Điểm số đâu dành cho riêng em?
(Baonghean.vn) - Thầy giáo Hồ Tuấn Khôi, một chuyên viên của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã từng có boăn khoăn: “Cầm bút ghi điểm hai/Nghe lòng trăn trở mãi/Ồ điểm này đâu phải/Chỉ dành riêng cho em?”. Đề thi không đơn thuần chỉ đánh giá kết quả làm bài của học sinh mà còn đánh giá chính trình độ của các tác giả ra đề.
» Tâm thư gửi các bố mẹ hoang mang vì con không làm được bài thi học kỳ
» Xúc động bức tâm thư của ông bố gửi con gái sau kỳ thi cuối học kỳ
» Học sinh lớp 5 viết tâm thư về đề thi cuối kỳ ở thành phố Vinh
Những ngày này, ở Hà Nội cách xa quê hương 300 km nhưng chúng tôi vẫn nghe những dư luận trái chiều về đề thi lớp 5 của các trường tiểu học thành phố Vinh.
Tôi viết dòng chữ này, khi con trai tôi cũng học lớp 5 của một trường tiểu học thuộc quận Đống Đa (Hà Nội) đang say sưa chơi với các bạn cùng lớp tại Ecopark. Chơi xong chia tay nhau, năm sau mỗi cháu sẽ chọn cho mình một ngôi trường để theo học. Tại trường Trung Tự, các em học sinh lớp 5 không phải viết tâm thư, phụ huynh cũng không bàn tán về đề thi dễ hay khó. Tất nhiên là Sở Giáo dục và Đào tạo và cao hơn là Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không phải vào cuộc, báo chí cũng không phải tốn giấy mực. Trường con trai tôi theo học, nhà trường tự ra đề thi, các cô chấm chéo và ban giám hiệu phúc tra ngẫu nhiên các bài thi của lớp 5, thế là xong.
Nhẹ nhàng và đơn giản bao nhiêu. Có lẽ Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh là số ít đơn vị trong toàn quốc tự “mang ách vào cổ” khi dành quyền ra đề thi học kỳ lớp 5.
Ai cũng giật mình
Học sinh lớp 5 một trường ở Hà Nội sau kỳ thi học kỳ. Ảnh: An Thanh. |
Tôi cũng đồng cảm với băn khoăn của ông Thái Khắc Tân - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Vinh khi trả lời Báo Nghệ An: “Điều này, nếu nói bất thường là có bởi từ năm 2014 trở về trước, kiểm tra định kỳ các năm của thành phố mỗi năm là khoảng 1.800 điểm 10 môn Toán, 1.000 điểm 10 môn Tiếng Việt (chiếm khoảng 60%)”. Có lẽ, nhiều năm làm Trưởng phòng dục và Đào tạo nên thầy Tân đã “lờ mờ” thấy bất hợp lý, để quyết định “áp dụng thi đề chung cho học sinh lớp 5”.
Để rồi, năm ngoái những người làm công tác giáo dục TP Vinh giật mình: “Từ năm ngoái đến nay, sau khi thành phố áp dụng thi đề chung cho học sinh lớp 5 thì giảm hẳn. Đơn cử như năm trước, thành phố chỉ có 49 điểm 10 môn Toán và 69 điểm 10 môn Tiếng Việt”. Sau khi các thầy, cô giật mình thì năm nay đến lượt phụ huynh giật mình với kết quả thi: “Không có điểm 10 cho cả hai môn Toán và Tiếng Việt”. Không ít phụ huynh có 9 kỳ thấy con mình toàn điểm 10, kỳ học thứ 10 bỗng hốt hoảng, không tin vào mắt mình.
Đề thi không đơn thuần chỉ đánh giá kết quả làm bài của học sinh mà còn đánh giá chính trình độ của các tác giả ra đề. Không phải “xuất bản” các đề thi “khó nhất vịnh Bắc Bộ” là đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh đánh giá cao trình độ chuyên môn của người ra đề. Tôi nhớ thầy giáo Hồ Tuấn Khôi, một chuyên viên của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã từng có băn khoăn: “Cầm bút ghi điểm hai/Nghe lòng trăn trở mãi/Ồ điểm này đâu phải/Chỉ dành riêng cho em?”.
Thiệt thòi là học sinh
Đúng như ông Thái Huy Vinh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã thừa nhận, đề thi quá khó và không đúng tinh thần giảm tải của Thông tư 22. Chúng ta hô hào giảm tải học mà lại tăng độ khó của đề thi là điều vô lý. Rõ ràng, Bộ quy định đề thi của học sinh chỉ gồm 4 mức độ khó thì dường như các em học sinh đang phải làm bài với “cấp độ 5”. Đúng là khi đề ra khó đến nỗi không làm được thì học sinh giỏi và kém đều…như nhau.
Thực ra, về góc độ phụ huynh, chúng tôi cho rằng nếu để tình trạng 60% học sinh đạt điểm 10 là không phản ánh chính xác thì việc 0% học sinh được điểm 10 môn Toán và Tiếng Việt lại càng phản ánh không đúng thực trạng học sinh. Con số 0% không tương ứng với kết quả các cuộc thi học sinh giỏi của thành phố trong năm học.
Bài thi học kỳ nên chăng chỉ cần là bài kiểm tra kiến thức, không nhất thiết phải "đánh đố" học sinh? Ảnh: Internet. |
Rõ ràng khi giao cho trường ra đề thi mà không ổn, rút về để Phòng ra đề cũng đầy rẫy bất cập thì chúng ta cần nghiêm túc xem lại. Thứ nhất, đây chỉ đơn thuần là kỳ thi học kỳ của học sinh lớp 5, không cần có “quy trình” rắc rối đến như vậy nhưng rốt cuộc chính Trưởng phòng phải thừa nhận: “Với kết quả như thế này tôi cũng hơi băn khoăn bởi không nhiều thì ít cũng phải có em điểm 10. Phải thừa nhận đề thi mà Phòng ra chưa sát với thực tế trình độ học sinh”. Thứ hai, nếu trường nào làm chưa đúng thì Phòng chấn chỉnh chứ không nên “sửa cái sai này bằng một cái sai khác” như hiện nay. Chưa kể, nếu cấp trường ra đề chưa chuẩn chỉ ảnh hưởng ít trường, còn cấp Phòng ra đề chưa sát thì có đến 29 trường tiểu học trong thành phố bị ảnh hưởng.
Hãy đơn giản mọi việc để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, để không có nhiều tâm thư của cả học sinh và phụ huynh phàn nàn về việc thi cử. Đó chính là tinh thần đổi mới giáo dục của Thông tư 22.
AT