ở cảng biển Sơn Dương, các tiêu chí kỹ thuật liên quan đến dự án được đặt ra nghiêm ngặt, Tập đoàn Sam Sung trúng thầu là do hồ sơ dự thầu đáp ứng được các tiêu chí mà Formosa đặt ra. Phía Formosa đã làm đúng chức trách, thường xuyên kiểm tra, giám sát nhà thầu thi công.
Tập đoàn Samsung đã trách nhiệm chính về mình.
Đến ngày 21/12/2015, TAND Hà Tĩnh tuyên phạt bị cáo Kim Jong Wook án 3 năm 6 tháng tù, bị cáo Lee Jea Myeong và Nguyễn Anh Tuấn mỗi người 3 năm, Nguyễn Thái Đức án 30 tháng cùng về tội Vi phạm quy định về an toàn lao động.
3. Xây miếu thờ trái phép
Xây miếu thờ khi chưa được cơ quan chức năng cho phép. |
Tháng 6/2014, Công ty Formosa Hà Tĩnh đã từng có văn bản xin xây dựng công trình miếu thờ các vong linh trong khu vực dự án Formosa có mộ phần đã thất lạc, để an ủi phần nào về tâm linh của người dân quanh vùng và nhân viên trong khu vực nhà máy.
Ngay sau đó, dư luận đã lên án mạnh mẽ kiến nghị này của Formosa.
Ngày 11/7/2014, Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh ra thông báo số 510-TB/TU nêu rõ, không đồng tình đề xuất xây dựng miếu thờ trong dự án Formosa.
Tuy nhiên, Công ty FHS vẫn triển khai xây dựng miếu thờ trong dự án và đã hoàn tất phần thô.
Đến đầu tháng 3/2016, Formosa lại có công văn mời Ban trị sự Phật giáo Hà Tĩnh chủ trì xây nơi thờ phụng và phần tâm linh tại công ty này.
Sau khi nhận được văn bản đề nghị của Ban trị sự Phật giáo Hà Tĩnh, UBND tỉnh Hà Tĩnh có văn bản gửi các sở ban ngành, Ban quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh, UBND TX Kỳ Anh... xem xét tham mưu hướng xử lý.
Tháp biểu tượng tinh thần" cao 32 m với mục đích quảng bá của Formosa Hà Tĩnh đã bị sở Xây dựng tỉnh này “tuýt còi”, tạm dừng thi công vì chưa xin giấy phép.
4. Xây tháp tinh thần không phép
Cuối năm 2015, Sở Xây dựng Hà Tĩnh lập biên bản, yêu cầu Công ty TNHH Hưng Nghiệp gang thép Formosa tạm đình chỉ việc xây dựng tòa "tháp biểu tượng tinh thần" trước cổng chính của công ty này tại phường Kỳ Liên (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh).
Tòa tháp được xây dựng tại cổng ngã ba Formosa, phường Kỳ Liên (Khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh). |
Tòa tháp được thiết kế cao 32 m, 1 tầng, khởi công từ tháng 10 với tổng số vốn khoảng 6 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Công ty Formosa, một công ty có trụ sở đóng tại TP HCM là đơn vị thi công.
5. Nghi án Formosa khiến cá chết trắng biển miền Trung
Cá chết hàng loạt tại các tỉnh ven biển miền Trung. |
Mặc dù chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân làm chết hàng tấn cá biển tại Hà Tĩnh trong những ngày gần đây nhưng nhiều người dân và một số nhà khoa học đặt nghi vấn về hệ thống xả thải của dự án Formosa ở Khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh).
Trước đó, tại Khu kinh tế Vũng Áng xuất hiện tình trạng cá biển chết hàng loạt. Số lượng cá chết được ước tính lên tới hàng chục tấn.
Ngay sau đó, một số ngư dân lặn biển trình báo về việc họ nhìn thấy một hệ thống ống ngầm lớn nối từ dự án của Formosa ra biển.
Theo mô tả của ngư dân, ống dài khoảng 1,5 km, đường kính hơn một mét được chôn nông dưới đáy biển, phủ phía trên là lớp đá hộc cùng bao tải cát. Nước trong ống phun ra rất mạnh, có màu vàng đục, mùi hôi thối khó thở.
Mặc dù thừa nhận có hệ thống ống xả thải xuống biển, nhưng lãnh đạo Formosa vẫn lên tiếng phủ nhận lý do cá chết là do đường ống thải Formosa.
Đại diện công ty này cho biết: "Xung quanh hệ thống kênh xả thải, chúng tôi nuôi cá để kiểm tra chất lượng nước. Thực tế trong kênh của chúng tôi, cá vẫn sống. Nếu do xả thải, thì cá trong này phải chết trước cá ngoài biển. Do vậy công ty yên tâm về việc mình không làm gì ảnh hưởng tới môi trường biển Việt Nam".
Phạm Bằng
(tổng hợp)